11/01/2025

50 năm Tuyên ngôn chung của Đức Phaolô VI và Athenagora I

Tuy vẫn còn một số khó khăn, nhưng cuộc đối thoại giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống trong 50 năm qua đã đem lại nhiều kết quả tích cực trên bình diện thần học cũng như mục vụ và luân lý. Nói cho cùng, các điểm chung nối kết hai Giáo Hội vẫn nhiều hơn các khác biệt.

 50 năm Tuyên ngôn chung của Đức Phaolô VI và Athenagora I

 

 
Cách đây 50 năm, trong 2 ngày 25 và 26 tháng 7 năm 1967, Đức Phaolô VI đã công du Thổ Nhĩ Kỳ và viếng thăm các thành phố Istanbul, Ephêxô và Smirne. Tại Istanbul, Đức Phaolô VI đã viếng thăm Nhà thờ Chính toà Chúa Thánh Thần trong khu phố Pangalti và gặp gỡ Tổng thống Thổ, ông Cemal Guersel. Ngài cũng viếng thăm Nhà thờ Chính thống San Giorgio và gặp gỡ Đức Thượng phụ Armeni Snork Kalustian, cũng như Đức Thượng phụ Chính thống Costantinopoli Athenagora và Imam Hakham Bashi, thủ lãnh cộng đoàn Hồi giáo Istanbul. Đây là lần thứ hai Đức Phaolô VI gặp gỡ Đức Thượng phụ Athenagora. Ngày 26, Đức Phaolô VI đã viếng thăm Nhà thờ Chính toà Thánh Gioan tại Smirne và gặp gỡ hàng lãnh đạo địa phương. Sau đó ngài gặp gỡ Cộng đoàn Chính thống Ephêxô và sau cùng trở lại Smirne để lấy máy bay về Roma.

Thật ra, trước đó 3 năm, trong chuyến viếng thăm Thánh Địa, chiều ngày mồng 2 tháng giêng năm 1964, trên một ngọn đồi trước thành Giêrusalem ngay trong thời Công đồng Chung Vatican II nhóm họp, mọi người đã chứng kiến vòng tay ôm hôn giữa Đức Phaolô VI và Đức Thượng phụ Athenagora. Đây là một biến cố đã được Đức Gioan XXIII nghĩ tới, ghi dấu lịch sử làm hoà giữa hai Gáo Hội anh em.

Đức Phaolô VI và Đức Athenagora đã cùng nhau đàm đạo và đọc Kinh Lạy Cha bằng tiếng Latinh và Hylạp. Với cử chỉ đơn sơ là vòng tay ôm hôn ấy, hai Giáo Hội bẻ gãy các thế kỷ xa cách và tái thừa nhận nhau là anh em. Thật thế, vì kể từ năm 1439, các vị lãnh đạo của các Giáo hội Đông Tây đã không gặp gỡ nhau. Vì thế vòng tay ôm hôn, các cử chỉ lời nói của hai vị đã có tầm quan trọng lịch sử to lớn, vì nó diễn tả ý chí của cả hai Giáo Hội muốn chấm dứt các thù nghịch, chống đối và thờ ơ đối với nhau trong quá khứ và mở ra một muà mới của sự gặp gỡ và đối thoại.

** Sau khi cảm tạ Thiên Chúa vì dịp may hạnh phúc tràn đầy hy vọng này, Đức Thượng phụ Athenagora đã đau đớn nhớ lại sự kiện “từ bao thế kỷ thế giới kitô đã sống trong chia rẽ và đôi mắt đã mệt mỏi vì nhìn bóng tối”. Còn đối với Đức Phaolô VI “các con đường dẫn tới sự hiệp nhất còn dài và đầy khó khăn, nhưng các nẻo đường đồng quy hướng về suối nguồn của Tin Mừng”. Cả hai vị đã cầu mong cho mọi Kitô hữu đều có thể “cùng uống một chén và cùng nhau bẻ bánh sự sống mà không có vấn đề uy tín, quyền tối thượng không do Chúa Kitô thiết lập và chỉ với một mục đích là phục vụ Giáo Hội và phục vụ nhân loại”.

Nhân cuộc gặp gỡ lịch sử này Đức Giáo hoàng Phaolô VI và Đức Thượng phụ Athenagora đã công bố tuyên ngôn chung bày tỏ quyết định bỏ vạ tuyệt thông hai bên đã ra cho nhau hồi năm 1054, và tái nhận nhau là anh em trong đức tin, cậy, mến. Tuyên ngôn này đã được ĐHY Jean Willibrands tuyên đọc trong phiên họp trọng thể của Công đồng Chung Vatican II. Nó cũng đã đồng thời được vị thư ký của thánh Công nghị Chính thống tuyên đọc tại Toà Thượng phụ Fanar bên Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuyên ngôn đã được công bố ngày mồng 5 tháng 12 năm 1964 mang chữ ký của Đức Phaolô VI và Đức Thượng phụ Athenagora. Tuyên ngôn chung  gồm 5 điểm viết:

1. Tràn đầy lòng biết ơn Thiên Chúa vì ơn thánh mà trong lòng thương xót Ngài đã ban cho họ gặp gỡ nhau một cách huynh đệ tại các nơi thánh, trong đó qua cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, đã thành toàn mầu nhiệm cứu độ của chúng ta, và với việc đổ tràn đầy Chúa Thánh Thần Giáo Hội đã nảy sinh, Đức Giáo hoàng Phaolô VI và Đức Thượng phụ Athenagora I đã không mất đi dự án do các vị cưu mang, mỗi người liên quan tới cương vị của mình, đó là không bỏ qua cử chỉ nào được linh hứng bởi tình bác ái và có thể tạo dễ dàng cho sự phát triển các tương quan huynh đệ đã được khai mở giữa Giáo hội Công giáo Roma và Giáo hội Chính thống Costantinopoli. Các vị xác tín đến độ, trả lời cho tiếng gọi của ơn thánh hôm nay, đưa Giáo hội Công giáo Roma và Giáo hội Chính thống cũng như tất cả mọi Kitô hữu, tới chỗ thắng vượt các khác biệt để lại là “một” như Chúa Giêsu đã xin Thiên Chúa Cha cho họ.

2. Giữa các chướng ngại gặp phải trên con đường phát triển các tương quan huynh đệ này của sự tin tưởng và quý mến, có kỷ niệm của các quyết định, cử chỉ và các bất tiện khó chịu đã nảy sinh vào năm 1054 trong phán quyết tuyệt thông, do các đặc phái viên của ngai toà Roma có ĐHY Humbert cầm đầu, chống lại Đức Thượng phụ Michele Cerulario và các nhân vật khác, và chính các đặc phái viên này cũng đã là đối tượng của phán quyết tương tự từ phía Đức Thượng phụ và Công nghị Costantinopoli.
 
3. Cần thừa nhận điều mà các biến cố này đã gây ra trong thời gian đặc biệt chao đảo đó của lịch sử. Nhưng ngày nay đã có một phán đoán thanh thản hơn và quân bình hơn đối với các biến cố ấy, cần chân thành thừa nhận các thái quá đã làm vấy bẩn và đã gây ra các hậu quả nghiêm trọng hơn, đồng thời trong đó chúng ta có thể phán đoán các ý hướng và các dự kiến của các tác giả, mà các duyệt xét liên quan tới các nhân vật bị chú ý, chứ không liên quan tới các Giáo Hội và không có chủ ý bẻ gãy sự hiệp thông giáo hội giữa ngai toà Roma và ngai toà Costantinopoli.

4. Chính vì thế, Đức Giáo hoàng Phaolô VI và Đức Thượng phụ Athenagora I trong Công nghị của mình, chắc chắn diễn tả ước muốn chung của công lý và tâm tình bác ái đồng nhất của các tín hữu và nhắc lại luật của Chúa – “Khi con dâng lễ vật lên bàn thờ và nhớ rằng người anh em có điều gì đó chống lại con, thì hãy để của lễ trước bàn thờ và về làm hoà với người anh em trước đã” (Mt 5,23-24) – các vị cùng công bố: 

Đau đớn vì các lời nói xúc phạm, các trách móc không nền tảng và các cử chỉ đáng phiền trách, mà từ phía này hay phía kia, đã ghi dấu hay đồng hành với các biến cố buồn thương của thời bấy giờ.

Cũng đau đớn và cất đi khỏi ký ức và khỏi Giáo Hội các phán quyết tuyệt thông như hậu quả theo sau đó, và việc nhớ tới nó cho tới ngày nay gây chướng ngại cho việc tới gần nhau trong tình bác ái và cần quên chúng đi.

Sau cùng, than phiền về các buồn bực xảy ra trước các biến cố, mà dưới ảnh hưởng của các yếu tố khác nhau, trong đó có sự không hiểu và ngờ vực lẫn nhau, đã rốt cuộc đưa tới việc bẻ gãy thực sự tình hiệp thông giáo hội.

5. Đức Giáo hoàng Phaolô VI và Đức Thượng phụ Athenagora I với Công nghị của ngài ý thức rằng cử chỉ công bằng và tha thứ cho nhau này, không đủ để chấm dứt các khác biệt cũ hay mới đây, vẫn còn tồn tại giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống, và rằng qua hoạt động của Chúa Thánh Thần, chúng sẽ được vượt thắng nhờ sự thanh tẩy các con tim, sám hối về các sai lầm lịch sử cùng với ý chí hoạt động để đạt tới một sự hiểu biết và một diễn tả chung niềm tin tông truyền và các đòi buộc của nó.

** Tuy nhiên, trong khi chu toàn cử chỉ này các vị hy vọng rằng nó sẽ đẹp lòng Thiên Chúa, sẵn sàng tha thứ trong khi chúng tôi  tha thứ cho nhau, và được toàn thế giới Kitô quý trọng, nhưng nhất là từ toàn thể Giáo hội Công giáo Roma và Giáo hội Chính thống như là việc diễn tả một ý chí chân thành hoà giải với nhau, và như là một lời mời gọi theo đuổi, trong tinh thần của sự tin tưởng, quý trọng và bác ái đối với nhau, cuộc đối thoại, mà với sự trợ giúp của Thiên Chúa, sẽ dẫn đưa họ tới việc sống một cách mới mẻ, cho thiện ích lớn hơn của các linh hồn và việc Nước Chúa trị đến, trong sự hiệp thông của đức tin, của sự hoà hợp huynh đệ và của cuộc sống bí tích, đã có giữa họ trong ngàn năm thứ nhất của cuộc sống giáo hội.

Với Tuyên ngôn chung công bố tại Giêrusalem ngày mùng 5 tháng 12 năm 1964 trên đây, Đức Giáo hoàng Phaolô VI và Đức Thượng phụ Athenagora I chấm dứt vạ tuyệt thông hai Giáo Hội đã ra cho nhau hồi năm 1054. Các vị đã mở ra một trang sử mới cho cuộc đối thoại đại kết theo tinh thần của Công đồng Chung Vatican II, do Đức Gioan XXIII triệu tập để canh tân Giáo Hội, hay như kiểu diễn tả của chính Đức Gioan XXIII, “mở cửa sổ ra cho không khí trong lành tràn vào Giáo Hội”.

Đó cũng đã là câu Đức Gioan XXIII trả lời cho những ai hỏi ngài về mục đích của Công đồng. Đức Gioan XXIII đã chỉ theo linh hứng của Chúa Thánh Thần mở cửa sổ ra cho không khí trong lành tràn vào trong Giáo hội Công giáo, sau bau nhiêu thế kỷ khép kín đối với các Giáo hội Kitô anh em. Thái độ hoà giải này của Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống đã được Đức Phaolô VI và Đức Athenagora I thực hiện trong cuộc gặp gỡ tại Giêrusalem, qua vòng tay ôm hôn huynh đệ và Tuyên ngôn chung huỷ bỏ vạ tuyệt thông cho nhau. Nó sẽ được tiếp tục với Đức Gioan Phaolô II trong các giáo huấn cũng như các cuộc gặp gỡ đối thoại và công việc của Uỷ ban Đối thoại Thần học hỗn hợp Công giáo Chính thống.

Tuy vẫn còn một số khó khăn, nhưng cuộc đối thoại giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống trong 50 năm qua đã đem lại nhiều kết quả tích cực trên bình diện thần học cũng như mục vụ và luân lý. Nói cho cùng, các điểm chung nối kết hai Giáo Hội vẫn nhiều hơn các khác biệt. Vì trên bình diện giáo lý hai Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống vẫn gần nhau nhất, hơn mọi Giáo hội Kitô khác rất nhiều. Đây cũng là bối cảnh của cuộc gặp gỡ giữa ĐTC Phanxicô và Đức Thương phụ Bartolomaio tại Giêrusalem ngày 25 tháng 5 năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ và ôm hôn nhau giữa Đức Phaolô VI và Đức Athenagora I tại Giêrusalem.

 
 

Linh Tiến Khải