Lấp sông Đồng Nai làm dự án: Xử nghiêm hành vi phạm pháp
Đó là ý kiến của bộ ngành chức năng, được Bộ TN-MT tổng hợp gửi UBND tỉnh Đồng Nai mới đây.
Lấp sông Đồng Nai làm dự án: Xử nghiêm hành vi phạm pháp
Đó là ý kiến của bộ ngành chức năng, được Bộ TN-MT tổng hợp gửi UBND tỉnh Đồng Nai mới đây.
Cụ thể, trao đổi với PV Thanh Niên ngày 8.8, ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước – Bộ TN-MT, cho biết Bộ đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai về việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các bộ ngành liên quan tính toán để đánh giá cụ thể định lượng các tác động của dự án lấp sông Đồng Nai.
TIN LIÊN QUAN
Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh quyết định dự án ‘lấp sông Đồng Nai’
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai quyết định dự án “lấp sông Đồng Nai” trên cơ sở kết quả đánh giá tác động của dự án sau khi có ý kiến của các Bộ.
Trong đó, theo Bộ GTVT, sông Đồng Nai từ cầu Đồng Nai đến ngã ba sông Bé dài 72,8 km là tuyến đường thủy nội địa quốc gia gồm các đoạn sông cấp 3 và cấp đặc biệt. UBND tỉnh Đồng Nai cần rà soát phạm vi và các nội dung của dự án đảm bảo tuân thủ các quy định của luật Giao thông đường thuỷ nội địa, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giao thông đường thuỷ nội địa.
Bộ Xây dựng yêu cầu “cần rà soát, điều chỉnh dự án đảm bảo phù hợp với đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 thành phố Biên Hoà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được tỉnh Đồng Nai phê duyệt từ tháng 7.2014”.
Bộ NN-PTNT yêu cầu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các hành vi thực hiện lấn lòng sông, bãi sông, vi phạm luật Đê điều và luật Phòng, chống thiên tai đối với các hành vi thực hiện khi chưa được Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Cũng theo ông Bảy, Bộ TN-MT đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các bộ; bổ sung, hoàn chỉnh Báo cáo phân tích, tính toán đánh giá bổ sung chế độ dòng chảy, diễn biến lòng sông, sinh thái thủy vực sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hoá An đến cầu Ghềnh, gửi lại Bộ TN-MT trước ngày 15.9.
TIN LIÊN QUAN
[CHÙM ẢNH] Dân trồng rau, câu cá ở dự án ‘lấp sông Đồng Nai’
Sau hai năm tạm dừng, dự án lấp sông Đồng Nai hiện đang bị cỏ dại bủa vây.
ĐTM mới…không thấy gì mới
Liên quan đến dự án lấp sông Đồng Nai, trao đổi với PV Thanh Niên ngày 8.8, TS Lê Xuân Thuyên, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) – người theo dõi dự án này từ đầu và đã nhiều lần đi thực tế, khảo sát địa hình dòng sông Đồng Nai, nhận xét các ĐTM (Báo cáo đánh giá tác động môi trường) của dự án, kể cả ĐTM mới nhất được làm năm 2016, vẫn không đạt yêu cầu chất lượng về mặt khoa học. “Tôi cũng đã cố gắng tìm để xem bản ĐTM mới này có cái gì mới, có khắc phục được những hạn chế của các bản cũ không. Tuy nhiên vẫn không thấy rõ được vấn đề gì mới”, ông nói.
TS Thuyên dẫn chứng: Sông Đồng Nai có lưu tốc dòng chảy, đặc biệt ở đoạn làm dự án rất cao. Lòng sông có những ghềnh đá tạo thành dòng chảy xoáy, sóng xoáy rất lớn nhưng mô hình của ĐTM không phản ánh được thực tế dòng chảy. “Hình thái lòng sông như thế nào chưa làm rõ được thì làm sao nói tới việc tính toán thay đổi? Nếu không tính toán chính xác thì công trình này nếu được xây dựng sẽ tồn tại được bao lâu? Có làm tổn hại đến môi trường và cuộc sống sinh kế người dân hay không?”, ông Thuyên đặt vấn đề.
Những phân tích của TS Thuyên trùng khớp với nhiều vấn đề mà Bộ NN-PTNT ngày 4.8 chỉ ra. Cụ thể, Bộ NN-PTNT nhận định báo cáo tác động về khía cạnh mực nước lũ của dự án chưa xác định giá trị về tần suất, mức nước ứng với lũ lịch sử năm 1952. Do vậy, cần bổ sung tính toán và luận chứng cụ thể trên cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định tần suất lũ, tính toán phù hợp với diễn biến lũ trong điều kiện biến đổi khí hậu. Đồng thời, cần tính toán cụ thể trong trường hợp lấn sông như vậy so sánh với trường hợp chưa lấn sông về chiều sâu ngập, diện tích ngập, thời gian duy trì lũ ngập để đề xuất giải pháp. Về tác động đến xói lở, cần bổ sung tính toán ứng với nhiều cấp lưu lượng nước sông Đồng Nai.
Đặc biệt là đối với lưu lượng tạo lòng do đây là cấp lưu lượng tác động rất lớn đến hình thái lòng dẫn của sông. Báo cáo tác động của dự án cần bổ sung phạm vi tính toán đối với các khu lân cận ở vùng thượng lưu, hạ lưu của khu vực lấn sông để có cơ sở đánh giá toàn diện đến xói lở lòng dẫn, kể cả xói lở theo phương đứng và xói lở theo phương ngang. Tính toán các trường hợp lấn sông bằng mô hình vật lý để đảm bảo độ chính xác, phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia đã ban hành năm 2010 về công trình thủy lợi, thiết kế công trình bảo vệ bờ sông để chống lũ…
Nên dừng hẳn dự án
Trong một diễn tiến khác, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai quyết định dự án “lấp sông Đồng Nai” trên cơ sở kết quả đánh giá tác động của dự án khi có ý kiến của các bộ, mạng lưới sông ngòi VN (VRN) lần thứ 3 gửi kiến nghị đến Chính phủ, các bộ ngành và địa phương có liên quan với nội dung chính là: Việc lấn sông đã vi phạm luật Tài nguyên nước (2012), luật Bảo vệ môi trường (2014), luật Phòng chống thiên tai (2013) và luật Giao thông đường thủy nội địa (2014). Với việc vi phạm hàng loạt các quy định của pháp luật chỉ còn cách duy nhất là dừng hẳn dự án.
TIN LIÊN QUAN
Kiến nghị dừng hẳn dự án ‘lấp sông Đồng Nai’
Đây là nội dung chính của bản kiến nghị do Mạng lưới sông ngòi VN (VRN), Liên minh Năng lượng bền vững VN, Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững, gửi đến Chính phủ, các bộ ngành và tỉnh Đồng Nai.
TS Đào Trọng Tứ, thành viên VRN, bổ sung thêm: “Chúng tôi không phản đối chỉnh trị sông. Cái chúng tôi phản đối là dự án mà tỉnh Đồng Nai cấp phép. Thực tế triển khai dự án và tên gọi chính thức trên giấy tờ hoàn toàn khác nhau. Bản chất thực sự của dự án là lợi dụng mặt thoáng của dòng sông đổ đất đá xuống để xây nhà, chung cư, khách sạn… Nó xâm hại đến lợi ích chung của xã hội và tạo tiền lệ rất xấu về sau này”.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), phân tích: đây là dòng sông chung của 11 tỉnh thành, chảy qua vùng kinh tế năng động và phát triển nhất cả nước là Đông Nam bộ, cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân TP.HCM… nên việc giao quyền tự quyết cho một địa phương là không hợp lý. “Một vấn đề quan trọng khác đất đá đổ xuống lòng sông lấy từ nguồn nào, có sạch, an toàn không cũng cần phải làm rõ khi mà Biên Hoà (Đồng Nai) là vùng trước đây bị ô nhiễm chất độc rất nhiều. Uỷ ban Bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai cần lên tiếng và thể hiện vai trò của mình”, ông Tuấn kiến nghị.
Trầm tích sông Đồng Nai nhiễm dioxin ?
Trong một cuộc đối thoại trực tuyến gần đây về dự án lấp sông Đồng Nai, TS Lê Xuân Thuyên khẳng định năm 2016 ông đã tham gia với Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai khảo sát và biết rằng dưới đáy sông Đồng Nai có một số nơi trầm tích nhiễm dioxin với nồng độ cao – đã bị chôn vùi sau chiến tranh. “Số liệu nghiên cứu đầy đủ nhưng nó thuộc bản quyền của Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai nên tôi không tiện cung cấp. Nếu chúng ta cho tiến hành dự án này và sau đó có thể sẽ có nhiều dự án khác “ăn theo”. Vậy vấn đề thay đổi dòng chảy, tác động tới trầm tích đó cũng giống như ta khai quật một đống rác lên – ai sẽ là người chịu trách nhiệm?”, ông Thuyên lưu ý.
|
Chí Nhân – Lê Quân