28/11/2024

Thánh tích của Thánh Nicôla: Nhịp cầu đại kết

Thánh tích của Thánh Giám mục Nicôla thành Myra (thế kỷ 4) đã trở về Giáo phận Bari-Bitonto, Italia, hôm thứ Sáu 28-07, sau khi trải qua hơn 2 tháng ở Moskva và Sankt-Peterburg.

 Thánh tích của Thánh Nicôla: Nhịp cầu đại kết

 

 

WHĐ (31.07.2017) – Thánh tích của Thánh Giám mục Nicôla thành Myra (thế kỷ 4) đã trở về Giáo phận Bari-Bitonto, Italia, hôm thứ Sáu 28-07, sau khi trải qua hơn 2 tháng ở Moskva và Sankt-Peterburg.

 

Thánh tích được lưu giữ tại Italia từ năm 1087, đã được cung nghinh sang nước Nga vào ngày 21 tháng 5. Trong 2 tháng qua, có khoảng 2 triệu tín hữu Chính thống giáo đã đến kính viếng thánh tích.

 

Thánh Nicôla thành Myra – nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ – là một nhân vật được yêu mến trong các truyền thống Công giáo, Chính thống giáo và Tin Lành. Ngài là thánh bảo trợ của nhiều quốc gia và thành phố ngoài thành phố Bari; nhưng người ta biết đến ngài nhiều nhất như là vị ân nhân đã cho mấy cô con gái của một người đàn ông nghèo những đồng xu vàng làm của hồi môn, vì người cha ấy lo sợ con ông sẽ bị bán làm nô lệ nếu các cô không lấy được chồng. Những đồng xu ấy, được đặt trong vớ của các cô gái, đã dẫn đến câu chuyện về Santa Claus hay Ông già Noel.

 

Xếp hàng hàng giờ

 

Nhưng còn vô số những câu chuyện khác chung quanh cuộc đời và cái chết của vị thánh nổi tiếng về đức khôn ngoan, lòng quảng đại và chăm sóc người nghèo và người yếu kém. Thánh Nicôla được đặc biệt tôn kính trong truyền thống Chính Thống giáo Nga, đó là lý do tại sao hơn hai triệu tín hữu Nga đã xếp hàng dài hàng giờ trong Nhà thờ chính toà Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc ở Moskva và tu viện Aleksandr Nevskij ở Sankt-Peterburg để được cầu nguyện ít phút trước thánh tích.

 

Gặp gỡ các nhà lãnh đạo Chính thống Nga

 

Ngày 28 tháng 7, Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Cổ vũ sự Hiệp nhất Kitô giáo và Đức cha Francesco Cacucci, Tổng Giám mục Giáo phận Bari-Bitonto (miền nam Italia) đã có mặt tại Nga để cùng cầu nguyện với các nhà lãnh đạo Chính thống giáo, trước khi rước thánh tích trở về Italia. Các ngài cũng sẽ gặp Đức Thượng phụ Kirill và Đức Tổng Giám mục Hilarion Alfeyev, Trưởng ban đối ngoại của Giáo hội Chính thống Nga.

 

Đức Tổng giám mục Cucucci nhận định rằng “sự tiếp đón nồng hậu của các nhà lãnh đạo tôn giáo Nga và của người dân nói chung” vượt quá mọi mong đợi và đánh dấu một bước tiến quan trọng trong mối quan hệ giữa hai Giáo hội Công giáo và Chính thống giáo.

 

Đại kết của đại chúng (về phía người tín hữu)

 

Đức Tổng Giám mục Cucucci xác định: Trong khi cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Giáo hoàng Phanxicô và Đức Thượng phụ Kirill ở Cuba năm ngoái đánh dấu một cột mốc quan trọng nơi hàng lãnh đạo, mối tương quan này chỉ có thể tăng triển nếu “ngày càng trở thành một công cuộc đại kết của đại chúng” (về phía các tín hữu”).

 

Mặc dù không phải tất cả các nhà lãnh đạo Chính thống giáo đều ủng hộ một viễn ảnh đại kết như vậy, Đức Tổng giám mục Cucucci tin rằng kinh nghiệm của việc cho Giáo hội Chính Thống Nga mượn thánh tích trong hai tháng qua, có thể đánh dấu sự phát triển quan trọng nhất trong cuộc đối thoại Công giáo – Chính Thống giáo kể từ sau Công đồng Vatican II.


(Vatican Radio)

 

 

 

Minh Đức