Có ngăn được ô nhiễm đổ về TP.HCM?
Không chỉ “oằn mình” xử lý lượng nước thải khổng lồ phát sinh trên địa bàn, hằng ngày TP.HCM còn phải gánh luôn hàng chục ngàn mét khối nước thải sản xuất, sinh hoạt theo các con kênh, dòng suối hướng từ Bình Dương đổ về.
Có ngăn được ô nhiễm đổ về TP.HCM?
Không chỉ “oằn mình” xử lý lượng nước thải khổng lồ phát sinh trên địa bàn, hằng ngày TP.HCM còn phải gánh luôn hàng chục ngàn mét khối nước thải sản xuất, sinh hoạt theo các con kênh, dòng suối hướng từ Bình Dương đổ về.
Kênh Ba Bò đoạn trên tỉnh lộ 43, Q.Thủ Đức, TP.HCM sủi bọt trắng xóa (ảnh chụp chiều 10-8) – Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Chúng tôi quan sát thì buổi tối nước kênh Ba Bò đúng là rất đen và hôi, trong khi ban ngày thì nước tốt. Chúng tôi nghi là có việc xả lén nước thải công nghiệp chưa qua xử lý vào kênh |
Ông NGUYỄN NGỌC CÔNG nói tại phiên họp HĐND TP.HCM ngày 5-7-2017 |
Tuy nhiên, do chất lượng nước đầu nguồn chưa được kiểm soát nên nhiều khả năng những nhà máy xử lý nước thải được đầu tư hàng trăm tỉ đồng ở TP.HCM không xử lý được nguồn nước ô nhiễm phức tạp này.
Kênh Ba Bò vẫn ô nhiễm
Ngày 9-8, ông Nguyễn Ngọc Công – giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM – cho biết đã hoàn tất và vận hành thử hạng mục xử lý nước thải hồ sinh học thuộc dự án cải tạo kênh Ba Bò, quận Thủ Đức.
Hơn chục năm trước, tình trạng “sức khoẻ” của kênh Ba Bò đã ở mức báo động, có lúc các chỉ số ô nhiễm vượt ngưỡng cho phép hàng ngàn lần. Mùa khô, nước thải từ khu công nghiệp, khu dân cư xả vào dòng kênh rồi chảy lộ thiên mang theo mùi hôi thối xuống tận cuối nguồn.
Mùa mưa, do địa hình đồi dốc và dòng chảy hẹp nên nước thải trộn lẫn nước mưa tràn qua bờ kênh đổ vào các khu dân cư khiến người dân phường Bình Chiểu “lãnh trọn hậu quả”.
Năm 2007, UBND TP.HCM phê duyệt và triển khai dự án tiêu thoát nước kênh Ba Bò gồm các hạng mục nạo vét lòng dẫn, kè bờ, mở rộng cống qua tỉnh lộ 43 với tổng vốn đầu tư hơn 300 tỉ đồng.
Tuy nhiên, việc khai thông dòng chảy chỉ có tác dụng giải quyết nạn ngập úng vào mùa mưa chứ không tẩy được mùi hôi thối từ con kênh này, thậm chí còn khiến nguồn nước ô nhiễm dội về nhanh hơn.
Do đó, UBND TP.HCM quyết định bổ sung thêm hạng mục xử lý nước thải bằng công nghệ hồ sinh học, nâng tổng vốn đầu tư dự án này lên tới 744 tỉ đồng.
Song song đó, tỉnh Bình Dương cũng đầu tư hệ thống thu gom nước thải từ các cụm dân cư và kiểm soát bảo đảm nước thải công nghiệp phải được xử lý trước khi xả ra kênh Ba Bò. Tổng kinh phí của hai địa phương rót vào Ba Bò trong 10 năm qua lên đến hơn 1.300 tỉ đồng.
Tuy nhiên, tại kỳ họp HĐND TP.HCM đầu tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Toàn Thắng – giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường – thừa nhận tình trạng ô nhiễm nước kênh Ba Bò vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Theo ông Thắng, nguyên nhân do hệ thống thu gom nước thải từ sáu cụm dân cư chưa được tỉnh Bình Dương đầu tư hoàn chỉnh để dẫn vào xử lý tại hồ sinh học.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Công cho hay có tình trạng nước kênh Ba Bò ô nhiễm nặng hơn sau mỗi trận mưa, nên có nghi vấn nước thải công nghiệp chưa qua xử lý vẫn còn lén lút xả ra kênh này.
“Hiện hồ sinh học mới vận hành thử nghiệm nên chúng tôi chưa có số liệu đo đạc lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về là bao nhiêu. Tuy nhiên công nghệ của hồ sinh học chỉ xử lý nước sinh hoạt, do đó chỉ khi nào lượng nước thải công nghiệp được kiểm soát thì mới giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm trên kênh Ba Bò” – ông Công nói.
Trước ý kiến hồ sinh học chỉ xử lý được nước thải sinh hoạt, không xử lý được nước thải công nghiệp, GS.TSKH Lê Huy Bá cho rằng việc TP.HCM bỏ hàng trăm tỉ đồng để đầu tư hạng mục hồ sinh học là mạo hiểm bởi các thông số đầu vào ở kênh Ba Bò không chắc chắn.
Ông Bá cũng cho rằng sự phối hợp giữa hai địa phương trong vấn đề giải quyết ô nhiễm ở con kênh chung chưa đồng bộ, thống nhất nhau. Do đó theo ông Bá, vẫn phải yêu cầu phía Bình Dương thực hiện cam kết của mình.
Kênh Ba Bò từ Bình Dương đổ về, đoạn trên tỉnh lộ 43, Q.Thủ Đức, TP.HCM sủi bọt trắng xóa – Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Thêm nhà máy vẫn không xử lý được nước thải công nghiệp
Trong khi hạng mục hồ sinh học không xử lý được nước ô nhiễm công nghiệp thì một dự án xử lý nước thải khác ở TP.HCM đang khởi động và có khả năng đi vào “vết xe đổ” của dự án cải tạo kênh Ba Bò.
Cuối tháng 7 vừa qua, UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép đầu tư dự án Nhà máy xử lý nước thải Suối Nhum theo hình thức hợp tác công tư (PPP) nhằm xử lý lượng nước thải theo các kênh, suối từ phía tỉnh Bình Dương đổ về trước khi “quá cảnh” qua địa bàn TP.
Cũng như kênh Ba Bò, rạch Suối Nhum chảy qua khu vực Đại học Quốc gia TP.HCM (phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, Bình Dương), băng qua quốc lộ 1 rồi hợp lưu với suối Xuân Trường đổ vào rạch Suối Cái thuộc địa bàn phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM.
Từ đây rạch Suối Cái chảy qua Khu công nghệ cao rồi đổ vào sông Gò Công trên địa bàn quận 9.
Khi “quá cảnh” vào địa phận TP.HCM, rạch Suối Nhum cũng mang theo một lượng lớn nước thải từ các cơ sở sản xuất, cụm dân cư từ phía tỉnh Bình Dương rồi hoà với các nguồn thải trên địa bàn Thủ Đức với tổng lưu lượng khoảng 65.000 m3/ngày.
Trong văn bản kiến nghị Thủ tướng, UBND TP cho biết hình thức đầu tư dự án Nhà máy xử lý nước thải rạch Suối Nhum theo hình thức hợp đồng BOT kết hợp BT do liên danh Công ty TNHH xây dựng và thương mại Phú Xuân – Công ty cổ phần đầu tư phát triển môi trường SFC Việt Nam (có trụ sở tại Hà Nội) đề xuất.
Dự kiến nhà máy sẽ được xây dựng tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức trên tổng diện tích gần 4ha (kể cả cây xanh cách ly), công suất xử lý 65.000 m3/ngày đêm.
Theo UBND TP, tổng vốn đầu tư gần 523 tỉ đồng, trong đó vốn của nhà đầu tư chiếm 20-30%, còn lại là vốn vay hoặc huy động từ nguồn khác.
Nhà đầu tư sẽ thu hồi vốn bằng giá trị sử dụng đất khoảng 180 tỉ đồng và chi phí vận hành, xử lý nước thải trong 15 năm với đơn giá khởi điểm tạm tính là 3.228 đồng/m3 cho năm đầu tiên và tăng 10% theo lộ trình mỗi ba năm.
Ông Nguyễn Ngọc Công cho biết nếu đề xuất của TP được chấp thuận thì dự án có thể được triển khai nhanh vì quỹ đất đã có sẵn và thời gian thi công chỉ mất khoảng một năm rưỡi.
“Vì ngân sách khó khăn mà dự án xử lý nước thải rạch Suối Nhum chậm được đầu tư và để kéo dài tình trạng ô nhiễm ở lưu vực này suốt nhiều năm qua là một điều đáng tiếc” – ông Công nói.
Tuy nhiên theo ông Công, dự án này dù sử dụng công nghệ hiện đại nhưng mục tiêu chủ yếu vẫn là xử lý nước thải sinh hoạt. Tương tự như hạng mục hồ sinh học của dự án cải tạo kênh Ba Bò, thiết bị công nghệ này không xử lý được nước thải công nghiệp.
Như vậy, nếu nước kênh Ba Bò hay Suối Nhum vẫn có nước thải công nghiệp mà đầu tư nhà máy để rồi không xử lý được, liệu có lãng phí? Ông Công cho rằng vấn đề này Sở Tài nguyên – môi trường, UBND TP.HCM sẽ làm việc cụ thể với tỉnh Bình Dương để yêu cầu phải xử lý nước thải công nghiệp đạt chuẩn như quy định.
Hồ sinh học vừa hoàn thành đang trong giai đoạn chạy thử – Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Con kênh hứng mỗi ngày hơn 25.000m3 nước thải Kênh Ba Bò có chiều dài hơn 1.700m khởi nguồn trên địa phận tỉnh Bình Dương, chảy qua địa bàn phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức (TP.HCM) rồi đổ vào rạch Vĩnh Bình, thông ra sông Sài Gòn. Ba Bò vốn là con kênh tự nhiên làm nhiệm vụ tiêu thoát nước cho một lưu vực rộng hơn 1.600ha. Đầu nguồn của con kênh này trên địa phận tỉnh Bình Dương là các khu công nghiệp Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, Đồng An, 36 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp và 6 cụm dân cư với tổng nguồn thải đổ ra kênh mỗi ngày hơn 25.000m3. |