Chúa Nhật 23 TN A: Hiệp thông trong Hội Thánh
Trong bài giảng về cách sống trong Hội Thánh, thánh Matthêu tường thuật việc Chúa Giêsu dạy cách sửa lỗi cho nhau. Đối với Chúa Giêsu, việc sửa lỗi cho nhau phải theo tinh thần đức ái và hướng đến sự hiệp thông với nhau.
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN A
(Ed 33,7-9; Rm 13,8-10; Mt 18,15-20)
HIỆP THÔNG TRONG HỘI THÁNH
“Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,19-20).
I. CÁC BÀI ĐỌC:
1. Bài đọc 1:
Ngôn sứ Êdêkien được Thiên Chúa trao phó cho nhiệm vụ canh gác cho dân Israel nhằm cảnh báo họ về những điều sai trái mà hối cải.
Nhiệm vụ của người canh gác là nghe lời Chúa và trung thành loan báo lại cho dân, cả những tin tốt lẫn tin xấu.Trong khi việc loan báo tin tốt lành là điều dễ dàng, thì loan báo tin xấu là một thách đố đối với người canh gác vì có thể bị thù ghét.Tuy vậy, những lời cảnh báo trừng phạt đối với kẻ gian ác là cơ hội để họ nhận ra lỗi lầm mà trở về với Thiên Chúa. Người canh gác chu toàn nhiệm vụ khi truyền lại trọn vẹn lời cảnh báo của Thiên Chúa đối với những người làm điều sai trái, còn hối cải hay không thì không thuộc phạm vi trách nhiệm của người canh gác.Trái lại, nếu người canh gác tránh né hoặc không loan báo đầy đủ lời Chúa, để rồi những kẻ làm điều sai trái không biết đến lời cảnh báo của Thiên Chúa mà ăn năn sám hối thì không những họ phải chịu hình phạt mà chính người canh gác cũng sẽ phải chịu hình phạt trước mặt Thiên Chúa.
Đặt trong bối cảnh Giêrusalem đang bị quân thù bao vây, việc Thiên Chúa đặt ngôn sứ làm người canh gác cho dân Israel cho thấy rằngđằng sau những lời cảnh báo tai hoạ và hình phạt là ý định của Thiên Chúa muốn thức tỉnh dân Chúa, và những tai hoạ xảy ra là để thanh tẩy họ cho xứng với tương lai huy hoàng mà Thiên Chúa dự liệu cho họ là được sống hiệp thông cách trọn vẹn với Thiên Chúa.
2. Bài đọc 2:
Thánh Phaolô đề cao đời sống bác ái không chỉ đối với những người thân cận mà còn mở rộng ra đối với đồng loại, tức là tất cả mọi người.
Trong khi thánh Phaolô khuyên các tín hữu Rôma nếu “nợ ai cái gì, thì hãy trả cho người ta cái đó”, để “anh em đừng mắc nợ gì ai” (Rm 13,7-8), thì ngài lại khuyên họ hãy mắc nợ nhau món nợ tương thân tương ái. Điều này có nghĩa: đức ái là món nợ duy nhất mà người Kitô hữu cần phải trả cho người khác. Vì được Thiên Chúa yêu thương cách nhưng không, các Kitô hữu cũng phải có bổn phận yêu thương người khác; và tình thương đó chính là món nợ đức ái cần phải trả.
Đối với thánh Phaolô, tất cả Lề Luật Do Thái được tóm lại trong điều răn “ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình” (Rm 13,9; x. Lv 19,18), nên yêu tha nhân là chu toàn Lề Luật. Chính Chúa Giêsu cũng đã tóm gọn tất cả Lề Luật vào hai điều răn: yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và yêu người thân cận như chính mình; và cả hai đều có giá trị như nhau (x. Mt 22,37-40). Hơn nữa, trong khi đối với người Do Thái “người thân cận” hiểu cách rộng nhất là một người Do Thái khác, thì đối với thánh Phaolô, tình thương cần phải mở rộng ra cho những người đồng loại, nghĩa là không chỉ giới hạn trong huyết tộc, chủng tộc, văn hoá, ngôn ngữ, mà bao gồm tất cả mọi người. Cũng vậy, qua dụ ngôn người Samari nhân hậu, Chúa Giêsu cho thấy rằng tất cả những ai đang cần đến ta, cần tình thương của ta đều là người thân cận của ta (x. Lc 10,25-37).
3. Bài Tin Mừng:
Trong bài giảng về cách sống trong Hội Thánh, thánh Matthêu tường thuật việc Chúa Giêsu dạy cách sửa lỗi cho nhau. Đối với Chúa Giêsu, việc sửa lỗi cho nhau phải theo tinh thần đức ái và hướng đến sự hiệp thông với nhau.
Trước hết, Chúa Giêsu cho các môn đệ hiểu rằng Chúa Cha trên trời “không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18,15), nên khi có bất kỳ người anh em nào trót phạm tội thì hãy sửa lỗi người đó trong tinh thần đức ái, nghĩa là nhằm cứu vãn và xây dựng hơn là trừng phạt. Vì thế, Chúa Giêsu đòi buộc phải áp dụng những phương thức có thể, dù bằng lời khuyên nhủ cá nhân, hay thông qua vài ba nhân chứng, thì mục đích cuối cùng vẫn là để đưa người anh em lầm lạc trở về. Và dù có phải đưa người anh em ra trước Hội Thánh, trước những người có trách nhiệm chính thức, thì cũng vì muốn dùng một hình thức công khai để đưa người đó trở về.
Hơn nữa, mục đích tối hậu của việc sửa lỗi cho nhau là để hiệp thông với Chúa và với nhau. Thật vậy, việc sửa lỗi không phải để nhìn vào những lỗi lầm, thiếu sót của nhau, mà cùng nhau nhìn về phía Chúa, để thấy tình thương của Chúa mà hoà giải với nhau. Sửa lỗi cho nhau không phải để cầm giữ nhau trong những lỗi lầm, những tật xấu, những bất toàn yếu đuối, mà tháo cởi cho nhau để cùng được hiệp thông với Chúa và với nhau, vì dưới đất cầm buộc điều gì thì trên trời cũng cầm buộc như vậy; trái lại, dưới đất tháo cởi điều gì thì trên trời cũng tháo cởi như vậy.
Sau cùng, việc sửa lỗi cho nhau để giúp nhau hoàn thiện và tạo nên sự hiệp thông với nhau ở dưới đất, thì ở trên trời lời cầu nguyện của những người sống hiệp thông với nhau sẽ được Thiên Chúa lắng nghe và nhậm lời. Ở đâu có sự hiệp thông, ở đó có sự hiện diện của Chúa. Dù sửa lỗi cho nhau thế nào thì mục đích tối hậu vẫn là để được hiệp thông với nhau. Và sự hiệp thông ở dưới đất là điều kiện để có được sự hiệp thông với Thiên Chúa trên trời.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG:
1/ Thiên Chúa trao cho ngôn sứ Êdêkien trách nhiệm canh gác cho dân Israel để cảnh báo họ về những điều sai trái nhằm giúp họ hoán cải để được Thiên Chúa tha thứ. Mục đích của Thiên Chúa không phải để trừng phạt dân Ngài, nhưng muốn họ ăn năn trở về mà sống trong ân nghĩa với Ngài. Các Kitô hữu cũng được mời gọi làm người canh gác cho anh chị em mình: cảnh báo anh chị em mình về những điều sai trái không vì ghen ghét hay loại trừ, nhưng vì muốn họ bỏ đường sai trái mà trở về sống hiệp thông với Chúa.
2/ Thánh Phaolô đề cao đời sống yêu thương và coi đó như là một cách chu toàn Lề Luật. Yêu thương không chỉ những người thân cận mà còn mở rộng ra đối với tất cả mọi người, không phân biệt ngôn ngữ, giai cấp hoặc tôn giáo. Đối với Chúa Giêsu, yêu Chúa và yêu người là điều răn quan trọng nhất. Giữa bao nhiêu điều luật phải giữ, mà đôi khi trở thành máy móc, người Kitô hữu được nhắc nhớ đến điều cốt lõi nhất của Kitô giáo: yêu thương.
3/ Trong một Hội Thánh gồm những con người bất toàn, khó tránh khỏi những điều sai sót, Chúa Giêsu dạy các môn đệ cách sửa lỗi cho nhau. Sửa lỗi với thái độ kiên nhẫn và trong tinh thần bác ái; sửa lỗi không phải vì thù ghét hay nhằm để loại trừ người anh em, mà vì muốn người anh em bỏ con đường sai trái mà trở về với Chúa và hiệp thông với Hội Thánh.Sửa lỗi cho nhau để cùng nhau tiến bước trên đường hoàn thiện là bổn phận của các Kitô hữu trongHội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG:
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Anh em đừng mắc nợ ai điều gì ngoài việc phải yêu mến nhau”. Giới răn yêu thương không chỉ đòi chúng ta biết cảm thông chia sẻ, mà còn phải chân thành sửa lỗi cho nhau. Tin tưởng vào tình thương và ơn trợ giúp của Thiên Chúa, cộng đoàn chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.
1. “Những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Giáo Hội, luôn trung thành với tác vụ ban phát các mầu nhiệm thánh và khôn ngoan sáng suốt khi thực thi quyền bính để phục vụ dân Chúa.
2. Thánh Phaolô nói: “Yêu thương là chu toàn lề luật”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người có quyền lập pháp và hành pháp trên thế giới, biết tôn trọng sự thật và tiếng nói của lương tâm ngay chính, để mưu tìm cuộc sống hạnh phúc và thịnh vượng cho người dân.
3. Chúa Giêsu dạy: “Nếu anh em của con phạm tội, hãy đi sửa dạy nó”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các Kitô hữu luôn biết cảm thông trước những lầm lỗi của người khác, chân thành giúp nhau trở nên hoàn thiện mỗi ngày qua các việc lành và đời sống gương mẫu.
4. “Ở đâu có hai hoặc ba người họp nhau nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn siêng năng họp nhau nhân danh Chúa trong các buổi cử hành phụng vụ cũng như các giờ kinh chung trong gia đình.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha toàn năng và hay thương xót, xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban Thánh Thần giúp chúng con biết sống trọn vẹn giới răn yêu thương mọi người như Con Chúa truyền dạy. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.