28/11/2024

Gần 900 km bờ sông, biển ĐBSCL sạt lở

Con số đó tương đương hơn một nửa chiều dài bờ sông, biển ĐBSCL hiện tại. Nó khiến nơi được coi là ‘nồi cơm của thế giới’ đối mặt với rất nhiều thách thức.

 

Gần 900 km bờ sông, biển ĐBSCL sạt lở

Con số đó tương đương hơn một nửa chiều dài bờ sông, biển ĐBSCL hiện tại. Nó khiến nơi được coi là ‘nồi cơm của thế giới’ đối mặt với rất nhiều thách thức.




Sạt lở đê kè Gành Hào (H.Đông Hải, Bạc Liêu) /// Ảnh: Trần Thanh Phong

Sạt lở đê kè Gành Hào (H.Đông Hải, Bạc Liêu)ẢNH: TRẦN THANH PHONG

Ba thách thức lớn
ĐBSCL đang đối mặt với ba thách thức lớn. Thứ nhất là tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) thể hiện qua sự thay đổi về nhiệt độ, mưa, gió, bão, nước biển dâng và những hiện tượng cực đoan gây hạn mặn mùa khô năm 2016. Thứ hai là tác động của thủy điện trên sông Mê Kông. Hiện nay lượng phù sa mịn đã giảm 50% từ 160 triệu tấn còn 83 triệu tấn. Dự báo sau khi 11 đập ở hạ lưu vực hoàn thành, phù sa mịn sẽ giảm 50% lần nữa và 100% cát, sỏi sẽ bị chặn lại. Thứ ba là sự phát triển chưa bền vững, trong đó gồm sụt lún với tốc độ trung bình 18 cm trong 25 năm qua (1991 – 2016) do sử dụng nước ngầm quá mức. Sạt lở diễn ra từ sau 1992, càng về sau càng dữ dội. Hiện nay hơn một nửa chiều dài bờ sông, biển ĐBSCL, khoảng 891 km, bị sạt lở mà nguyên nhân chính là thiếu phù sa mịn và thiếu cát. Vấn đề ô nhiễm ngày càng trầm trọng.
Ô nhiễm nước và không khí do canh tác thâm canh 3 vụ lúa liên tục, dinh dưỡng đất cạn kiệt, sử dụng nhiều phân bón, nông dược; và công nghiệp gây ô nhiễm như nhiệt điện than, thủy sản thâm canh, nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý.
Gần 900 km bờ sông, biển ĐBSCL sạt lở - ảnh 1

Tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng đe dọa cuộc sống người dân ĐBSCLẢNH: ANH PHƯƠNG – GIA BÁCH

Để ứng phó các thách thức này cần hiểu những đặc trưng của vùng. ĐBSCL do quá trình bồi đắp phù sa, cát, sỏi của sông Mê Kông tạo nên, là một phần của lưu vực Mê Kông tiếp giáp với biển nên chịu ảnh hưởng từ thượng nguồn, từ biển và khí hậu toàn cầu. Giải pháp cho ĐBSCL phải được đặt trong tổng thể, có thượng nguồn, có biển. Vùng đất này được thiên nhiên ban tặng hệ điều hòa nước tự nhiên gồm 3 túi nước, hồ Tonle Sap ở Campuchia, vùng Đồng Tháp Mười và vùng Tứ giác Long Xuyên hằng năm nhận nước lũ vào, tạm trữ làm giảm ngập cho hạ lưu và cân bằng mặn – ngọt vùng ven biển vào mùa khô.
Mặt khác, ĐBSCL là hệ thống mở, ăn thông ra biển bằng hàng chục, hàng trăm cửa sông, rạch lớn nhỏ, chịu ảnh hưởng của thủy triều Biển Đông và biển Tây tạo nên chế độ nước độc đáo, có nước ròng, nước lớn mỗi ngày, nước rong nước kém hằng tháng theo tháng âm lịch. Chế độ thuỷ văn này tạo nên lối sống, văn hoá, sinh thái, sinh kế của người dân. Sinh thái biển phụ thuộc vào sự trao đổi với đất liền qua hệ thống sông ngòi.
Phù sa, cát sỏi rất quan trọng đối với nông nghiệp, bồi đắp và duy trì bờ sông, bờ biển ĐBSCL. Khi thiếu phù sa, cát sỏi, đất đai sẽ bạc màu và sạt lở sẽ gia tăng dữ dội. Vùng nước ven biển là một hợp phần quan trọng của nền kinh tế và hệ sinh thái tổng thể của ĐBSCL. Lượng phù sa mang ra ven biển giúp bồi đắp, duy trì bờ biển. Phù sa mang theo dinh dưỡng, quyết định năng suất thuỷ sản. Sự trao đổi, liên thông giữa biển với bờ và nội địa thông qua hệ thống sông ngòi là rất quan trọng. Khi cắt đứt sự trao đổi, sinh thái biển sẽ suy thoái.
Gần 900 km bờ sông, biển ĐBSCL sạt lở - ảnh 2

Những khu vực sạt lở dọc bờ biển Đông và Tây của ĐBSCL Nguồn: Tạp chí khoa học Nature, tháng 3.2015ĐỒ HOẠ: HỒNG SƠN

Tránh can thiệp thô bạo về tự nhiên
Trong giải pháp ứng phó, cần tôn trọng quy luật tự nhiên và tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên. Cụ thể, không nên thực hiện những công trình lớn, can thiệp dòng chảy. Làm mất ảnh hưởng thủy triều thì sẽ không còn đặc điểm ĐBSCL nữa.
Đối với nông nghiệp, vì canh tác thâm canh ba vụ liên tục trong đê bao khép kín làm đất đai ngày càng nghèo kiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng an ninh lương thực về sau. Đê bao khép kín làm gia tăng ngập lụt nơi khác vào mùa lũ, gia tăng hạn mặn ven biển vào mùa khô. Canh tác ba vụ lúa phải sử dụng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu, nếu tính đúng, tính đủ chi phí không làm cho người dân thoát nghèo mà còn gây ô nhiễm nguồn nước mặt. Chính vì vậy cần đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Nghĩa là chuyển hướng dần sang canh tác bền vững, đầu tư vào chuỗi giá trị, chú trọng chất lượng hơn số lượng. Để nông nghiệp phát triển, nâng cao giá trị cần có công nghiệp chế biến hỗ trợ, đồng thời tránh những ngành công nghiệp ô nhiễm nước và không khí.
Hiện tại ĐBSCL sụt lún nhanh gấp nhiều lần nước biển dâng. Con đường duy nhất để giảm sụt lún là giảm khai thác nước ngầm. Vùng ven biển, áp dụng công nghệ lọc nước biển để cấp nước sinh hoạt cho người dân. Chuyển đổi canh tác sang hệ thống canh tác mặn, lợ bền vững ít phụ thuộc nước ngọt. Chuyển hướng sang công nghiệp sạch, quản lý môi trường để giảm ô nhiễm. Thiếu phù sa nên sụt lún, sạt lở sẽ diễn ra trầm trọng hơn, khó cưỡng lại cho đến khi dòng sông tìm được điểm cân bằng mới. Để giải quyết vấn đề này cần quản lý khai thác cát tràn lan. Lập bản đồ rủi ro sạt lở bờ sông để chủ động di dời người dân, tránh thiệt hại. Tránh những công trình lớn, can thiệp sai quy luật, đắt đỏ và kém hiệu quả.
Trên hết, ĐBSCL cần được tiếp cận một cách tổng thể và nhất quán, vì hành động của một địa phương có thể ảnh hưởng địa phương khác, hành động của một ngành đơn lẻ có thể ảnh hưởng đến ngành khác và ảnh hưởng đến tương lai. Do đó cần đẩy mạnh liên kết vùng, tránh cách làm cục bộ theo địa phương.
Đừng tạo thêm “nhân tai”
Những vấn đề thuộc về thiên tai như BĐKH, nước biển dâng, xâm nhập mặn… gần như chúng ta phải chấp nhận và tìm cách thích nghi. Vấn đề còn lại là đừng tạo thêm “nhân tai”. Đó là việc lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu do chúng ta đắp đê bao ngăn lũ để sản xuất lúa 3 vụ làm cho đất ngày càng kiệt quệ, vừa không hiệu quả lại gây hại sức khỏe con người và môi trường. Chúng ta cũng đang can thiệp vào tự nhiên không đúng như: đào kênh thoát lũ, dẫn ngọt, đắp đê ngăn mặn… vừa tốn kém lại không hiệu quả. Thứ ba là tư duy “ham” trồng lúa. Năm nay bất chấp mọi dự báo xấu về mùa nước nổi, ngành nông nghiệp vẫn chỉ đạo tăng diện tích lúa vụ 3.
Chuyển sang mô hình kinh tế nào phải dựa vào thị trường. Người hiểu thị trường nhất chỉ có doanh nghiệp. Để doanh nghiệp tham gia làm nông nghiệp thì nhà nước phải có cơ chế chính sách về đất đai hợp lý về dồn điền đổi thửa, nới hạn điền. Phải “kiến tạo” cho được những nông dân – DN giỏi, có tâm với nghề nông tham gia quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế của ĐBSCL.
GS-TS Võ Tòng Xuân
Trồng cây gì, nuôi con gì phải tính kỹ
Việc chuyển đổi mô hình kinh tế phù hợp điều kiện tự nhiên và nâng cao thu nhập đời sống cho người dân là tất yếu. Còn chuyển đổi qua mô hình nào, nuôi con gì cần tính toán nghiên cứu cẩn thận để tránh những sai lầm đáng tiếc. Gần đây người ta nói chuyển sang nuôi tôm, trồng màu. Đối với nuôi tôm, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD vào năm 2025. Hiện thị trường tôm thế giới đạt giá trị khoảng 13 tỉ USD, riêng VN chiếm gần 3 tỉ USD và đứng thứ 5 thế giới, tốc độ tăng trưởng 6%/năm. Để đạt mục tiêu 10 tỉ USD, trung bình tăng trưởng của ngành phải đạt 15%/năm. Nếu ta đạt được mục tiêu trên, vào thời gian đó ước tính ngành tôm toàn cầu sẽ đạt 30 tỉ USD và ta chiếm 1/3. Đây là tham vọng rất lớn và cần cẩn trọng. Nuôi tôm là ngành cần vốn đầu tư lớn, rủi ro cao và tác động đến môi trường không hề nhỏ.
Gần đây người ta cũng nói nhiều đến chuyện trồng đậu nành, bắp (biến đổi gien) để giảm nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Cả 2 thứ này đều không cho hiệu quả như mong muốn ở ĐBSCL. Những dẫn chứng trên cho thấy điểm then chốt vẫn là chuyển đổi trên cơ sở có nghiên cứu khoa học bài bản để bảo đảm phù hợp với yếu tố tự nhiên, thị trường, con người và xã hội.
GS-TS Bùi Chí Bửu
Cấm công nghiệp gây ô nhiễm
Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội ở ĐBSCL phải xem xét đánh giá các tác động đến người nông dân để có cơ chế, chính sách thích hợp. Muốn có ĐBSCL phát triển bền vững phải quy hoạch thống nhất, do một tổ chức có năng lực và phương tiện kỹ thuật đảm trách. Nên chú trọng dự báo các thách thức từ chiến lược quốc gia của từng nước sử dụng lưu vực sông Mê Kông. Đồng thời, đề xuất được các giải pháp ứng phó của ta tương ứng với mức độ ảnh hưởng tới hạ lưu mà ĐBSCL phải hứng chịu.
Xác định sản phẩm chủ lực cho 5 tiểu vùng sinh thái của ĐBSCL cũng cần đặt trong chuỗi hoàn chỉnh. Phải cấm gây ô nhiễm công nghiệp cho toàn vùng ĐBSCL, hạn chế tối đa việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than, dệt, nhuộm, giấy… Một yếu tố quan trọng là nâng cao dân trí, dạy nghề phi nông nghiệp, phục vụ chuyển dịch lao động ra ngoài vùng, vừa giải quyết việc làm. Chính phủ cần nhìn tổng thể toàn cục để xử lý vấn đề, đầu tư đúng chỗ, đúng lúc, hiệu quả. Nên đưa ra các bước ưu tiên, giải quyết từng bước trên cơ sở nhìn nhận vấn đề có tính hệ thống, dựa vào cốt lõi, đặc thù của ĐBSCL cả điều kiện tự nhiên lẫn con người nơi đây.
TS Tô Văn Trường

 

Nguyễn Hữu Thiện 
(Chuyên gia độc lập về môi trường ĐBSCL)