11/01/2025

Truyền thông xã hội: Tự do phát sinh nhờ gắn bó với sự thật

Trong báo chí, tự do phát sinh nhờ gắn bó với sự thật và giúp chúng ta không làm nô lệ cho “biên tập viên, cho tiền bạc hay sự thiếu hiểu biết của chính mình”: đó là điều Đức ông Dario Edoardo Viganò, Chủ tịch Quốc vụ viện Truyền thông, khẳng định khi giải thích về chủ đề Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 52 (năm 2018) mới được Đức Thánh Cha Phanxicô công bố “‘Chân lý sẽ giải thoát anh em’ (Ga 8,32). Tin giả và nền báo chí vì hoà bình”.

 Truyền thông xã hội: Tự do phát sinh nhờ gắn bó với sự thật

 

 
WHĐ (02.10.2017) – Trong báo chí, tự do phát sinh nhờ gắn bó với sự thật và giúp chúng ta không làm nô lệ cho “biên tập viên, cho tiền bạc hay sự thiếu hiểu biết của chính mình”: đó là điều Đức ông Dario Edoardo Viganò, Chủ tịch Quốc vụ viện Truyền thông, khẳng định khi giải thích về chủ đề Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 52 (năm 2018) mới được Đức Thánh Cha Phanxicô công bố “‘Chân lý sẽ giải thoát anh em’ (Ga 8,32). Tin giả và nền báo chí vì hoà bình”.

Trong một cuộc trao đổi với Radio Vatican bằng tiếng Ý vào ngày 29 tháng 9 năm 2017, Đức ông Viganò nhấn mạnh rằng “tin giả” cũng xưa như con người, bằng cách trích dẫn câu chuyện “con rắn trong vườn Êđen”. Con rắn nói với hai ông bà nguyên tổ: “Nếu ông bà ăn quả này, ông bà sẽ giống như các vị thần.” Rõ ràng đó là một “tin giả”, bởi vì hai ông bà nguyên tổ đã được dựng nên theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa rồi!

“‘Tin giả’ là một tin có vẻ như thật nhưng không được kiểm chứng, và nó rất nguy hiểm” bởi vì nó “khác xa sự thật”. Đức ông Viganò nói rằng hành động tung tin giả có xu hướng lan rộng nhờ sự phát triển của các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, nhất là với những thông tin “có một tác động mạnh mẽ về tình cảm”.

Đức ông Viganò cảnh báo: “Tự do phát sinh khi người ta gắn bó với sự thật. Nếu không gắn bó với sự thật, người ta vẫn mãi là nô lệ cho một cái gì đó: biên tập viên, tiền bạc hay sự thiếu hiểu biết của chính mình.” Ngày nay, với sự phát triển của các mạng xã hội, “bộ mặt của người phóng viên đang thay đổi”: vì thế cần phải cập nhật các quy định dành cho “căn tính” mới này.

Đức ông Viganò đề nghị không nên đặt thế giới mạng xã hội đối lập với thế giới của báo chí truyền thống, “với suy nghĩ rằng trong báo giấy chỉ có các chuyên gia, còn trái lại, trong thế giới mạng xã hội toàn là những kẻ lừa phỉnh”, bởi vì trong cả hai thế giới ấy đều có tin giả. Về vấn đề này, Đức ông lên án “một số bài báo trong ngành báo giấy thể hiện những logic mang nặng tính ý thức hệ, hoặc mang đầy những chủ đề gây phân hoá, để bán được nhiều báo hơn”.

Theo Radio Vatican bằng tiếng Pháp, vị Chủ tịch Quốc vụ viện Truyền thông đã cử hành Thánh lễ tại Nhà thờ Santa Maria alla Traspontina để mừng kính Tổng lãnh Thiên thần Gabriel, là bổn mạng của tất cả những người làm việc trong lĩnh vực truyền thông. Trong bài giảng, Đức ông Viganò mời gọi cộng đoàn hãy “trở nên những người loan báo Tin Mừng” – như tổng lãnh thiên thần Gabriel – khi làm sứ giả Tin Mừng, thực hiện công việc loan báo những tin tức mang “sự thật, tình liên đới và chia sẻ”.

Đức ông Viganò mời gọi: “Chúng ta hãy dấn thân loan báo Tin Mừng này: “Thiên Chúa yêu thương thế gian, Thiên Chúa cứu vớt thế gian.” Chúng ta hãy cảm thấy mình có trách nhiệm phải truyền thông niềm hy vọng này, ngay cả khi bị chìm ngập trong biết bao mối lo toan. Chúng ta hãy để cho mình được vây phủ bằng những sứ điệp loan báo ơn cứu độ, để có thể viết nên những lời tràn đầy ánh sáng trên các trang sách báo cung cấp ánh sáng cho đời.”

(Zenit)


 

 

Minh Đức