11/01/2025

Bảo vệ ‘lá phổi xanh’ của thành phố

Đóng quân ở rừng ngập mặn Cần Giờ, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ chiến sĩ hải đội 2 – Bộ đội biên phòng TP.HCM cùng Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ ngày đêm bảo vệ “lá phổi xanh” cho TP.HCM.

 

Bảo vệ ‘lá phổi xanh’ của thành phố

Đóng quân ở rừng ngập mặn Cần Giờ, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ chiến sĩ hải đội 2 – Bộ đội biên phòng TP.HCM cùng Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ ngày đêm bảo vệ “lá phổi xanh” cho TP.HCM.

 

 

 

Bảo vệ 'lá phổi xanh' của thành phố
Đoàn UBND TP.HCM và các công ty du lịch khảo sát rừng ngập mặn Cần Giờ – Ảnh: TỰ TRUNG

Những ngày này, Sài Gòn đang mùa mưa và cũng là giai đoạn vất vả nhất đối với những người lính giữ rừng ở hải đội 2.

Cắm chốt từ 3-6 tháng trong rừng

Ngày ngày trên chiếc xuồng máy nhỏ, cán bộ, chiến sĩ biên phòng len lỏi qua những cánh rừng ngập mặn Cần Giờ (được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới) mênh mông với các nhánh sông, kênh rạch chằng chịt để tuần tra bảo vệ rừng. Khi con xuồng không thể vào sâu được nữa, họ lội bùn mà đi.

“Xuồng không vô được thì anh em xắn quần lội bộ vô kiểm tra. Bùn sình ngập trên đầu gối, có chỗ gần thắt lưng mà còn dính cứng ngắc rút chân lên không nổi, muốn lăn luôn” – thiếu tá Nguyễn Thành Tâm, người đã hơn 10 năm gắn bó với rừng ngập mặn Cần Giờ, cho biết.

Thiếu tá Tâm hiện là thuyền trưởng của tàu BP 14-04-02 thuộc hải đội 2. Anh cho biết nhiệm vụ chính của người lính biên phòng hải đội là tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, kiểm tra các loại phương tiện ra vào khu vực biên giới. Cùng đó, một nhiệm vụ không kém phần quan trọng nữa là tuần tra bảo vệ gần 200ha rừng mà đơn vị nhận khoán.

Các kíp tàu luân phiên nhau làm nhiệm vụ. Cùng đó, đơn vị có một tổ bảo vệ rừng gồm cán bộ chiến sĩ biên phòng túc trực 24/24 giờ. “Anh em cắm chốt trong rừng. Hằng ngày dùng xuồng đi tuần tra bảo vệ rừng, tối về nghỉ ngơi ngay tại chốt trong rừng. Tùy nhiệm vụ mà mỗi chuyến anh em ở hẳn trong rừng từ 3-6 tháng mới về lại đơn vị. Lúc ấy tổ khác lại lên thay” – thiếu tá Nguyễn Thành Tâm cho biết.

Những người lính nói ngoài việc xa nhà, xa gia đình ròng rã mấy tháng trời thì cuộc sống cũng nhiều khó khăn hơn. “Ở trên rừng thì cuộc sống vất vả hơn rồi, nước nôi thiếu thốn. Mùa mưa cực hơn vì đường đất, đi vào rừng là lội bì bõm. Anh em đi chợ ăn uống cũng khó khăn hơn, phải chạy xuồng vào trong khu dân cư để mua nên thường 2-3 ngày mới đi chợ một lần” – một người lính giữ rừng kể lại.

Không để mất một cây rừng

Nói về tầm quan trọng của rừng ngập mặn Cần Giờ, hải đội trưởng hải đội 2, thượng tá Nguyễn Văn Ngọc với hơn 30 năm gắn với nghiệp quân ngũ, cho biết rừng ngập mặn Cần Giờ chính là lá phổi, đồng thời là quả thận có chức năng làm sạch không khí và nước thải từ các thành phố công nghiệp thượng nguồn sông Đồng Nai, sông Sài Gòn đổ ra biển.

“Chặt một cây đước bắt được là phạt nặng lắm, phải giam giữ luôn vì đây là rừng phòng hộ có vai trò rất quan trọng trong điều hòa khí hậu khi Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai đều có các nhà máy” – thượng tá Ngọc nói. Và đặc biệt, đây là khu dự trữ sinh quyển của thế giới nên việc bảo vệ, bảo tồn rừng ngập mặn Cần Giờ còn là uy tín của Việt Nam với thế giới.

“Có khi nhận lệnh lúc 24h anh em vẫn đi. Đi bất chợt, không kể giờ nào, cứ nghi vấn là đi. Tổ đi tuần, kiểm tra tuỳ theo nhiệm vụ, có khi đi qua đêm” – thiếu tá Nguyễn Thành Tâm nhớ lại. Anh cũng cho biết song song với tuần tra, kiểm tra, kiểm soát bảo vệ rừng thì phải tuyên truyền cho người dân nắm luật, hiểu luật, cụ thể là không chặt phá rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản, không đào bắt địa sâm gây sạt lở làm mất cây, mất rừng.

Theo thượng tá Nguyễn Văn Ngọc, tình trạng khai thác cát trái phép thời gian gần đây chính là nguyên nhân gây sạt lở, mất rừng.

“Cát tặc rất manh động, sẵn sàng chống trả khi bị bắt giữ nên cán bộ, chiến sĩ biên phòng cũng như các lực lượng chức năng rất vất vả. Cát tặc ở đây thường lợi dụng thời điểm khó khăn nhất khi anh em không thể đi tuần tra để khai thác cát. Anh em phải đánh lạc hướng bằng cách đi đường khác và nằm phục lại 2-3 ngày rồi mới quay ra bắt được” – thượng tá Ngọc cho biết.

Ngoài bảo vệ rừng, cán bộ, chiến sĩ hải đội 2 còn đứng lớp tập huấn, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn cho những người nhận khoán ở rừng phòng hộ để có kiến thức bảo vệ rừng, các lớp phòng chống đuối nước, cứu hộ cứu nạn.

MINH PHƯỢNG