Ông Phil của trẻ em đường phố
Chiếc xe taxi vừa dừng, bọn trẻ ùa ra chạy đến ‘Hello Mr Phil’ rồi ôm chầm lấy ông Phil Maclaurin. Ông Phil cười tươi rói đón những đứa trẻ vào lòng: ‘Are you happy?’.
Ông Phil của trẻ em đường phố
Chiếc xe taxi vừa dừng, bọn trẻ ùa ra chạy đến ‘Hello Mr Phil’ rồi ôm chầm lấy ông Phil Maclaurin. Ông Phil cười tươi rói đón những đứa trẻ vào lòng: ‘Are you happy?’.
Ông Phil vui đùa cùng các em tại bữa tiệc – ẢNH: UYÊN TRINH |
Tiền hỗ trợ có thể rất nhỏ nhưng với những người như mẹ tôi lúc đó là một số tiền lớn mà mẹ phải đi bán vé số mấy ngày mới có được. Giúp sức những đứa trẻ được đi học là một sự đầu tư mà lợi nhuận thì cực kỳ lớn cho xã hội, cho cộng đồng |
Chia sẻ của một cậu bé ở Trung tâm phát huy Bình Triệu ngày trước, nay đã thành đạt |
Ông Phil là người thầy, người bạn của những đứa trẻ ở Trung tâm phát huy Bình Triệu (Q.Thủ Đức, TP.HCM).
Hôm nay, các bạn nhỏ đến để tham dự bữa tiệc “Past, present, future” do Tổ chức Bạn trẻ em đường phố (Friends for street children – FFSC) thực hiện.
Chương trình Bạn trẻ em đường phố (FFSC) được thành lập năm 1984, tập hợp chăm sóc, nuôi dạy những trẻ em sống lang thang, hướng các em đến sự phát triển toàn diện về trí tuệ và nhân cách.
Đến nay, hơn 30 năm, Bạn trẻ em đường phố đã có bảy trung tâm phát huy và một doanh nghiệp xã hội, chăm sóc cho hơn 1.300 trẻ và gia đình khó khăn trên địa bàn TP.HCM.
Gây quỹ để trẻ được đến trường
Buổi tối cuối tuần, khuôn viên Saigon Outcast (một địa điểm vui chơi của giới trẻ TP.HCM) ấm cúng hơn với ánh đèn được trang trí tinh tế cùng tiếng nhạc du dương.
Bước vào trong, mọi người ấn tượng với triển lãm tương tác là những tấm ảnh kể về cuộc đời trẻ em đường phố ở TP.HCM.
Đó là cậu bé An, một đứa trẻ ở Trung tâm phát huy Bình An (Q.8). An được sinh ra đã bị cha mẹ chối bỏ. Một phụ nữ nhận em về nuôi nhưng cả nhà mẹ nuôi lại không chấp nhận.
“Đau lòng nhất là khi mẹ An kể với chúng tôi rằng tối đến khi em mơ ngủ, em hay khóc và nói rằng: “Con cũng là con của mẹ mà sao mọi người lại ghét bỏ con như thế!”.
Buổi góp quỹ được thiết kế bằng một bữa tiệc ăn tối nhẹ nhàng, ấm áp với sự tham gia của gần 200 người. Toàn bộ số tiền người tham dự chi trả phần ăn sẽ được dùng để gây quỹ từ thiện cho dự án Back2school, giúp đỡ 200 đứa trẻ được tiếp tục đi học trong năm học tới.
Mở màn bữa tiệc, trong không gian ấm áp, các cô bé được khoác những chiếc đầm trắng như thiên thần, các cậu bé thì tươm tất với quần tây, áo trắng học sinh.
Có chút ngượng ngùng, lúng túng hiện trên khuôn mặt các cô cậu khi lần đầu được đứng dưới ánh đèn sân khấu, lần đầu được khoác lên mình những váy áo lộng lẫy.
Sợ nhất bọn trẻ thiếu tự tin
Khi được hỏi về thầy Phil, Trần Thị Ngọc Duyên (Trung tâm phát huy Bình Triệu) nhìn xa xăm: “Thầy thương tụi em lắm. Thầy dạy bọn em học tiếng Anh, chơi cùng bọn em, tặng quà sinh nhật bọn em nữa”.
Duyên quê ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) được đưa về trung tâm sống cùng các bạn đã 5 năm nay. Mẹ em mất lâu rồi.
Được những đứa trẻ ở đây yêu quý, ông Phil trầm tư nói đó là sự may mắn của ông. “Mỗi em là một hoàn cảnh khác nhau.
Điều làm tôi sợ nhất là bọn trẻ thiếu tự tin mà e dè, tự ti về số phận. Nên tôi luôn cố gắng hướng các em đến sự tự tin, vui vẻ và như bạn thấy, bọn trẻ rất hào hứng và tận hưởng điều đó. Không một khoảng cách” – ông Phil tâm sự.
Ông Phil đã gắn với những đứa trẻ ở mái ấm, ở Trung tâm phát huy Bình Triệu và Bình An đã chín năm nay. Hai vợ chồng ông sống ở Việt Nam được 13 năm, vợ ông – bà Fran – dạy bọn trẻ học tiếng Anh.
Cuối tuần, ông Phil tranh thủ đến vui chơi cùng bọn trẻ. Ông luôn tâm niệm nhất định không cho các em tiền mà dạy các em kiến thức, kỹ năng sống qua những lần giao lưu. Cách chúng ta đối xử với đứa trẻ sẽ phản chiếu rất nhiều đến hình thành nhân cách đứa trẻ sau này.
Bữa tiệc kết thúc, những cô cậu lại chạy đến sà vào lòng ông Phil để chào ra về. Ông cười tươi, siết chặt từng đứa bé…
Những đứa trẻ năm xưa, nay đã thành đạt Không khí buổi tiệc xúc động hơn khi trên màn hình chiếu hình ảnh về những đứa trẻ lặn lội đi bán vé số, nhặt ve chai, đi bán rau cùng mẹ khi còn quá nhỏ. Và mọi người cũng được nghe tâm sự, chia sẻ của những đứa trẻ từng lớn lên từ mái ấm và nay đã thành đạt. Liêm, năm nay 28 tuổi, đã là một người kiếm được rất nhiều tiền theo như lời anh chia sẻ. Nhưng nếu cách đây 20 năm Liêm không theo học mái ấm, không được nhận sự hỗ trợ thì có lẽ bây giờ mọi người biết đến cậu là một chàng trai bán vé số nối nghiệp mẹ mà thôi. Còn Hương lại nghẹn ngào kể về những bữa cơm mẹ phải nhịn đói mà giả vờ đã ăn để hai chị em được ăn no. Sự giúp đỡ của Tổ chức Bạn trẻ em đường phố của Trung tâm phát huy Bình Triệu đã giúp chị em Hương đi qua những tháng ngày gian khó để bây giờ đã là cô thiếu nữ với công việc ổn định. |