10/01/2025

TP.HCM xây hồ điều tiết chống ngập đầu tiên

Từ ngày 29.7 – 5.8, trước cổng Nhà thiếu nhi Q.Thủ Đức, các đơn vị chức năng tại TP.HCM đã xây dựng thí điểm hồ điều tiết ngầm bằng công nghệ Crosswave của Nhật Bản.

 

TP.HCM xây hồ điều tiết chống ngập đầu tiên

Từ ngày 29.7 – 5.8, trước cổng Nhà thiếu nhi Q.Thủ Đức, các đơn vị chức năng tại TP.HCM đã xây dựng thí điểm hồ điều tiết ngầm bằng công nghệ Crosswave của Nhật Bản.




Mô đun tiêu nước được lắp đặt ở hồ điều tiết ngầm tại Q.Thủ Đức, TP.HCM /// Ảnh: Ngọc Dương

Mô đun tiêu nước được lắp đặt ở hồ điều tiết ngầm tại Q.Thủ Đức, TP.HCMẢNH: NGỌC DƯƠNG

Đây là công trình hồ điều tiết chống ngập theo công nghệ thông minh đầu tiên tại VN, do các doanh nghiệp tài trợ kinh phí.
Nhiều ưu điểm
Hồ điều tiết đặc biệt này được 2 công ty SEKISUI VN và VMC Tech VN xây dựng, dưới sự chủ trì của UBND TP.HCM và Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP (Trung tâm chống ngập). Có diện tích 13 x 14 m, sâu 3,15 m, khả năng chứa 109 m3 nước, hồ điều tiết sẽ chính thức hoạt động sau ngày 5.8.
 

TP.HCM xây hồ điều tiết chống ngập đầu tiên - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Sài Gòn sẽ xây 103 hồ để chống ngập?

Thành phố đã xác định 103 hồ điều tiết chống ngập trên toàn địa bàn, trong đó đang ưu tiên thực hiện trước 3 hồ: Bàu Cát (Q.Tân Bình), Gò Dưa (Q.Thủ Đức) và Khánh Hội (Q.4) với tổng vốn đầu tư khoảng 1.300 tỉ đồng.
Ông Trần Văn Chín, Chủ tịch HĐQT VMC Group, cho biết ngoài công năng chính là chống ngập do mưa, hồ điều tiết ngầm còn có hàng loạt tính ưu việt so với hồ xây dựng bằng bê tông: thi công rất nhanh; tính chịu lực lên đến 25 tấn nên các phương tiện giao thông, kể cả xe tải vẫn qua lại bình thường bên trên hồ; không chiếm mặt bằng vì được hoàn trả sau khi thi công xong; có khả năng lưu trữ nước lên đến 95% (dùng tưới cây, cứu hoả, thậm chí phục vụ ăn uống và sinh hoạt hằng ngày); tuổi thọ công trình hàng trăm năm.
Đặc biệt, trong thời gian đang sử dụng nếu buộc phải di dời công trình thì vật liệu chính là mô đun Crosswave có thể tái sử dụng. Ngoài ra, hồ điều tiết ngầm chống ngập có thể thi công ở nhiều vị trí khác nhau như công viên, trường học, bãi đậu xe, sân bay, bệnh viện, khu công nghiệp…
Còn theo các kỹ sư Nhật Bản, vì vật liệu chính là dạng mô đun lắp ghép nên rất linh hoạt, diện tích nhỏ hay lớn đều có thể thực hiện. Ngoài ra, có thể làm thành nhiều giai đoạn cũng thuận lợi.
Trả lời Thanh Niên về vấn đề làm hồ điều tiết chống ngập nước trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm chống ngập TP.HCM, cho biết theo quy hoạch, toàn thành phố có 104 hồ quy mô lớn, nhỏ để làm hồ điều tiết. Tuy nhiên, đến thời điểm này TP mới có chủ trương làm trước 3 hồ gồm Bàu Cát (Q.Tân Bình), Khánh Hội (Q.4) và Gò Dưa (Thủ Đức).
Hiệu quả sẽ nhân rộng
Theo ông Trần Văn Chín, công nghệ hồ điều tiết ngầm được Nhật Bản áp dụng thành công đã nhiều năm. Ở Nhật, các doanh nghiệp chiếm dụng không gian ngầm để kinh doanh thương mại, giữ xe… phải trả phí để xây dựng và duy trì hoạt động các hồ điều tiết ngầm, vì nước mưa tại những khu vực này đều phải chảy sang chỗ khác.
Ông Chín cho rằng TP.HCM đang “đau đầu” trong việc cân đối ngân sách hàng chục ngàn tỉ đồng để chống ngập. Nếu làm theo giải pháp hồ điều tiết ngầm công nghệ Nhật Bản, nên xác định bao nhiêu hồ rồi thực hiện là giải quyết được vấn đề ngập nước do mưa tại TP.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, TP.HCM nên làm hồ điều tiết ngầm ở những khu vực đô thị hoá cao để hiệu quả hơn, và gắn kết việc làm bãi đậu xe kết hợp làm hồ điều tiết ngầm sẽ hợp lý hơn. Những khu vực đang bị ngập nặng như đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh), TP nên gắn trách nhiệm của các chủ tòa nhà xung quanh trong việc làm các hồ điều tiết ngầm.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho hay nếu các chuyên gia, nhà khoa học kết luận giải pháp làm hồ điều tiết theo công nghệ Nhật Bản là có hiệu quả, TP sẽ mở rộng triển khai tại nhiều vị trí khác.
Theo Công ty Sekisui, Crosswave là vật liệu nhựa dạng mô đun lắp ghép, có tính bền cơ học cao, độ rỗng lớn, khả năng chứa nước lên đến 95%, có thể thiết kế theo 2 cơ chế hoạt động tuỳ thuộc vào nhu cầu thiết kế. Cơ chế thứ nhất vừa lưu trữ nước và vừa tự thấm, nếu cần thiết lắp đặt bơm tự động hỗ trợ để tạo ra độ rỗng cho hồ nhằm điều tiết cho các trận mưa tiếp theo.
Cơ chế thứ hai thiết kế theo dạng lưu trữ không có tự thấm, phù hợp ở các công viên, trường học, bệnh viện, chỗ dừng đỗ máy bay, khu công nghiệp, nhằm điều tiết nước giảm ngập cục bộ vừa lưu trữ nước phục vụ tưới cây xanh, cảnh quan và cứu hỏa.


 

Đình Mười