28/11/2024

Giáo Hội và việc trộ giúp người Rom

Nhân Ngày quốc tế người Rom mồng 8 tháng 4, một đại hội đã được ông Eduard Habsburg Lothingen, Đại sứ Hungaria cạnh Toà Thánh tổ chức với mục đích duyệt xét các tình trạng sống của người Rom tại Âu châu.

 Giáo Hội và việc trộ giúp người Rom

 

 
Nhân Ngày quốc tế người Rom mồng 8 tháng 4, một đại hội đã được ông Eduard Habsburg Lothingen, Đại sứ Hungaria cạnh Toà Thánh tổ chức với mục đích duyệt xét các tình trạng sống của người Rom tại Âu châu.

Trong số các thuyết trình viên có ĐHY Peter Turkson, Tổng trưởng Bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện. Trong bài phát biểu hôm mồng 7 tháng 4, ĐHY đã trình bày các phục vụ của Giáo Hội và của Bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện đối với người Rom.

Hiện nay tại Âu châu có từ 12 tới 15 triệu người Rom, Sinti và Camminanti. Khoảng 10 triệu sống trong các nước Liên hiệp Âu châu, tương đương với 2% tổng số dân Âu châu. Họ là các chủng tộc du mục di cư từ vài nước Đông Âu sang, trong đó có Hungaria. Họ di chuyển bằng các xe van và sống nay đây mai đó vô định, trong các vùng ven ô các thành phố các nước Âu châu.

ĐHY Turkson đã cám ơn ông đại sứ và chính quyền Hungaria trong việc tổ chức hội nghị này, cũng như các tham dự viên vì sự chú ý và phục vụ họ dành cho người Rom là chủng tộc thiểu số đông nhất Âu châu. Ngài khẳng định rằng việc hội nhập xã hội và công tác mục vụ chuyên biệt cho người Rom gắn liền với nhau bởi lịch sử của một lộ trình đã được dấn thân như một thách đố đối với Giáo Hội, xã hội và cộng đoàn Rom. Hội nghị nhắm mục đích cùng nhau đọc lại tình hình và các điều kiện sống của người Rom để phối hợp một cách hài hoà hơn các nỗ lực nhằm gia tăng phẩm chất việc phục vụ họ.

Tuy là dân tộc thiểu số hiện diện lâu đời tại Âu châu nhưng người Rom là nhóm bị kỳ thị và bị gạt bỏ ra ngoài lề xã hội nhất, vì họ không được hưởng các quyền nền tảng của con người, mặc dù Bản Tuyên ngôn Nhân quyền bảo đảm cho từng người như là thành phần xã hội khả năng thực hiện các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá không thể thiếu cho căn tính riêng và cho sự phát triển tự do của bản vị con người. Nhưng rất tiếc vì các lý do khác nhau, có các tình trạng trong đó người Rom không được hưởng các quyền này và các trợ giúp được luật lệ bảo đảm nhằm thăng tiến và phát triển cuộc sống của họ trong các môi trường khác nhau. Ngoài việc bị gạt ra ngoài lề xã hội vấn đề lớn họ phải đương đầu là khuynh hướng bài người du mục. Đây là một hiện tượng ngày càng gia tăng trong các xã hội Âu châu thường được biểu lộ ra trong các hành động bạo lực và kỳ thị chủng tộc.

** Ngày 26 tháng 10 năm 2016, khi tiếp kiến cộng đoàn Rom, ĐTC Phanxicô đã mời gọi họ bắt đầu một lịch sử mới, một lịch sử được canh tân của chủng tộc này, bằng cách dấn thân nhổ tận gốc rễ các thành kiến ngàn đời, các tiền quan điểm và các nghi ngờ, thường là nền tảng của sự kỳ thị, kỳ thị chủng tộc và bài ngoại, bởi vì không ai phải cảm thấy bị cô lập, không ai được phép chà đạp phẩm giá và các quyền của người khác. Ngoài ra ĐTC còn khích lệ duy trì trật tự luân lý và trật tự xã hội để mỗi một người có thể hưởng các quyền căn bản và đáp trả lại các bổn phận riêng, hầu xây dựng một sự sống chung hoà bình, trong đó các nền văn hoá khác nhau và các truyền thống duy trì được các giá trị riêng trong thái độ đối thoại và hội nhập.

Sự đối thoại chân thành là chìa khoá tạo dễ dàng cho các tương quan và khiến cho các liên hệ giữa các cá nhân và toàn cộng đoàn được sâu đậm hơn. Thật ra, một cuộc đối thoại chân thành tạo dựng tình huynh đệ, và là một cách giúp duy trì căn tính, văn hoá và phẩm giá riêng giữa các quốc gia khác, cũng như cho phép một việc hội nhập đích thực. Việc hội nhập đòi hỏi một suy tư và một thực hành cụ thể từ phía xã hội cũng như từ phía Giáo Hội và đòi buộc việc thừa nhận phẩm giá và xã hội tính của con người trong sự bình đẳng quyền lợi và bổn phận.

Mọi sáng kiến nhằm tạo thuận tiện cho việc hội nhập phải chú ý tới việc tôn trọng cá nhân, nền văn hoá và các phong tục của họ. Như vậy việc hội nhập người Rom đặt ra cho xã hội thách đố thừa nhận căn tính, lịch sử, các giá trị của họ. Ngoài ra nó phải dựa trên 4 cột trụ tương đương với 4 quyền đã bị khước từ đối với dân tộc này là quyền được giáo dục, có công ăn việc làm, được săn sóc sức khoẻ và có nhà ở xứng đáng. Giáo dục là yếu tố đầu tiên của một việc hội nhập đích thực, trong nghĩa nó chuẩn bị tích cực cho con người tham dự vào cuộc sống chính trị, xã hội và kinh tế trong thế đứng bình đẳng đối với các người khác. Nhưng rất tiếc việc học hành của các trẻ em và người trẻ Rom không được như thế. Theo nghiên cứu năm 2008 của Học viện Xã hội rộng mở trong một vài nước Âu châu như Bulgaria, Hungaria, Lettonia, Lituania, Rumania và Slovacchia chỉ có 42% trẻ em Rom hoàn tất chương trình tiểu học, và chỉ có 10% theo bậc trung học. Bên cạnh đó có hiện tượng bỏ các lộ trình học và đào tạo sớm vì các lý do kỳ thị, vì các cuộc hôn nhân trước tuổi và vì tệ nạn ăn xin. Gắn liền với việc đào tạo là việc huấn nghệ cũng là một trong các chià khoá cho việc hội nhập toàn vẹn trong xã hội. Vì thế cần bảo đảm cho người Rom việc đào tạo nghề nghiệp và khả thể có công ăn việc làm, để có nhà ở xứng đáng, được săn sóc y tế và có các phục vụ xã hội và văn hoá khác.

** Tiếp tục bài tham luận, ĐHY Turkson nói: Tuy nhiên cộng đoàn Rom cũng được mời gọi ý thức đáp trả lại những gì được cống hiến và có nhiều sáng kiến hơn, nhất là qua việc dấn thân tích cực của người trẻ. Sẽ thật thích hợp quy tụ và củng cố các cố gắng đã có cho việc đào tạo trí thức, văn hoá và nghề nghiệp cho họ, như thế để khiến cho họ trở thành các tác nhân tiến trình hội nhập xã hội, văn hoá và giáo hội. Chính họ tự đinh nghĩa là tương lai và là một tài nguyên cho Giáo Hội và xã hội. Chính giới trẻ Rom đã nhấn mạnh trên hai “luật vàng” cần theo trong mọi dự án liên quan tới dân tộc họ: “hành động cho họ, nhưng nhất là hành động với họ” và “biết lắng nghe, nghĩa là biết lấy thời giờ để hiểu biết họ hơn”. Chúng ta phải chống lại khuynh hướng kỳ thị chủng tộc, không phải với các vũ khí, nhưng với tình yêu thương, việc làm và lòng khiêm tốn, làm chứng cho thấy rằng vượt qua các khuyết điểm chúng ta cũng có các giá trị nữa. Đó là điều một bạn người Rom đã nói.

Trong viễn tượng đại đồng về con người và trong sự ưu tiên lựa chọn người nghèo, Giáo Hội coi công tác mục vụ cho người Rom như một bổn phận không thể khước từ. Giáo Hội diễn tả sự ân cần của mình đối với chủng tộc này bằng một công tác mục vụ chuyên biệt, chú ý tới sự khác biệt văn hoá, căn tính, tâm thức và các  tập tục của họ. Thật thế Giáo Hội dấn thân trong việc trợ giúp mục vụ, trong các chiều kích tinh thần, bí tích và phụng vụ của cuộc sống, cũng như trong lãnh vực xã hội và bác ái, để bênh vực các quyền con người và các vấn đề liên quan tới việc giáo dục, đào tạo nghề nghiệp và công ăn việc làm.

Giáo Hội hiện diện trong thế giới Rom với việc phục vụ của nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân. Họ lãnh nhận sứ mệnh bằng cách chia sẻ cuộc sống của người Rom, và thường khi sống theo kiểu của người Rom. Như các dấu chỉ đặc biệt hùng hồn tình yêu thương lo lắng của Giáo Hội đối với người Rom là các việc làm của các Giáo hoàng từ Chân phước Phaolo VI, là người đã muốn đem Tin Mừng của Chúa Giêsu tới cho họ qua nhiều chuyến viếng thăm các trại định cư của họ như Chủ Chăn Giáo Hội tại Milano và Pomezia. Gương của ngài đã được Thánh Gioan Phaolô II noi theo. Ngày mồng 4 tháng 5 năm 1997, Đức Gioan Phaolô II đã nâng lên bàn thờ vị tử đạo người Tây Ban Nha Zefferino Gimenez Malla, và ngày 12 tháng 3 Năm Thánh 2000 đã xin tha thứ vì những lỗi lầm đã phạm cả đối với người Rom. Ngày 11 tháng 6 năm 2011, ĐTC Bênêđictô XVI đã là vị Giáo hoàng đầu tiên tiếp kiến riêng một phái đoàn đông đảo thuộc chủng tộc Rom. Kinh nghiệm này được Đức Phanxicô lặp lại ngày 26 tháng 10 năm 2015.

** Cũng phải nhắc tới việc phong chân phước cho một nữ tử khác của dân tộc Gitan là Emilia Fernandez Rodriguez ngày 25 tháng 3 năm 2017 tại Almeria của Tây Ban Nha. Đòi buộc một việc mục vụ chuyên biệt cho các dân tộc Rom đã được diễn tả một cách rất rõ ràng bởi Công Đồng Chung Vatican II trong Sắc lệnh Christus Dominus. Công đồng đặc biệt chú ý tới các tín hữu vì các điều kiện cuộc sống không thể hưởng sứ vụ bình thường của các cha sở hay không có được sự trợ giúp nào.

Trong tinh thần giáo hội học của Công Đồng năm 1965 chính Đức Phaolô VI đã thành lập Văn phòng Thư ký Quốc tế đặc trách việc Tông đồ cho các Người du mục, và năm 1970 nó được sát nhập vào Uỷ ban Toà thánh Mục vụ cho Người di cư và lưu động. Ngày 17 tháng 8 năm ngoái, ĐTC Phanxicô đã thành lập Bộ mới cho việc phát triển nhân bản toàn diện, cũng có nhiệm vụ lo lắng cho các vấn đề của người Rom và người du mục. Nó là kết quả của một việc nghiên cứu tìm tòi lâu dài và của một phân tích sâu rộng thực tại của người Gitan trong chiều kích xã hội học, nhân chủng học, thần học và giáo hội, nhưng cũng là một công việc được phối hợp giữa các tác nhân mục vụ của người Rom và vài chuyên viên.

Tiếp tục bài thuyết trình, ĐHY Tổng trường của Bộ mới nói trên nêu bật nhiều đề nghị cụ thể đáp ứng các nhu cầu của cuộc sống  và việc mục vụ thường ngày cho các anh chị em Rom. Trước hết là các ơn gọi linh mục và phó tế cũng như đời thánh hiến của các chủng tộc Rom. Trên toàn thế giới hiện có 170 vị và con số này đang gia tăng. ĐTC Phanxicô coi việc gia tăng này như dấu chỉ mạnh mẽ của đức tin và sự trưởng thành tinh thần. Những người khác nhìn vào các ơn gọi đó với lòng tin tưởng và hy vọng đối với vai trò mà người Rom khám phá ra, và đối với tất cả nhũng gì mà anh chị em Rom có thể làm trong tiến trình hoà giải bên trong lòng xã hội và Giáo Hội. Các linh mục, các người sống đời thánh hiến Rom phải là các chứng nhân của sự trong sáng phúc âm đối với các anh chị em đồng chủng, để tạo thuận tiện cho việc nảy sinh, lơn lên và săn sóc các ơn gọi mới. ĐTC cũng cầu chúc họ là những người đồng hành với các người Rom, không phải chỉ trên con đường tinh thần, mà cả trong cuộc sống thường ngày nữa với tất cả các mệt nhọc, niêm vui nỗi buồn và các lo lắng của nó. Thật vậy, các gia đình và các cá nhân người Rom phải nhận ra thái độ thân hữu, tôn trọng và tiếp đón được cống hiến từ những người và từ các cộng đoàn cầu nối sống trong hiệp thông và vì hiệp thông.

Trong các năm qua, công tác mục vụ chuyên biệt này đã cống hiến cho cộng đoàn Rom một đóng góp giá trị, và các sáng kiến  trên bình diện đại hội, diễn tả các môi trường từ đó đã có nhiều lời kêu gọi hướng tới các chính quyền yêu cầu bảo đảm cho tất cả mọi người các điều iện thuận lợi cho việc phát triển toàn diện, nhằm thăng tiến mọi bản vị con người và toàn con người. Ngoài ra cũng đã nảy sinh nhiều sáng kiến trong các giáo phận và các tổ chức nêu gương đáng theo. Chẳng hạn trong giáo phận Vicenza tại Italia các liên hệ với người Rom rất là tồi tệ, người ta đã thành lập ủy ban “Người du mục và cộng đoàn Kitô” gồm người Rom và tín hữu địa phương. Thế rồi còn có “Quầy Rom và Sinti” có nhiệm vụ cho vay tiền thực hiện các dự án nhỏ, văn phòng cố vấn cho người Rom bất hợp pháp và tạo thuận tiện cho việc đồng hành với các trẻ em gặp khó khăn nhiều nhất trong trường học. 

** Tưởng cũng nên nhắc tới dấn thân quảng đại của nhiều dòng tu nam nữ như: Dòng Tên, Dòng Phanxicô, Dòng Tiểu Muội Chúa Giêsu, Dòng Salesien… trong công tác mục vụ cho người du mục. Dòng Salesien có 14 cộng đoàn hoạt động cho người du mục trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề nghiệp. Một trong các mục đích nhắm tới cũng có việc khơi dậy ơn gọi đời thánh hiến trong chủng tộc Rom, và xây cầu nối giữa xã hội và cộng đoàn Rom.

Sự khích lệ của Đức Phaolô VI tháp nhập người Rom vào con tim Giáo Hội phải thúc đẩy các cộng đoàn chú ý tới dân tộc này trong công tác mục vụ xã hội và bác ái. Mỗi một thành công là một khích lệ dấn thân nhiều hơn. Các người trung gian xã hội và văn hoá có một vai trò quan trọng trong việc hội nhập người Rom. Cần phải tìm ra những người có khiếu đảm trách nhiệm vụ này với tinh thần cởi mở và đối thoại, có khả năng yểm trợ trong các vấn đề khác nhau của cuộc sống thường ngày.

Ngày mồng 8 tháng 4 hằng năm là Ngày Quốc tế người Rom có mục đích giúp mọi người hiểu biết và phổ biến nền văn hoá Rom, nhổ tận gốc rễ các khép kín và thành kiến. Cần đào tạo dư luận công cộng, cả qua các phương tiện truyền thông, để cống hiến cho xã hội một hình ảnh trung thực về nhóm thiểu số Rom. Cần nhiều dấn thân hơn để loại trừ các thái độ bài ngoại và thù nghịch, do các tranh luận chính trị và ngôn ngữ truyền thông dấy lên. Các văn phòng tuyên uý quốc gia được mời gọi tham dự các sáng kiến và các biến cố do các cơ quan nhà nước tổ chức.

Từ năm 2011, Toà Thánh tham dự với tư cách là Quan sát viên của Uỷ ban của Hội đồng Âu châu, có nhiệm vụ trợ giúp các chính quyền trong việc phát triển và thực hiện các chính sách hữu hiệu cho việc hội nhập. Chính vì thế Bộ phát triển nhân bản toàn diện của Toà Thánh được mời tham dự các phiên họp về các đề tài này trong các nước khác nhau liên quan tới các vấn đề pháp luật và phục vụ xã hội, giáo dục, công ăn việc làm, và săn sóc y khoa cho các người du mục, trong đó có chủng tộc Rom. Và ĐHY Turkson kết luận bài thuyết trình với lời của ĐTC Phanxicô:  “Chính tinh thần của lòng thương xót  mời gọi chúng ta tranh đấu để tất cả các giá trị này được bảo đảm cho dân tộc Rom. Chúng ta hãy để cho Tin Mừng của lòng thương xót lay động lương tâm, và hãy mở rộng con tim và đôi tay cho những người cần được giúp đỡ và bị gạt bỏ ngoài lễ xã hội nhất, bắt đầu từ người gần chúng ta nhất.” 

 
 

Linh Tiến Khải