28/11/2024

Chúa Nhật 22 TN A: Khổ giá – Nẻo đường người Kitô hữu

Chúa Giêsu đã đưa ra một lời khuyên dành cho tất cả những ai muốn bước theo Người, đó là để trở thành môn đệ của Người, cần phải từ bỏ chính mình, vác thập giá của mình mà theo Người.

 CHÚA NHẬT XXII TN A

(Gr 20,7-9; Rm 12,1-2; Mt 16,21-27)

KHỔ GIÁ – NẺO ĐƯỜNG NGƯỜI KITÔ HỮU

“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24)

 

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Gr 20, 7-9)

Bài đọc I được xem như là một trong những phần thuộc nhóm “tự sự” của ngôn sứ Giêrêmia. Ở đây ta thấy Giêrêmia đang lâm vào trong hoàn cảnh xung đột nội tâm. Chính vị ngôn sứ đã than trách với Thiên Chúa: “Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ” (Gr 20,7). Sau đó Giêrêmia đã xác nhận là đã bị nhạo báng chê bai mỗi ngày (c.8), bởi lẽ, những lời ông phán toàn là những nỗi bất hạnh và tai hoạ. Vì lý do đó dân chúng không muốn nghe ông nói nữa. Vì thế, ngôn sứ muốn thoát khỏi bối cảnh này, nhưng đây là điều không thể, bởi Lời Chúa trong tâm hồn vị ngôn sứ “cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt”đến độ không chịu nổi (c.9). Tình cảnh này cũng sẽ tương ứng với bối cảnh của bài Tin Mừng mà chúng ta suy niệm hôm nay.

 

2. Bài đọc II (Rm 12,1-2)

Lời của thánh Phaolô trong bài đọc II khuyên nhủ chúng ta không tìm kiếm trước tiên hạnh phúc của chúng ta, nhưng hãy dâng chính con người mình như một hy tế sống. Điều này có nghĩa là chúng ta cần phải đặt để con người chúng ta vào mục đích phục vụ công bình, bác ái, sự thánh thiện và tình yêu của Thiên Chúa. Đó mới là ý nghĩa của “hy tế” Kitô giáo. Hy tế này thật ra không phải là một thực tại tiêu cực, nhưng có ý nghĩa rất cao đẹp, nghĩa là biết đón nhận vào đời mình tình yêu của Thiên Chúa, để được biến đổi thành của lễ dâng lên Thiên Chúa và được Người chấp nhận.Để làm được điều này, chúng ta phải từ bỏ não trạng củacon người thế gian này mà không tìm kiếm những ích lợi cho mình, để được đổi mới và biết phân định, nhận ra đâu là thánh ý Thiên Chúa, đâu là điều làm đẹp lòng Người.

 

3. Bài Tin Mừng (Mt 16,21-27)

Đức Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay, dù đang phải hướng về cuộc thương khó trong hành trình phía trước, nhưng đã không than trách hay lẩn tránh cho số phận của mình; trái lại, trong đoạn Tin Mừng tương ứng với đoạn hôm nay, chúng ta thấy rõ Người bày tỏ nỗi khắc khoải chờ mong đối diện với cuộc chiến đấu với sự dữ này (x. Lc 12,50).

Tuy nhiên, Phêrô lại thể hiện một thái độ ngược lại với Thầy mình. Chỉ mới trước đây thôi, ông đã tuyên xưng cách mạnh mẽ căn tính thần linh của Đức Giêsu, và tâm trí ông ngập tràn một hình ảnh về một Đấng Mêssia đầy vinh quang nơi Đức Giêsu. Vì thế, việc loan báo cuộc thương khó của Đức Giêsu đã đi ngược với viễn cảnh mà ông có trong đầu: thay vì vinh quang, Đức Giêsu lại nói về tủi nhục; thay vì thành công, Đức Giêsu lại nói về thất bại và cái chết. Rõ ràng là Đức Giêsu loan báo về sự phục sinh của Người, nhưng Phêrô không thể chấp nhận con đường hướng đến phục sinh theo cách thức như thế này. Giờ đây, ông chỉ trông đợi và muốn thấy nơi Thầy mình con đường vinh quang của một Đấng Mêssia.

Về phần Đức Giêsu, Người đã quyết định theo đuổi hành trình của mình. Người không muốn chối từ thánh ý của Chúa Cha, bởi vì Người biết rõ đây là một thánh ý đầy tình yêu thương; và Người còn biết rằng cuộc khổ giá mang giá trị cao đẹp và thật sự cần thiết, bởi lẽ không có cuộc vinh thắng nào mà không có chiến đấu gian khổ. Đức Giêsu phải đối diện sự dữ, đối diện tội lỗi và đối diện cái chết, để rồi cuối cùng, qua thực tại cuộc sống con người này, Người lần ra một con đường vinh thắng.

Tiếp theo, ta thấy Chúa Giêsu đã đưa ra một lời khuyên dành cho tất cả những ai muốn bước theo Người, đó là để trở thành môn đệ của Người, cần phải từ bỏ chính mình, vác thập giá của mình mà theo Người. Mỗi người Kitô hữu cần phải đối diện với sự dữ, đối diện với tội lỗi và cái chết, để bước theo Đức Giêsu trên con đường mà Người đã đi qua. Đây là con đường chắc chắn nhất hướng chúng ta đến cuộc vinh thắng. Và vì thế, đó là con đường cao đẹp, ngay cả khi con người theo lẽ tự nhiên muốn chống lại và tránh xa nó.

Đức Giêsu còn giải thích cho chúng ta rằng ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, và ai mất mạng sống vì Người thì sẽ tìm thấy. Đây là nguyên lý căn bản mà chính Chúa Giêsu đã nêu ra. Chúng ta được dựng nên để đạt đến một cuộc sống và hạnh phúc viên mãn. Trong sâu xa mỗi người chúng ta luôn có khao khát hướng đến thực tại này, nhưng chúng ta sẽ không thể đạt tới nếu chúng ta tìm kiếm và hướng đến nó cách trực tiếp.

Thật vậy, nếu chúng ta trực tiếp tìm kiếm hạnh phúc cho mình trước tiên, chúng ta sẽ rơi vào thói ích kỷ. Chỉ khi chúng ta biết chiến thắng sự ích kỷ này, mở rộng lòng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, biết sống với hy sinh và một tấm lòng tích cực hướng về tình yêu, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được cùng đích cao đẹp của đời mình.

Tin Mừng hôm nay là một đòi hỏi cấp thiết và có vẻ như nghịch lý: để cứu mạng sống, cần phải mất; để đến vinh quang cần phải qua đau khổ. Chìa kh chung của những điều này là: không nghĩ về bản thân trước, không tìm kiếm lợi ích hay vinh quang cho riêng mình trước, nhưng là tìm kiếm vinh quang nơi Đức Kitô và kết hợp với tình yêu của Người.

 

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. “Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ”. Từ trong nội tâm sâu xa của ngôn sứ Giêrêmia là một cuộc đối thoại giằng co với Thiên Chúa trong khi phân định đời mình. Nghĩ lại bản thân tôi, có bao giờ tôi biết đặt mình trước Chúa trong khi phân định đời mình; có bao giờ tôi bị giằng co giữa những giá trị sống và những ý hướng sống của tôi với Thiên Chúa; và có bao giờ tôi để cho Thánh Ý Chúa và tiếng nói của Người ‘quyến rũ’ và vượt thắng?

2. “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Bước đường theo Chúa Kitô của người tín hữu đòi hỏi tôi phải bước qua thập giá để đến vinh quang. Không thể có vinh quang mà không trải qua cuộc chiến đấu. Vậy bên cạnh những điều tốt đẹp, tôi có đọc được những sứ điệp tích cực trong những khúc quanh gp ghềnh và chông gai trong đời tôi và luôn xác tín rằng Chúa vẫn luôn yêu thương tôi trong những giây phút đó?

3. Những tâm tình khuyên nhủ của thánh Phaolô ở bài đọc II thật sự có ý nghĩa cho tôi trong ngày hôm nay, đó là: “nhận ra đâu là Ý Chúa”, “cái gì đẹp lòng Người”, biết “đổi mới tâm thần” và “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Chúa”?

 

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Con Thiên Chúa đã chấp nhận chịu khổ hình, chịu chết trên thập giá và sống lại để cứu chuộc nhân loại. Ngài mời gọi chúng ta hãy từ bỏ mình và bước đi trên con đường thập giá. Với niềm tin tưởng và quyết tâm vác thập giá theo Chúa Kitô, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.

1. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các thành phần trong Hội Thánh đang phải đương đầu với bao chống đối và bách hại, luôn vững tin vào sức mạnh của thập giá để can đảm đón nhận và vượt qua những khó khăn thử thách hầu góp phần vào cuộc thương khó của Chúa Kitô.

2. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đã chọn cuộc sống dâng mình cho Chúa, cách riêng các ứng sinh linh mục và tu sĩ, luôn xác tín với chọn lựa của mình, biết quảng đại từ bỏ những tiện nghi hưởng thụ, để luôn hân hoan bước theo Chúa trên đường thập giá.

3. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các học sinh và sinh viên chuẩn bị bước vào năm học mới biết tận dụng thời gian và hoàn cảnh Chúa ban để nâng cao tri thức và rèn luyện nhân đức, hầu trở nên nhân chứng cho Đức Kitô trong môi trường sống và học tập của mình.

4. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn khắc ghi lời Chúa hôm nay: “Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì”, để trong cuộc sống hằng ngày biết hướng về đời sau qua từng suy nghĩ, lời nói và việc làm.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã biến đổi thập giá thành thánh giá đem lại ơn cứu độ cho muôn người. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban Thánh Thần, giúp chúng con can đảm từ bỏ bản thân và trung thành vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.