Theo linh mục Nguyễn Trường Thăng, vào những năm 80 thế kỷ trước, nhiều nông dân tại địa phương đã đào trúng “vàng Hời” (vàng của người Chăm xưa) từ lòng đất ngay tại khu hoàng thành. Tuy vậy số vàng này chủ yếu là “vàng non”. Vì có giá trị cao nên người dân sau mỗi lần tìm thấy đã bán cho các tiệm vàng. “Thời gian sau, tin tức đến tai những người săn đồ cổ. Họ mua giá cao. Theo không nổi, tôi đành “đầu hàng” ”, linh mục nhớ lại.
inh thành Sư tử với chu vi tường thành khoảng 4 km được nhận biết khá rõ qua hình ảnh vệ tinh. Bức tường thành nằm sát tuyến giao thông tuy không còn rõ, nhưng dải tường đông tây nằm đối diện về phía sau vẫn có thể nhận ra bởi một đường thẳng – nơi được người dân xây dựng nhà cửa. Khu kinh đô và những vùng lân cận ngày xưa được nhiều tài liệu ghi lại là mảnh đất có nhiều vàng cùng với kỹ thuật chế tác kim hoàn đỉnh cao. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, kinh thành đã nhiều lần bị tàn phá do giao tranh với quân Trung Hoa. Cuộc chiến đầu tiên được lịch sử ghi lại vào năm 446, Đàn Hoà Chi đem quân đánh thành và thu được vô số vật báu, riêng vàng được nấu chảy từ các tượng đúc tinh xảo được 100.000 cân. Năm 605, tướng nhà Tuỳ là Lưu Phương đánh vào kinh thành Sư tử và bắt đi nhiều tù binh. Lưu Phương tịch thu 18 tượng thần chủ bằng vàng thờ trong các đền tháp (tức 18 đời vua), khắc đá ghi công rồi rút quân về.
Năm 1975, khi quản nhiệm chính tại giáo xứ Trà Kiệu, linh mục Nguyễn Trường Thăng đã được nghe nhiều câu chuyện về kho báu tại khu hoàng thành. “Người ta kể, thời Pháp thuộc, Tây yêu cầu cha xứ cho họ phá đồi Bửu Châu để lấy vàng, sau đó họ sẽ lấp lại hoàn trả. Rồi người ta kể vanh vách gia đình ông này bà nọ được “buồng cau, nải chuối” bằng vàng y, nhưng thường kết luận sau đó đều chết vì đại nạn. Lại có người ở Hoàng Châu, cứ sau một trận mưa giông là tà tà đi lượm vàng cốm”, linh mục Thăng nói.
Thời điểm năm 1982, đã có người chứng kiến cảnh người dân tại địa phương mang cuốc xẻng đi đào “vàng Chàm” và số ít trường hợp tìm thấy vàng. Câu chuyện đãi vàng ngay trong vườn sắn tại Trà Kiệu giai đoạn này cũng nhanh chóng lan ra và hình thành một “phong trào đãi vàng”. Chuyện rằng, một người ở thôn Chiêm Sơn Tây thấy đám sắn của ông có dấu vết đào bới lạ, nghĩ có kẻ trộm sắn nên rình bắt. Khi bắt được quả tang, mọi người mới bất ngờ về mục đích của kẻ gian là… trộm đất. Kẻ đó phân bua rằng, do nghề đào đãi vàng trên núi bị trở ngại vì đang mùa lũ lụt, rảnh rỗi ở nhà không biết làm gì nên thử thời vận ra các vườn sắn đào đãi vàng cám, và tìm thấy vàng thật. Thế là đêm đêm lại lẻn đi trộm ít đất mang về… Tin đồn có người “trúng mánh” cả lượng vàng càng khiến nhiều người đổ xô đến khu vực này để tìm vận may. Phải đến khi lực lượng công an địa phương vào cuộc, sự việc mới lắng xuống.
Nhẫn vàng cùng những chi tiết bằng vàng lạ mắt trong bộ sưu tập của linh mục Nguyễn Trường ThăngẢNH: LINH MỤC NGUYỄN TRƯỜNG THĂNG CUNG CẤP
Bộ sưu tập quý của cha xứ
Linh mục Nguyễn Trường Thăng có cơ hội tiếp xúc với người dân địa phương để xin mua lại những đồ trang sức bằng vàng được tìm thấy. Với đam mê tìm hiểu và sưu tập những hiện vật liên quan đến kinh thành Sư tử, cha Thăng đã dành dụm và tích góp tiền bạc để lưu giữ lại nhiều hiện vật. Thế nhưng, kẻ trộm cũng “khoắng” mất một số nhẫn bằng vàng, trong đó có chiếc nhẫn đính viên đá hình thoi với những chi tiết trang trí tuyệt đẹp. Khi rời Trà Kiệu chuyển về Đà Nẵng, ông mang theo bộ sưu tập kim hoàn và để những hiện vật lớn bằng gạch, đá… lại nhà thờ Trà Kiệu.
Năm 1982, khi người dân cải tạo mặt bằng trong hợp tác xã để có thêm đất trồng lúa, nhiều hiện vật trong đó có cả đồ trang sức bằng vàng tiếp tục phát lộ. Nhưng do tài chính quá hạn hẹp, giá nhượng lại cao, nên linh mục Thăng đành ngậm ngùi nhìn những hiện vật quý “tan chảy” dưới máy khò của thợ vàng phân kim. Ông bảo, tiếc nhất là xấp lá vàng có hình người, hay những cuốn “sâu kèn” bằng vàng trên có ghi những hàng chữ Phạn (Sanskrit). Nhưng rốt cuộc, ông cũng bỏ tiền túi để kịp giữ lại được khá nhiều “đồ nhỏ mà quý”, hình thành một bộ sưu tập cực kỳ quý giá có thể phục vụ nghiên cứu về kỹ thuật chế tác kim hoàn của người Chăm. Vì từng bị mất cắp nên khi đề cập đến việc được xem bộ sưu tập này, cha Thăng cẩn trọng cho biết có thể xem những ảnh chụp hiện vật trên trang web cá nhân của ông.
Nhìn vào những hình ảnh, có thể thấy những hiện vật bằng vàng là đồ trang sức và những chi tiết nhỏ rất lạ mắt. Trong số 10 chiếc nhẫn linh mục Thăng sưu tập được, có những chiếc nhẫn mặt hình bông hoa hoặc trơn tru. Một số chi tiết hình đĩa bay được chạm trổ cực kỳ tinh xảo, hình trái khế nhiều múi, hình bánh xe… “Những hiện vật này có thể giúp các nhà kim hoàn nghiên cứu xuất xứ hoặc giao lưu giữa các vùng miền trên thế giới”, linh mục Thăng nhận định.