10/01/2025

Bừa bãi đất, cát thải ở Lý Sơn

Không chỉ nạn rác thải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) còn “đau đầu” với tình trạng người dân đổ đất thải nông nghiệp ra lòng lề đường, ảnh hưởng đến giao thông và cảnh quan, môi trường.

 

Bừa bãi đất, cát thải ở Lý Sơn.

Không chỉ nạn rác thải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) còn “đau đầu” với tình trạng người dân đổ đất thải nông nghiệp ra lòng lề đường, ảnh hưởng đến giao thông và cảnh quan, môi trường.



Đất, cát thải đổ bừa bãi ở Lý Sơn /// Ảnh: Hiển Cừ

Đất, cát thải đổ bừa bãi ở Lý SơnẢNH: HIỂN CỪ.

Bạ đâu đổ đó
Đảo Lý Sơn có 335 ha đất trồng hành, tỏi. Theo các nông dân, để hành, tỏi phát triển tốt, cho năng suất cao, có hương vị thơm ngon, mỗi năm hoặc mỗi mùa vụ, trong quá trình làm đất, họ phải cào hết lớp cát cũ dày khoảng 0,5 – 1 cm, thay bằng lớp cát trắng mới (cát san hô khai thác dưới đáy biển – PV). Lớp cát cũ không thể sử dụng được nữa, chỉ đem đi đổ bỏ.
Theo tính toán của Phòng Kinh tế – hạ tầng nông thôn H.Lý Sơn, khối lượng đất, cát thải sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã An Hải và An Vĩnh thải ra trong 1 năm khoảng 13.600 m3 nhưng trên đảo chưa quy hoạch bãi thải nên từ lâu nay nông dân đổ xung quanh bờ ruộng hoặc bạ đâu đổ đó, thậm chí cả lòng, lề đường.
Đi dọc các tuyến đường giao thông trên đảo, kể cả tuyến đường tại trung tâm huyện, dễ dàng bắt gặp những đống đất, cát thải đổ trên lề và tràn ra cả lòng đường. Có một số tuyến hai bên đường trở thành nơi tập kết đất, cát thải, với từng đống to, nhỏ kéo dài hàng chục mét. Việc đổ bừa bãi này không chỉ gây cản trở giao thông mà còn ảnh hưởng đến cảnh quan và gây ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Thanh, Chủ tịch UBND H.Lý Sơn, cho biết trước tình trạng trên, huyện đã chỉ đạo các ban, ngành chức năng của huyện và các xã vận động người dân, làm việc với các chủ xe và hộ dân có đất nông nghiệp dọc hai bên các tuyến đường không đổ đất, cát thải nông nghiệp bừa bãi. “Từ năm 2014 đến nay, huyện đã chi hơn 300 triệu đồng để thu gom, xử lý đất, cát thải nông nghiệp. Tuy nhiên, ý thức chấp hành của người dân chưa cao nên cứ vào mùa chuẩn bị cho sản xuất, họ lại đem đất, cát thải đổ bừa bãi”, ông Thanh nói.
Ì ạch quy hoạch vị trí đổ thải
Nói chuyện với chúng tôi, các hộ nông dân trên đảo cho rằng họ không đổ đất, cát thải ra lòng lề đường thì chẳng biết đổ đi đâu. “Nếu huyện quy hoạch các vị trí đổ đất, cát thải tập trung, sau đó cơ quan chức năng thu gom xử lý thì chúng tôi hưởng ứng ngay”, ông Trương Văn Đồng, một nông dân ở xã An Hải, kiến nghị.
Theo ông Nguyễn Viết Vy, Bí thư Huyện uỷ Lý Sơn, Đảng bộ và chính quyền địa phương xác định xây dựng đảo Lý Sơn trở thành hòn đảo xanh, sạch, đẹp để phát triển du lịch, song để đạt được mục tiêu thì còn rất nhiều việc phải làm. “Có nhà máy xử lý rác, đảo Lý Sơn đã sạch hơn nhưng vấn đề đất, cát thải vẫn chưa được giải quyết căn cơ. Những đống đất, cát thải nằm lù lù suốt nhiều tháng trên các con đường, trông nhếch nhác và gây ô nhiễm môi trường, như thế thì làm sao thu hút được du khách”, ông Vy trăn trở.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, thực hiện thông báo của Ban Thường vụ Huyện ủy, tháng 6.2017, UBND H.Lý Sơn đã phê duyệt phương án thu gom, xử lý đất, cát thải nông nghiệp trên địa bàn huyện, gồm 26 điểm đổ thải tập trung, với diện tích quy hoạch hơn 3.400 m2, trong đó xã An Hải 18 điểm và An Vĩnh 8 điểm.
Tuy nhiên, hơn 3 tháng qua việc thực hiện phương án thu gom, xử lý đất, cát thải ở Lý Sơn vẫn nằm… trên giấy, tình trạng đổ thải bừa bãi không chuyển biến. Lý giải việc này, ông Nguyễn Thanh cho biết việc chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp cho các hộ dân có đất bị thu hồi để quy hoạch vị trí đổ thải tập trung gặp nhiều trở ngại. Riêng tại xã An Vĩnh, quỹ đất công ích không còn để chuyển đổi cho dân nên việc thu hồi các thửa đất phải thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

 

Hiển Cừ