2016 – năm nóng nhất, ô nhiễm nhất, nước biển cao nhất
Năm 2016 là năm có mực nước biển cao nhất, lượng khí thải ô nhiễm nhất, cũng là năm nóng nhất trong 137 năm qua, theo Báo cáo khí hậu toàn cầu năm 2016 vừa được công bố.
2016 – năm nóng nhất, ô nhiễm nhất, nước biển cao nhất
Năm 2016 là năm có mực nước biển cao nhất, lượng khí thải ô nhiễm nhất, cũng là năm nóng nhất trong 137 năm qua, theo Báo cáo khí hậu toàn cầu năm 2016 vừa được công bố.
Sự ấm lên toàn cầu khiến băng tan mạnh ở Bắc cực và Nam cực -Ảnh: REUTERS |
Nhiều bằng chứng cho thấy các hoạt động của con người, đặc biệt là phát thải khí nhà kính, chịu trách nhiệm chính yếu về sự biến đổi khí hậu trong những năm gần đây |
Báo cáo thường niên về khí hậu toàn cầu 2016 |
Năm nóng nhất
Báo cáo đưa ra những dấu hiệu cho thấy hành tinh của chúng ta đang ngày càng ấm lên và xu hướng này không có dấu hiệu chậm lại. “Nhiệt độ kỷ lục trong năm ngoái là kết quả kết hợp giữa sự ấm lên toàn cầu trong dài hạn và hiện tượng El Nino mạnh vào đầu năm” – báo cáo cho biết.
Báo cáo nhấn mạnh việc tiếp tục sử dụng nhiên liệu hoá thạch đang tạo ra mức khí thải nhà kính chưa từng thấy, gây ô nhiễm bầu khí quyển toàn cầu. Điều này đóng vai trò như một cái chăn thu nhiệt quanh Trái đất.
Ngoài ra, các khí nhà kính chính đóng vai trò quan trọng trong sự ấm lên toàn cầu như CO2, methan và N2O đã tăng lên một mức độ mới. Theo đó, nồng độ CO2 trong khí quyển đã đạt 402,9ppm, cao hơn kỷ lục 400ppm mà các bản báo cáo thời hiện đại ghi nhận đến nay.
Báo cáo cũng xác nhận năm 2016 là năm nóng nhất được ghi nhận trong thời hiện đại và là năm thứ ba liên tiếp phá vỡ kỷ lục của những năm trước đó. Cả nhiệt độ trên mặt đất cũng như ở bề mặt đại dương đều đạt mức cao mới.
Sự tan chảy sông băng và các tảng băng ở hai đầu địa cực vào các đại dương trên thế giới cũng làm cho mực nước biển trung bình toàn cầu tăng cao kỷ lục trong năm 2016. Mức kỷ lục mới thiết lập năm 2016 cho thấy mực nước biển đã cao hơn 82mm so với mức trung bình năm 1993.
Mực nước biển toàn cầu đã tăng thêm 3,4mm trong năm thứ sáu liên tiếp. Mức tăng cao nhất được ghi nhận tại phía tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trong khi đó, tại các vùng cực băng trên biển đạt mức thấp kỷ lục.
Nhiệt độ bề mặt đất tại Bắc cực cũng nóng kỷ lục, tăng trung bình 2 độ so với nhiệt độ trung bình bề mặt ghi nhận trong giai đoạn 1981-2010.
Thời tiết cực đoan tăng mạnh
Báo cáo cho rằng sự ấm lên toàn cầu, mực nước biển dâng và tăng lượng khí thải nhà kính cũng dẫn đến sự gia tăng thời tiết cực đoan ở khắp mọi nơi. Bão nhiệt đới xuất hiện nhiều hơn.
Tổng cộng có 93 cơn bão nhiệt đới được ghi nhận trên khắp thế giới trong năm 2016, cao hơn nhiều so với mức trung bình 82 cơn bão ở giai đoạn 1981-2010.
Nhiệt độ tăng cao cũng ảnh hưởng đến nhiều khu vực trên thế giới. Đợt nắng nóng kéo dài một tuần hồi cuối tháng 4 năm ngoái tại phía bắc và đông Ấn Độ với nhiệt độ ngoài trời trên 44 độ C dẫn đến cuộc khủng hoảng nước ảnh hưởng đến 300 triệu người và khiến 300 người thiệt mạng.
Mặt khác, hạn hán kéo dài trên diện rộng cũng diễn ra một cách bất thường. Báo cáo cho biết ít nhất 12% bề mặt đất trên toàn cầu chịu những đợt khô hạn nghiêm trọng trong năm 2016.
Đông bắc Brazil đã trải qua năm hạn hán thứ năm liên tiếp và là giai đoạn hạn hán dài nhất từng được ghi nhận ở khu vực này. Hạn hán và nhiệt độ tăng cao đã gây ra vụ cháy rừng khổng lồ ở Canada.
“Hạn hán trong năm 2016 là một trong các đợt hạn hán trên diện rộng nhất từng được ghi nhận sau năm 1950” – báo cáo ghi rõ.
Trong khi đó, hiện tượng thời tiết El Nino khiến nước ấm lên vòng quanh xích đạo của nhiều khu vực biển tại Thái Bình Dương cũng tăng mạnh trong nửa đầu năm 2016. Hiện tượng này dẫn đến tình trạng ẩm ướt ngày càng gia tăng ở một số khu vực trên thế giới.
Argentina, Paraguay và Uruguay đã chứng kiến nhiều trận lũ lụt nặng nề trong khi khu vực Đông Âu và Trung Á ẩm ướt hơn bình thường. Bang California của Mỹ cũng chứng kiến một năm ẩm ướt lần đầu tiên kể từ năm 2012 sau khi bang này phải chịu một đợt hạn hán kéo dài vài năm.
Báo cáo thường niên về khí hậu toàn cầu là công trình khoa học dày 280 trang do hơn 500 nhà khoa học trên thế giới tham gia nghiên cứu. Cục Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) và Hiệp hội Khí tượng Mỹ (AMS) phát hành báo cáo này hằng năm. |