11/01/2025

Lính biên phòng… đi bảo tồn biển

Giữa muôn vàn nhiệm vụ khó khăn trên đảo, những người lính biên phòng ở Đồn biên phòng Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, Hội An, Quảng Nam) còn kiêm thêm một nhiệm vụ đặc biệt: bảo vệ khu bảo tồn biển.

 

Lính biên phòng… đi bảo tồn biển

Giữa muôn vàn nhiệm vụ khó khăn trên đảo, những người lính biên phòng ở Đồn biên phòng Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, Hội An, Quảng Nam) còn kiêm thêm một nhiệm vụ đặc biệt: bảo vệ khu bảo tồn biển.

 

 

 

Lính biên phòng… đi bảo tồn biển
Một phương tiện sử dụng cáp điện đánh bắt cá bị tổ tuần tra phát hiện – Ảnh: TẤN LỰC

Nhờ có sự góp sức của lính biên phòng mà 10 năm qua, những quần thể san hô ở cù lao này mới hồi phục và phát triển mạnh mẽ. Nhưng sự “giàu có” trở lại của vùng biển này lại thu hút không ít “ngư tặc” khắp nơi đổ về đánh bắt trộm cả ngày lẫn đêm.

Chỉ cần một đêm trót lọt là bỏ túi vài chục triệu đồng, vậy nên nếu có bị xử phạt, các chủ tàu vẫn coi là chuyện nhỏ

Thượng tá LÊ HUY BẢY (đồn trưởng Đồn biên phòng Cù Lao Chàm)

Gian nguy giữ biển

23h một đêm cuối tháng 7, biển tối như mực, bỗng xa xa về phía nam xuất hiện một tàu cá lớn với dàn đèn sáng trưng đang lững thững tiến vào bãi Hương, bên trong khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Chỉ thoáng thấy bóng canô tuần tra hỗn hợp của biên phòng và cán bộ bảo tồn biển tiến lại, lập tức chiếc tàu cá mở hết máy bỏ chạy.

Nhưng khi canô đã áp sát quá gần thì tàu cá chuyển hướng nhắm thẳng vào đội tuần tra. Canô nhanh chóng né kịp, trong tích tắc hai bên sượt qua nhau, đội tuần tra phát hiện dãy số hiệu bên mạn tàu cá đã bị bịt kín…

Đây chỉ là một trong vô số vụ đụng độ giữa “ngư tặc” với đội tuần tra hỗn hợp. Nhắc lại vụ đụng độ ấy, đại uý Bùi Văn Toạ, đội trưởng đội tuần tra, kể: “Hôm đó đã khuya rồi, đội tuần tra đang trên đường về thì phát hiện tàu cá này vào bãi Hương đánh bắt. Đây là tàu lớn hơn 200CV, nhưng khi chúng tôi áp sát yêu cầu kiểm tra, tàu cá không những bất hợp tác mà còn tìm cách tấn công lại. Sau khi đâm trượt tổ tuần tra, tàu cá này quay đầu bỏ chạy. Sau một hồi rượt đuổi không hiệu quả và nhận thấy tàu cá đã rời khỏi vùng biển cấm nên chúng tôi rút về”.

Là lính chuyên dẫn đầu các đợt tuần tra chống đánh bắt trộm trong khu bảo tồn, đại uý Toạ nói rằng “ngư tặc” sẵn sàng chống trả khi cảm thấy bị dồn vào đường cùng. Nhiều “ngư tặc” đánh bắt bằng súng bắn tên, súng bắn điện, khi bị đe doạ thì những công cụ này trở thành thứ vũ khí chết người.

Đặt lên bàn làm việc bốn cây súng bắn điện vừa thu giữ được từ một nhóm “ngư tặc”, thượng tá Lê Huy Bảy, trưởng đồn, cho biết loại công cụ này có khả năng giết cả cá lớn lẫn người. Theo thượng tá Bảy, súng điện được nối với máy phát điện trên tàu, thân súng được quấn kín bằng băng keo đen cách điện, chỉ để lộ ra phần mũi bằng đồng.

Trong lúc lặn nếu phát hiện cá lớn, “ngư tặc” chỉ cần bấm cò là dòng điện cực mạnh sẽ phóng ra giết chết con mồi. Các “ngư tặc” khai đồ nghề này được đặt mua từ Trung Quốc và đang được ngư dân sử dụng rất phổ biến.

“Ngoài việc dễ dàng giết chết cá lớn thì dòng xung điện này còn vô hiệu hoá sự phát triển của các loài ấu trùng, trứng cá và các loài nhuyễn thể. Nguy cơ đe dọa môi trường biển rất cao” – thượng tá Bảy cho biết.

Theo đại uý Toạ, có khi bắt tại trận các “ngư tặc” rồi nhưng xử lý họ không dễ chút nào. Có lần canô áp sát tàu cá rồi nhưng các “ngư tặc” bảo: “Mấy anh làm căng là tụi tui bỏ tàu, bỏ bạn lặn dưới biển luôn. Chết mấy anh phải chịu trách nhiệm”. Mỗi lần như vậy anh em phải xuống giọng, nhẹ nhàng chỉ ra cái sai để họ thừa nhận, chứ cứ hùng hổ trấn áp là “bể chuyện”.

Biển đang phục hồi

Không giấu được sự hứng khởi, ông Lê Vĩnh Thuận, phó giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, nói như khoe: “Rùa biển quay lại với Cù Lao Chàm rồi”. Từng là nơi sinh sống của rùa biển, nhưng hoạt động đánh bắt quá mức của con người trong thời gian dài đã khiến nhiều chuyên gia nghĩ rằng sẽ không bao giờ tìm thấy rùa biển ở vùng biển này nữa.

“Việc rùa xuất hiện lại cho thấy chỉ dấu sinh cảnh đang dần hồi phục” – ông Thuận bộc bạch.

Không chỉ rùa biển, những loài sinh vật đặc hữu của Cù Lao Chàm như trai tai tượng, cua đá… từ chỗ số lượng suy kiệt, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng thì nay đã bắt đầu sinh sôi trở lại. Đặc biệt là sự hồi phục sản lượng cá, tôm, nhuyễn thể, thân mềm mạnh mẽ trong khu vực bảo tồn.

Ông Thuận bảo sự sinh sôi trở lại của các loài thủy sinh một phần lớn nhờ bảo vệ tốt rạn san hô và thảm cỏ biển.

“Đây chính là mái nhà chung của hệ sinh vật, nơi cung cấp thức ăn và chỗ trú ẩn. Khi số lượng các loài gia tăng sẽ di cư ra ngoài khu vực bảo tồn, nơi ngư dân được phép đánh bắt, nhờ vậy giúp họ gia tăng thu nhập từ nghề biển. Chưa kể những dịch vụ du lịch như lặn ngắm san hô, tắm biển, câu cá… lôi kéo nhiều du khách, làm giàu thêm cho dân đảo” – ông Thuận nói.

Lợi ích lâu dài là vậy, nhưng thi thoảng trên vùng biển này vẫn thường xảy ra những cuộc đụng độ giữa biên phòng với các nhóm “ngư tặc”, thậm chí với cả những đơn vị làm du lịch.

Theo lời thượng tá Bảy, giữa tháng 7 vừa qua, từ tin báo của người dân, lực lượng biên phòng và bảo tồn biển đã phát hiện ông Nguyễn Duy Cường (trú TP.HCM) đang tổ chức khai thác trái phép hơn 100kg san hô nhằm phục vụ sự ngắm nhìn của du khách. “Chúng tôi xử phạt 10 triệu đồng, đồng thời buộc ông Cường hoàn trả nguyên trạng san hô về chỗ cũ”.

Theo đánh giá của Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, công tác bảo tồn biển trong 10 năm qua có sự góp sức rất lớn từ lực lượng biên phòng. “Nếu không có sự phối hợp này thì còn lâu khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm mới được như hôm nay” – ông Thuận khẳng định.

7 tháng, xử lý 32 vụ

Là 1 trong 15 khu bảo tồn biển có tầm quan trọng quốc gia, khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm hiện có 282 loài san hô, 4 loài cỏ biển, hơn 200 loài cá và hàng trăm loài sinh vật. Từ đầu năm 2017 đến nay, đội tuần tra hỗn hợp đã phát hiện, xử lý hành chính 32 vụ vi phạm trong khu bảo tồn. Trong đó, lực lượng biên phòng trực tiếp xử lý 30 vụ với 30 đối tượng, xử phạt tổng số tiền 72,5 triệu đồng. Đa số hành vi vi phạm là đánh bắt hải sản trong khu vực cấm.

TẤN LỰC – TRẦN THẮNG