Chàng thầy giáo mầm non ‘đặc biệt’
Ở nơi mà Nikolai đứng lớp, anh chàng râu ria bờm xờm này không có cả một từ tiếng Việt bẻ đôi, nhưng hễ có cơ hội thì đứa trẻ nào cũng tìm cách sà ngay vào lòng thầy.
Chàng thầy giáo mầm non ‘đặc biệt’
Ở nơi mà Nikolai đứng lớp, anh chàng râu ria bờm xờm này không có cả một từ tiếng Việt bẻ đôi, nhưng hễ có cơ hội thì đứa trẻ nào cũng tìm cách sà ngay vào lòng thầy.
Trẻ em Việt hầu như được chăm bẵm và làm giúp mọi thứ. Đó chưa hẳn là phương pháp giáo dục tốt nhất cho trẻ. Bởi khi trẻ không được thực hành, không tự lập thì sau này trưởng thành sẽ không biết cố gắng nỗ lực để đạt được cái mình muốn”.
Nikolai Hansen
Từ đất nước Đan Mạch, chàng sinh viên ngành mầm non Nikolai Hansen, 28 tuổi, đang làm công việc trợ giảng tại các cơ sở giáo dục ở Việt Nam. Anh có sáu tháng “cùng học” với các trẻ, trước khi trở lại ĐH Bắc Đan Mạch để hoàn thành chương trình học.
780 giờ “cùng chơi với trẻ”
Nikolai có 780 giờ thực tập mà anh nói là “cùng chơi với trẻ”, được chia đều ở cơ sở giáo dục hoà nhập Ước Mơ Xanh và Trường mầm non Ngôi Sao Xanh đều tại Đà Nẵng.
Giờ học nhận biết các loại trái cây ở lớp chồi của anh chàng nặng hơn 100kg này, với những đứa trẻ lên 5 tuổi lúc nào cũng đầy năng lượng. Nikolai cầm trên tay giỏ trái cây gồm dưa hấu, táo, nho… và bắt đầu trò chơi.
Nikolai đọc qua một lần tên tiếng Anh của các loại trái cây, trẻ nào đọc đúng thì thầy sẽ thưởng loại trái cây đó. Nikolai cầm trên tay quả táo, tiếng các em nhỏ bắt đầu nhao nhao lên: “Apple, apple, apple…”.
Đến khi được thưởng trái cây rồi nhưng các em cũng không được đưa vào miệng ăn ngay. Anh chàng bắt lũ trẻ phải học cách cắt và sử dụng các vật dụng để ăn, thông qua giáo cụ bằng nhựa, với sự chỉ dẫn kèm theo phiên dịch của cô giáo tại lớp. Mỗi lần các em làm đúng, Nikolai lại liên tục vỗ tay động viên: “Good job!” (“Tốt lắm!” – NV).
Trước khi đến với Đà Nẵng, Nikolai đã đi qua một số quốc gia và cũng tham gia tìm hiểu về nghề giáo dục mầm non ở quê hương mình. Tại Đan Mạch, trước khi trở thành sinh viên, học sinh tốt nghiệp THPT sẽ có thời gian tối thiểu sáu tháng để thực tập và tìm hiểu nghề mình sẽ theo đuổi.
“Bằng cách này, hầu như tôi biết chắc chắn công việc tôi học và làm trong tương lai. Tôi biết được mong muốn của mình – thích gắn bó với những đứa trẻ mạnh đến mức nào. Như thế, có rất ít sinh viên bỏ học giữa chừng để thay đổi ngành học, nhà nước không phải lãng phí tiền bạc” – Nikolai cho biết.
Trong thời gian tham gia trợ giảng tại Việt Nam, Nikolai đã đúc kết được đặc điểm của trẻ nhỏ ở đây so với nơi anh ở. “Tụi nhỏ hầu như được chăm bẵm và làm giúp mọi thứ. Trẻ không được dạy phải làm sao để đạt được mong muốn.
Đó chưa hẳn là phương pháp giáo dục tốt nhất cho trẻ. Bởi khi trẻ không được thực hành, không tự lập thì sau này trưởng thành sẽ không biết cố gắng nỗ lực để đạt được cái mình muốn” – Nikolai nói.
“Mọi người đều có thể làm giáo viên mầm non”
Nikolai từng làm việc tại một số trung tâm chăm sóc trẻ em từ vài tháng đến 36 tháng tuổi. Anh cũng có dịp tiếp xúc với nhiều trẻ tự kỷ, trẻ có yêu cầu chăm sóc đặc biệt, nên anh đặc biệt quan tâm đến việc can thiệp hành vi và tâm lý cho các trẻ này.
Tại cơ sở giáo dục hòa nhập Ước Mơ Xanh, trong giờ lên lớp, Nikolai đầm đìa mồ hôi khi cùng chơi với trẻ. Thông qua cô giáo chuyển ngữ, Nikolai hướng dẫn trẻ cùng chơi với mình các trò vận động. Khi dạy trẻ theo phương pháp này, người thầy tốn rất nhiều công sức, mệt hơn cả trò.
“Với trẻ tự kỷ thì người giáo viên phải uốn nắn từng động tác cho các em, tốn thời gian ở giai đoạn can thiệp cảm xúc và nhận thức vận động. Tôi muốn tiếp xúc với các em để có thể giúp đỡ những đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ” – Nikolai giải thích.
Ở nơi mà Nikolai đứng lớp, anh chàng râu ria bờm xờm này không có cả một từ tiếng Việt bẻ đôi, nhưng hễ có cơ hội thì đứa trẻ nào cũng tìm cách sà ngay vào lòng thầy. Nikolai như người bạn lớn cùng chơi với chúng, thậm chí đôi khi anh chàng chịu mất vài sợi râu vàng xoăn để lũ trẻ thấy vui…
Nikolai nói qua Việt Nam, anh chưa từng gặp thầy giáo nào dạy trẻ mầm non, nhưng ở Đan Mạch thì việc này rất đỗi bình thường: tỉ lệ giáo viên nam dạy mầm non, dạy các chương trình giáo dục đặc biệt cho trẻ chiếm gần 1/5 so với nữ.
“Tôi nghĩ mọi người đều có thể làm giáo viên mầm non nếu yêu thích trẻ và có đủ năng lượng để vui chơi với chúng” – Nikolai Hansen nói về nghề anh đang theo đuổi.
Để trẻ tự lập, đừng “bao cấp”
Có dịp đi qua một số quốc gia, Nikolai dẫn chứng một sự việc mà qua đó, theo anh, chứng tỏ sự khác biệt cơ bản trong phương pháp giáo dục giữa phụ huynh các nước châu Âu và châu Á. Đó là việc đi du lịch.
Thông thường, các đôi vợ chồng châu Á sẽ “bao cấp” luôn phần hành lý của con khi đi du lịch. Nhưng với người phương Tây, trẻ em tầm 5 tuổi trở lên sẽ được mua riêng một chiếc vali để cùng kéo theo như cha mẹ.
“Theo anh, trường hợp trẻ gặp vấn đề với chiếc vali của mình thì cha mẹ chúng sẽ làm gì?” – Nikolai hỏi chúng tôi rồi tự trả lời: “Họ sẽ không giúp đứa trẻ mà họ sẽ bỏ thời gian đứng chờ và khích lệ trẻ, cho đến khi trẻ khắc phục xong sự cố. Đó là cách dạy đứa trẻ tự lập ngay từ nhỏ”.
Dùng ánh mắt và ngôn ngữ cơ thể để dạy trẻ
Cô Đỗ Thị An Khuê, hiệu trưởng Trường mầm non Ngôi Sao Xanh, cho biết thầy Nikolai không những dạy trẻ khả năng giao tiếp với người lạ, mà còn giúp các cô giáo trong trường nâng cao khả năng tiếng Anh.
“Thầy Nikolai mang tới không khí mới ở trường chúng tôi, với phương pháp giáo dục vừa chơi vừa học. Giờ lên lớp của thầy Nikolai không có nhiều cách trở về ngôn ngữ, bởi thầy luôn biết sử dụng ngôn ngữ cơ thể và ánh mắt giúp trẻ tiếp thu” – cô Khuê nói.