11/01/2025

Sống xanh, chết cũng xanh

Nhiều giải pháp “chôn cất xanh” đã được đề xuất, thí nghiệm và tiến hành với “kỳ vọng”: con người khi sống cũng xanh mà về thế giới bên kia cũng xanh.

 

Sống xanh, chết cũng xanh

 

Nhiều giải pháp “chôn cất xanh” đã được đề xuất, thí nghiệm và tiến hành với “kỳ vọng”: con người khi sống cũng xanh mà về thế giới bên kia cũng xanh.

 

Có những người cả đời sống thân thiện với môi trường nhưng đến khi lìa trần bất đắc dĩ phải làm hại thiên nhiên nếu được chôn cất theo lối truyền thống.

Chết cũng gây hại

Cách phổ biến nhất để đưa người đã khuất vào cõi vĩnh hằng trên thế giới là tẩm ướp thi thể bằng hóa chất, cho vào áo quan gỗ hay kim loại rồi chôn vào lòng đất, xây bia mộ bên trên. Tuy nhiên, hình thức an táng này gây hại cho mẹ thiên nhiên nhiều hơn chúng ta tưởng.

Theo trang tin khoa học Inverse, mỗi thi thể khi đem chôn sẽ sinh ra khí CO2, methane và khoảng 398 hợp chất khác trong quá trình phân hủy. 

Dù xác người có thể hoàn toàn phân huỷ và hoà vào lòng đất, các “phụ kiện” đi kèm như áo quan thì không. Inverse cho biết tại Mỹ mỗi năm cần 70.700m3 gỗ và 90.000 tấn thép để làm quan tài, cùng 3 triệu lít hoá chất ướp để bảo quản thi thể. 

Khi chôn theo kiểu truyền thống, các hóa chất tẩm ướp thi thể có thể ngấm vào lòng đất và gây hại môi trường xung quanh khu vực chôn cất.

Ngay cả phương pháp hoả táng vốn được cho là thân thiện môi trường hơn thật ra cũng không thật sự bền vững. 

Theo eco-business.com, trang web chuyên về thông tin môi trường khu vực châu Á – Thái Bình Dương, để biến một thi thể thành tro bụi, các lò hoả táng cần hoạt động trong vòng 75 phút ở nhiệt độ 760-1.150OC, tiêu thụ lượng năng lượng “bằng mức dùng điện của một gia đình trong cả tháng”. 

Các lò hoá thân bằng cách đốt nhiên liệu hoá thạch dù không tốn năng lượng nhưng sẽ thải khí nhà kính vào môi trường.

Chôn tự nhiên

Tương tự, với việc hoả táng và dùng tro để trồng cây, dự án Urban Death Project do kiến trúc sư người Mỹ Katrina Spade khởi xướng cũng phát triển phương pháp chôn tự nhiên, không kèm quan tài không phân huỷ được.

Theo đó, thi thể người đã mất sẽ được phủ dăm gỗ để chuyển hóa thành đất và phần đất đó dùng trồng cây để người chết có kiếp sau trong hình hài một cây xanh nào đó, mà người thân có thể đến nhìn ngắm và tưởng nhớ.

Tro bụi có ích

Trang eco-business.com liệt kê nhiều giải pháp khả dĩ để giải quyết tác động môi trường của các phương pháp an táng truyền thống. 

Đơn giản nhất là chọn lối chôn cất thuần tự nhiên, không dùng hóa chất và quan tài bằng các vật liệu không phân huỷ được mà chỉ bọc thi thể trong vải sinh học. 

Thi thể vì thế sẽ phân hủy thành các chất hữu cơ toàn diện hơn mà không lẫn kim loại hay các chất độc hại vào lòng đất. eco-business.com cho biết phương pháp này đang ngày càng được ưa chuộng ở Anh.

Một phương pháp khác gọi là “bù đắp cacbon” – khuyến khích những người chọn hỏa táng cho người thân thay vì đem tro cốt về nhà thờ tự hay rải xuống biển, có thể dùng chỗ tro đó để trồng cây nhằm cân bằng lại các tác động môi trường của việc hoả táng. 

Cây xanh mọc lên từ chỗ tro này sẽ nhả khí oxy vào môi trường, bù lại lượng khí CO2 thải ra trong quá trình hoả táng.

Nghĩa trang công cộng Fu-De ở thành phố Đài Bắc (Đài Loan) đang áp dụng phương pháp này bằng cách dành riêng khu vực rộng gần 5.000m2 để “người ở lại” mang tro cốt đã hoả táng của người thân đến trồng cây, theo báo The China Post.

Nghĩa trang Fu-De là “ví dụ điển hình cho xu hướng xanh hóa việc chôn cất ở Đài Loan” vì cách làm này giúp tránh lãng phí quỹ đất để xây mộ và cây xanh mọc lên từ tro của người chết lại giúp làm sạch không khí và môi trường.

 ”Nếu được ứng dụng ở các vùng núi, phương pháp này giúp người ta có thể tiếp tục cứu mạng người khác ngay khi đã mất, do lẽ rễ cây mọc lên từ tro của họ sẽ giúp ngăn nguy cơ sạt lở đất” – The China Post cho biết.

Hiện đại

Hiện đại hơn hai hình thức kể trên là phương pháp promession (sấy lạnh), do nhà sinh học Thụy Điển Susanne Wiigh-Mäsak phát triển. 

Phương pháp này cũng giống như hoả táng nhưng không dùng sức nóng để thiêu mà dùng nitơ lỏng để đông cứng thi thể đến mức “mong manh dễ vỡ”.

Theo báo Metro (Anh), thi thể sẽ được đưa vào cỗ máy có tên Promator và đông lạnh bằng nitơ lỏng ở nhiệt độ âm 196OC. 

Sau đó, cỗ máy sẽ rung lắc để thi thể vỡ vụn ra thành từng hạt li ti cỡ vài milimét. Phần “cát bụi” này sau đó tiếp tục được xử lý để không còn bất kỳ chất lỏng hay kim loại nào lẫn vào.

“Sản phẩm cuối cùng” sẽ được cho vào túi sinh học làm bằng bột bắp hoặc khoai tây và chôn khoảng 30-50cm vào lòng đất. 

Trong vòng 18 tháng sau đó, toàn bộ “quan tài” này sẽ phân huỷ và biến thành đất tốt tươi màu mỡ để từ đó cây cối sinh sôi, bắt đầu một vòng đời mới cho người đã khuất.

Cùng lối tiếp cận phân huỷ thi thể mà không cần nhiệt, phương pháp alkaline hydrolysis (thuỷ phân kiềm) cho thi thể người đã mất vào một khoan hình ống có dung dịch gồm nước và kali, sau đó tăng nhiệt độ và áp suất trong ống lên. 

Quá trình này sẽ khiến toàn bộ mô và tế bào trong cơ thể tan thành chất lỏng và thi thể chỉ còn lại xương. Phần chất lỏng sẽ được đổ bỏ, còn xương nghiền mịn thành bột và rải xuống biển.

Phương pháp này đã được thí nghiệm trên thi thể người hiến cho khoa học tại Đại học University of California, Los Angeles (Mỹ). 

Tạp chí Scientific American ngày 7-9 cho biết ông Dean Fisher, giám đốc chương trình này, đang vận động California luật hoá, chấp nhận cho các nhà tang lễ thực hiện phương pháp tuỷ phân kiềm này bên cạnh chôn cất hay hỏa táng kiểu truyền thống.

Rào cản

Theo trang WIRED, dù ông Dean Fisher khẳng định thuỷ phân kiềm là “lựa chọn thân thiện môi trường nhất hiện nay” và 14 bang ở Mỹ đã công nhận hình thức này, cách làm này vẫn còn gây tranh cãi vì các chuyên gia lo ngại chất lỏng thu được có thể lẫn độc tố và sẽ gây hại khi thải vào môi trường.

Trang eco-business.com cũng chỉ ra dù có lợi ích xanh, các phương pháp chôn cất thân thiện môi trường vấp phải rào cản tâm lý và truyền thống của người Á Đông, vốn tin rằng khi chết đi thi thể phải toàn vẹn thì mới có kiếp sau.

Truyền thống châu Á cũng thích viếng mộ, còn hoả táng thì mang tro về thờ cúng trong nhà hay chùa, chứ không chấp nhận các phương pháp để người thân vĩnh viễn thành cát bụi theo nghĩa đen.

TRƯỜNG SƠN