10/01/2025

Gieo chữ ở ‘Trường Sa cạn’

Ngày tuần tra đường biên, đêm xuống các chiến sĩ biên phòng ở vùng cực bắc Tổ quốc lại ngược đèo, vượt núi đến các lớp xoá mù chữ nằm sâu trong hẻm núi.

 

Gieo chữ ở ‘Trường Sa cạn’.

Ngày tuần tra đường biên, đêm xuống các chiến sĩ biên phòng ở vùng cực bắc Tổ quốc lại ngược đèo, vượt núi đến các lớp xoá mù chữ nằm sâu trong hẻm núi.

 

 

Gieo chữ ở Trường Sa cạn - Ảnh 1.

Thượng uý Giàng A Trú cùng hai anh em Khoa, Xuyên trước giờ đến trường – Ảnh: H.Thanh

Cô ấy vui lắm khi viết được tên mình lên giấy… Từ hôm viết được, không còn bỏ lớp nữa

Thiếu tá Phạm Công Khanh

Mảnh đất Tả Gia Khâu (Lào Cai) thiếu thốn đủ bề, thiếu điện, thiếu nước như các đảo ngoài Trường Sa nên được gọi là “Trường Sa trên cạn”. 

Thế nhưng, ngày đi tuần, tối đến bản, thượng uý Giàng A Trú kiêm luôn thầy dạy chữ cho bà con dưới chân núi Tả Gia Khâu và Dìn Chin.

“Trốn” khi thấy thầy

Hằng ngày, cứ đúng 19h, thiếu tá Phạm Công Khanh (cán bộ vận động quần chúng đồn biên phòng Bát Xát, Lào Cai) lại khoác balô vượt 13km đường núi ngoằn ngoèo từ đồn về thôn San Bang (xã Bản Vược) dạy chữ ở lớp xóa mù chữ.

 
 

Đó là một lớp học nằm sâu trong hẻm núi, được khai mở cách đây hai năm. Ngày đầu tiên đến lớp, thiếu tá Khanh nhớ ánh mắt lẩn trốn của những mẹ, những chị khi thầy giáo Khanh nhìn xuống. Đó là một cảm giác rất thương. 

“Mới đầu vì ngại học chữ nên bà con thường tìm cách lẩn trốn khi thấy anh em đến nhà vận động. Vậy nên mình phải chiều theo giờ giấc học viên. Bà con ngại học chữ vì tay cầm cuốc, cầm xẻng giỏi hơn cầm bút” – thiếu tá Khanh chia sẻ.

Vậy nên mỗi lần lên lớp, thiếu tá Khanh luôn nghĩ ra cách dạy để đồng bào dễ nhớ. “Bà con bây giờ dùng điện thoại nhiều lắm, nhưng không biết làm thế nào để nhắn tin cho người thân. 

Mỗi lần thấy bà con lúng túng là mình chỉ cách nhắn tin, vậy là dần dần họ quen mặt chữ” – thiếu tá Khanh cười nói.

Nhưng với thầy Khanh, “ca” khó đỡ nhất trong lớp không phải là các bà, các chị tuổi tầm 50, mà là trường hợp của chị Phàn Thị Hằng (32 tuổi, người Dao). 

Kinh tế gia đình quá khó khăn, một mình nuôi hai con nhỏ trong khi mắt lại cận thị nặng, nên để chị Hằng đến được lớp thường xuyên là một nhiệm vụ nặng nề. 

Nhưng rồi tỉ mẩn từng chút một, cuối cùng sau gần hai năm kèm cặp, thầy Khanh đã giúp chị Hằng cầm được bút ký tên mình thay vì phải lăn tay, chỉ điểm như trước. 

“Cô ấy vui lắm khi viết được tên mình lên giấy… Từ hôm viết được, không còn bỏ lớp nữa” – thầy Khanh nói về chị Hằng với giọng đầy hãnh diện.

Gieo chữ ở Trường Sa cạn - Ảnh 3.

Em học trò mồ côi Phạm Thị Phương Anh được đồn biên phòng Bát Xát nhận về dạy học. Trong ảnh: thiếu tá Phạm Công Khanh dạy kèm cho Phương Anh

Gian nan đường gieo chữ

Ra trường, lên đồn biên phòng Si Ma Cai (Lào Cai) đóng quân, ba năm sau thượng úy Giàng A Trú được phân công về đồn Tả Gia Khâu vận động quần chúng ra lớp.

Muốn vận động được dân ra lớp, anh em trong đồn phải “ngồi vào mâm” cùng ăn cùng uống rượu. 

Có như thế chồng mới tạo điều kiện cho vợ đi học, còn không cứ nghĩ vợ đi chơi không làm việc, vậy là ra chợ uống rượu say xong về nhà lao vào đánh cho hả giận. 

Những lần như vậy, thượng úy Trú phải lặn lội về tận nhà phân minh: “Mình dạy chữ cho nó là để nó không đi lạc đường xuống huyện. Chỉ cần biết chữ thì không cần hỏi ai cũng biết đường về”. 

Không dừng lại chuyện đó, mỗi lần đến lớp, thượng úy Trú còn mang cả túi thuốc đau bụng, hạ sốt phát cho bà con… Dần dần bà con ai cũng đến lớp, vừa học được cái chữ vừa xin thuốc đem về nhà phòng khi đau ốm.

Lớp học của những trẻ mồ côi

Những người lính ở đồn biên phòng Tả Gia Khâu thường kể cho nhau nghe về câu chuyện của hai đứa trẻ mồ côi là Ma Seo Khoa và Ma Seo Xuyên, mà người đỡ đầu cho chúng chính là thượng úy Giàng A Trú.

Thượng úy Trú kể trong một lần xuống bản nắm tình hình, anh tình cờ gặp Khoa đứng khóc một mình ở đầu hẻm núi. Hỏi thăm mới biết cha em mất tháng trước, nhà lại quá nghèo nên đành bỏ học. 

Vậy là thượng úy Trú về xin ý kiến chỉ huy, được cấp trên đồng ý, anh lập tức quay về bản tìm cách vận động mẹ của Khoa và Xuyên cho hai em về đồn học chữ. Năm đó Khoa lên 9, còn Xuyên lên 8.

Sáng sáng, các chú bộ đội thay phiên đưa hai anh em Khoa đến lớp, chiều đón về đơn vị. Cứ thế, hết năm này qua năm khác, giờ đây cả Khoa và Xuyên là những cô cậu học trò chăm ngoan suốt mấy năm liền.

Tương tự, ở đồn biên phòng Bát Xát, cô bé Phạm Thị Phương Anh (11 tuổi, xã Bản Vược) cũng đang được cưu mang bởi những vòng tay yêu thương của những thầy giáo mang quân hàm xanh. 

Tâm sự về Phương Anh, thiếu tá Phạm Công Khanh nói: “Phương Anh sinh ra nặng chỉ chừng 1,8kg, được ít hôm thì mẹ mất, trong khi bố bị bệnh nặng. Thấy hoàn cảnh ngặt nghèo nên anh em bàn nhau nhận về nuôi. 

Về sau, Phương Anh chính thức gia nhập lớp học tình thương nơi vùng biên ải do chính thầy Khanh đứng lớp. 

“Hôm khai giảng vừa rồi, anh em trong đơn vị trích tiền lương mua áo quần mới cho các em. Thấy các em tung tăng đến trường ai cũng vui lây” – thiếu tá Khanh tâm sự thật lòng.

1

Thiếu tá Phạm Công Khanh dạy chữ cho học viên đặc biệt Phàn Thị Hằng. Chị Hằng bị cận bẩm sinh, mắt mờ khó nhìn thấy con chữ, nhưng chị đã cố gắng học xong lớp 5

Chia sẻ về những người thầy mang quân hàm xanh, trung tá Đặng Văn Dũng, chính trị viên đồn biên phòng Bát Xát, nhận xét: “Thầy Phạm Công Khanh luôn làm tròn trách nhiệm của cán bộ vận động quần chúng, làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền cho bà con nhân dân ba xã biên giới là Quang Kim, Bản Qua và Bản Vược.

Vì làm tốt dân vận nên đơn vị giao cho thầy Khanh đứng lớp xoá mù chữ và thầy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

 

HÀ THANH