Bác sĩ của người nghèo
Suốt năm tháng qua, ông Đỗ Văn Hiển (59 tuổi, P.Xuân Đỉnh, Q.Bắc Từ Liêm, TP hà Nội) đều đặn được bác sĩ Đặng Cát tiêm thuốc mỗi ngày.
Bác sĩ của người nghèo
Suốt năm tháng qua, ông Đỗ Văn Hiển (59 tuổi, P.Xuân Đỉnh, Q.Bắc Từ Liêm, TP hà Nội) đều đặn được bác sĩ Đặng Cát tiêm thuốc mỗi ngày.
Một người khỏi bệnh thì tôi vui một, người ta vui mười nên tôi quyết tâm chữa bệnh cho mọi người. Không vì tiền, không vì danh, đây là tình cảm của tôi dành cho con người
Ông Đặng Cát
Ông Hiển là dân lao động, bị “đủ thứ bệnh”, lại nghèo, được bác sĩ Cát chữa bệnh không lấy tiền.
30 năm qua kể từ khi nghỉ hưu với hàm trung tá, vị bác sĩ quân y nay đã 81 tuổi này vẫn không nghỉ ngơi để an hưởng tuổi già mà cứ ôm việc vào người, nhận khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân ngay tại tư gia.
Ông vừa được UBND TP Hà Nội vinh danh là một trong 10 công dân ưu tú của thủ đô vào ngày 8-10.
Sợ bệnh nhân đợi
Ngày nào cũng vậy, khoảng đầu giờ chiều là căn nhà nhỏ chưa đầy 15m2 của vợ chồng ông ở P.Nhật Tân, Q.Tây Hồ chộn rộn tiếng người. Họ đều là người bệnh.
Từ ngày nghỉ hưu đến nay đã hơn 30 năm, chẳng mấy khi ông Cát đi xa nhà vì sợ bệnh nhân đến gọi cửa không biết lúc nào.
Như ông Đỗ Văn Hiển mắc đủ chứng bệnh như đau lưng, thoái hóa đĩa đệm, đốt sống lưng… từ năm 2007, chữa trị ở đây từ năm tháng nay.
Ông gọi bác sĩ Cát bằng bố: “Tôi gọi bác sĩ là bố vì nhiều tuổi, đáng kính nên gọi vậy cho thân tình. Bố chữa bệnh từ thiện giúp dân, giúp những nhà nghèo là điều đáng quý lắm” – ông Hiển bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Minh Tính (phố Lò Đúc, Q.Hai Bà Trưng) đưa chồng bị tai biến và cả bà với đôi chân bị lở loét, ngứa đằng đẵng 20 năm trời cùng đến chữa bệnh. Bà nói khổ quá, thôi cứ nhờ bác sĩ.
Trạc tuổi vị bác sĩ già là bệnh nhân Nguyễn Tiến Trúc (79 tuổi, P.Vĩnh Tuy, Q.Hai Bà Trưng) đau khớp, đau chân, bị ngã đến ba lần.
Cứ năm ngày ông Trúc đến một lần, đều như vắt chanh. “Đến đây chữa thì đỡ, cụ Cát niềm nở nên tôi coi cụ như anh trai mình. Cảm ơn cụ vì nhiệt tình, đức độ lắm” – ông Trúc bày tỏ lòng biết ơn với vị bác sĩ già.
Hồi trước khi bác sĩ Cát mở khám, ban đầu chỉ là vài người thân, hàng xóm láng giềng thân cận.
Dần dần tiếng lành đồn xa, bệnh nhân của ông không còn gói gọn trong khu phố nữa mà đến từ nhiều nơi trên cả nước. Người từ Phú Thọ, Thanh Hóa, Huế, Bình Định, tận Cà Mau cũng lặn lội đến đây.
Không chẩn bệnh qua điện thoại
Ông Cát nhớ lại vào năm 1952 ông lên đường nhập ngũ, được phân công là y tá cho đội điều trị 2 của Cục Quân y. Năm 1954, ông tham gia đoàn quân tiếp quản thủ đô. Năm 1956, đơn vị gọi đi học tại Học viện Quân y, sau đó ông công tác tại nhiều đơn vị trên cả nước.
Nơi ông Cát nhớ và quyến luyến nhất là địa bàn tỉnh Sơn La. Suốt 10 năm thăm khám, chữa bệnh cho quân dân ở đây, nhiều trường hợp đã được ông cứu khỏi bàn tay của tử thần.
Trong đó có trường hợp con của một phụ nữ tên Trường. Năm 1970 chị sinh một bé trai ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La. Ba ngày bé bỏ bú, ruột phình to. Đến ngày thứ tám, bệnh viện trả về.
“Tôi nhớ cô Trường lặn lội mấy quả đồi đến gặp tôi xin chữa cho con trai. Tôi vận dụng các thuốc co thắt đường ruột lại, ba tiếng/ngày lại tiêm một lần. Đến ngày thứ 12, 13 cháu bú lại sữa mẹ, bụng xẹp dần, thế là khỏi. Nay thằng bé lớn rồi, khỏe mạnh lắm” – ông Cát nhớ lại.
Thời gian công tác ở Sơn La, ông đã tìm ra nhiều bài thuốc Nam kết hợp với Tây y trong điều trị, chữa bệnh. Rời Sơn La, ông Cát về lại thủ đô công tác. Đến năm 1989 ông nghỉ hưu.
Điều đặc biệt ở vị bác sĩ này là nhất định không thăm khám qua điện thoại. Nguyên tắc chữa bệnh của ông là: nhìn, sờ, ngó, nghe cụ thể.
“Mình phải nắm được diễn biến của bệnh tật trên nền tảng khoa học để bắt bệnh và chữa. Tôi tối kỵ nói chuyện với bệnh nhân qua điện thoại, phải đến trực tiếp thăm khám. Cũng vậy mà tôi ít khi đi xa lắm, ở nhà đợi bệnh nhân thôi” – ông Cát tâm sự.
“Tôi nghĩ con người là vốn quý của xã hội, mà sức khỏe là vốn quý của con người. Một người khỏi bệnh thì tôi vui một, người ta vui mười nên tôi quyết tâm chữa bệnh cho mọi người. Không vì tiền, không vì danh, đây là tình cảm của tôi dành cho con người. Các cụ xưa nói “Cứu một người phúc đẳng hà sa”, tôi quyết tâm phục vụ nhân dân” – ông Cát nói.
Rồi ông kiểm đếm lại các toa thuốc của từng người, đợi đến đúng giờ hẹn điều trị cho bệnh nhân.
Không tiền bạc gì
Trong căn nhà nhỏ, ông khám bệnh và kê đơn miễn phí. Nếu bệnh nhân cần điều trị lâu dài, cần tiêm thuốc thì ông cũng phục vụ, dĩ nhiên không tiền bạc gì.
Trong căn nhà nhỏ nhưng có chỗ cho một tủ thuốc gọn gàng. Với những bệnh nhân điều trị lâu dài, ông phân chia bọc thuốc của người này, cất bọc thuốc của người kia kỹ lưỡng, không để ai nhầm thuốc của ai.