11/01/2025

Chương 11 (hoàn chỉnh): Sống Trong Tự Do Không Bạo Lực: HOÀ BÌNH

Vì sao chúng ta cần đến Thiên Chúa để có thể đạt được một nền hoà bình vững chắc và lâu dài. Tại sao Giáo Hội phải kiến tạo hoà bình, và Giáo Hội có thể đóng góp những gì để giảm bớt những xung đột. Vì sao chủ nghĩa hoà bình triệt để không giải quyết được các xung đột, và khi nào có thể tiến hành chiến tranh như một phương cách cuối cùng.

Chương 11

Sống Trong Tự Do Không Bạo Lực:

HOÀ BÌNH 

Câu 270-304

Với sự cộng tác của Stefan Ahrens, Nils Baer và Cornelius Sturm

Vì sao chúng ta cần đến Thiên Chúa để có thể đạt được một nền hoà bình vững chắc và lâu dài. Tại sao Giáo Hội phải kiến tạo hoà bình, và Giáo Hội có thể đóng góp những gì để giảm bớt những xung đột. Vì sao chủ nghĩa hoà bình triệt để không giải quyết được các xung đột, và khi nào có thể tiến hành chiến tranh như một phương cách cuối cùng.

Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.

Ga 14,27

Lạy Chúa, xin hãy biến con thành dụng cụ bình an của Chúa. Nơi nào có oán thù, xin cho con gieo rắc tình yêu. Nơi nào có tổn thương, xin cho con gieo mầm tha thứ. Nơi nào có ngờ vực, xin cho con củng cố niềm tin. Nơi nào có nản lòng, xin cho con gieo niềm hy vọng. Nơi nào có bóng tối, xin cho con khơi nguồn ánh sáng. Nơi nào có buồn sầu, xin cho con gieo rắc niềm vui.

Trên một tấm thiệp cầu nguyện in năm 1913

 

Bình an cho anh em.

Lc 24,36 Chúa Phục Sinh đã chào các môn đệ bằng lời này.

270      Tại sao chúng ta cần Thiên Chúa, nếu chúng ta muốn hoà bình?

 

Hoà bình trước tiên là thuộc tính của Thiên Chúa trước khi là một nhiệm vụ cho con người chúng ta. Bất cứ ai cố gắng để mang lại hoà bình mà không có Thiên Chúa thì hẳn đang quên rằng chúng ta không còn sống trong thiên đường nữa, nhưng đều là tội nhân. Việc chúng ta thiếu hoà bình trên trái đất là một dấu hiệu cho thấy sự hợp nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại đã tan rã. Lịch sử loài người đã ghi dấu ấn của bạo lực, chia rẽ, và đổ máu. Mọi người khao khát sự bình an mà họ đã đánh mất vì phạm tội; khi khao khát như vậy, họ đang âm thầm khao khát cả Thiên Chúa nữa.

 

TL       488, 491-494

GL       374-379, 400, 410-412

Y         66, 70, 395

 

Khi Chúa Giêsu đến thế gian, “Bình an trên trái đất” cũng đến theo. Khi Người rời thế gian, Người đã để lại bình an của mình.

Sách Kho tàng Quý giá cho Giới trẻ (A Golden Treasury for the Young)

 

Vì thế, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa.

2Cr 5,20

 

271      Chúa Giêsu phải làm gì cho hoà bình?

 

Đức Giêsu Kitô “là hoà bình của chúng ta” (Ep 2,14). Các tiên tri Cựu Ước đã tiên đoán rằng ngày nào đó một Đấng Messia hùng mạnh (tiếng Hipri: Đấng được Xức Dầu, tiếng Hy Lạp: Đức Kitô) sẽ đến. Và Đấng Messia / Đức Kitô này sẽ mang lại thời đại của hoà bình được chờ đợi từ lâu, đem lại một thế giới mới, trong đó “sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ” (Is 11,6). Đấng Messia sẽ là “Hoàng tử Hoà bình” (Is 9,6). Các Kitô hữu tin rằng Chúa Giêsu chính là dấu hiệu vĩ đại này và là sự khởi đầu một thế giới mới. Người là Đấng xây dựng hoà bình căn bản nhất – bằng cách giải phóng con người chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi, Người đã diệt tận gốc mọi bất hoà. Qua cái chết trên thập giá của mình, Đức Giêsu Kitô đã hoà giải nhân loại với Thiên Chúa và cũng phá bỏ bức tường thù địch chia rẽ các dân tộc (x. Ep 2,14-16).

 

TL       488-492

GL       2305

Y         395

 

Trước những nguy cơ mà nhân loại đang trải qua trong thời đại chúng ta, tất cả mọi người Công giáo ở khắp mọi nơi trên thế giới đều có bổn phận loan báo và thể hiện ngày càng đầy đủ hơn “Tin Mừng Hoà Bình” và chứng tỏ rằng việc nhìn nhận sự thật trọn vẹn về Thiên Chúa là điều kiện tiên quyết và cần thiết để củng cố sự thật về hoà bình.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới 2006

 

Hoà bình không phải là vắng bóng xung đột, hoà bình là khả năng giải quyết xung đột bằng biện pháp hoà bình.

Ronald Reagan (1911-2004) Tổng thống Hoa Kỳ

 

272      Tại sao các Kitô hữu phải lan truyền hoà bình?

 

Đức Giêsu Kitô đã thiết lập hoà bình giữa trời với đất và mở tất cả các cửa dẫn vào một cuộc sống hoà giải và niềm vui nội tâm. Nhưng hoà bình của Người không tự lan truyền. Con người có tự do để chấp nhận đề nghị hoà giải của Thiên Chúa trong đức tin hay bác bỏ đề nghị đó trong hoài nghi. Để làm được quyết định của mình, người ta trước hết phải được nghe nói rằng trong Thiên Chúa hoà bình có thể thực hiện được, cả trong cuộc sống cá nhân của họ cũng như giữa các nhóm và các nước thù địch. Họ có thể học biết về điều này nếu họ gặp những người đã được hoà giải: những người không đánh lại, không trả thù, không sử dụng bạo lực. Chia sẻ Tin Mừng bình an bằng lời nói và việc làm sẽ tạo ra các khởi đầu của hoà bình ngày càng đích thực hơn.

 

TL       490-493

GL       2304

Y         332

 

Bất cứ khi nào bạn chia sẻ tình yêu với người khác, bạn sẽ nhận thấy bình an đến với bạn và đến với họ.

Thánh Têrêsa Calcutta (1910-1997)

 

Không có an bình trên thế giới nếu không có an bình giữa các dân tộc; không có an bình giữa các dân tộc nếu không có an bình trong gia đình; không có an bình trong gia đình nếu không có an bình trong tôi; không có an bình trong tôi nếu không có an bình với Thiên Chúa.

Tục ngữ Trung Quốc

 

273      Có phải chỉ các Kitô hữu mới có sứ mạng hoà bình?

 

Hoà bình là một giá trị mà mọi người đều nhìn nhận và là một bổn phận phải có đối với mọi người. Không ai có thể được miễn trừ trách nhiệm tìm kiếm hoà bình. Hơn nữa, hoà bình là một thiện ích mong manh như giá trị của nó. Ngày qua ngày, hoà bình cần phải được xây dựng lại. Hoà bình chỉ có thể kéo dài nếu cả người Kitô hữu và người ngoài Kitô giáo đều nhận ra rằng tất cả đều có trách nhiệm về một cuộc sống chung trong hoà giải, công lý và thiện chí.

 

TL       494-495

GL       2304-2305

Y         327, 395

 

Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Mt 5,9

 

Vợ chồng cãi nhau là chuyện bình thường: rất bình thường. Điều đó luôn luôn xảy ra. Nhưng lời khuyên của tôi là: đừng bao giờ để đến hết ngày mà không làm hoà trước. Không bao giờ!

Giáo hoàng Phanxicô, 14 tháng 9, 2014, bài giảng trong Thánh lễ Hôn phối

 

274      Các Kitô hữu kiến tạo hoà bình bằng cách nào?

 

Hoà bình không bắt đầu trong các chiến hào hoặc quanh bàn hiệp ước. Hoà bình đến từ trên cao lại luôn luôn bắt đầu trong tâm hồn của một cá nhân con người; từ nơi đó hoà bình lan rộng. Người Kitô hữu tìm thấy bình an trong bản thân và với chính mình qua việc cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa. Các bí tích cũng quan trọng, đặc biệt bí tích Hoà Giải, là bí tích thật sự của bình an. Ta còn đạt được bình an nội tâm khi ta đi bước trước để gặp người lân cận trong tình bác ái đích thực. Để có thể sống với nhau trong hoà bình, các Kitô hữu biết không có phương pháp nào hiệu quả hơn là luôn sẵn sàng tha thứ và hoà giải. “Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa” (Lc 6,29). Bình an của bạn sẽ toả sáng: trong gia đình, trong vòng bè bạn, và trong toàn thể xã hội.

 

TL       95, 517-518

GL       1723

Y         279, 284, 311

 

Thanh niên là nguồn hy vọng cho tương lai. Vận mệnh lịch sử của các con là xây dựng một nền văn minh của tình yêu, của tình huynh đệ và tình liên đới.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Ngày Giới trẻ Thế giới 1995 tại Manila

 

Hoà bình không đơn giản chỉ là vắng bóng chiến tranh, chỉ dựa trên một thế quân bình bấp bênh giữa các thế lực. Hoà bình được xây dựng ngày này sang ngày khác bằng những nỗ lực hướng tới sự thiết lập một vũ trụ trật tự như Thiên Chúa muốn với một hình thức hoàn hảo hơn về công lý giữa những con người.

Giáo hoàng Phaolô VI, PP 76

 

275      Hoà bình là gì?

 

Nhiều người nói rằng hoà bình là sự vắng bóng chiến tranh; những người khác nghĩ rằng hoà bình là một trạng thái cân bằng ổn định giữa các thế lực thù địch. Tuy nhiên các định nghĩa này còn thiếu sót. Hoà bình là trạng thái yên tĩnh trong trật tự, và sâu xa hơn, là hạnh phúc trong trật tự tốt đẹp của Thiên Chúa. Đây là loại hoà bình mà chúng ta hướng đến. Ta thấy mình đi trên con đường hoà bình khi làm việc trong công lý và tình yêu để hướng đến một thế giới được sắp xếp theo thánh ý Thiên Chúa. Hơn nữa, ta sát cánh cùng mọi người, những con người chân thành và trung thực, để tìm kiếm chân lý, chăm lo hạnh phúc và sự an toàn của đồng loại trong công lý và yêu thương họ một cách rộng lượng. Đồng thời ta cũng hoạt động theo kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa khi ta thăng tiến các quyền của mọi con người và bảo vệ nhân quyền bằng mọi cách.

 

TL       494

GL       2304-2305

Y         66, 395

 

Vì con đường hoà bình chung cuộc thông qua tình yêu và tìm cách tạo lập nền văn minh tình yêu, nên Giáo Hội hướng mắt vào Chúa Thánh Thần, Đấng là tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Bất chấp những nguy hiểm ngày càng tăng, Giáo Hội không ngừng tín thác vào Ngài, không ngừng kêu xin Ngài và phục vụ hoà bình của con người trên trái đất.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Dominum et Vivificantem, Kết luận

 

Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.

Ga 14,27

 

276      Trong cam kết gìn giữ hoà bình của mình, Giáo Hội bắt đầu từ đâu?

 

Đề nghị hoà bình của Giáo Hội nối kết với bình an của Đức Kitô và khác với các chiến lược thông thường để giải quyết xung đột: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14,27). Hoà bình của Đức Kitô là tình yêu đã dẫn Người tới thập giá. “Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (1P 2,24). Giáo Hội sống bằng đức tin này trong tình yêu vô điều kiện mà Thiên Chúa dành cho mỗi con người. Từ niềm tin vào tình yêu này của Thiên Chúa, niềm tin mang đến sự giải thoát, phát xuất một phương cách mới để tiếp cận những người khác, dù đó là một cá nhân hoặc toàn bộ dân tộc hay các nhóm xã hội. Bất cứ nơi nào có người Kitô hữu, ở đó phải có hoà bình.

 

TL       516

GL       2302-2307

Y         284

 

 

Giáo Hội có một nghĩa vụ vô điều kiện đối với các nạn nhân của bất kỳ tầng lớp xã hội nào, ngay cả khi họ không thuộc về cộng đồng Kitô giáo.

Dietrich Bonhoeffer (1906-1945)

 

Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương.

Mt 5,43-45

 

 

277      Tha thứ là gì?

 

Người ta có thể gây ra cho người khác những điều khủng khiếp: làm họ mất ảnh hưởng xã hội, nói dối họ và phản bội họ. Thay vì trở nên cay độc về một chuyện gì đó mà ta không thể loại trừ, các Kitô hữu có một lựa chọn khác để xây dựng hoà bình và đạt được hoà bình nội tâm: đó là tha thứ. Sự tha thứ không làm nhẹ đi tính cách nghiêm trọng của tội ác đã xảy ra và không thể huỷ bỏ được điều đã xảy ra. Sự tha thứ có nghĩa là đưa Thiên Chúa vào cuộc, “Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi” (Tv 103,3). Khi có Thiên Chúa hậu thuẫn, người ta có sức mạnh để tha thứ và thậm chí làm những bước khởi đầu mới mà có thể nói dường như không thể thực hiện được về mặt con người.

 

TL       517

GL       2839-2840

Y         524

 

Trong Phụng vụ của Giáo Hội, trong lời kinh của Giáo Hội, trong cộng đồng sống động của các tín hữu, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa, cảm nhận được sự hiện diện của Ngài và qua đó chúng ta học biết cách nhận ra sự hiện diện của Ngài trong đời sống hằng ngày của ta. Ngài đã yêu chúng ta trước và Ngài còn tiếp tục yêu thương như thế; do đó, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng có thể đáp lại Ngài bằng tình yêu của mình.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, DCE 17

 

Lời cầu nguyện lớn nhất của con người không phải là xin chiến thắng mà là xin hoà bình.

Dag Hammarskjöld (1905-1961), Tổng Thư ký thứ hai của Liên Hiệp Quốc, người đoạt giải Nobel Hoà bình (được truy tặng sau khi qua đời)

278      Giáo Hội làm gì cho hoà bình?

 

Trước bất kỳ hoạt động bên ngoài nào, Giáo Hội cầu nguyện cho hoà bình; Kitô hữu tin rằng lời cầu nguyện có sức mạnh thay đổi thế giới. Hơn nữa, cầu nguyện là một nguồn sức mạnh quan trọng trong những nỗ lực xây dựng hoà bình của Kitô hữu. Trong khi công bố Tin Mừng, Giáo Hội không ngừng kêu gọi hoà bình và đòi buộc các tín hữu hoạt động vì hoà bình. Ngày 1 tháng Giêng hằng năm, lễ trọng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Giáo Hội cử hành Ngày Thế giới Hoà bình và Giáo Hội nỗ lực tạo ra bầu khí hoà bình và yêu thương tại các sự kiện do Giáo Hội tổ chức (như Ngày Giới trẻ Thế giới). Giáo Hội muốn qua đó biểu lộ rằng Giáo Hội tin vào một nền văn minh tình yêu và hoà bình, nền văn minh này không chỉ chính đáng về mặt lý thuyết nhưng còn có thể thực hiện được trong thực tế. Khi các Kitô hữu sống theo Tin Mừng, họ là phong trào hoà bình lớn nhất trên thế giới.

 

TL       519-520

G         763-764

Y         123, 282

 

Theo kinh nghiệm của tôi, bất cứ khi nào người ta cố gắng sống Tin Mừng như Chúa Giêsu dạy chúng ta, thì tất cả mọi thứ bắt đầu thay đổi: mọi hung hăng, sợ hãi, buồn phiền đều nhường chỗ cho bình an và niềm vui.

Vua Baudouin của Nước Bỉ (1930-1993)

 

Toà Thánh

(Từ Latin Sancta Sedes): tước hiệu của Giáo hội Công giáo mà cá nhân Đức Giáo hoàng và Giáo triều Rôma là đại diện tối cao, là một chủ thể phi chính phủ có chủ quyền theo luật pháp quốc tế. Toà Thánh duy trì mối quan hệ ngoại giao với các nhà nước và có đại diện tại các tổ chức phi chính phủ.

 

279   Giáo Hội làm thế nào để hành động về phương diện chính trị cho hoà bình?

 

Đặc biệt trong khoảng 180 nước, trong đó Giáo Hội có đại diện ngoại giao qua → TOÀ THÁNH, Giáo Hội làm tất cả những gì có thể làm cho hoà bình và góp phần bảo vệ hoà bình. Giáo Hội bảo vệ các quyền con người (ví dụ, tự do tôn giáo hay bảo vệ sự sống của con người), Giáo Hội kêu gọi giải trừ quân bị và khuyến khích phát triển kinh tế và xã hội, tạo cơ sở cho sự chung sống hoà bình trong xã hội. Toà Thánh cũng phái các nhà trung gian hoà giải đến các khu vực đang gặp khủng hoảng hoặc làm cố vấn và làm trung gian đằng sau hậu trường trong các tình huống khủng hoảng. Ví dụ, Giáo hoàng Gioan XXIII làm trung gian giữa Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy và nhà lãnh đạo Liên bang Xô Viết và Đảng Cộng sản Liên bang Nga, Nikita Khrushchev, trong Cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1961, hoặc Cộng đồng Saint Egidio làm trung gian đã đóng vai trò hàng đầu trong việc ký kết hiệp ước hoà bình năm 1992 cho Mozambique kết thúc cuộc nội chiến ác liệt kéo dài suốt mười sáu năm.

 

TL       444, 445

 

Giáo hội Công giáo, vì bản chất hoàn vũ của mình, luôn trực tiếp tham gia vào những sự nghiệp lớn mà vì đó những người nam nữ ở thời đại chúng ta đấu tranh và hy vọng. Vì Toà Thánh hiện diện và quan tâm đến tương lai của những người nam nữ ở khắp mọi nơi, nên Toà Thánh biết rằng mình có thể trông cậy vào quý vị để cung cấp một dịch vụ quan trọng, bởi vì chính xác là sứ mạng của các nhà ngoại giao vượt quá các biên giới và đem các dân tộc và các chính phủ đến với nhau trong ước muốn hợp tác hài hoà.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Diễn văn trước Ngoại giao Đoàn, 10 tháng 1, 2005

 

280      Toà Thánh có mối liên lạc nào với các tổ chức quốc tế?

 

Toà Thánh là một quan sát viên thường trực trong các tổ chức quốc tế khác nhau, ví dụ như tại Liên Hiệp Quốc (LHQ, từ năm 1964), tại Tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc (FAO, từ năm 1948), tại UNESCO (từ năm 1951), tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và tại Hội đồng châu Âu. Khi Liên Hiệp Quốc cải tổ vào năm 2004, các nước thành viên đã trao cho Toà Thánh nhiều quyền hơn trong Đại hội đồng LHQ. Toà Thánh có thể tham gia vào các cuộc tranh luận tại phiên họp Toàn thể Đại hội đồng hàng năm và cũng có quyền phát biểu ở một chừng mực nào đó về những vấn đề Toà Thánh quan tâm.

 

TL       444, 445

 

Không có hiệp ước hoà bình nào có thể được coi là hiệu lực, mà lại có trong các điều khoản của nó những mầm mống cho một cuộc chiến tranh khác.

Immanuel Kant (1724-1804), Perpetual Peace (Hoà bình Trường cửu) (1795)

 

281      Tại sao Toà Thánh chỉ đơn thuần là một “quan sát viên” tại Liên Hiệp Quốc và không phải là một thành viên đầy đủ?

 

Toà Thánh tự mình cam kết trung lập về chính trị vô điều kiện. Tư cách thành viên đầy đủ sẽ bao hàm việc Toà Thánh phải tham gia trực tiếp vào các vấn đề chính trị, quân sự và kinh tế. Trong nhiều cuộc bỏ phiếu biểu quyết chính trị, ví dụ liên quan đến các quyết định khó xử về tham gia chiến tranh, Toà Thánh sẽ không phải bỏ phiếu. Hơn nữa, tư cách thành viên đầy đủ sẽ làm cho Toà Thánh khó thực hiện được các “công tác thiện chí” về ngoại giao (ví dụ như làm trung gian hoà giải).

 

TL       444, 445

 

Thông qua Liên Hiệp Quốc, các quốc gia thiết lập các mục tiêu chung, dù ngay cả khi chúng không trùng khớp với toàn thể lợi ích chung của gia đình nhân loại, nhưng chắc chắn chúng cũng tiêu biểu cho phần cơ bản của công ích đó. Các nguyên tắc sáng lập của Tổ chức Liên Hiệp Quốc – ước muốn hoà bình, tìm kiếm công lý, tôn trọng phẩm giá con người, sự hợp tác và hỗ trợ nhân đạo – diễn tả các khát vọng chính đáng của tinh thần con người và hình thành những lý tưởng hậu thuẫn cho các mối quan hệ quốc tế.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI,   Diễn văn tại Liên Hiệp Quốc ngày 8 tháng 4, 2008

282  Toà Thánh có là thành viên đầy đủ trong những tổ chức nào khác không?

 

Có. Toà Thánh thuộc về nhiều tổ chức với tư cách là thành viên đầy đủ như Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEO), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Tổ chức Phòng chống Vũ khí Hoá học (OPCW), Liên minh Viễn thông Quốc tế, và Văn phòng Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR).

 

TL       444

 

Nguyện xin Thiên Chúa của hoà bình thúc đẩy tất cả mọi người thật sự mong muốn đối thoại và hoà giải. Không thể khuất phục bạo lực bằng bạo lực, mà chỉ chinh phục bạo lực bằng hoà bình!

Giáo hoàng Phanxicô, 20 tháng 7, 2014

 

283.     Giáo Hội có lập trường nào về Liên Hiệp Quốc và Hiến chương Liên Hiệp Quốc?

 

Giáo hội Công giáo ủng hộ Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Tổ chức này được thành lập sau những kinh nghiệm của Thế Chiến II và có nghĩa vụ ngăn chặn các cuộc chiến tranh trong tương lai. Hiến chương Liên Hiệp Quốc về nguyên tắc cấm giải quyết những xung đột giữa các quốc gia bằng vũ lực, với hai trường hợp ngoại lệ: phòng vệ chính đáng trong trường hợp bị tấn công, và thực hiện biện pháp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong khuôn khổ trách nhiệm duy trì hoà bình của Hội đồng Bảo an.

 

TL       501

GL       1930-1931

Y         329

 

Chiến tranh là một vụ thảm sát giữa những người không biết nhau, vì lợi ích của những người biết nhau nhưng không tàn sát nhau.

Paul Valéry (1871-1945), nhà thơ Pháp

 

Mọi lời nói thốt ra từ miệng của Hitler đều dối trá: Miệng hắn nói hoà bình trong khi muốn chiến tranh, và khi hắn kêu tên Đấng Toàn Năng cách báng bổ nhất thì hắn lại nhắm đến quyền lực của Thần Dữ, thiên thần sa ngã Satan.

Tờ truyền đơn số 4 của nhóm kháng chiến Munich “Hoa hồng trắng” (tháng 7 năm 1942)

 

284      Chiến tranh và bạo lực xảy ra như thế nào?

 

Nhiều cuộc chiến tranh xảy ra vì mối hận thù lâu dài giữa các dân tộc, vì những ý thức hệ, hoặc vì lòng thèm khát quyền lực và giàu sang của cá nhân hoặc của các nhóm người. Tuy nhiên, người ta cũng tìm đến chiến tranh và bạo lực do tuyệt vọng, ví dụ như khi họ không có tiếng nói chính trị hoặc khi họ đang chịu cảnh nghèo đói, áp bức hoặc các bất công khác. Khi một số ít người giàu có sống trên cảnh khốn cùng của nhiều người nghèo khổ, sự bất bình đẳng này thường dẫn đến việc bùng phát bạo lực.

 

TL       494

GL       2302-2303

Y         396

 

Dù người Kitô hữu quyết định ra sao, hoặc theo con đường của chiến sĩ hay theo con đường của người phản đối nhân danh lương tâm, thì cá nhân ấy không được cho rằng mình có một phẩm cách của người môn đệ Đức Kitô cao hơn người khác hoặc chối bỏ một người nào đó không phải Kitô hữu chỉ vì người đó có một lập trường khác mình.

Tuyên bố của Hội đồng Hội Thánh Tin Lành Luther tại Đức, 1989

 

“Bất cứ ai rao giảng chiến tranh đều là tay sai của quỷ dữ”.

Tục ngữ.

 

 

285      Giáo Hội có thái độ nào đối với chiến tranh?

 

Chiến tranh là sự thất bại tồi tệ nhất và nghiêm trọng nhất của hoà bình. Do đó, Giáo Hội luôn lên án “sự tàn bạo của chiến tranh” (x. Công đồng Vaticanô II, GS 77 và GLCG 2307-2317). “Vì mọi cuộc chiến đều kéo theo những tai hoạ và những bất công, nên chúng ta phải làm bất cứ điều gì có thể một cách hữu lý, để tránh chiến tranh” (GLCG 2327). Tuy nhiên, “bao lâu nguy cơ chiến tranh còn tồn tại, bao lâu thẩm quyền quốc tế chưa có đủ thế lực và sức mạnh, thì các chính phủ, sau khi đã dùng hết mọi phương thế ôn hoà, được phép sử dụng quyền tự vệ chính đáng” (GS 79, GLCG 2308). Chiến tranh luôn luôn là một “thất bại cho nhân loại” (Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Diễn từ trước Ngoại giao đoàn, 13 tháng 1, 2003).

 

TL       497

GL       2307-2309

Y         398-399

 

Phát triển là danh hiệu mới của hoà bình.

Giáo hoàng Phaolô VI, PP 76

 

Các “cấu trúc tội lỗi” và những tội do các cấu trúc trên gây ra, cũng triệt để đi ngược lại hoà bình và phát triển, bởi vì phát triển, theo lời nói rất quen dùng trong Thông điệp của Đức Thánh Cha Phaolô VI, là “danh hiệu mới của hoà bình”. Như vậy, sự liên đới mà chúng tôi đề nghị là con đường dẫn đến hoà bình, và đồng thời cũng là con đường đi tới phát triển.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, SRS 39

286      Có những chiến lược phòng ngừa nào để tránh chiến tranh và bạo lực?

 

Cuộc đấu tranh cho hoà bình không bao giờ chỉ bao gồm việc giải trừ quân bị hoặc việc loại trừ các tranh chấp bằng bạo lực. Bạo lực thường được gây ra bởi những lời dối trá và bất công. Các cấu trúc bất công đem đi đem lại những bóc lột và đau khổ. Phản kháng bằng bạo lực là cách diễn tả của những ai không được tham gia và bị tước đoạt tự do. Đó là lý do tại sao chúng ta chỉ có thể ngăn ngừa chiến tranh lâu dài khi các xã hội tự do được hình thành, trong đó các điều kiện công bằng trở nên phổ biến và mọi người đều có triển vọng phát triển. Viện trợ phát triển hợp lý cũng giúp tránh chiến tranh.

 

TL       498

GL       2317

Y         397

 

Lạy Chúa, xin ban cho con một thanh gươm tốt và ban cả cơ hội để con khỏi phải dùng nó.

Tục ngữ

 

Nhân loại phải chấm dứt chiến tranh trước khi chiến tranh kết liễu nhân loại.

John F. Kennedy (1917-1963)

 

Hoà bình không phải là vắng bóng bạo lực, nhưng là tiến trình của công lý.

Aram I, (sinh 1947) Thượng phụ Giáo Hội Chính thống Tông truyền Armenia, 2001

 

Không bao giờ chống đối nhau nữa, không bao giờ, không bao giờ nữa! Không bao giờ chiến tranh nữa, không bao giờ chiến tranh nữa!

Giáo hoàng Phaolô VI, Diễn văn tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, 4 tháng 10,1965

287      Phải làm gì nếu các tác nhân chính trị không thể duy trì được hoà bình?

 

Dĩ nhiên giáo huấn xã hội của Công giáo nhận thức rằng các Quốc gia thường không còn đủ phương tiện thích hợp để tự mình phòng ngự một cách hiệu quả và duy trì được hoà bình. Ngoài viện trợ phát triển, Giáo Hội còn trông cậy vào công việc của các tổ chức khu vực và quốc tế nhằm thúc đẩy hoà bình và tạo dựng lòng tin cậy giữa các dân tộc. Thực tế thường chứng minh rằng Giáo hội Công giáo có cơ cấu quốc tế và không bị nước nào lôi kéo là điều rất thuận lợi. Nhờ đó, Giáo Hội được tự do đưa ra những phán đoán độc lập và khích lệ các Kitô hữu đang sống dưới những chế độ cai trị bất công.

TL       498, 499

GL       2308

Y         398

 

Bao lâu nguy cơ chiến tranh còn tồn tại, bao lâu thẩm quyền quốc tế chưa có đủ thế lực và sức mạnh, thì các chính phủ, sau khi đã dùng hết mọi phương thế ôn hoà, được phép sử dụng quyền tự vệ chính đáng.

Công đồng Vaticanô II, GS 79

 

Ngoài ra, tất cả những gì chống lại sự sống, như giết người dưới bất cứ hình thức nào, diệt chủng, tất cả những điều này và những điều tương tự đều là những hành động thật sự đáng xấu hổ. Chúng đầu độc xã hội loài người, chúng gây hại cho những kẻ thủ ác hơn là cho những nạn nhân bị ngược đãi. Hơn nữa, chúng cũng xúc phạm nặng nề đến danh dự của Đấng Tạo Hoá.

Công đồng Vaticanô II, GS 27

 

Mắt đền mắt làm cho cả thế giới bị mù.

Mahatma Gandhi

288      Nên có loại chế tài nào trong trường hợp xung đột hoặc khi có nguy cơ chiến tranh?

 

Các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế là những phương cách quan trọng có thể được vận dụng để chống lại các Quốc gia nào đàn áp một số bộ phận dân chúng trong nước của họ hay đe doạ sự chung sống hoà bình của các dân tộc. Những mục tiêu của các biện pháp đó phải được soạn thảo rõ ràng. Một cơ quan hữu trách đủ năng lực của cộng đồng quốc tế phải đều đặn đánh giá biện pháp trừng phạt đó cách khách quan để lượng định những hậu quả thực tế có thể xảy ra cho thường dân. Mục đích thật sự của các biện pháp chế tài là dọn đường cho các cuộc đàm phán và đối thoại; chúng không được sử dụng để trừng phạt trực tiếp toàn bộ dân chúng. Do đó, ví dụ, một lệnh cấm vận thương mại chỉ được kéo dài trong một khoảng thời gian giới hạn, và không thể nào được bào chữa nếu ai cũng thấy rằng mọi người, không phân biệt, đều bị tác động từ những hậu quả của lệnh cấm vận đó.

 

TL       507

 

Nếu người Ả Rập bỏ vũ khí xuống, sẽ không còn chiến tranh nữa. Nhưng nếu người Israel bỏ vũ khí xuống, sẽ không còn nước Israel.

Arno Lustiger (sinh 1936), nhạc sĩ Đức

 

289      Điều gì sẽ xảy ra nếu chiến tranh bùng nổ, mặc dù đã làm mọi thứ?

 

Những cuộc chiến tranh xâm lược và gây hấn tự bản chất là vô luân. Khi chiến tranh bùng nổ, các cơ quan hữu trách của Quốc gia bị tấn công có quyền và có nhiệm vụ tổ chức để tự vệ, thậm chí bằng các lực lượng vũ trang. Đây là lý do tại sao các Quốc gia có thể trang bị lực lượng vũ trang và sở hữu vũ khí, để bảo vệ người dân của mình trước các cuộc tấn công từ bên ngoài. Vì những lý do này, các Kitô hữu, cũng có thể là những chiến sĩ, với điều kiện là các lực lượng quân sự phục vụ cho chính nghĩa là bảo vệ an ninh và tự do của đất nước cũng như có nhiệm vụ phải gìn giữ hoà bình. Việc tuyển trẻ em và thanh thiếu niên vào quân đội là một tội ác. Phải chấm dứt ngay việc sử dụng trẻ em trong các lực lượng vũ trang dưới bất cứ hình thức nào, và phải tái hoà nhập các cựu “chiến binh thiếu nhi” đó về lại với xã hội.

 

TL       500, 502-503, 512

GL       2308

Y         398

 

Không có gì do chiến tranh từng mang đến lại tốt hơn những gì ta có thể đạt được không cần đến chiến tranh.

Max Frisch (1911-1991), nhà văn Thuỵ

 

Thành cổ Carthage vĩ đại tiến hành ba cuộc chiến. Sau cuộc chiến đầu tiên, thành vẫn còn hùng mạnh. Sau cuộc chiến thứ hai, thành vẫn còn người sinh sống. Sau cuộc chiến thứ ba, không tìm thấy tăm hơi thành.

Bertolt Brecht (1898-1956), nhà soạn kịch Đức

 

290      Đâu là những điều kiện cho phép tổ chức cuộc “chiến tranh phòng vệ”?

 

Việc sử dụng vũ lực để phòng vệ chỉ chính đáng với một vài điều kiện phải được áp dụng trong phạm vi hẹp. Các cơ quan “trách nhiệm bảo vệ công ích” sẽ phải quyết định xem các điều kiện này được đáp ứng hay không. Bốn tiêu chí sau đây được coi là đặc biệt quan trọng:

 

1.   Thiệt hại do kẻ xâm lược gây ra phải “lâu dài, nghiêm trọng, và chắc chắn”.

2.   Không có các phương tiện nào khác để ngăn chặn hoặc chấm dứt những thiệt hại đã gây ra. Tất cả các phương cách ôn hoà nhằm giải quyết xung đột đã được vận dụng.

3.   Hậu quả của việc sử dụng vũ khí để phòng thủ không được xấu hơn so với những thiệt hại do kẻ xâm lược gây ra. Ở đây hậu quả tàn phá của việc sử dụng các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt phải được đặc biệt xem xét.

4.   Việc phòng vệ phải có cơ hội thành công trong thực tế.

 

TL       500

GL       2309

Y         399

 

Chiến tranh là xấu, ở chỗ nó tạo ra nhiều người xấu xa hơn những người mà nó lấy đi.

Immanuel Kant (1724-1804), Perpetual Peace (Hoà bình Trường cửu) (1795)

 

Nếu bộ máy chính quyền có bản chất tệ hại đến độ đòi hỏi bạn phải gây ra bất công cho người khác, thì, tôi xin nói, bạn cứ việc phạm pháp.

Henry David Thoreau (1817-1862), nhà văn Mỹ

291      Có phải cũng có những giới hạn trong việc sử dụng vũ lực trong trường hợp chiến tranh phòng vệ?

 

Ngay cả khi việc tự vệ bằng vũ lực là chính đáng, người ta không được sử dụng tất cả mọi phương tiện để tấn công lại kẻ xâm lăng. Trong mọi trường hợp, “các giới hạn truyền thống để xác định mức cần thiết và tương xứng phải được tuân thủ. Điều đó có nghĩa trong cuộc chiến phòng vệ chống lại cuộc tấn công bất chính, chỉ được sử dụng vũ lực trong mức tuyệt đối cần thiết để đạt được mục đích tự vệ.

 

TL       501

GL       2313-2314

Y         398

Bạn đừng bao giờ hành động trái với lương tâm, nhà nước đòi hỏi điều đó.

Heinrich Heine (1797-1856), nhà thơ Đức

 

Nạn nhân chiến tranh

Báo cáo hàng năm thống kê của Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn, của tổ chức Global Trend (Xu hướng Toàn cầu), ghi nhận cuối năm 2013 có hơn 51,2 triệu người tị nạn – nhiều hơn sáu triệu người so với năm trước. Tổng số người tị nạn phân thành ba nhóm: 16,7 triệu người đã phải rời bỏ quê hương; 33,3 triệu người quá cảnh trong nước của họ và 1,2 triệu người đã xin tị nạn ở đâu đó trên thế giới. Cứ hai người tị nạn có một đứa trẻ.

 

 

292      Người chiến sĩ nên ghi nhớ điều gì khi giao chiến?

 

Các binh sĩ có nghĩa vụ không được tuân theo các mệnh lệnh vi phạm pháp luật quốc tế. Ví dụ như người binh sĩ không bao giờ được tham gia thảm sát hàng loạt các dân thường hay tù nhân chiến tranh, ngay cả khi cấp trên ra lệnh. Trong trường hợp đó, không thể dựa vào lý do mình chỉ làm theo mệnh lệnh. Người binh sĩ phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình.

 

TL       503

GL       2312

Y         380

 

 

Mục tiêu của việc loại trừ sử dụng vũ lực trong chính trị quốc tế, trong tương lai, có thể xung đột với nhiệm vụ bảo vệ con người khỏi sự độc tài và bạo lực đến từ bên ngoài… Vì những quốc gia và những tổ chức xã hội riêng rẽ hiện đang thiếu và sẽ luôn thiếu các phương tiện thích hợp khiến cho những hành động phòng vệ chống lại bạo lực trở thành vô ích trước những giới hạn bị cấm không được sử dụng vũ lực.

Các Giám mục Đức, Một nền Hoà bình Công chính, (2000) 150.

 

293      Còn các nạn nhân chiến tranh thì sao?

 

Những nạn nhân vô tội không thể tự bảo vệ mình trước cuộc tấn công phải được các bên tham chiến bảo vệ trong mọi tình huống. Việc bảo vệ này áp dụng đối với dân thường nói chung. Các bên tiến hành chiến tranh cũng chịu trách nhiệm bảo vệ những người tị nạn và các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ. Nỗ lực nhằm tiêu diệt toàn bộ các nhóm thiểu số qua việc diệt chủng hay “thanh lọc chủng tộc” là một tội ác chống lại Thiên Chúa và nhân loại.

 

TL       504-506

GL       2314

Y         379

 

Trước mọi sự khác, cần cung cấp cho hoà bình các vũ khí khác – những vũ khí khác biệt với những loại vũ khí bắn giết và tiêu diệt nhân loại. Điều cần thiết trên hết là các vũ khí luân lý, những vũ khí mang lại sức mạnh và uy tín cho pháp luật quốc tế – vũ khí mà, trước tiên, ở chỗ tuân thủ các hiệp định.

Giáo hoàng Phaolô VI (1897-1978), Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới 1976

294      Khi có nguy cơ diệt chủng, người ta phải làm gì?

 

Cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ luân lý can thiệp để hỗ trợ các nhóm mà sự sống còn của họ gặp nguy hiểm hoặc những quyền lợi cơ bản của họ đang bị vi phạm hàng loạt. Trong khi can thiệp như vậy, cần phải tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế và nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia. Về mặt này, Giáo Hội đề cao Toà án Hình sự Quốc tế, có nhiệm vụ truy tố những người chịu trách nhiệm về các hành vi đặc biệt nghiêm trọng: tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh, tội ác chiến tranh xâm lược.

 

TL       506

GL       2317

 

Nhưng kinh nghiệm cho thấy chiến tranh không còn mang tính cục bộ nữa. Tất cả các cuộc chiến tranh hiện đại gần đây đều trở thành chiến tranh thế giới. Và không có nước nào trong số các quốc gia lớn ít nhất có thể đứng bên ngoài cuộc chiến. Nếu chúng ta không thể đứng ngoài cuộc chiến tranh, thì hy vọng duy nhất của chúng ta là phải ngăn chặn chiến tranh.

Robert H. Jackson (1892-1954), Trưởng Công tố viên trong các Vụ Xét xử Nuremberg 1945-1946

295      Có nên cấm buôn bán vũ khí không?

 

Giáo Hội cam kết theo đuổi mục tiêu “giải trừ vũ khí tổng quát, cân bằng và có kiểm soát” (Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, 14 tháng 10, 1985), vì sự gia tăng khủng khiếp số vũ khí trên toàn thế giới là một mối đe doạ đáng kể đối với sự ổn định và tự do. Nguyên tắc vừa đủ – mỗi nước chỉ được quyền có vừa đủ các phương tiện cần thiết để phòng vệ chính đáng – phải được các nước mua vũ khí và cả các nước sản xuất hoặc cung cấp vũ khí ghi nhớ và tuân giữ. Bất kỳ việc tích trữ vũ khí quá mức và việc buôn bán vũ khí rộng rãi trên toàn cầu đều không thể biện minh được về mặt luân lý. Các nước cũng cần phải kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán những loại vũ khí gọi là hạng nhẹ.

 

TL       508, 511

GL       2315-2316

 

 

Trong cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ không có người chiến thắng, mà chỉ có các nạn nhân.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới 2006

 

 

296      Khi nào được phép sử dụng các vũ khí huỷ diệt hàng loạt?

 

Việc sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào gây thương vong cho dân thường nhiều hơn mức tương xứng và đơn lẻ là vô luân lý. Vậy theo định nghĩa trên, người ta cấm sử dụng vũ khí “huỷ diệt hàng loạt”. Giáo Hội bác bỏ một cách rõ ràng cái lý lẽ gọi là “biện pháp răn đe”. Việc phá huỷ bừa bãi các thành phố, các vùng quê, và các khu dân cư bằng vũ khí sinh học, hoá học, hay hạt nhân có sức huỷ diệt hàng loạt là một tội ác nghiêm trọng chống lại Thiên Chúa và nhân loại.

 

TL       508-509

GL       2314

 

Mặc cho nhiều chính phủ và dân tộc đã yêu cầu rõ ràng muốn chấm dứt việc sử dụng những vũ khí độc địa như mìn chôn dưới đất, nhưng chúng vẫn đang được cài đặt ngay tại những nơi đã được dọn sạch trước đó. Mầm mống chiến tranh cũng đang được gieo rắc bởi số lượng rất lớn và không kiểm soát được của các vũ khí loại nhỏ và vũ khí hạng nhẹ. Chúng dường như được tự do di chuyển dễ dàng từ vùng chiến sự này đến nơi xung đột khác, kéo theo bạo lực càng gia tăng. Chính phủ các nước phải áp dụng những biện pháp thích hợp để kiểm soát việc sản xuất, mua bán, nhập khẩu và xuất khẩu các công cụ giết người này.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005), Sứ điệp Ngày Thế giới Hoà bình 1999

 

297      Có vũ khí nào không được sử dụng trong mọi trường hợp?

 

Giáo Hội đòi hỏi cấm các vũ khí gây thương tích quá đau đớn và nhắm vào bất kỳ ai không phân biệt, chẳng hạn như mìn chôn dưới đất chống con người. Những loại mìn này không thể giới hạn vào mục tiêu quân sự mà thậm chí vẫn còn gây thiệt hại lâu dài sau khi chiến sự kết thúc. Cộng đồng quốc tế cần phải nỗ lực để dọn sạch mìn.

 

TL       510

GL       2316

 

Người ta có quyền tự vệ chống lại khủng bố.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005), Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới 2002

 

Bạo lực không xây dựng nên vương quốc của Thiên Chúa cũng là vương quốc của loài người. Trái lại, nó là công cụ yêu thích của kẻ Phản Kitô, dù cho động cơ tôn giáo của nó có vẻ lý tưởng đến đâu chăng nữa. Bạo lực phục vụ không phải cho nhân loại, mà là cho tính vô nhân đạo.

Joseph Ratzinger/Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, từ tác phẩm của ngài Đức Giêsu thành Nazareth: Tuần Thánh

 

298      Liệu có quyền khủng bố như phương án cuối cùng không?

 

Mọi hành vi khủng bố cần phải bị lên án nặng nề. Nó thường tấn công những nạn nhân vô tội, được chọn lựa một cách tuỳ tiện. Những kẻ khủng bố thể hiện sự khinh miệt hoàn toàn và cay độc đối với mạng sống con người; không gì có thể biện minh cho hành động của chúng. Khủng bố gieo hận thù, đổ máu, chết chóc, chỉ muốn trả đũa và báo thù. Mục tiêu của các cuộc tấn công khủng bố nói chung là những cảnh sống hằng ngày chứ không phải là mục tiêu quân sự, như trong khuôn khổ của một cuộc chiến tranh chính thức.

 

TL       513

GL       2297

Y         392

 

Người ta có quyền tự vệ chống lại khủng bố.

Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005), Thông điệp cho Ngày Hoà bình Thế giới 2002

Tìm cách áp đặt trên người khác, điều mà chúng ta cho là đúng, bằng phương tiện bạo lực lại chính là một sự xúc phạm đến phẩm giá con người và cuối cùng là xúc phạm đến Thiên Chúa, mà con người mang hình ảnh của Ngài.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005), Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới 2002

 

Ðây là điểm phải được khẳng định lại một cách rõ ràng: không bao giờ có thể chấp nhận chiến tranh nhân danh Thiên Chúa! Khi một ý niệm nào đó về Thiên Chúa lại là nguồn gốc của những hành vi tội ác, thì đó là dấu hiệu cho thấy ý niệm đó đã trở thành một hệ tư tưởng.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới 2007

 

299      Ta nên nghĩ gì về chủ nghĩa khủng bố có động cơ tôn giáo?

 

Không tôn giáo nào được dung túng khủng bố, chứ đừng nói tới chuyện rao giảng cho khủng bố. Tuyên bố mình là kẻ khủng bố nhân danh Thiên Chúa, và giết người vô tội nhân danh Ngài, là một việc báng bổ nghiêm trọng. Tương tự như vậy, không kẻ nào chết trong khi thực hiện khủng bố lại có thể được mô tả như một vị “tử vì đạo”. Thánh tử đạo của Kitô giáo (= người làm chứng) khẳng định chân lý của đức tin bằng cách sẵn lòng chịu chết vì niềm tin của mình, nếu cần thiết, nhưng khi chịu chết như vậy, người ấy không bao giờ gây thiệt hại nào cho mạng sống của những người khác. Giáo hội Công giáo kêu gọi tất cả các giáo phái và cộng đồng tôn giáo dứt khoát tránh xa mọi thứ khủng bố mang động cơ tôn giáo, và đồng thời Giáo Hội kêu gọi tất cả các tôn giáo cùng nhau loại trừ hoàn toàn những căn nguyên của khủng bố và vun đắp tình hữu nghị giữa các dân tộc.

 

TL       515

GL       2297-2298

Y         392

 

Tôi tin rằng khủng bố không thể bị tiêu diệt triệt để bằng hành động quân sự. Cải thiện đời sống của dân nghèo là một chiến lược tốt hơn (để loại bỏ nạn khủng bố) so với việc chi tiêu vào súng đạn.

Muhammad Yunus (sinh 1940), doanh nhân xã hội Bangladesh, người đoạt giải Nobel Hoà bình

 

300      Làm thế nào để có thể chống khủng bố hiệu quả?

 

Cuộc chiến chống khủng bố bắt đầu bằng cách tấn công  các nguyên nhân có thể gây ra khủng bố. Tuy nhiên, ngay cả việc hợp tác quốc tế cũng không thể tự giới hạn vào các biện pháp trừng phạt. Do đó chúng ta phải tạo ra các điều kiện trong đó trước tiên không để cho những hành động tấn công ở mức không kiểm soát được có thể hình thành hoặc không thể bị phát hiện. Đồng thời, không thể tiến hành quyền tự vệ chống lại khủng bố trong một môi trường hoàn toàn vắng bóng luân lý và luật pháp.

 

TL       513, 514

GL       2297

Y         392

ĐỀ TÀI MỞ RỘNG

 

TỰ DO NGHIÊN CỨU VÀ KHẢ NĂNG LẠM DỤNG TỰ DO

Giáo Hội không muốn ngăn cản sự phát triển đáng kinh ngạc của khoa học. Ngược lại, Giáo Hội vui mừng và thậm chí phấn khởi trong việc nhìn nhận tiềm năng lớn lao mà Thiên Chúa đã ban cho tâm trí con người. Thỉnh thoảng một số nhà khoa học đã vượt quá những giới hạn thẩm quyền khoa học của họ khi đưa ra một số lời phát biểu hay những yêu sách. Nhưng vấn đề ở đây không phải liên quan đến chính lý trí con người, mà lại liên quan đến việc thúc đẩy của một ý thức hệ riêng nào đó khiến cho con đường dẫn tới cuộc đối thoại chân chính, nghiêm túc và hiệu quả bị ngăn cản.

Giáo hoàng Phanxicô, EG 243

301      Những nguyên tắc đạo đức nào nói chung được công nhận trong các ngành khoa học tự nhiên ngày nay?

 

Có bốn nguyên tắc được chấp nhận trên toàn thế giới: 1. Phổ quát: nỗ lực để đạt đến sự khái quát hoá thông qua cách lập luận được chuẩn hoá và có thể kiểm chứng; 2. Chung hưởng: mọi người có quyền chia sẻ những thành quả của khoa học; 3. Vô tư: để sang một bên các lợi ích riêng tư của nhà nghiên cứu; 4. Hoài nghi: nhà nghiên cứu sẵn lòng để cho người khác đặt nghi vấn về những kết quả tìm tòi của mình.

 

Như ta thấy, nghiên cứu khoa học dẫn đến sự hiểu biết những sự thật luôn mới mẻ về con người và về vũ trụ. Điều thiện hảo thật sự của nhân loại, có thể tiếp cận bằng đức tin, mở ra những chân trời trong đó tiến trình khám phá điều tốt đẹp ấy cần phải thực hiện. Do đó việc nghiên cứu, chẳng hạn, để phục vụ đời sống và nhằm mục đích loại trừ bệnh tật phải được khích lệ. Quan trọng không kém còn là các cuộc nghiên cứu nhằm mục đích khám phá những bí mật của hành tinh chúng ta và của vũ trụ, trong khi nhận thức rằng con người có trách nhiệm với công trình sáng tạo không phải để khai thác nó một cách mù quáng, nhưng để gìn giữ vạn vật và làm cho nó trở nên một nơi chốn có thể ở được. Như vậy, khi sống đúng đức tin, thì đức tin không xung đột với khoa học, nhưng đúng hơn, hợp tác với khoa học khi đưa ra các tiêu chí căn bản để thăng tiến điều thiện hảo của muôn loài và yêu cầu khoa học từ bỏ những nỗ lực – chống lại kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa – sản sinh ra những hậu quả gây nguy hại cho con người. Thêm một lý do rất hợp lý nữa để tin rằng: nếu khoa học là một đồng minh quý giá của đức tin để hiểu kế hoạch của Thiên Chúa đối với vũ trụ, thì đức tin, đang khi vẫn trung thành với chính kế hoạch này, sẽ cho phép những tiến bộ của khoa học luôn thành công để phục vụ sự thiện và sự thật của con người.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, 21 tháng 11, 2012

302      Các phát minh khoa học có thể bị lạm dụng không?

 

Có. Gần đây nhất, kể từ thời bom nguyên tử, ta biết rằng khoa học không diễn ra trong một môi trường phi đạo đức. Ngày nay chủ đề này được thảo luận nhiều nhất trong lĩnh vực “an toàn sinh học”. Nên xử lý thế nào với nghiên cứu có thể đóng góp cho tiến bộ y tế hoặc các mục tiêu quan trọng khác về mặt xã hội, nhưng đồng thời cũng có thể bị những kẻ khủng bố sinh học hoặc những tên tội phạm khác lạm dụng? Vì trong thực tế, nhiều kết quả nghiên cứu trong các khoa học về sự sống không chỉ áp dụng cho lợi ích của cá nhân và xã hội mà còn bị lạm dụng với ý đồ gây hại.

 

TL       509

GL       2293-2294

 

 

303      DURC nghĩa là gì?

 

Việc Nghiên cứu Sử dụng Kép (Dual Use Research of Concern viết tắt DURC) bao gồm các nghiên cứu có liên quan đến vấn đề an toàn sinh học, được kỳ vọng sẽ tạo ra tri thức, sản phẩm hay các công nghệ có thể bị các bên thứ ba lạm dụng ngay lập tức để gây hại cho tính mạng hay sức khoẻ của người dân, môi trường, hoặc hàng hoá và các lợi ích khác đã được bảo vệ về mặt pháp lý.

 

 

304      Có thể làm gì để ngăn chặn những tổ chức khủng bố lan truyền, chẳng hạn, các mầm bệnh tổng hợp như một thứ vũ khí?

 

Trước tiên, chúng ta cần phải tạo nên một nhận thức trên toàn thế giới rằng “tự do khoa học” đòi hỏi một nền tảng các hệ thống pháp lý vững chắc. Chính các nhà khoa học cũng cần một bộ quy tắc đạo đức về nghiên cứu; việc họ chỉ quan tâm đến khía cạnh kỹ thuật chuyên môn của công việc là không đủ. Hơn nữa, các quy định và các kiểm soát ở cấp độ quốc tế là cần thiết. Nghiên cứu không còn có thể bị giới hạn trong một quốc gia đơn lẻ. Vì thế, trong thời buổi hiện nay, thật là vô trách nhiệm nếu không đưa ra được một chiến lược thích hợp để phòng ngừa nguy cơ.

 

     

 

Trích dẫn các văn kiện quan trọng của Giáo Hội

11

HOÀ BÌNH

Pacem in Terris            Tìm kiếm hoà bình trong bản tính nhân loại 

Nhiều người nghĩ rằng những luật điều khiển các mối quan hệ của con người với chính quyền cũng giống như những quy luật chi phối các sức mạnh tự nhiên mù tối của vũ trụ. Nhưng không phải vậy; các luật điều khiển con người hoàn toàn khác. Người Cha của vũ trụ đã ghi khắc chúng trong bản tính của con người, và đó là nơi mà chúng ta phải tìm kiếm; ở đó chứ không nơi nào khác.

Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris (1963), 4

Pacem in Terris            Nghĩa vụ giải trừ quân bị

Nhiều người thường tin rằng trong những điều kiện ngày nay, không thể đảm bảo hoà bình ngoại trừ dựa trên nền tảng là sự cân bằng lực lượng vũ trang, và yếu tố này chính là nguyên nhân khiến cho các nước dự trữ vũ khí. Vì thế, nếu một nước gia tăng sức mạnh quân sự của mình, những nước khác ngay lập tức nổi lên tinh thần cạnh tranh để tăng thêm nguồn cung cấp vũ khí của họ. Và nếu một nước được trang bị vũ khí hạt nhân, những nước khác cũng tự cho mình có quyền sản xuất vũ khí đó, với sức phá hoại tương đương… Dù sức mạnh khủng khiếp của các vũ khí hiện đại thật sự là yếu tố ngăn cản đối phương gây chiến, chúng ta có lý do để lo ngại rằng việc thử nghiệm các công cụ hạt nhân cho mục đích chiến tranh, có thể, nếu tiếp tục, sẽ dẫn đến nguy hiểm trầm trọng cho các dạng sống khác nhau trên trái đất. Do đó, công lý, lẽ phải, và sự công nhận phẩm giá con người kiên quyết lên tiếng yêu cầu dừng cuộc chạy đua vũ trang. Việc tàng trữ trong kho các loại vũ khí khác nhau của nhiều nước, phải được tất cả các bên có liên quan đồng loạt giảm xuống. Phải ngăn chặn vũ khí hạt nhân. Phải đạt được một thoả hiệp chung về chương trình giải trừ vũ khí thích hợp, với hệ thống kiểm soát lẫn nhau một cách có hiệu quả… Tuy nhiên, mọi người phải nhận ra rằng, trừ phi tiến trình giải trừ vũ khí diễn ra triệt để và hoàn chỉnh, và chạm đến tâm hồn của mỗi người, thì chúng ta không thể ngừng cuộc chạy đua vũ trang, hay giới hạn vũ khí, hay – đây là điểm chính – cuối cùng hoàn toàn huỷ bỏ chúng. Mọi người phải thành thật hợp tác trong nỗ lực xua đi nỗi sợ hãi và lo lắng về chiến tranh khỏi tâm trí con người.

Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris (1963), 59-61

Pacem in Terris            Các nước có quyền tự quyết

Không nước nào có quyền thực hiện một hành động áp bức bất công đối với các nước khác hoặc can thiệp không chính đáng vào công việc của các nước ấy. Ngược lại, tất cả nên trợ giúp các nước khác phát triển nhận thức ngày càng cao về nhiệm vụ của họ, phát triển một tinh thần mạnh dạn dấn thân, và quyết tâm chủ động làm cho nước mình tiến bộ trong mọi lĩnh vực.

Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris (1963), 64

Solicitudo Rei Socialis            Tính phi lý của việc mua bán vũ khí

Nếu việc sản xuất vũ khí là một sự bất ổn đáng ngại trong thế giới ngày nay, khi xét tới các nhu cầu đích thực của con người và việc sử dụng các phương tiện có thể đáp ứng các nhu cầu đó, thì việc buôn bán vũ khí cũng đáng lên án như vậy. Quả thật, đối với việc mua bán vũ khí, cần nói thêm là sự phán xét luân lý còn khe khắt hơn. Như chúng ta đều biết, đây là một kiểu mua bán không biên giới, có khả năng vượt qua cả những rào cản của các khối chính trị. Kiểu buôn bán này biết cách vượt lên sự phân chia giữa Đông và Tây, và trên hết, sự phân cách giữa Bắc và Nam, tới mức – điều này còn nghiêm trọng hơn – dám lấn vào cả những khu vực ở nam bán cầu. Như vậy, chúng ta đang đối mặt với hiện tượng lạ lùng: trong khi những chương trình viện trợ và phát triển kinh tế gặp phải sự ngăn trở từ những rào cản không thể vượt qua của những ý thức hệ, và cả những hàng rào thuế quan và thương mại, thì vũ khí dù xuất xứ từ đâu vẫn cứ lưu hành hầu như hoàn toàn tự do trên khắp thế giới.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Solicitudo Rei Socialis (1987), 24

Gaudium Evangelium             Không có hoà bình nếu không có công lý

Ngày nay, tại nhiều nơi chúng ta nghe lời kêu gọi thắt chặt an ninh hơn nữa. Nhưng bao lâu tình trạng loại trừ và bất bình đẳng trong xã hội còn chưa đảo ngược, thì không thể nào xoá bỏ được bạo lực. Người nghèo và các dân tộc nghèo bị buộc tội sử dụng bạo lực, nhưng nếu không có các cơ hội bình đẳng thì các hình thức gây hấn và xung đột khác nhau sẽ tìm được mảnh đất mầu mỡ để phát triển và bùng nổ. Khi một xã hội – dù là địa phương, quốc gia, hay thế giới – muốn gạt một thành phần của mình ra bên lề, thì không một chương trình chính trị hay nguồn lực tài chính nào dành cho việc thực thi pháp luật hay cho các hệ thống giám sát có thể bảo đảm tuyệt đối sự an bình. Không chỉ đơn giản vì sự bất bình đẳng khơi dậy một phản ứng bạo lực từ những người bị loại trừ khỏi hệ thống, nhưng là vì hệ thống kinh tế-xã hội đó bất công ngay tận gốc rễ. Cũng như điều tốt có xu hướng lan toả, thì việc dung túng điều ác, nghĩa là bất công, cũng có khuynh hướng mở rộng ảnh hưởng độc hại của nó và âm thầm huỷ hoại mọi hệ thống chính trị và xã hội, bất kể hệ thống ấy có vẻ vững chắc đến đâu. Nếu mọi hành động đều có những hậu quả của chúng, thì một sự ác ăn sâu vào cơ cấu của xã hội cũng có một tiềm năng không ngừng làm tan rã và gây chết chóc. Nó chính là cái ác kết tinh trong những cơ cấu xã hội bất công, và không thể là nền tảng để hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn.

Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelium Gaudium (2013), 59