11/01/2025

Ai hạ sát rừng pơmu xứ Nghệ?

Cả ba lần thâm nhập rừng cây pơmu trăm tuổi ở huyện Tương Dương (Nghệ An) bị đốn hạ giữa rừng thẳm, chúng tôi luôn bị cơ quan chức năng làm khó, cản trở. Dù vậy, chúng tôi đã tiếp cận được hiện trường rừng pơmu bị hạ sát.

 

Ai hạ sát rừng pơmu xứ Nghệ?

 

Cả ba lần thâm nhập rừng cây pơmu trăm tuổi ở huyện Tương Dương (Nghệ An) bị đốn hạ giữa rừng thẳm, chúng tôi luôn bị cơ quan chức năng làm khó, cản trở. Dù vậy, chúng tôi đã tiếp cận được hiện trường rừng pơmu bị hạ sát.


Ai hạ sát rừng pơmu xứ Nghệ? - Ảnh 1.

Một cây pơmu bị đốn hạ ở rừng Tương Dương, Nghệ An – Ảnh: V.TOÀN

Kể từ hôm nay, các phóng viên muốn vào rừng là đi được ngay. Việc dẫn đường, bảo vệ nhà báo do công an tỉnh đảm nhiệm. Tỉnh ghi nhận những thông tin của các nhà báo là góp phần làm rõ sự thật vụ án này

Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh

Vụ án đã được Công an huyện Tương Dương khởi tố từ tháng 3-2017, nhưng mọi thứ vẫn chưa sáng tỏ. Đến nỗi Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh phải lên tiếng: “Thường trực Tỉnh ủy đã họp bàn, giao công an tỉnh trực tiếp vào cuộc tìm ra cái gốc vụ việc”.

“Cái gốc vụ việc” mà ông Vinh đề cập là số lượng cây, khối lượng gỗ bị đốn hạ và ai, tổ chức nào chủ mưu gây ra vụ phá rừng nghiêm trọng này.

Ngổn ngang cây

Sau chuyến thâm nhập đầu tiên thất bại hồi tháng 8, chiều 22-9, chúng tôi tìm cách đột nhập rừng Tương Dương từ ngã xã Tam Hợp, đoạn mé rừng Phiến Niệt thuộc bản Phá Lõm.

Mang hành lý lội bộ theo con suối rừng. Trước mặt là dãy núi xanh rì cao hơn 1.500m ẩn hiện trong sương mù, vách cao dựng đứng. Ông Kha Văn Dậu (dân bản Văng Môn, xã Tam Hợp), người dẫn đường, nói: “Người Mông đi chỉ hai giờ, còn các anh đi mất tám giờ đấy”.

Đi chừng hơn tiếng đồng hồ, gặp bốn thanh niên người Mông đang hì hục tời những phiến pơmu dài 4m, rộng 50cm, dày 20cm tươi rói từ vị trí cưa xẻ đưa xuống chân rừng.

Lần theo đường đi của nhóm thợ rừng thì gặp một vạt rừng đổ rạp. 100m, 200m… Những cây pơmu trăm tuổi đường kính gần 1m, dài 20-30m ngã sóng soài, kéo theo từng vạt cây rừng đổ rạp. Dân lâm nghiệp gọi đó là hiện tượng “đổ trắng”. Cây đổ trắng cùng những gốc cây pơmu trắng tạo thành từng bãi rừng trắng hoang tàn.

Tại đây, hiện ra lối mòn do dân tời, kéo những phiến gỗ đã cưa xẻ ra bãi, chúng tôi thấy năm gốc cây không đánh số. Mở bản đồ quy hoạch vùng rừng này, dùng máy GPS (máy định vị cầm tay), chúng tôi xác định các gốc có đường kính 75cm ở tọa độ X455816 – Y2115912; gốc đường kính 50cm, tọa độ X455492 – Y2115871; gốc đường kính 60cm, tọa độ X455948 – Y2115867; gốc đường kính 56cm, tọa độ X455956 – Y2115862; gốc đường kính 80cm, tọa độ X455996 – Y2115859.

Tiếp đó, len lỏi qua nhiều dông rừng dựng đứng, chúng tôi gặp 23 gốc cây thuộc khoảnh 6, tiểu khu 697 và khoảnh 10, tiểu khu 683 rừng phòng hộ đầu nguồn, địa phận xã Tam Hợp. Ở xã Lưu Kiền, 13 gốc cây có đánh dấu, thuộc khoảnh 17, tiểu khu 681. Trong số những cây bị hạ có 22 cây đã bị cưa xẻ.

Vụ án “vi phạm các quy định về bảo vệ rừng” đã được Công an huyện Tương Dương khởi tố từ ngày 27-3. Theo đó, các đơn vị nghiệp vụ đã xác định và đánh số những cây pơmu bị đốn hạ. Vậy tại sao trong số những cây ở vạt rừng chúng tôi tìm thấy vẫn có một số cây chưa được đánh số? Liệu số lượng cây pơmu bị đốn hạ có bị cố tình bỏ sót?

Ngày tiếp theo (23-9), khi chúng tôi có mặt tại tiểu khu 681 thuộc địa phận xã Lưu Kiền thì bốn chiến sĩ biên phòng Đồn biên phòng Tam Hợp xuất hiện, kiểm tra giấy tờ tuỳ thân rồi yêu cầu chúng tôi xuống núi về đồn thực hiện các thủ tục khai báo vào vùng biên giới dù xã Lưu Kiền là xã nội địa, không phải xã biên giới.

Gian nan 3 lần thâm nhập

Để tiếp cận hiện trường vụ đốn hạ rừng pơmu, chúng tôi đã có ba lần thâm nhập.

Lần thâm nhập đầu tiên bị… lộ nên phải bỏ cuộc. Lần thứ 2 là ngày 22-9,

đến ngày 23-9 được Đồn biên phòng Tam Hợp mời

ra khỏi rừng.

Và lần thứ 3, ngày 29-7, chúng tôi trở lại sau khi được sự giới thiệu từ lãnh đạo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh (gồm đại tá Lê Như Cương – chính uỷ và đại tá Trần Công Minh – phó chính ủy). Đồn biên phòng Tam Hợp tiếp nhưng vẫn không tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp cận hiện trường. Dân bản cũng sợ, không dám dẫn đường vì nói “biên phòng chưa cho phép”.

Ai hạ sát rừng pơmu xứ Nghệ? - Ảnh 4.

Một cây pơmu bị xẻ thịt – Ảnh: V.TOÀN

Chuyển vụ án về công an tỉnh thụ lý

Trước đó, ngày 18-8, chủ tịch UBND huyện Tương Dương Nguyễn Văn Hải báo cáo lần thứ nhất với UBND tỉnh về vụ phá rừng với 36 cây/69m3 thuộc địa bàn xã Tam Hợp. Tiếp theo, ngày 8-9, bí thư Huyện uỷ Tương Dương Phạm Thanh Hoàng gửi báo cáo lần hai, nêu tổng số cây bị đốn hạ là 189 cây/288m3. Theo báo cáo này, một cây pơmu tính bình quân có 1,5m3.

Trong khi đó, căn cứ vào biểu thể tích cây đứng theo cấp chiều cao (cấp 5), tổng số gỗ của 36 cây pơmu bị đốn hạ là 183,756m3, tức bình quân trên 5m3 mỗi cây. Trong khi đó, 189 cây do Huyện uỷ Tương Dương báo cáo chỉ xác định có 288m3 là con số cần tính toán lại.

Trước đó, đầu tháng 8, chúng tôi đã hai lần phản ảnh tình trạng tàn phá rừng pơmu này ở ba khoảnh của tiểu khu 681, địa phận xã Lưu Kiền nhưng ông Hoàng và ông Hải khẳng định “không có chuyện rừng pơmu ở Lưu Kiền bị tàn phá”, mà chỉ nói lấp lửng “đang mở rộng điều tra vụ án đã khởi tố ngày 27-3”. 

Chỉ khi Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường yêu cầu báo cáo thì UBND và Huyện ủy Tương Dương mới có hai báo cáo nêu trên.

Về sự chênh lệch trong cách tính khối lượng gỗ, lãnh đạo huyện nói: phải hỏi bên công an huyện vì vụ án đang điều tra.

Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng – phó giám đốc, thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Nghệ An – cho biết do tính chất phức tạp, nghiêm trọng của vụ án, giám đốc Công an Nghệ An đã quyết định chuyển hồ sơ vụ án về công an tỉnh thụ lý. 

Công an tỉnh đã thành lập tổ án do đại tá Nguyễn Xuân Thiêm (trưởng Phòng PC46) làm trưởng đoàn. Hiện hai trưởng phòng PC46, PC49 đã có mặt tại hiện trường. Cơ quan CSĐT Công an Nghệ An đã phát hiện tám người tình nghi, trong đó một nghi can đã thừa nhận hành vi đốn hạ gỗ trái phép. 

Đại tá Hùng cũng cho biết trong quá trình điều tra, công an sẽ làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật của chủ rừng, cán bộ địa phương và cơ quan liên quan đóng trên địa bàn.

3

Những phiến gỗ được cưa xẻ thành từng phách đưa ra khỏi rừng – Ảnh: V.TOÀN

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh bày tỏ về vụ việc này, quan điểm của tỉnh là xử lý nghiêm mọi sai phạm, “không quản lý tốt, không răn đe được sẽ dẫn đến tình trạng phá rừng hàng loạt”.

Ông Vinh cũng cho rằng số liệu báo cáo của UBND huyện và Huyện uỷ Tương Dương chưa đủ độ tin cậy. Ông cũng bày tỏ về việc xử lý: thà đau một lần để giữ rừng cho tốt. Càng giấu càng mất rừng.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu – giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An – cho biết hiện sở đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra lại toàn bộ số lượng cây pơmu và khối lượng gỗ bị chặt phá. Từ đó sẽ có căn cứ xử lý các sai phạm.

VŨ TOÀN