10/01/2025

Hợp tác Mục vụ Di dân Việt Nam – Nhật Bản

Ngày 24 tháng 9 năm 2017, Hội Thánh tại Nhật Bản tổ chức Ngày Di dân và Tị nạn, qua đó gây ý thức về sự hiện diện của các thành phần nhập cư và bổn phận mục vụ đối với các tín hữu di dân. Trong dịp này, từ ngày 23 đến 28 tháng 9, phái đoàn của Uỷ ban Mục vụ Di dân (UBMVDD) trực thuộc Hội đồng Giám mục (HĐGM) Việt Nam do Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng làm trưởng đoàn, đã đi thăm và làm việc với Uỷ ban về Người di cư, tị nạn và di trú (J-CaRM) của HĐGM Nhật Bản.

 Hợp tác Mục vụ Di dân Việt Nam – Nhật Bản

 

 

 

WHĐ (28.09.2017) – Ngày 24 tháng 9 năm 2017, Hội Thánh tại Nhật Bản tổ chức Ngày Di dân và Tị nạn, qua đó gây ý thức về sự hiện diện của các thành phần nhập cư và bổn phận mục vụ đối với các tín hữu di dân. Trong dịp này, từ ngày 23 đến 28 tháng 9, phái đoàn của Uỷ ban Mục vụ Di dân (UBMVDD) trực thuộc Hội đồng Giám mục (HĐGM) Việt Nam do Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng – Chủ tịch UBMVDD – làm trưởng đoàn, đã đi thăm và làm việc với Uỷ ban về Người di cư, tị nạn và di trú (J-CaRM) của HĐGM Nhật Bản do Đức cha Michael Goro Matsuura – Giám mục Giáo phận Nagoya – làm chủ tịch.

Trước buổi làm việc chính thức vào chiều 26 tháng 9, Đức cha Giuse đã đến chào HĐGM Nhật Bản đang họp thường niên tại Tokyo. Đức cha Giuse đã gửi lời cảm ơn chân thành đến Giáo hội tại Nhật Bản về lòng quảng đại quan tâm đến các tín hữu Việt Nam. Trong phần đáp từ, Đức Tổng Giám mục Joseph Mitsuaki Takami, S.S. –Tổng Giám mục Nagasaki và là Chủ tịch HĐGM Nhật Bản – cũng cảm ơn những đóng góp về ơn gọi và đời sống đức tin của người Việt Nam tại Nhật Bản. Hiện có 170 tu sĩ và 41 linh mục Việt Nam đang học và làm việc tại Nhật Bản. 

Trong buổi làm việc, Đức cha Matsuura và các chuyên viên của J-CaRM đã trình bày hiện trạng di dân Việt Nam tại Nhật Bản cùng những vấn nạn và quan ngại xã hội. Năm 2016, theo thống kê của chính phủ Nhật Bản, có 88.211 người Việt Nam nhập cảnh theo diện tu nghiệp nghề, chưa kể số lượng du học sinh và nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, tình trạng di dân Việt Nam bị bóc lột, áp bức và lạm dụng đã xảy ra đến mức báo động. Theo nhiều nguồn khảo sát, hiện nay có khoảng 200.000 di dân Việt Nam tại Nhật Bản. Tình trạng này cho thấy nhu cầu cũng như khó khăn về đời sống mục vụ và đức tin của người Việt Nam tại Nhật Bản. Sau 2 tiếng trao đổi, và suy xét, hai Uỷ ban Việt Nam – Nhật Bản đã đi đến thoả thuận: thành lập nhóm chuyên trách chung gồm đại diện linh mục, tu sĩ Việt Nam tại Nhật và đại diện thuộc UBMVDD Việt Nam để tư vấn và đề ra chương trình mục vụ và xã hội cho người Việt tại Nhật Bản cũng như người Nhật tại Việt Nam; chuẩn bị thiết lập hai trung tâm mục vụ cho di dân Việt Nam tại Nhật Bản trong giáo tỉnh Tokyo và Osaka.

Theo số liệu của HĐGM Nhật Bản vừa gửi cho Bộ Truyền giáo, hiện nay dân số Nhật Bản là 120 triệu, Giáo hội tại Nhật có 450.000 tín hữu, 1.800 linh mục (trong đó có 519 linh mục nước ngoài) đang phục vụ tại 16 giáo phận thuộc 3 giáo tỉnh Tokyo, Osaka và Nagasaki. Với các số liệu trên đây về diện tích, dân số và tỷ lệ tín hữu, có thể nói Giáo hội tại Nhật khá khiêm tốn về số lượng; nhưng HĐGM Nhật Bản lại rất quảng đại với các chương trình và định hướng mục vụ cho di dân. Cụ thể, HĐGM Nhật Bản đã ban hành định hướng mục vụ “Tiến về Nước Trời vươn xa qua những ranh giới quốc gia”, trong đó nhấn mạnh: cáo giáo phận và giáo xứ phải hợp tác với sứ mạng của J-CaRM để các tín hữu nước ngoài có thể tích cực tham dự các bí tích và được giáo dục đức tin bằng ngôn ngữ riêng; tạo điều kiện để các tín hữu nước ngoài được hội nhập và trở nên thành viên của gia đình đức tin nơi các giáo xứ; phiên dịch các thông tin mục vụ cho tín hữu nước ngoài; mở các văn phòng tư vấn ở các giáo phận để trợ giúp tín hữu nước ngoài; trợ giúp các tín hữu nước ngoài đối phó với các vấn nạn xã hội.

Các chuyên viên về xã hội và pháp lý của HĐGM Nhật Bản cũng rất tích cực tổ chức các chương trình hành động và vận động chính phủ bảo vệ người lao động nhập cư và di dân, khuyến cáo các tổ chức môi giới lao động vi phạm luật pháp, can thiệp trực tiếp các trường hợp bóc lột lao động và lạm dụng sức lao dộng, tố cáo các tổ chức hoặc cá nhân vi phạm nhân phẩm người lao động.

 
 

Nam Hà