11/01/2025

Sân chơi của ‘mầm non’ văn nghệ xưa

‘Cáo lỗi cùng độc giả toàn quốc: Vì tờ Bút Học Trò gặp trở lực lớn lao trên trường văn, trận bút nên phải đình bản và thay thế bằng tờ Bút Mới.

 

Sân chơi của ‘mầm non’ văn nghệ xưa.

‘Cáo lỗi cùng độc giả toàn quốc: Vì tờ Bút Học Trò gặp trở lực lớn lao trên trường văn, trận bút nên phải đình bản và thay thế bằng tờ Bút Mới. Chúng tôi quyết san bằng mọi khó khăn nguy khốn để đáp lại thịnh tình của bạn đọc bốn phương, đồng thời nỗ lực đóng góp vào công cuộc phát huy tương lai văn hóa dân tộc’.




Chuyên mục dành cho tuổi học trò Báo Thiếu NhiẢNH: L.M.Q.

In báo bằng… xu xoa
Nếu biết ai viết và tại sao có câu văn “hoành tráng” này, chắc chắn bạn đọc Báo Thanh Niên sẽ… tủm tỉm cười. Vì rằng, ấy là lời “phi lộ” trong tập san in thạch bản của một nhóm học trò trung học “mặt búng ra sữa”, mê văn chương sống tại Hà Nội vào thập niên 1950. Chi tiết ngộ nghĩnh này nhà văn Nhật Tiến đã kể lại trong hồi ký Thuở mơ làm văn sĩ, đăng feuilleton (dài kỳ) trên Báo Thiếu Nhi ở miền Nam trước năm 1975.
Sau này, qua truyện dài Lá nằm trong lá, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng có kể lại. Thật ấn tượng bởi bút nhóm Mặt Trời Khuya, gồm những “cây bút” dù còn mài đũng quần trên ghế nhà trường nhưng tự nhận “tương lai của văn chương nước nhà” như Cỏ Phong Sương, Trầm Mặc Tử, Hận Thế Nhân, Lãnh Nguyệt Hàn… Tác phẩm này hấp dẫn, chân thực, độc đáo bởi Nguyễn Nhật Ánh không hề tưởng tượng mà lấy chất liệu có thật trong sinh hoạt văn nghệ của thế hệ anh.
Các “mầm non” văn nghệ ấy học chung trường, có thể cùng hoặc khác lớp, họ quy tụ thành một bút nhóm, thi văn đoàn để động viên, góp ý sáng tác cho nhau. Và tất nhiên, để phổ biến “tác phẩm”, họ cũng ra báo như ai. Đó là tập san được in thạch bản, mỗi kỳ chỉ “phát hành” vài chục số, chủ yếu lưu hành trong lớp học, chuyền tay nhau đọc.
Sân chơi của 'mầm non' văn nghệ xưa - ảnh 1

Bìa báo Thằng Bờm xuất bản năm 1970

Cách “in” dễ lắm. Mua xu xoa (một dạng rau câu) trắng, đem về nhà nấu ra rồi đổ vào mâm đồng. Khi nó đã đông đặc, lật ngược mâm lại có một “bàn in” bằng phẳng. Bấy giờ, ai có “hoa tay” viết chữ đẹp thì được phân công viết các sáng tác thơ, văn, truyện ngắn… trên giấy trắng. Mực viết phải chọn phẩm tím, mực tàu loại tốt, chờ lúc giấy khô mực đem úp lên mặt “bàn in”, vuốt đều để mực thấm vào đó. Sau khi lấy tờ giấy đó ra là có “bản in” hoàn chỉnh. Rồi cứ đem các tờ giấy trắng khác úp lên, vuốt khẽ là in thêm bản thứ hai, thứ ba… Nếu mực tốt có thể in một lúc 50 bản, về sau mực càng mờ dần. Muốn in thêm trang khác thì cho xu xoa vào nồi, đổ thêm nước nấu lại để có “bàn in” mới.
Năm học lớp 8, cùng một lúc tôi gia nhập các bút nhóm, thi văn đoàn VN, Thoáng Hương, Hồn Trẻ, Mây Trắng… ở Sài Gòn. Trong lúc ở miền Trung chúng tôi chỉ mới phổ biến “tác phẩm” bằng cách in thạch bản thì tại Sài Gòn các “bạn văn” đã quay ronéo – tức viết tay hoặc gõ máy chữ trên giấy stencil. Hiện đại quá. Dù tờ đặc san ấy số lượng in rất ít ỏi, chỉ vài chục bản, trăm bản là cùng nhưng với “công nghệ tiên tiến” ấy đã khiến chúng tôi “sướng rêm”.
Đặc san Xuân Nhâm Tý (1972) của thi văn đoàn VN cho biết có cả thảy 305 hội viên như Khóe Mắt Tím, Kim Huyền Giao Giao, Bạc Phận “F”, Thy Hoang Mùa Đông, Mặc Thế Thái, Băng Hàn Tuyết Sương, Hoàng Liên Tử, Sao Rơi, Vạn Sầu Nhân, Cát Sa Mạc, Hoàng Dũ Linh, Thiên Bất Hủ… Còn nhớ, lúc tôi gia nhập bút nhóm Mây Trắng, nhóm trưởng có tên rất “yểu điệu”: Thảo (Phú Lâm). Sau này tôi mới bật ngửa ra khi biết chính là bút danh của nhà thơ Nguyễn Hải Thảo, cũng trạc tuổi tôi, nay là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM.
Tôi và các bạn cùng xóm Hải Châu (Đà Nẵng) thành lập bút nhóm Phù Sa sau thời gian sinh hoạt chung cùng các “văn hữu” ở Sài Gòn. Chúng tôi cũng mày mò bắt chước theo cách quay ronéo. Sau đó, cả nhóm chia nhau đem vào trường bán cho các lớp khác, không phải nhằm thu hồi vốn mà chính là tiếp tục… quảng bá “tác phẩm”.

Sân chơi của 'mầm non' văn nghệ xưa - ảnh 2

Chuyên mục dành cho tuổi học trò Báo Tuổi Ngọc

Sự hỗ trợ của báo chí dành cho thiếu nhi
Sở dĩ các “mầm non” văn nghệ thuở ấy không bỏ cuộc nửa chừng còn thêm lý do này: tại Sài Gòn có những nhà văn đi trước, khi chủ biên một tờ báo, họ cũng lập sân chơi nhằm quy tụ đối tượng độc giả của báo như nhà văn Nhật Tiến qua Thiếu Nhi thành lập Gia đình Thiếu Nhi, nhà thơ Nguyễn Vỹ qua Thằng Bờm tổ chức Gia đình Thằng Bờm… và mở rộng đến nhiều địa phương khác; các tuần báo dành cho tuổi mới lớn như Tuổi Hoa có chuyên mục Đồng cỏ non, thậm chí nhật báo như Chính Luận cũng có Gia đình Mai Bê Bi… dành đăng các sáng tác của các cây bút học trò.
Nhờ vậy, khi có “tác phẩm mới”, ngoài việc “in” ở các nội san thi văn đoàn, bút nhóm, chúng tôi còn có thêm “đất dụng võ”, nhiều sân chơi khác. Thỉnh thoảng những tờ báo trên cũng in lại “tác phẩm” từ các tập san học trò đã in thạch bản, quay ronéo như một cách ưu ái, động viên các “mầm non” văn nghệ.
Không chỉ quanh quẩn chuyện sáng tác làm thơ viết văn, một khi tự thành lập bút nhóm hoặc tham gia các “gia đình” nêu trên, chúng tôi còn được các anh chị đi trước tổ chức sinh hoạt cộng đồng. Đó là những cuộc cắm trại ở nơi xa, trại hè và sinh hoạt tập thể định kỳ tại địa điểm cố định vào mỗi sáng chủ nhật hằng tuần. Hầu như “kỹ năng sống” của lũ nhóc thế hệ yêu thơ văn chúng tôi đã được “đào tạo” trong khoảng thời gian này.

Nhớ lại năm tháng của “thuở mơ làm văn sĩ”, nhiều bè bạn ngày ấy đều cho rằng, nhờ trao đổi thơ văn, đọc và góp ý cho nhau các sáng tác trong sinh hoạt cộng đồng, họ đã trưởng thành lên. Từ sân chơi ngày đó, từ Hoài Mộng Diễm đã có Nguyễn Nhật Ánh, từ Thiên Bất Hủ có Lê Minh Quốc, từ Trần Quang Đoàn có Đoàn Vị Thượng… Từ Gia đình Thằng Bờm có Hy Yên nay là nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, Nguyễn Hữu Cứ nay là thành viên của Hội Xuất bản VN, đạo diễn Thái Loan (HTV)…; từ Gia đình Thiếu Nhi đã có Bạc Hà nay là nhà thơ Nguyễn Văn Nhân; nhà thơ Nguyễn Thanh Xuân; Mừng Hoang Vu (nhà văn Phan Vân Sơn)… Rồi ở Gia đình Mai Bê Bi có Lê Nguyễn Mai Trắng nay là nhà báo Bạch Mai (Báo Phụ Nữ TP.HCM)…

 

Lê Minh Quốc