10/01/2025

Ngày hè đi xin sách cho trò

Ngày hè với cô Nguyễn Mỹ Phương chính là những giờ phút vui vẻ bên các em nhỏ trong xóm, cũng là những ngày tất tả đi xin sách, ngược xuôi tìm mạnh thường quân giúp đỡ các em khó khăn.

 

Ngày hè đi xin sách cho trò

 Ngày hè với cô Nguyễn Mỹ Phương chính là những giờ phút vui vẻ bên các em nhỏ trong xóm, cũng là những ngày tất tả đi xin sách, ngược xuôi tìm mạnh thường quân giúp đỡ các em khó khăn.

 

 

 

Ngày hè đi xin sách cho trò
Ngày hè với cô Phương là niềm vui được các em nhỏ ríu rít bên cạnh – Ảnh: NGỌC TÀI

“Có em làm thuê tại các lò nhãn sấy, đi giặt bao thuê cho các cơ sở, nên chỉ khi chiều muộn mới có thời gian đến mượn sách. Bất kể khi nào các em đến thì thư viện cũng sẵn sàng phục vụ”

Cô Nguyễn Mỹ Phương

“Cô Phương ơi, con mượn bốn quyển sách”. “Cô Phương ơi, con còn thiếu bút chì”. “Cô Phương ơi, tập khi nào có ạ?”. 

Giọng tụi nhỏ cứ ríu rít quanh cô Nguyễn Mỹ Phương (43 tuổi, giáo viên Trường THPT Tứ Kiệt, huyện Cai Lậy, Tiền Giang).

Mở thư viện 6.000 đầu sách

Cô Phương tận dụng gian nhà phía trước của mình để mở thư viện. Dù chỉ là một thư viện mang tính chất “cây nhà lá vườn” nhưng hiện nay tập hợp được hơn 6.000 đầu sách, truyện các loại.

 

Góc thư viện gồm một kệ sách lớn, dăm cái bàn, mấy cái ghế con con, một bộ đi văng lúc nào cũng được quét tước sạch sẽ. Thư viện giờ giấc khá tự do, các em có thể đến vào sáng sớm và kể cả buổi tối.

Với những đứa trẻ vùng sâu, vùng xa, những quyển truyện dù đã sờn cũ, ngả màu nhưng đều mang đến sự thích thú rất lớn.

Em Nguyễn Thị Diễm Thơ vừa bước vào thư viện liền sà vào góc nhỏ quen thuộc của mình. Đó là tựa lưng vào kệ sách, lấy ngay quyển truyện đọc dang dở hôm trước rồi đọc ngấu nghiến.

“Con được đọc truyện lại được cô Phương tặng sách, tập đầu năm học mới. Em con cũng được tặng” – giọng Diễm Thơ hồ hởi. Ước mơ của cô Phương là sẽ xây được một thư viện tươm tất hơn, nhiều sách hơn để thu hút nhiều em nhỏ.

Trong lúc mấy đứa nhỏ tranh thủ từng phút đọc sách, cô Phương cũng tranh thủ thời gian sắp xếp lại sách vở để gửi cho các em. Năm nay cô vận động mạnh thường quân hỗ trợ 100 bộ sách, trong đó 70 bộ sách mới và 30 bộ sách cũ.

Hiện nay vẫn còn 25 em cần sách cho năm học mới nhưng trước mắt cô vẫn chưa tìm được nguồn tài trợ. Ngoài sách, cô Phương còn có sẵn bút chì, tập, sách vẽ, chì màu, đất nặn… cho các em.

“Nhóm văn khoá 20”

Cô Phương bén duyên với công tác thiện nguyện từ khi là sinh viên Trường đại học Sư phạm TP.HCM. Khi đó chỉ là cô sinh viên Mỹ Phương năng nổ công tác Đoàn, Hội, các mặt trận mùa hè xanh, tiếp sức đến trường cô đều nhiệt huyết tham gia.

Được phân công về dạy gần nhà có điều kiện giúp đỡ các em, cô Phương đều không bao giờ khước từ.

Đồng lương giáo viên cũng không mấy dư dả nhưng cô đã mạnh dạn đề xuất với nhóm bạn cũ thời đại học lập ra một nhóm từ thiện, tập trung giúp đỡ đối tượng là học sinh nghèo. Nhóm đến nay cũng chẳng có tên hoa mỹ nào, chỉ gọi với nhau là nhóm văn khoá 20.

Nhóm gồm 25 thành viên là giáo viên đang giảng dạy ở rất nhiều tỉnh thành của cả nước, có người đã bỏ dở việc dạy học chuyển sang làm kinh doanh nhưng vẫn còn nặng lòng với học trò.

Do đó, khi các thành viên trong nhóm phát hiện một em học sinh nào khó khăn sẽ đề xuất với nhóm góp quỹ giúp đỡ hoặc thành viên nào có điều kiện sẽ xung phong nhận đỡ đầu cho các em.

Riêng xã Nhị Quý (huyện Cai Lậy) nơi cô Phương đang dạy học sẽ tập trung mua sách, tập, các dụng cụ cần thiết để giúp học sinh nghèo. Ngoài số tiền vận động được của nhóm bạn, cô Phương còn vận động các mạnh thường quân khác, khi thiếu hụt cô Phương lại xuất tiền túi.

Mới đây Hội Khuyến học Việt Nam đã tặng bằng khen cho cô Phương do có nhiều thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập cho địa phương. Trước đó, cô cũng được Hội Khuyến học Việt Nam trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp khuyến học.

“Chẳng nhàn rỗi bao giờ”

Bà Nguyễn Thị Lâu, chủ tịch Hội Khuyến học huyện Cai Lậy, cho biết cô Phương không chỉ là người nhiệt huyết mà còn là người rất có tâm với những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình.

“Nghe ở đâu có hoàn cảnh khó khăn, dù xa xôi cỡ nào, cô đều đi đến để tìm hiểu. Hoàn cảnh nào trong khả năng cô Phương thì cô hỗ trợ nóng, còn vượt quá tầm thì cô vận động mạnh thường quân. Dần dà cô Phương được nhiều người gửi gắm.

Ai biết hoàn cảnh ngặt nghèo nào cũng chỉ cho cô. Cứ vậy nên chẳng thấy cô Phương nhàn rỗi bao giờ” – bà Lâu chia sẻ.

NGỌC TÀI