20/01/2025

Dấn thân của Toà Thánh trong việc thăng tiến và bảo vệ các quyền con người

Dấn thân của Toà Thánh trong việc thăng tiến các quyền con người. Phần đầu bài thuyết trình của Đức ông Paolo Rudelli, quan sát viên thường trực của Toà Thánh cạnh Hội đồng Châu Âu Strasbourg. (Rei 28-7-2017)

 Dấn thân của Toà Thánh trong việc thăng tiến và bảo vệ các quyền con người

 

 
Dấn thân của Toà Thánh trong việc thăng tiến các quyền con người. Phần đầu bài thuyết trình của Đức ông Paolo Rudelli, quan sát viên thường trực của Toà Thánh cạnh Hội đồng Châu Âu Strasbourg. (Rei 28-7-2017)

Chiều ngày 28 tháng 7 vừa qua, Đức ông Paolo Rudelli, quan sát viên thường trực của Toà Thánh cạnh Hội đồng Châu Âu Strasbourg, đã mạnh mẽ khẳng định rằng Toà Thánh và Giáo Hội sẽ luôn luôn dấn thân bênh vực và thăng tiến các quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo, sự thánh thiêng của sự sống và gia đình xây dựng trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Đức ông đã khẳng định như trên trong bài tham luận về đề tài “Việc thăng tiến các quyền con người  trong hoạt dộng quốc tế của Toà Thánh”, trong khuôn khổ các buổi diễn thuyết tại Rovereto, tỉnh Trento. Buổi diễn thuyết do Hiệp hội “Campana dei Caduti Maria dolens” (Chuông tử sĩ Đức Maria khổ đau), tổ chức. Đây là hiệp hội cổ vũ giáo dục các thế hệ trẻ yêu chuộng hoà bình và tôn trọng nhân quyền qua các hoạt động văn hoá và ngoại giao.

Quả chuông tưởng niệm các binh sĩ tử trận trong Đệ nhất Thế chiến, cũng như mọi người đã chết vì bất cứ lý do gì. Quả chuông được đúc bằng đồng lấy từ các khẩu súng đại bác của 19 quốc gia tham dự Đệ nhất Thế cChiến. Nó được đúc năm 1924 và đưa về đặt tại Rovereto năm 1925.  Sau đó quả chuông được đúc lại 3 lần nữa: lần cuối cùng năm 1964 và sau khi được ĐGH Phaolo VI làm phép ngày 31 tháng 10 năm 1965 tại Quảng trường Thánh Phêrô, nó được đưa về đặt trên đồi Miravalle. Quả chuông nặng 22 tấn 639 ký, cao 3 mét 36, đường kính 3 mét 21, và có nốt Si Bemol. Đây là quả chuông lớn hàng thứ tư trên thế giới sau quả chuông của công viên Gotemba của Nhật Bản nặng 36 tấn, quả chuông Millenium Newport ở Hoa Kỳ nặng 33 tấn, và quả chuông Petersglocke của Nhà thờ Chính toà Koeln cùa Đức nặng 24 tấn.

Trong bài thuyết trình, Đức ông Rudelli đã tóm tắt các hoạt động nổi bật của Toà Thánh và các Giáo hoàng trong hai thế kỷ XIX-XX, đặc biệt các nỗ lực của các Giáo hoàng trong việc bảo vệ các quyền con người nhất là quyền tự do tôn giáo. Vị đại diện Toà Thánh đã nhấn mạnh phần đóng góp của các Giáo hoàng từ Đức Leo XIII đến Đức Gioan XXIII và của Công đồng Chung Vatican II. Cách riêng các đóng góp của Đức Phaolô VI, Đức Gioan Phaolô II, Đức Bênêđictô Đức XVI và Đức Phanxicô qua các giáo huấn, các thông điệp, sứ điệp và các diễn văn của các vị trước các tổ chức quốc tế. Dữ kiện mạc khải con người được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên  Chúa là điểm khởi hành và là nền tảng của phẩm giá và các quyền bất khả xâm phạm của con người, mà Toà Thánh và Giáo Hội đã luôn luôn mạnh mẽ giảng dạy, bảo vệ và bênh vực.

** Sau đây, xin gửi tới quý vị phần đầu bài thuyết trình nói trên.

Sau khi cám ơn ban tổ chức và quý vị quan khách, Đức ông Rudelli nói đề tài của cuộc gặp gỡ hôm nay tiếp tục bài thuyết trình của ĐHY Lorenzo Baldisseri về “Hoạt động quốc tế của Toà Thánh thăng tiến hoà bình” ngày 24 tháng 2 năm nay. Trong dịp đó, ĐHY đã trình bày họat động ngoại giao của Toà Thánh trong lĩnh vực hai chiều, nhất là trong lăng kính các thoả hiệp ký kết giữa Toà Thánh và các quốc gia. Lần này, Đức ông sẽ khai triển khía cạnh hoạt động quốc tế của Toà Thánh trong các thập niên cuối cùng này trong nỗ lực thăng tiến hoà bình và bảo vệ các quyền con người.

Giữa hai thế kỷ XIX-XX, Giáo hội Công giáo đã chậm chạp và không thiếu sự dè dặt trong các giáo huấn bảo vệ các quyền con người. Ngay trong dịp thảo luận về việc soạn thảo Bản tuyên ngôn về các quyền con người hồi năm 1789 có sự tham dự của vài giáo sĩ người ta đã minh nhiên hai vấn đề chính xem ra khó có giải pháp dễ dàng đối với lập trường Công giáo. Vấn đề thứ nhất liên quan tới sự cần thiết hay không cần thiết nêu rõ một nền tảng của các quyền con người, vì nó đã được nhận diện trong bản tính nhân loại hay trong Thiên Chúa Tạo Hoá. Vấn đề thứ hai liên quan tới quyền tự do tôn giáo xem ra được đặt trên cùng bình diện như bất cứ loại lựa chọn nào khác, bằng cách hy sinh sự thật và các quyền của nó. Thêm vào đó là một thái độ báo thù từ nhiều vị thăng tiến các quyền con người chống lại Giáo hội Công giáo và các đặc ân mà tôn giáo được hưởng trong hệ thống của chế độ cũ. Thái độ này chắc chắn đã không tạo thuận tiện cho việc chấp nhận các tư tưởng mới trong lĩnh vực Công giáo.

Thật thế, lập trường của các Giáo hoàng thuộc thế kỷ XIX đã trở thành cứng rắn hơn: đi từ chỗ lên án các tư tưởng mới từ phía Đức Pio VI trong đoản sắc “Quod ali quantum” năm 1791 nằm trong khung cảnh tổng quát hơn của việc phê bình luật mới buộc hàng giáo sĩ thề trung thành với Hiến pháp dân sự cho tới các tài liệu có tính cách dấn thân hơn trên bình diện giáo lý, trực tiếp phản đối các nguyên tắc được đề ra năm 1789, như các Thông điệp Mirari vos năm 1832 và Singulari vos năm 1834 của ĐGH Gregorio XVI, để đi tới các đề nghị bị ĐGH Pio IX kết án trong Thông điệp Sillabo năm 1864. Lập trường này sống chung với sự cần thiết từ phiá Toà Thánh tìm ra các thoả hiệp với các chính quyền tự do, để bảo vệ sự tự do của Giáo Hội: các thoả hiệp này nhiều khi đi tới chỗ khoan nhượng với các nguyên tắc bị chỉ trích. Đàng khác, có vài tín hữu Công giáo bắt đầu dùng chính các quyền năm 1789 để đòi hỏi tự do giảng dạy và tự do hoạt động của Giáo Hội bên trong các chế độ chính trị tự do.

** Triều đại của ĐGH Leo XIII ghi dấu điểm phân chia: một đàng người ta nhấn mạnh việc lên án các quyền tự do tân tiến, đàng khác người ta bắt đầu nói tới việc có thể khoan nhượng với các tư tưởng này trong tình trạng hình cụ thể. Điều này mở ra cho các tín hữu Công giáo khả thế dấn thân trong lĩnh vực chính trị. Đồng thời ĐGH Leo XIII phát động lý thuyết của luật lệ tự nhiên như là nền tảng của việc chung sống dân sự, là một đề tài tuy nằm trên một bình diện khác với bình diện của các quyền con người, nhưng có chung với nó nguyên tắc của một luật lệ cao hơn và không thể tuỳ thuộc chính quyền quốc gia. Đây là một sự chung chạ sẽ mau chóng biến thành đồng quy sẽ cho phép Giáo Hội trở lại đối thoại với sự tân tiến, tuy sẽ không bao giờ đi tới chỗ đồng hoá với nó. Việc đối thoại này sẽ xảy ra với Thông điệp Rerum novarum (Tân sự). Từ luật tự nhiên, thông điệp sẽ khẳng định quyền tư sản tự nhiên, quyền được trả lương công bằng, quyền lập hội giữa các công nhân, và như thế đặt nền cho giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo. Với Đức Leo XIII cũng sẽ mở ra khả thể của một sự hiện diện canh tân của Toà Thánh trên trường quốc tế, sau chấn thương bị gây ra bởi vịêc chấm dứt Quốc gia của ĐGH.

Một sự hiện diện mà một cộng sự viên cổ xưa của Phủ quốc vụ khanh Toà Thánh, Đức Bênêđictô XV, sẽ diễn tả ra trong một cách mới mẻ nhân dịp ngài có sáng kiến này mồng 1 tháng 8 năm 1917 gửi Thông tư cho giới lãnh đạo các quốc gia lâm chiến hồi Đệ nhất Thế chiến, mà chúng ta kỷ niệm 100 năm trong các ngày này. Thông tư không nói tới các quyền tự nhiên, nhưng quy chiếu hai lần “sức mạnh luân lý của quyền lợi” và “dấn thân của quyền lợi” như các nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế. Nhưng rất tiếc chúng ta biết rằng sáng kiến của ĐTC Bênêđictô XV đã không thành công, tuy nhiên nó sẽ làm thành một sự kiện mới đối với sự hiện diện của Toà Thánh trên trường quốc tế: việc quy chiếu sức mạnh của quyền lợi, quy chiếu truyền thống của luật của dân chúng cổ xưa, sẽ cho thấy nó phong phú, chính trong sự tương tác của nó với các quyền con người, đối với hoạt động của Toà Thánh trong thế kỷ XX tiếp theo.

** Đề tài các quyền tự nhiên sẽ thời sự trở lại  trong cuộc chiến đấu của ĐGH Pio XI chống lại các chế độ độc tài, và sẽ tiến triển với ĐGH Pio XII trong đệ nhị thế chiến với việc công khai thừa nhận “các quyền nền tảng của con người” và “các quyền bất khả nhượng của con người” như là các nền tảng không thể thiếu cho việc xây dựng một trật tự công bằng và hoà bình. Trước việc công bố Bản Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948 sẽ xảy ra trong lĩnh vực Công giáo các nghi ngờ cổ xưa: một đàng có người than phiền về việc thiếu thừa nhận một nền tảng siêu việt đối với giáo lý về nhân quyền, có nguy cơ giảm thiểu sự vững chãi của toàn toà nhà, đàng khác lại có người, như triết gia Jacques Maritain, sẽ ủng hộ  khả thể của một thoả hiệp thực tiễn về các quyền cần bảo vệ, vượt ra ngoài các khác biệt giáo lý, và sau cùng trở thành một chiếm hữu quan trọng nhất. Thật thế, ĐGH Pio XII sẽ không bao giờ nhắc tới Bản tuyên ngôn đại đồng. Phải đợi cho tới Thông điệp “Pacem in terris” (Hoà bình dưới thế) mà ĐGH Gioan XXIII công bố vào tháng 4 năm 1963, ít ngày trước khi ngài qua đời, để tìm thấy một việc đánh giá tích cực Bản Tuyên ngôn Nhân quyền trong huấn quyền giáo hội. Đức Gioan XXIII đã khẳng định rằng mặc dù có các phản bác và dè dặt có nền tảng đối với vài điểm trong Bản tuyên ngôn, nhưng chắc chắn nó là một tài liệu ghi dấu một bước tiến quan trọng trên con đường tiến tới tổ chức  pháp lý chính trị  của cộng đồng quốc tế. Ngài cầu chúc tổ chức Liên Hiệp Quốc trung thành với nhiệm vụ cao quý của nó, và trong tương lại có thể trờ thành một bảo vệ hữu hiệu các quyền nảy sinh từ phẩm giá con người và vì thế chúng là các quyền đại đồng, bất khả xâm phạm và bất khả nhượng. Thông điệp thật sự là một khúc rẽ trong tương quan giữa giáo huấn của giáo hoàng và các quyền con người.

ĐGH Gioan XXIII đã không quên nhiều hạn hẹp mà huấn quyền trước đó đã có liên quan tới tư tưởng về các quyền con người: sự cần thiết chúng phải được hiểu qua lương tâm ngay thẳng hay qua lý trí ngay thẳng, việc quy chiếu nhân tính và trật tự luân lý được Thiên Chúa ghi dấu trong đó, việc khước từ tư tưởng các quyền chỉ duy nhất nảy sinh từ ý muốn của con người. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên người ta chấp nhận sự đồng quy giữa bảng các quyền do Tuyên ngôn năm 1948 đưa ra và bản do cơ cấu của giáo hội công bố. Công đồng Chung Vatican II đang họp khi đó, sẽ không xa cách nhiều với lập trường của Đức Gioan XXIII. Hiến chế Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng) chứa đựng nhiều quy chiếu “các quyền căn bản của con người”, là kiểu nói đã được dùng bởi huấn quyền của Đức Pio XII và nó như là một giàn xếp giữa “các quyền tự nhiên” được truyền thống Giáo Hội ủng hộ và “các quyền con người” được các dụng cụ quốc tế công bố. Tuy nhiên, Hiến chế công đồng khẳng định trong một đoạn rằng “Do sức mạnh của Tin Mừng được giao phó cho mình Giáo Hội công bố các quyền con người, thừa nhận và đánh giá rất cao năng động, qua đó ngày nay các quyền này được thăng tiến khắp nơi”, và thêm ngay lập tức rằng “nhưng phong trào này phải được thấm nhuần tinh thần Tin Mừng”. Một va chạm lớn hơn nữa đối với các phát triển tiếp theo sẽ là việc công khai thừa nhận quyền tự do tôn giáo đã được khẳng định và khai triển trong Tuyên ngôn về Dignitatis humanae (Phẩm giá Con người) của Công đồng Chung Vatican II.


 
 

Linh Tiến Khải