11/01/2025

Những dự án vũ khí viễn tưởng của Liên Xô

Không ít dự án khác thường đã được Liên Xô theo đuổi trong nỗ lực đạt được ưu thế quân sự trước các đối thủ, nhất là thời Chiến tranh lạnh.

 

Những dự án vũ khí viễn tưởng của Liên Xô

Không ít dự án khác thường đã được Liên Xô theo đuổi trong nỗ lực đạt được ưu thế quân sự trước các đối thủ, nhất là thời Chiến tranh lạnh.




Liên Xô và Mỹ từng dày công theo đuổi chương trình chế tạo vũ khí thời tiết  /// RBTH

Liên Xô và Mỹ từng dày công theo đuổi chương trình chế tạo vũ khí thời tiếtRBTH

Suốt nhiều năm từ trước Thế chiến 2 đến giai đoạn Chiến tranh lạnh, các nhà khoa học Liên Xô sẵn sàng thử thách mọi giới hạn có thể với hy vọng chế tạo những loại vũ khí khống chế được đối thủ, nhưng chuyển ý tưởng thành thực tế lại là vấn đề hoàn toàn khác. Tất nhiên, một số chương trình khoa học và quân sự từ thời Xô Viết gặt hái được thành công và tiếp tục vận hành đến ngày nay. Thậm chí những ý tưởng như vũ khí laser và sóng âm giờ đây đã trở thành hiện thực. Bên cạnh đó, vài dự án đã bị xếp xó vì không tài nào thực hiện được. Sau đây là những chương trình đầy tham vọng nhưng theo thời gian đã chìm vào quên lãng, theo báo Nga.
Vô tuyến não
Russia Beyond The Headlines đưa tin, vào năm 1923, kỹ sư điện tử Bernard Kazhinsky đã đưa ra một khái niệm hoàn toàn vượt thời đại: vô tuyến não. Theo mô tả của chuyên gia này, các xung thần kinh có thể được dẫn truyền và chuyển thành các tín hiệu đường dài. Ông đã đi khắp châu Âu và Bắc Mỹ để diễn thuyết về ý tưởng con người là những trạm thu phát vô tuyến sống. Cuối cùng, chính quyền Liên Xô cũng đã bị thuyết phục và quyết định cấp kinh phí cho hoạt động nghiên cứu táo bạo của kỹ sư Kazhinsky.
Đến năm 1924, ông tiến hành những cuộc thử nghiệm đầu tiên ở Moscow: sử dụng các sóng âm tần số thấp để ra mệnh lệnh cho chó nhặt một quyển sách cụ thể trong một chồng sách và ngậm về cho các nhà khoa học đang ngồi ở phòng kế bên. Chẳng hiểu sao tài liệu ghi lại cho hay cuộc thử nghiệm lần đầu đã thành công, nhưng sau đó các con vật không tuân theo mệnh lệnh. Lực lượng mật vụ biết được dự án này và bày tỏ sự hứng thú với viễn cảnh sử dụng sóng vô tuyến để tác động tư duy của con người. Theo một số nguồn tin, kỹ sư Kazhinsky sau đó đã rút khỏi chương trình dù vẫn tin tưởng rằng sớm muộn gì họ cũng có thể hoàn thiện năng lực vô tuyến não. Những nhà khoa học khác của Liên Xô tiếp nhận dự án, nhưng cuối cùng đành xếp xó vì chi phí đắt đỏ trong khi không thu được kết quả thực tế nào.
 

Những dự án vũ khí viễn tưởng của Liên Xô1

Kỹ sư điện tử Bernard Kazhinsky và thí nghiệm không giống aiRBTH

“Chuột chũi chiến đấu”
Theo tờ Rossiyskaya Gazeta, ý tưởng xây dựng một cỗ máy có thể đào xuyên lòng đất bất chấp đất đá không chỉ là giấc mơ của các tiểu thuyết gia khoa học viễn tưởng, mà còn được phía Liên Xô theo đuổi. Họ cho rằng một cỗ máy như vậy có thể phá huỷ các cơ sở hạ tầng và cấu trúc xây dựng ngầm, cũng như phá vỡ các phòng tuyến kiên cố của đối phương.
Người đưa ra khái niệm này là ông Pyotr Rasskazov, một kỹ sư của Liên Xô, với các phác thảo đầu tiên được hoàn thành ở Moscow vào năm 1904. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất diễn ra, các bản vẽ đã bị thất lạc và sau đó xuất hiện ở Đức. Đến đầu thập niên 1930, kỹ sư Rudolf Trebelevsky được giao nhiệm vụ chế tạo dựa trên bản vẽ của ông Rasskazov, với mục tiêu thiết kế một cỗ máy giống như chuột chũi ngoài đời thật. Nhờ vào hỗ trợ của chính phủ, kỹ sư Trebelevsky đã tạo ra nguyên mẫu của một cỗ máy được thiết kế để đào xuyên lòng đất, đặt cáp và nghiên cứu địa chất. Tuy nhiên, dự án đã bị gác lại nhiều năm sau khi chính quyền Liên Xô quyết định tập trung nguồn lực vào các sáng kiến khả thi hơn.
Đến thập niên 1960, vào thời điểm cao trào của Chiến tranh lạnh, Tổng bí thư Nikita Khrushchev đã bí mật ra lệnh khởi động lại dự án máy khoan lòng đất với mục tiêu phá huỷ liên lạc viễn thông và các cơ sở quân sự ngầm của Mỹ trong trường hợp cần thiết. Theo kế hoạch, những cỗ máy này sẽ được mang đến bờ biển California, khoan sâu trong lòng đất và cài bom nguyên tử ở những vị trí đặt cơ sở chiến lược của đối phương. Thế là ý tưởng trên một lần nữa hồi sinh, nhưng được giữ trong vòng bí mật, thậm chí còn hơn cả dự án hạt nhân của Liên Xô. Một nhà máy đặc biệt đã được xây dựng tại Crimea, chỉ tập trung sản xuất máy đào hầm. Các nhà khoa học đã đưa ra phiên bản điều chỉnh mới với nhiều tính năng vượt trội.

Được đặt lại tên là “Chuột chũi chiến đấu”, nó hoạt động dựa vào năng lượng hạt nhân và có chiều dài 35 m. Vận tốc di chuyển của cỗ máy có thể đạt đến 7 km/giờ, mang theo tổ lái gồm 5 người và tối đa 15 biệt kích cùng khoảng 1 tấn vũ khí, chất nổ.

Trong lần thử nghiệm đầu tiên vào năm 1964 tại vùng Ural, “Chuột chũi chiến đấu” chứng tỏ năng lực tuyệt hảo. Nó cắt xuyên qua núi một cách dễ dàng và phá hủy một boong-ke giả định. Không may là cuộc chạy thử thứ hai gặp trục trặc. “Chuột chũi” nổ tung và không một ai bên trong sống sót. Nguyên nhân tai nạn vẫn là một điều bí ẩn, nhưng cũng đã khiến những vụ thử sau đó đều bị hủy bỏ. Dự án một lần nữa bị bỏ quên khi ông Leonid Brezhnev lên làm Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô vào năm 1964.
Những dự án vũ khí viễn tưởng của Liên Xô2

Bản phác thảo chuột chũi chiến đấuRBTH

Vũ khí thời tiết
Cũng trong thập niên 1960, nhiều nước trên thế giới nỗ lực tìm ra những biện pháp có thể tác động đến thời tiết và điều kiện khí hậu. Liên Xô cho rằng việc kiểm soát được thời tiết chắc chắn mang lại lợi thế lớn lao trên trận địa, thế là giới khoa học gia tập trung nghiên cứu ý tưởng này. Lúc đó, Mỹ cũng theo đuổi ý tưởng tương tự. Đến năm 1977, LHQ chính thức thông qua nghị quyết cấm sử dụng vũ khí thay đổi thời tiết, nhưng hai kình địch Mỹ và Liên Xô vẫn không cam lòng từ bỏ chương trình dày công theo đuổi. Họ vẫn tiếp tục nghiên cứu khả năng triển khai và thiết lập các cơ sở khí tượng phức tạp được cho là có khả năng can thiệp vào những quy trình diễn ra ở tầng điện ly (lớp bên trên của khí quyển bị điện ly hoá dưới tác động của bức xạ mặt trời và vũ trụ).
Theo RIA-Novosti, Cơ sở Nung Tầng điện ly Sura (SURA) đã được Liên Xô xây dựng vào thập niên 1980 ở gần thị trấn Vasilsursk, đóng vai trò là một phòng thí nghiệm nghiên cứu về tầng điện ly. Trong khi đó, Mỹ xây một cơ sở tương tự tên HAARP (viết tắt từ Chương trình nghiên cứu cực quang tần số chủ động) ở Alaska. Vào thời điểm đó, các cư dân ở Vasilsursk kể lại đã chứng kiến những luồng ánh sáng chói loà lạ mắt trên bầu trời cùng sự xuất hiện của các khối cầu đỏ di động. Sau nhiều đồn thổi, hoá ra đây là tác phẩm của các nhà khoa học làm việc ở SURA. Tuy nhiên, sau thời gian vất vả nghiên cứu mà không được gì, nhiều nhà khoa học cho rằng vũ khí thay đổi thời tiết chỉ là chuyện khoa học viễn tưởng.

 

Thụy Miên