10/01/2025

Nam Á trước viễn cảnh vùng đất chết

Biến đổi khí hậu đang đe doạ nghiêm trọng những khu vực rộng lớn tại Nam Á, gây ra nguy cơ tuyệt tích bóng người trong vòng 80 năm tới.

 

Nam Á trước viễn cảnh vùng đất chết

Biến đổi khí hậu đang đe doạ nghiêm trọng những khu vực rộng lớn tại Nam Á, gây ra nguy cơ tuyệt tích bóng người trong vòng 80 năm tới.


 

 

Nguy cơ hạn hán trên diện rộng đang chực chờ Nam ÁẢNH: AFP

Kể từ khi giới khoa học bắt đầu ghi nhận nhiệt độ trên địa cầu, có đến 15 trong số 16 năm nóng nhất rơi vào thế kỷ 21 và tình trạng này chưa có dấu hiệu dừng lại, tờ Times of Oman dẫn báo cáo mới từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT – Mỹ) cho hay. Nếu những đảo quốc hay các nước ven biển bị đe dọa nghiêm trọng bởi bão tố, xâm nhập mặn hay sạt lở từ biến đổi khí hậu, nhiều nước khác đối mặt nguy cơ hạn hán, nhiệt độ tăng cao và hoang mạc hóa. Nhiệt độ nước biển đã tăng 1oC còn trên đất liền là 1,5oC. Theo các nhà khoa học, nếu mức tăng nhiệt độ trái đất đạt ngưỡng 2oC, sẽ gây ra những thảm họa không thể phục hồi đối với môi trường.
Đáng chú ý, kết quả dự báo cho thấy xu hướng nhiệt độ gia tăng có thể phá hủy ngành nông nghiệp ở Tiểu lục địa Ấn Độ, đẩy những dải đất rộng lớn vào tình trạng hoang phế, khiến con người khó có thể tiếp tục sinh sống cũng như đe dọa nguồn cung thực phẩm toàn cầu. Nam Á đang là nơi sinh sống của hơn 1,7 tỉ dân và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, an ninh – chính trị thế giới. Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới trong khi Pakistan và Afghanistan luôn chiếm vị trí cao trong chiến lược địa chính trị của các cường quốc. Tuy nhiên, khu vực này hiện nằm trong số dễ bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu khi tình trạng ấm lên toàn cầu do khí thải nhà kính đang tăng nhanh với tốc độ chưa từng có. “Thống kê cho thấy những dạng khí thải gây hiệu ứng nhà kính chủ yếu như CO2, methane và NO lần lượt tăng khoảng 43%, 140% và 21%”, Times of Oman dẫn lời tiến sĩ Jeremy Pal, một trong những đồng tác giả báo cáo, cho biết. Ngoài những hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, lũ lụt và hạn hán, một hậu quả khó lường khác là các hệ sinh thái khó có thể bắt kịp trước những thay đổi mạnh mẽ về môi trường, kéo theo nguy cơ hoang mạc hoá và tuyệt chủng.
Mặt khác, chuyên san Science Advances dẫn lời các chuyên gia cho hay Nam Á còn hứng chịu một hiệu ứng đặc biệt nguy hiểm được gọi là “bầu ướt”, chỉ sự kết hợp giữa nhiệt độ và độ ẩm cao, đẩy nhiệt độ thực tế lên nhiều lần. Chẳng hạn, một tổ hợp 34,4oC và độ ẩm 80% sẽ tạo ra “bầu ướt” lên đến 53,9oC theo Chỉ số nhiệt khí hậu quốc gia của Cục Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA). Đợt nắng nóng vào năm 2015 đã giết chết ít nhất 3.500 người ở Ấn Độ và Pakistan, khi “bầu ướt” vào khoảng 50oC. Bên cạnh đó, tờ The Guardian ngày 27.9 dẫn báo cáo mới của Tổ chức World Weather Attribution (WWA) cảnh báo tình trạng nhiệt độ nóng như thiêu tại nhiều quốc gia châu Âu vừa qua, thậm chí có lúc lên đến hơn 40oC, sẽ trở thành “chuyện bình thường” vào năm 2050 nếu thế giới không có hành động ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu.
Tảng băng khổng lồ tách khỏi Nam cực
Theo tờ USA Today, một tảng băng diện tích 185 km2, gấp 3 lần khu Manhattan tại New York (Mỹ), đã nứt rời khỏi sông băng đảo Pine (PIG) ở Nam cực vào hôm cuối tuần 23.9, theo tờ USA Today. PIG là một trong những sông băng lớn nhất thế giới nhưng cũng là nơi đang xảy ra tình trạng tan băng nhanh nhất, mất khoảng 45 tỉ tấn băng mỗi năm. Các chuyên gia cho hay tảng băng lần này có dấu hiệu nứt vỡ, có thể tách ra thành những khối nhỏ hơn nhưng sẽ không gây nguy hiểm cho tàu thuyền lưu thông. Hồi tháng 7, một tảng băng có diện tích 5.697 km2, gần bằng diện tích bang Delaware của Mỹ, cũng bị tách khỏi Nam cực. Theo giới nghiên cứu, băng tan là tiến trình tự nhiên nhưng tần suất đang tăng nhanh đáng báo động do biến đổi khí hậu, khiến diện tích Nam cực thu nhỏ lại và mực nước biển ngày một dâng lên.  
 Bảo Vinh


Nam Á trước viễn cảnh vùng đất chết - ảnh 1

 
 


Thụy Miên