Vụ ‘Mất kiểm soát thuốc trừ sâu’: Phải chặn từ gốc
Ngoài việc tuyên truyền để người dân nắm rõ những tác hại của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nhiều chuyên gia cho rằng cần phải tăng cường kiểm soát từ khâu sản xuất đến sử dụng thuốc BVTV.
Vụ ‘Mất kiểm soát thuốc trừ sâu’: Phải chặn từ gốc
Ngoài việc tuyên truyền để người dân nắm rõ những tác hại của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nhiều chuyên gia cho rằng cần phải tăng cường kiểm soát từ khâu sản xuất đến sử dụng thuốc BVTV.
Theo Cục BVTV, ngoài 620 tên thuốc đã được loại khỏi danh mục được phép sử dụng, thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục loại thêm khoảng 1.000 tên thuốc, chỉ giữ lại khoảng 3.000 tên thuốc trong danh mục.
Khuyến khích sử dụng vì lợi nhuận?
Theo kết quả nghiên cứu về thực trạng sử dụng thuốc trừ sâu ở ĐBSCL được Trung tâm BVTV phía Nam công bố tại một hội nghị về sản xuất nông nghiệp mới đây ở ĐBSCL, có đến 58% nông dân sử dụng thuốc trừ sâu trong 1-40 ngày đầu sau gieo sạ, phổ biến nhất là thuốc Abamectin, Chief và Fenobucarb.
Cũng theo công bố này, lợi ích kinh tế của những lần phun thuốc đầu vụ rất ít hoặc là không có. Ngược lại, việc phun thuốc trừ sâu quá nhiều vào đầu vụ chỉ làm cho sinh thái trong ruộng lúa bị tổn thương và gây cháy rầy gấp 10 lần.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy ngoài sự thiếu hiểu biết của một số nông dân, chính các nhà sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV cũng chịu trách nhiệm về việc lạm dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp.
Với đội ngũ nhân viên tiếp thị hùng hậu, nhiều nhà sản xuất và đại lý xuống tận chân ruộng để mời nông dân mua thuốc BVTV với nhiều chính sách khuyến khích, thậm chí bán chịu cho nông dân.
Trong khi đó, theo ông H. – chủ đại lý phân bón và thuốc trừ sâu ở huyện Tân Hiệp (Kiên Giang), nhiều công ty mang tiếng là sản xuất thuốc BVTV nhưng thực chất chỉ đi đăng ký lưu hành sản phẩm theo quy định, sau đó thuê nhà máy gia công, in bao bì rồi đem đi phân phối cho nông dân.
“Các đại lý phân phối cũng đóng vai trò rất quan trọng. Tỉ lệ lợi nhuận chiết khấu bình quân khoảng 30%, cao hơn cả kinh doanh thuốc tân dược trị bệnh cho người” – ông H. nói.
Khó kiểm soát?
Ông Trần Quang Giàu – chi cục trưởng Chi cục BVTV, thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang – cho hay về mặt quản lý nhà nước, cơ quan này sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra ngẫu nhiên theo định kỳ.
Tuy nhiên, nội dung kiểm tra chủ yếu là thành phần, hàm lượng hoá chất so với bao bì, nhãn hiệu đã đăng ký và được Cục BVTV cấp chứng nhận lưu hành.
Trong khi đó, dù vừa được đưa ra khỏi danh mục nhưng hai hoạt chất là 2,4D và Paraquat (trong thuốc diệt cỏ, rất độc hại) vẫn được phép lưu hành tại VN đến ngày 8-2-2019.
Do đó, theo ông Nguyễn Văn Nguyên – chánh thanh tra Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, sau thời điểm này cơ quan chức năng mới thanh tra, kiểm tra việc mua bán, sử dụng thuốc BVTV chứa 2 hoạt chất trên.
Ông Nguyễn Thành Phước – chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Sóc Trăng – thừa nhận chỉ có thể khuyến cáo người dân sử dụng thuốc BVTV sao cho an toàn, không sử dụng nhóm lân hữu cơ và clo hữu cơ vì có tính độc cao, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.
Tuy nhiên, nhiều nông dân và người bán không biết chính xác trong chai thuốc có những hoạt chất gì, có bị cấm sử dụng hay không. Cái họ quan tâm là giá cả và hiệu quả sử dụng.
“Sản xuất an toàn không có nghĩa là không sử dụng thuốc BVTV, vấn đề là mua thuốc có nguồn gốc, đúng chất lượng và còn tùy chữ tín và cái tâm của người sản xuất” – ông Phước nói.
Xây dựng cơ sở dữ liệu, hướng dẫn sử dụng
Nhiều chuyên gia cho rằng muốn thay đổi việc lạm dụng thuốc BVTV, cả hệ thống phải vào cuộc, trước mắt cần tăng biện pháp chế tài, thúc đẩy mạnh hơn chính quyền cơ sở xử lý nạn lạm dụng thuốc BVTV.
Vì nhiều nông dân biết nguy hiểm nên trồng riêng nông sản cho gia đình mình ăn, còn hàng đem bán vẫn phun thuốc…
TS Hồ Thanh Bình – trưởng khoa nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên ĐH An Giang – cho rằng đang thiếu cơ sở dữ liệu về thuốc BVTV, người dân chỉ làm theo kinh nghiệm.
Đặc biệt, gần như chưa có nghiên cứu nào về dư lượng hoá chất trong thuốc BVTV được công bố rộng rãi.
“Việc quản lý nhà nước về sử dụng thuốc BVTV hiện chưa chặt chẽ, nhất là khâu sản xuất và sử dụng” – ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, Cục BVTV có đơn vị quản lý, nhưng gần như nông dân chưa tiếp cận được thông tin.
Chẳng hạn khi lúa bị muỗi hành, nông dân tự tìm thuốc để diệt chứ không được khuyến cáo nên sử dụng loại thuốc gì hay hoá chất nào…
“Theo tôi, Nhà nước cần xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt chất, thời gian cách ly để nông dân tìm hiểu và sử dụng đúng” – ông Bình đề nghị.
Nông dân lựa chọn mua thuốc bảo vệ thực vật tại một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ – Ảnh: CHÍ QUỐC
Ông Hoàng Trung (cục trưởng Cục BVTV):
Sẽ tăng tỉ lệ sử dụng thuốc sinh học lên 30%
Dù được phép nhập thêm trong vòng một năm và được sử dụng trong vòng hai năm theo thông lệ quốc tế, nhưng sau sáu tháng kể từ khi bị loại khỏi danh mục thuốc BVTV được sử dụng, hai hoạt chất là 2,4D và Paraquat đã không còn được các doanh nghiệp nhập về nữa.
Chúng tôi cũng yêu cầu chỉ nên thực hiện hợp đồng nào ký trước quyết định loại 2,4D và Paraquat khỏi danh mục được phép sử dụng, còn hợp đồng nào ký sau thời điểm đó phải ngừng nhập về.
Ngoài việc loại bỏ thêm nhiều tên thuốc BVTV ra khỏi danh mục, tới đây, ngành nông nghiệp sẽ có chính sách khuyến khích để nâng tỉ lệ sử dụng thuốc trừ sâu trừ cỏ sinh học lên 30%, so với tỉ lệ 18% như hiện nay.