11/01/2025

ĐTC tiếp kiến chung các tín hữu hành hương: 11-10-2017

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung 30.000 tín hữu sáng ngày 11-10-2017, ĐTC nhắn nhủ các tín hữu tin tưởng và hy vọng chờ đợi Chúa, mặc dù gặp phải những khó khăn trong cuộc sống thường nhật. Trong số những người hiện diện có 60 hồng y, giám mục và các chức sắc khác đang tham dự khoá họp toàn thể của Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương nhân kỷ niệm 100 năm thành lập bộ này.

 ĐTC tiếp kiến chung các tín hữu hành hương: 11-10-2017

 

 

 

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung 30.000 tín hữu sáng ngày 11-10-2017, ĐTC nhắn nhủ các tín hữu tin tưởng và hy vọng chờ đợi Chúa, mặc dù gặp phải những khó khăn trong cuộc sống thường nhật.  

Trong số những người hiện diện có 60 hồng y, giám mục và các chức sắc khác đang tham dự khoá họp toàn thể của Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương nhân kỷ niệm 100 năm thành lập bộ này. 10 thừa sai Dòng Ngôi Lời, 20 nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ.

Lúc gần 9 giờ 20, ngài đi xe mui trần tiến vào quảng trường và dành 20 phút tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu. Đặc biệt trong số những người hiện diện cũng có một số người Việt Nam.

Lên tới lễ đài ĐTC bắt tay chào và cám ơn khoảng 10 LM thông dịch viên có nhiệm vụ diễn giải những gì ngài nói qua các sinh ngữ.

Mở đầu buổi tiếp kiến, mọi người nghe đọc Bài Tin Mừng theo Thánh Luca (12,35-38.40) ghi lại Lời Chúa dạy các môn đệ hãy tỉnh thức, luôn sẵn sàng, chờ đợi chủ về nhà… Các con hãu sẵn sàng vì Con Người sẽ đến vào giờ các con không ngờ!


Bài huấn dụ của ĐTC

Trong bài huấn dụ, ĐTC nói về đề tài “Sự chờ đợi tỉnh thức”. Đây là bài thứ 36 trong loạt bài giáo lý về đức hy vọng Kitô giáo. Ngài nói:

“Hôm nay tôi muốn nói về chiều kích của hy vọng là sự chờ đợi tỉnh thức. Đề tài tỉnh thức là một trong những sợi chỉ dẫn đường của Tân Ước. Chúa Giêsu giảng dạy các môn đệ: “Các con hãy sẵn sàng, với áo được thắt ở lưng và cầm đèn sáng; các con hãy làm như những người đang chờ đợi chủ mình về nhà sau tiệc cưới, làm sao để khi chủ về và gõ cửa thì mở cửa ngay.” (Lc 12,35-36). Trong thời ấy, sau khi Chúa Giêsu sống lại, có những lúc thanh thản và những lúc lo âu, liên tục kế tiếp nhau, các tín hữu Kitô không bao giờ thoải mái. Tin Mừng nhắc nhở họ hãy làm như những đầy tớ không bao giờ đi ngủ cho đến khi chủ về. Thế giới này đòi tinh thần trách nhiệm của chúng ta, và chúng ta đón nhận trọn trách nhiệm ấy với lòng yêu mến. Chúa Giêsu muốn rằng cuộc sống chúng ta là cần cù làm việc, và không bao giờ ngừng cảnh giác, để đón nhận mỗi ngày mới Chúa ban cho chúng ta với lòng biết ơn và kinh ngạc. Mỗi sáng là một trang giấy trắng trên đó Kitô hữu bắt đầu viết với những công việc lành. Chúng ta đã được cứu độ nhờ sự cứu chuộc của Chúa Giêsu, nhưng giờ đây chúng ta chờ đợi sự tỏ lộ viên mãn vương quyền của Chúa: khi Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi người (x. 1 Cr 15,28). Các tín hữu Kitô tin rằng không có gì chắc chắn hơn là “cuộc hẹn ấy”. Và khi ngày ấy đến, các tín hữu Kitô chúng ta muốn giống như những người đầy tớ đã trải qua đêm khuya, áo thắt lưng và tay cầm đèn sáng: cần phải sẵn sàng đối với ơn cứu độ đang tới, sẵn sàng gặp gỡ Chúa.

Kitô hữu không được dựng nên để sống trong buồn chán, nhưng để kiên nhẫn. Họ biết rằng cả trong cuộc sống đều đều mỗi ngày giống nhau có chứa ẩn một mầu nhiệm ân phúc. Có những người với lòng kiên trì của tình yêu trở thành như những giếng nước tưới gội sa mạc. Không gì xảy ra vô ích và không có tình trạng nào trong đó Kitô hữu bị hoàn toàn miễn nhiễm đối với tình thương. Không đêm đen nào dài đến độ làm quên đi niềm vui của bình minh. Nếu chúng ta kết hiệp với Chúa Giêsu, thì cái lạnh lẽo của những lúc khó khăn sẽ không làm cho chúng ta bị tê liệt, và cả khi toàn thế giới rao giảng chống lại hy vọng, họ nói rằng tương lai chỉ mang lại những đám mây đen, thì Kitô hữu vẫn biết rằng trong tương lai ấy có sự trở lại của Chúa Kitô. Khi nào điều này xảy ra, không ai biết được, nhưng khi nghĩ rằng vào cuối lịch sử của chúng ta, có Chúa Giêsu Từ Nhân, nên chỉ cần tín thác và đừng nguyền rủa cuộc sống. Tất cả sẽ được cứu thoát.”

ĐTC nói tiếp:

“Chúng ta sẽ đau khổ, sẽ có những lúc khiến chúng ta giận dữ, phẫn nộ, nhưng nhớ đến Chúa Kitô dịu dàng và quyền năng sẽ đánh tán cám dỗ nghĩ rằng cuộc sống này là một sai lầm.

Sau khi nhận biết Chúa Giêsu, chúng ta không thể làm gì khác hơn là nhìn lịch sử với lòng tín thác và hy vọng. Chúa Giêsu như một căn nhà và chúng ta ở trong đó, và từ cửa sổ của nhà ấy, chúng ta nhìn thế giới. Vì thế, chúng ta đừng khép kín vào mình, đừng tư lự tiếc nuối một quá khứ có vẻ là vàng son, nhưng chúng ta luôn nhìn về đường trước, nhìn về một tương lai không phải chỉ là công trình của tay chúng ta, nhưng trước tiên đó là một mối quan tâm liên lỷ của Chúa Quan Phòng. Tất cả những gì là mờ đục, một ngày kia sẽ trở thành ánh sáng.

Thiên Chúa không phủ nhận chính mình. Thánh ý ngài đối với chúng ta không phải là mây mù, nhưng là một dự phóng cứu độ rõ rệt: “Chúa muốn cho tất cả mọi người được cứu thoát và đạt tới sự nhận biết chân lý.” (1 Tm 2,4). Vì thế, chúng ta đừng chiều theo dòng thời gian với thái độ bi quan, như thế lịch sử là một chiếc xe hoả bị mất tay lái. Thái độ cam chịu không phải là một nhân đức Kitô giáo. Thái độ nhún vai hoặc cúi gập đầu trước một định mệnh có vẻ không thể tránh nổi, đó không phải là thái độ của Kitô hữu.

Ai mang lại hy vọng cho thế giới thì không bao giờ là một người tháo thứ. Chúa Giêsu nhắn nhủ đừng chờ đợi Ngài mà không làm gì: “Phúc cho những đầy tớ khi chủ về mà ông thấy người ấy còn tỉnh thức.” (Lc 12.37). Không có người xây dựng hoà bình nào mà không hy sinh an bình cá nhân, đảm trách những vấn đề của người khác.

Mỗi ngày trong cuộc sống, chúng ta hãy lặp lại lời khẩn cầu của các môn đệ đầu tiên, trong tiếng Aramaico, họ nói: “Marana tha” (Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!) (Kh 22.20). Đó là điệp khúc của mỗi cuộc sống Kitô: trong thế giới này, chúng ta không cần gì khác ngoài sự âu yếu của Chúa Kitô. Phúc dường nào nếu, trong kinh nguyện, trong những ngày khó khăn của cuộc sống, chúng ta nghe tiếng Chúa đáp lại và trấn an chúng ta: “Này đây, Ta sắp tới.” (Kh 22,7).

Chào thăm

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, các LM thông dịch viên lần lượt tóm lược trong các sinh ngữ khác nhau cùng với những lời chào thăm và nhắn nhủ của ĐTC.

Trong lời chào bằng tiếng Pháp, ĐTC đặc biệt nhắc đến các tín hữu đến từ Pháp, Thuỵ Sĩ, Canada, và Cộng hoà Trung Phi. Ngài nói: “Ước gì ký ức về Chúa Kitô dịu dàng và quyền năng giúp chúng ta luôn tỉnh thức trong hy vọng và chăm chú lắng nghe Lời Chúa.”

Khi chào các tín hữu bằng tiếng Anh, ĐTC đặc biệt chào những tín hữu sẽ cử hành Ngày Thế giới Thị giác cử hành ngày 12-10 này. Và ngài nói: “Tôi cam đoan gần gũi và cầu nguyện cho những người bị mù hoặc kém mắt. Tôi cầu xin ơn Chúa đổ xuống trên anh chị em và thân quyến, để anh chị em luôn kiên vững trong hy vọng và tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa đối với cuộc sống của chúng ta.”

Ngỏ lời bằng tiếng Ý, ĐTC đặc biệt chào thăm ĐHY Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương, cùng với các thành viên của Bộ nhóm họp tại Roma nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Bộ này. Ngài nói: “Tôi phó thác công việc của anh em cho lời chuyển cầu của Thánh Gioan XXIII mà hôm nay chúng ta kính nhớ trong phụng vụ, để Bộ các Giáo hội Công giáo Đông ophương tiếp tục quảng đại phục vụ Đông phương Công giáo.”

ĐTC không quên chào thăm các đôi vợ chồng mới cưới, các bạn trẻ và các bệnh nhân. Ngài nói: “Tháng 10 là Tháng Truyền giáo trong đó chúng ta được mời gọi cầu xin Đức Mẹ là Mẹ các xứ truyền giáo. Các bạn trẻ thân mến, các con hãy trở thành thừa sai của Chúa Kitô trong môi trường của các con với lòng từ bi và dịu dàng. Và xin anh chị em bệnh nhân hãy dâng những đau khổ của mình để cầu cho sự hoán cải của những người xa lìa, những người dửng dưng.”

 

 

G. Trần Đức Anh OP