28/11/2024

Nhận tiền đút túi, chở hàng trăm ngàn tấn rác đi chôn

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, số lượng rác thải đã chôn lấp có thể lên tới hàng trăm ngàn tấn. Gần như toàn bộ khu vực chôn lấp đều được trồng cây nhỏ hoặc cây bông giấy.

 

Nhận tiền đút túi, chở hàng trăm ngàn tấn rác đi chôn

 Theo một chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, số lượng rác thải đã chôn lấp có thể lên tới hàng trăm ngàn tấn. Gần như toàn bộ khu vực chôn lấp đều được trồng cây nhỏ hoặc cây bông giấy. 

 

 

 

 

 
 
 
 

 
 

Clip hàng đoàn xe chở rác thải đi chôn do phóng viên Tuổi Trẻ quay lại – Thực hiện: Q.KHẢI – Đ.PHÚ – N.TRẦN

 

19h. Tại cổng Công ty CP đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa (Công ty Tâm Sinh Nghĩa), đoàn xe ben nối đuôi nhau chở rác thải chạy về địa điểm chôn rác cách công ty này khoảng 100m, nằm trong khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP.HCM.

Trong khi đó, Công ty Tâm Sinh Nghĩa là đơn vị chỉ được TP giao rác để đốt, tái chế, làm phân với giá 20 USD/tấn, hoàn toàn không được chôn lấp rác. Phóng viên Tuổi Trẻ đã có nhiều ngày đêm tiếp cận hiện trường này.

Nhận tiền đút túi, chở hàng trăm ngàn tấn rác đi chôn
Nhà máy xử lý và tái chế chất thải rắn Củ Chi của Công ty Tâm Sinh Nghĩa – Ảnh: N.D.

Móc đất lên, 
chôn rác xuống

Để tiếp cận khu vực chôn lấp, phóng viên Tuổi Trẻ nhiều đêm lội qua các con mương chằng chịt trong rừng cây cách ly để ghi lại cảnh san lấp mặt bằng… bằng rác thải. Hàng đoàn xe chở rác từ trong Công ty Tâm Sinh Nghĩa rồi đem ra ngoài bãi đất chôn lấp.

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp nằm tách biệt với khu dân cư. Vòng ngoài của khu này địa hình lầy lội, cây cối dày đặc.

Để tiếp cận khu vực Công ty Tâm Sinh Nghĩa đang chôn lấp rác, chúng tôi phải len lỏi theo các mương nước đi vào.

Bên trong công trường, những chiếc xe cuốc hối hả móc đất tạo thành các hố sâu từ 2-3m. Tiếp đó, từng chiếc xe ben lần lượt chạy vào, trút ào ào hàng tấn rác xuống hố.

Cứ 3-5 phút lại có chuyến xe “trút hàng” xuống. Một dãy cây xanh của vùng đệm ngăn ô nhiễm cũng vừa bị đốn hạ để mở rộng diện tích bãi chôn rác. Khu chứa rác cứ được xe múc gặm dần vào phía hàng cây vùng đệm, như tằm ăn dâu.

Đến gần sáng, các xe ben chở rác ngừng chạy. Lúc này bốn chiếc xe cuốc trước đó có nhiệm vụ đào, múc chuyển sang san lấp các hố chôn, tái lập mặt bằng. Có tiếp cận khu vực này mới nghe thấy mùi rác bốc lên đậm đặc, kinh khủng.

Có không việc làm ngơ cho chôn rác?

Nhận tiền đút túi, chở hàng trăm ngàn tấn rác đi chôn
Công ty cổ phần Đầu tư – phát triển Tâm Sinh Nghĩa không xử lý hết lượng rác tiếp nhận hàng ngày nên rác thải tràn ngập trong khuôn viên – Ảnh cắt từ clip

Địa điểm mà Công ty Tâm Sinh Nghĩa chở rác đến chôn lấp hằng đêm thuộc công trình thanh niên của Ban quản lý các khu liên hiệp xử lý chất thải TP – trực thuộc Sở Tài nguyên và môi trường TP. 

Xe chở rác thải Công ty Tâm Sinh Nghĩa được ra vào công trình này do được Ban quản lý các khu liên hiệp xử lý chất thải TP giao cho “nhiệm vụ” đổ “phân bón” để san lấp mặt bằng trồng cây: thay thế khu cây xanh hiện hữu bằng các loại cây ăn quả.

Theo Ban quản lý các khu liên hiệp xử lý rác thải, dự kiến diện tích san lấp 
mặt bằng rộng từ 1-2ha.

Hiện khu cách ly hiện hữu đã có hàng ngàn cây xanh với chiều cao từ 7-10m. Khu vực này được coi là màng chắn cách ly ô nhiễm giữa bãi xử lý rác thải với khu dân cư.

Hiện tại, khu vực mới chôn lấp ăn sâu vào khu cây xanh cách ly khoảng 50m, chạy dài hơn 100m.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, số lượng rác thải đã chôn lấp có thể lên tới hàng trăm ngàn tấn. Gần như toàn bộ khu vực chôn lấp đều được trồng cây nhỏ hoặc cây bông giấy.

Tuy vậy, đi dọc mặt bằng mới được trồng cây, chúng tôi thấy rác thải sinh hoạt lẫn túi nilông vẫn còn nằm vương vãi bên trên bề mặt.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Ngô Thành Đức, phó Ban quản lý các khu liên hiệp xử lý chất thải TP, cho rằng: “Quá trình san lấp mặt bằng được ban giám sát 24/24 giờ nên không có chuyện các đơn vị đem rác chôn lấp dưới công trình này. Khi thực hiện, ban và các đơn vị đều có ký kết thỏa thuận với nhau”.

Ông Đức khẳng định thứ để san lấp mặt bằng trồng cây chỉ là phân bón.

Nhưng khi phóng viên Tuổi Trẻ cho biết có bằng chứng việc Công ty Tâm Sinh Nghĩa chở rác thải chôn lấp ở đây, ông Đức mới ngập ngừng nói: “Ờ, việc này… thì phóng viên nên báo về cho ban, để ban mời các đơn vị tới nhằm nghiêm 
túc làm rõ và xử lý vi phạm”.

Nhận tiền đút túi, chở hàng trăm ngàn tấn rác đi chôn
Xe cuốc phủ lớp đất ở bề mặt công trình nhằm che đậy lượng lớn rác thải đã chôn lấp – Ảnh: cắt từ clip – ĐỨC PHÚ – QUANG KHẢI

Ngân sách chi hơn 
nửa tỉ đồng/ngày

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Công ty Tâm Sinh Nghĩa được giao khoảng 1.200 – 1.300 tấn rác mỗi ngày để xử lý theo phương pháp đốt rác, tái chế và sản xuất phân compost, không được chôn lấp.

Tại khu vực được chôn lấp là ô chôn lấp số 3, do khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp quản lý, cách Công ty Tâm Sinh Nghĩa chỉ khoảng 400-500m và ô chôn lấp này chỉ tiếp nhận khoảng 500 tấn/ngày.

Do Công ty Tâm Sinh Nghĩa tiếp nhận nhiều nhưng xử lý không hết dẫn đến lượng rác thải không đủ chỗ chứa tại các nhà kho mà tràn ngập trong khuôn viên của công ty, ảnh hưởng đến mỹ quan và môi trường khu vực.

Giá TP trả cho mỗi tấn rác được xử lý là 20 USD, với việc tiếp nhận 1.200 – 1.300 tấn rác/ngày, ngân sách TP phải trả cho công ty này từ 24.000 – 26.000 USD (tức khoảng 528 – 572 triệu đồng).

Đáng nói là những chuyến xe chở chất thải “đã qua xử lý, phân vi sinh” của Công ty Tâm Sinh Nghĩa chỉ là đủ loại rác “tươi” gồm rác thải sinh hoạt trong đó có cả bao nilông, 
hộp xốp, chai lọ…

Với cách làm này của Công ty Tâm Sinh Nghĩa, TP vừa tốn tiền chi cho công ty mà môi trường lại gánh lấy hậu quả ô nhiễm lâu dài.

Nhận tiền đút túi, chở hàng trăm ngàn tấn rác đi chôn
Rác thải tràn ngập trong khuôn viên công ty Tâm Sinh Nghĩa – Ảnh cắt từ clip

Ngoài Công ty Tâm Sinh Nghĩa còn có Vietstar

Ngoài Công ty Tâm Sinh Nghĩa, Ban quản lý các khu liên hiệp xử lý chất thải TP cũng đồng ý cho Công ty CP Vietstar (một đơn vị xử lý rác thải) chở phân đến san lấp mặt bằng công trình trồng cây ăn quả, cùng khu vực mà Công ty Tâm Sinh Nghĩa chôn rác.

Các xe tải, xe ben xuất phát từ Công ty CP Vietstar chở chất thải màu đen, giống mùn hữu cơ hơn là rác đổ xuống khu vực trên.

Theo TS Phạm Viết Thuận – viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường, việc bón phân cho cây trồng phải tuân thủ theo kỹ thuật và liều lượng thì cây mới phát triển được.

Thông thường 10-30kg/10 cây/năm tùy theo loại cây chứ không thể dùng phân, rác độn phía dưới san lấp mặt bằng trồng cây như thực tế đang diễn ra.

Có nhiều khuất tất

Theo Sở Kế hoạch và đầu tư TP, trong năm 2016, kế hoạch ghi vốn cho việc xử lý rác thải trên địa bàn TP là 1.408 tỉ đồng.

Hiện trên địa bàn TP mỗi ngày lượng rác phát sinh hơn 8.300 tấn, trong đó tỉ lệ chôn lấp rác chiếm khoảng 76%; tái chế, làm phân compost 14,7% và đốt 9,3%.

Tại TP.HCM, hiện nay chỉ có hai nơi được chôn lấp rác, trong đó khu liên hợp Đa Phước (huyện Bình Chánh) khoảng 5.000 tấn/ngày; còn bãi chôn lấp số 3 của Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP ở khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp (huyện Củ Chi) – hiện là bãi dự phòng – chỉ tiếp nhận khối lượng nhỏ từ Công ty CP Vietstar chuyển qua khoảng 500 tấn/ngày.

Việc chôn lấp rác của Công ty Tâm Sinh Nghĩa có nhiều khuất tất.

Đón xem trên tv.tuoitre.vn 
và chương trình “Toàn cảnh 24h” trên kênh VTV9.

QUANG KHẢI – ĐỨC PHÚ