|
Một góc đồi huỵnh được mấy người con ông Lý làm đường vào rừng để làm du lịch – Ảnh: LAM GIANG |
“Ban đầu cực nhọc lắm. Mỗi khi vào rừng, anh em chúng tôi nghĩ: Trồng biết bao giờ cây lớn? Mà cây lớn lên thì người ta chặt hết, đâu đến lượt mình mà cứ đội nắng đội mưa thế này?
|
Ngô Thế Anh (con trai ông Lý) |
Câu chuyện “tiến sĩ Lý huỵnh” nghiên cứu và trồng thành công cây gỗ huỵnh đầu tiên trên cả nước lên báo Tuổi Trẻ cách nay đúng 14 năm (2003), để giờ đây bên đường Hồ Chí Minh có một rừng cây huỵnh, dẻ, sưa… bạt ngàn.
Bây giờ “tiến sĩ Lý huỵnh” đã mất, nhưng câu chuyện về ông vẫn lưu truyền trong những cánh rừng huỵnh ở huyện Bố Trạch bên đường Hồ Chí Minh.
Từ hạt giống của
“tiến sĩ Lý huỵnh”
Năm 2003, ông Ngô Văn Lý là một trong ba nông dân của cả nước được về Phan Thiết nhận giải thưởng môi trường quốc gia tổ chức ở đây.
Lúc đó mọi người biết đến một ông Lý nhân giống cây quý trồng nên rừng, không mấy ai biết rằng từ hàng chục năm trước đó ông lại là người mưu sinh bằng nghề sơn tràng – nghề chặt phá rừng.
Là nông dân và cũng là thương binh trở về từ chiến trường, nên ông Lý tự ngẫm: mình phá rừng, mọi người trong xã phá rừng, xã này phá rừng, xã nọ cũng phá rừng thì chắc chắn rừng chẳng mấy chốc mà sạch.
Sau này con cái lấy vợ lấy chồng liệu có còn gỗ mà chặt về làm nhà? Nhưng “đói thì đầu gối phải bò”, ông vẫn cứ phải vác rìu vào rừng. Cây rừng đổi cơm đổi gạo.
Rồi một lần đi rừng, ông thấy có những cây huỵnh con mọc thẳng rất đẹp. Đây là loại gỗ mà người dân quê mơ ước có được để làm nhà, đóng thuyền vì thân cây trưởng thành thẳng, to, cao lớn, chịu nước và mối mọt. Ông nhổ về trồng thử trong vườn nhà.
Sau hơn một tháng thì ông trồng được khoảng 300 cây huỵnh con. Khắp hàng rào, ngõ và đất đồi bên nhà chỗ nào trống là trồng.
Cây huỵnh lớn nhanh. Dưới tán cây ông thả dây tiêu. Tiêu sum sê trái. Cứ thế, 10 năm sau ông Lý đã có một vườn huỵnh – tiêu nổi tiếng trên vùng đất đồi khô cằn sỏi đá Cự Nẫm.
Người dân trong xóm Cồn Chay theo gương ông Lý trồng huỵnh. Nhưng cây giống con từ rừng rồi cũng hết. Ông Lý tìm cách nhân giống để bán cho người dân.
Ông nhặt hạt gieo thử nhưng không thành công, rồi chỉ chọn hạt của những cây đang sung mãn cũng không ăn thua.
Ông phơi hạt trong bóng râm. Khi hạt heo héo, ông ngâm nước tro cho nở trương lên rồi đem gieo. Hạt gieo nở cánh. Thế là ông có công nghệ gieo trồng, dù rất… nông dân. Và sản lượng tăng lên.
Dần dà, ông Lý cung cấp hàng tấn hạt và cây huỵnh giống cho Xí nghiệp Giống cây con miền Trung và người dân các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị, Đắk Lắk…
Có tiền từ cây huỵnh, ông Lý và năm người con trai – vốn cũng là thợ sơn tràng – liền đầu tư vào 50ha rừng ở vùng đồi Khương Sơn, Đông Sơn bên đường Hồ Chí Minh. Vùng cây huỵnh, dẻ, sưa, lát, táu ngày ấy trên đồi đá sỏi nay đã thành rừng.
|
Bài báo về ông Ngô Văn Lý 14 năm trước, có ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm rừng cây huỵnh |
Cơ ngơi của
những người con
Bây giờ trong những ngôi nhà khang trang ở vùng đồi Khương Sơn, Đông Sơn, mấy người con của ông Ngô Văn Lý vẫn chưa quên những ngày đầu gian nan.
Anh Ngô Thế Anh – con trai thứ ba của ông Lý – kể: “Ban đầu cực nhọc lắm. Mỗi khi vào rừng, anh em chúng tôi nghĩ: Trồng biết bao giờ cây lớn? Mà cây lớn lên thì người ta chặt hết, đâu đến lượt mình mà cứ đội nắng đội mưa thế này? Nghĩ vậy nhưng thấy ông mần thì phải mần theo”.
Cứ vậy, những người con ông nhọc nhằn lớn lên cùng vùng đất cằn cỗi nay xanh tươi. Trước lúc mất vài năm, ông Lý chia đều 50ha rừng ra cho con cái.
Các con ông cũng dời nhà ra rừng. Nay nhà đã thành mặt tiền bởi đường Hồ Chí Minh phóng qua, các con tiếp tục công việc của cha.
Anh Ngô Xuân Hoàng – con trai đầu của ông Lý – cho biết năm 2000 có một công ty ở Đồng Hới lên trả toàn bộ vườn rừng của mấy anh em đến 12 tỉ đồng để làm khu du lịch, nhưng các anh không vội bán.
“Bây giờ nếu bán tất cả phải được độ 40-50 tỉ đồng. Cách đây vài bữa cũng có doanh nghiệp ngoài Bắc vô trả giá riêng vạt cây sưa 1 tỉ đồng, nhưng tui cũng không bán” – anh Hoàng nói.
Sau lưng nhà anh Hoàng là khu đồi cây huỵnh, dẻ tươi tốt, mát rượi, có thể làm nơi nghỉ dưỡng mùa hè. Anh cho biết một cây huỵnh trồng 10-12 năm có thể bán được hơn 10 triệu đồng. Gỗ dùng làm nhà, đóng thuyền.
Rừng cây cho thu nhập quanh năm. Cây huỵnh bán gỗ. Cây dẻ bán củi cho các doanh nghiệp mua đốt than hoạt tính. Mỗi tấn củi tươi bán 1 triệu đồng. Mỗi 1ha dẻ tươi bán thu 200 triệu đồng.
Anh Thế Anh cho biết: “Sau khi đốn hạ dẻ thì làm vệ sinh rừng để trồng dặm cây keo lai, chờ cây dẻ phục hồi mầm trên gốc cũ. Khoảng 5 năm sau, cây keo đến kỳ khai thác thì lúc đó cây dẻ cũng bắt đầu khép tán. Năm năm sau nữa thì cây dẻ có thể khai thác được.
Nếu tính chu kỳ 10 năm khai thác một lần, gỗ và củi dẻ, keo lai cho mỗi hecta gần 500 triệu đồng. Bình quân mỗi hecta cho thu lợi 50 triệu đồng/năm”.
Bên đường Hồ Chí Minh, qua đoạn này sẽ thấy những tấm bảng rao bán hạt giống cây rừng như huỵnh, sưa… của mấy anh em Hoàng, Anh, Linh. Riêng gia đình anh Thế Anh đã bán khoảng 10 vạn cây huỵnh giống và sưa vào các tỉnh phía Nam.
Cây huỵnh của ông Lý không chỉ mọc ở vùng đất Quảng Bình gian khó, mà nay đã ngược Bắc xuôi Nam.
Ấp ủ dự án
du lịch sinh thái
|
Vợ chồng anh Ngô Thế Anh với vườn cây huỵnh thẳng tắp, sắp đến kỳ thu hoạch – Ảnh: LAM GIANG |
Anh Ngô Thế Anh cho biết năm 2016, mấy anh em được chọn làm dự án trồng 2ha cây dẻ tại khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở vũng Chùa – đảo Yến. Hiện cây đã lên xanh.
“Chắc chắn chẳng bao lâu nữa, vùng đất thiêng vũng Chùa – đảo Yến sẽ lên xanh ngát rừng cây dẻ” – anh Thế Anh nói.
Anh Hoàng cũng cho biết mấy anh em đang muốn xây dựng khu rừng huỵnh, dẻ thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Hiện đang thuê xe cơ giới làm đường lên rừng và sắp dựng các chòi nghỉ giữa rừng cây cho du khách tận hưởng không khí trong lành của rừng núi. Dưới chân đồi sẽ thả nuôi rông lợn, nuôi cá, gà… phục vụ du khách.
|
Sao kêu là “tiến sĩ Lý huỵnh”?
Năm 1992, nghe tin ông Lý trồng cây huỵnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về tận xóm Mít, thôn Cồn Chay, xã Cự Nẫm thăm, động viên ông làm tiếp công việc gây giống trồng rừng. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phan Thanh Xuân thời đó bảo rằng: “Anh xứng đáng được cấp bằng tiến sĩ thực hành”.
Người ta gọi vui “tiến sĩ Lý huỵnh” từ đó.
|
LAM GIANG