29/11/2024

Nỗi niềm ngư phủ Vàm Nao

Dù đã bỏ nghề “đâm hà bá” từ lâu, nhưng lão ngư phủ Trần Văn Hung (Tư Hung) ở cồn Bình Thuỷ, thuộc H.Châu Phú, An Giang vẫn nhớ về ký ức săn cá “khủng” trên sông Vàm Nao và ray rứt khi nguồn cá ngày dần cạn kiệt.

 

Nỗi niềm ngư phủ Vàm Nao

Dù đã bỏ nghề “đâm hà bá” từ lâu, nhưng lão ngư phủ Trần Văn Hung (Tư Hung) ở cồn Bình Thuỷ, thuộc H.Châu Phú, An Giang vẫn nhớ về ký ức săn cá “khủng” trên sông Vàm Nao và ray rứt khi nguồn cá ngày dần cạn kiệt.




Cháu ông Tư Hung giăng lưới dính cá sửu “khủng” /// Ảnh: Trường Giang

Cháu ông Tư Hung giăng lưới dính cá sửu “khủng”ẢNH: TRƯỜNG GIANG

Ổ cá nước ngọt
Nỗi niềm ngư phủ Vàm Nao - ảnh 1

Ngồi bên dòng sông Vàm Nao, lão ngư phủ Tư Hung bồi hồi kể lại một thời người dân ở đây cá mắm ăn không hết. Trước đây, sông Vàm Nao mỗi khi dậy sóng thì cá ngớp ùng ục. Ngư dân chỉ khai thác thủ công với các loại ngư cụ truyền thống như lưới, câu, chài rê… nên sản lượng cá được duy trì từ năm này qua năm nọ.

Riêng “thủy quái” (ý nói cá to) thì đầy sông, mỗi lần giăng lưới, ngư dân thường bắt được cá to, nặng từ 100 – 200 kg/con. Bởi vậy, mỗi khi nhắc đến sông Vàm Nao thì ai cũng biết đó là “ổ cá” nước ngọt.
“Hồi đó, tôi sống chuyên nghề câu lưới trên sông Vàm Nao. Cuộc sống an nhàn nhờ nguồn cá vô tận. Sụp tối ra sông thả câu, nằm ngắm trăng soi, nghe sóng vỗ mà lòng thanh thản vô cùng. Đến sáng, chỉ cần dong xuồng ra gỡ lưới, cá đầy khoang. Nguồn cá ở khúc sông này đã nuôi sống gia đình tôi và con cháu cùng người dân ở đây”, ông Tư Hung chậm rãi nói.
 
 
Nỗi niềm ngư phủ Vàm Nao - ảnh 3
Hôm trước, thấy ngành chức năng thả cá tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, tôi cũng như bà con chài lưới mừng rơn, thế nhưng đêm xuống thì dân cào điện lại càn quét ầm ĩ trên sông

Nỗi niềm ngư phủ Vàm Nao - ảnh 4
Ngư dân Trần Văn Hung (Tư Hung)
 

Nghe ông nhắc về cá mà chúng tôi cứ tặc lưỡi, bởi những loài cá quý nay còn đâu. Ông nói mấy chục năm trong nghề, ông giăng dính không biết bao nhiêu con cá hô “khủng”.

“Cá hô loại vài ba chục ký nhiều đếm không xuể. Còn cá hô từ 80 – 200 kg/con thì dính vài chục con. Kỷ niệm nhớ nhất trong đời giăng lưới của tui là giăng dính 3 con cá hô, nặng từ 180 – 200 kg/con”, ông Tư Hung ngồi xuýt xoa rồi kể thêm: “Lần đó, trời còn chưa tỏ mặt, tôi bơi xuồng ra sông thăm lưới thì thấy những chiếc phao chìm nghỉm, biết chắc là dính cá nhưng chưa thể khẳng định loại cá gì. Khi kéo lên thì lưới nặng trịch. Bất ngờ con cá quẫy đuôi chạy, tôi nhanh tay quấn khúc lưới vào mũi xuồng. Con cá kéo chiếc xuồng lướt trên mặt nước y như xuồng máy chạy. Lúc đó, tay chân tôi run rẩy vì sợ chìm xuồng”.
Chiến đấu với “thuỷ quái” hơn một giờ trên sông, cuối cùng con cá mệt, phơi bụng. Ông Tư Hung đưa con cá to vào bờ. Thấy ông bắt được cá “khủng”, người dân kéo đến xem rất đông. Ông đem cá đổi lúa và mua được mấy chỉ vàng.
Nguồn thủy sản cạn kiệt

Theo ông Tư Hung, muốn bắt được những con cá “khủng” thì phải dùng loại chỉ 20, sợi to bằng đầu đũa ăn, đan lại mỗi mặt lưới (lỗ lưới) lớn khoảng 20 cm, dạo sâu khoảng 10 m (độ sâu tay lưới khi thả xuống), chiều dài hàng trăm mét. Nếu dùng loại chỉ nhỏ hơn thì khó bắt được cá lớn, nặng trên 100 kg. Ông kể ngày trước, ngoài cá hô thì trên sông Vàm Nao còn có cá nược (cá heo nước ngọt), cá đao, cá sấu, cá mập nước ngọt…
Trong những loài cá này, ngư dân “ớn” nhất là cá sấu và cá mập nước ngọt. “Trước đây, con sông này chỉ rộng hơn con kênh một chút, hai bên mọc đầy tre rừng. Đêm xuống, khúc sông bị tre bao phủ tối mịt. Dưới sông cá quẫy đuôi nghe ầm ầm. Còn trời sáng trăng, cá hô phóng lên mặt nước đùng đùng. Nghe ông bà xưa kể, cái thời đào kênh Vĩnh Tế, nhiều lưu dân trốn chạy về đây lội ngang sông Vàm Nao bị cá sấu, cá mập ăn thịt…”, ông Tư Hung kể.
Ngày nay, dòng nước từ sông Hậu đã ngoạm những lớp đất cồn tạo nên vực thẳm sâu hút. Do đó, phía tả ngạn sông Vàm Nao càng rộng dần. Ông Tư Hung bồi hồi nhớ những bạn chài thuở xưa hầu hết đã “khuất bóng” do tuổi cao: “Hai Phượng, Chín Mào, Út Hộ, Tám Hồng… đều là những ngư phủ cự phách. Ngoài giăng lưới dính cá hô, Hai Phượng còn giăng câu được cá đuối to bằng chiếc đệm bàng, nặng trên 200 kg đem xẻ thịt đổi lúa, còn lại bà con trong xóm ăn đã đời”.
Nói đến đây, ông chợt nhớ dạo trước tàu buôn chạy ngang khúc sông Vàm Nao, nhiều con cá hô trên trăm ký bị chân vịt chém đứt đầu nổi phình trên mặt nước, người dân bơi xuồng ra kéo vào bờ chia nhau ăn. “Trong các loại cá hô thì hô đen là thịt ngon nhất. Còn cá hô hoa cà thịt không ngon bằng. Cá hô to làm món gì cũng ngon, đặc biệt phần ức đem nấu canh chua với cơm mẻ là số một!”, ông Tư cười khà.
Nỗi niềm ngư phủ Vàm Nao - ảnh 6

Ngư dân khai thác cá trên sông Vàm Nao

Ông Tư Hung cho biết hiện nay khúc sông này chỉ còn cá bông lau, cá sửu, cá cóc, cá mè vinh… nhưng cũng ít dần. Bởi sau này người ta dùng xung điện khai thác cá theo kiểu tận diệt mà không gìn giữ sản vật bấy lâu do “trời ban”.
Cá mắm cạn kiệt, nhiều “ngư phủ” cũng ly hương. “Hôm trước, thấy ngành chức năng thả cá tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, tôi cũng như bà con chài lưới mừng rơn, thế nhưng đêm xuống thì dân cào điện lại càn quét ầm ĩ trên sông. Chừng nào ngành chức năng dẹp được nạn cào điện thì nguồn cá trên sông mới sinh sôi…”, ông Tư Hung trầm tư.
Giờ đây, con sông Vàm Nao vẫn chảy theo nhịp tháng ngày. Nhưng cá mắm thì cạn kiệt, lão ngư phủ Tư Hung phải bỏ nghề câu, lưới lên bờ nuôi cá cùng con cháu của mình. Dẫu vậy, hàng xóm của ông vẫn còn nhiều lớp trẻ nối tiếp cái nghề “đâm hà bá”. Hôm chúng tôi ngồi với ông cũng là lúc con sông Vàm Nao bắt đầu chuyển mình đỏ quạch phù sa, báo hiệu một mùa lũ lại về. Đây cũng chính là thời điểm ngư dân xứ Vàm Nao tất bật mưu sinh theo con nước.

 

Trường Giang