Chương 9 (hoàn chỉnh): Một Thế Giới, Một Nhân Loại: CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ
Vì sao các Kitô hữu phải đáp ứng những phương pháp mới trước một thế giới đang hoàn toàn thay đổi. Tại sao Giáo Hội chọn ưu tiên cho người nghèo, và làm cách nào chúng ta có thể sắp đặt việc hợp tác toàn cầu và củng cố tình liên đới
Chương 9
Một Thế Giới, Một Nhân Loại
CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ
Câu 229-255
với sự cộng tác của Gerhard Krulp, Julia Horstmann và Luisa Fischer
Vì sao các Kitô hữu phải đáp ứng những phương pháp mới trước một thế giới đang hoàn toàn thay đổi. Tại sao Giáo Hội chọn ưu tiên cho người nghèo, và làm cách nào chúng ta có thể sắp đặt việc hợp tác toàn cầu và củng cố tình liên đới
Thế giới cảm nhận rõ rệt tính cách duy nhất của mình, đồng thời vẫn nhận ra sự lệ thuộc lẫn nhau trong mối liên đới cần thiết. Công đồng Vaticanô II, GS 4
|
||
Ngày nay mối tương quan giữa các công dân và các dân tộc trên thế giới mỗi ngày một thêm chặt chẽ. Do đó, để nghiên cứu cách thích ứng và thực hiện cách hữu hiệu hơn những thiện ích của cả nhân loại, cộng đồng các dân tộc cần phải được tổ chức theo một thể thức hợp với những gì phải làm hiện nay. Công đồng Vaticanô II, GS 84
Nếu muốn toàn cầu hoá thành công, nó phải thành công cho cả người giàu lẫn người nghèo. Nó phải mang đến các quyền lợi không kém sự giàu có. Nó phải đem lại công bằng xã hội và bình đẳng không kém sự thịnh vượng về kinh tế và truyền thông phát triển. Kofi Annan (sinh 1936), Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc từ 1997-2006
|
229 “Toàn cầu hoá” thực tế là gì? Có nhiều thay đổi đáng kể trong một trăm năm qua. Thế giới ngày nay cung cấp cho nhiều người trong chúng ta các điều kiện sống được cải thiện và, nhờ tiến bộ công nghệ, đã cùng nhau trở thành “Một Thế giới”. Ví dụ, ta có thể đi du lịch khắp nơi bằng máy bay trong vòng một vài giờ và giao tiếp với tất cả mọi người trên trái đất chỉ bằng Internet một cách đơn giản và không tốn chi phí. Nhờ những trao đổi tăng tốc này, ngành công nghiệp có thể cung cấp nhiều sản phẩm hơn và ít tốn kém hơn. Giao thông vận tải trở nên rẻ và nhanh đến nỗi người ta không ngờ. Ví dụ: trong việc sản xuất áo quần jeans, người ta trồng bông ở Mỹ, dệt sợi bông ở Ấn Độ; may áo quần jeans ở Campuchia và bán chúng ở châu Âu. Như vậy, một vật đơn giản thường đi vòng quanh trái đất trước khi đến tay người tiêu dùng. Trong thời gian này, mọi thứ càng ngày càng kết nối chặt chẽ và lệ thuộc vào nhau hơn.
GL 445 Y 446
|
|
Trong khi mức sống cao đối với một số người, những người khác phải chịu cảnh đói nghèo cùng cực. Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII (1881-1963), MM 157
Toàn cầu hoá, mặc dù có những rủi ro của nó, cũng đem lại những cơ hội đặc biệt và đầy hy vọng. Chính xác là làm cho nhân loại trở thành một gia đình duy nhất, xây dựng trên những giá trị công bằng, bình đẳng và liên đới. Muốn được như vậy, chúng ta cần phải thay đổi quan điểm: không còn để cho sự phúc lạc của bất kỳ cộng đồng, đảng phái, chủng tộc hoặc nền văn hoá nào chiếm ưu thế, nhưng phải nhắm đến lợi ích của toàn thể nhân loại. Việc theo đuổi công ích của một cộng đồng chính trị không thể xung đột với công ích của nhân loại. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới (1 tháng 1, 2000), 5-6 |
230 Toàn cầu hoá đem lại các vấn đề xã hội nào? Tuy nhiên, toàn cầu hoá tăng tốc không có nghĩa là tất cả các nước có cùng trình độ phát triển như nhau và tất cả mọi người đều có thể hưởng lợi từ sự nối kết của nó. Hoàn toàn trái ngược: các vấn đề như nghèo đói, thiếu giáo dục, việc chăm sóc sức khoẻ kém cỏi, và vi phạm nhân quyền vẫn là những tin tức gây nhức nhối. Các nước nghèo thường phụ thuộc hoàn toàn vào việc các nước phát triển sản xuất bao nhiêu tại các nước nghèo hoặc mua của các nước ấy bao nhiêu. Đồng thời, mức lương trả cho công nhân ở các nước nghèo thường cực kỳ thấp. Ví dụ, một thợ may ở Bangladesh chỉ nhận được hai hoặc ba xu cho một áo thun ở Mỹ có giá khoảng năm đô la. Điều này dẫn đến những bất công thường là nguyên nhân của việc “nhiều người đang bị tước đoạt các quyền cơ bản của con người” (x. Thượng Hội đồng Giám mục, năm 1971, “Công bằng trên Thế giới”, số 9). Toàn cầu hoá, do đó, không chỉ có các thuận lợi mà còn làm trầm trọng thêm nhiều vấn đề hoặc thậm chí gây ra các vấn đề hàng đầu.
TL 442 Y 446
|
|
Ngày nay hơn là trong quá khứ, học thuyết xã hội của Giáo Hội phải mở ra hướng nhìn về quốc tế. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1920-2006), SRS 42 |
231 Toàn cầu hoá có phải là số phận không? Không, ta không nên nghĩ toàn cầu hoá như một thứ định mệnh. Nó do con người tạo ra, do đó, cũng có thể được con người định hình theo các chuẩn mực luân lý.
Y 448
|
|
Người giải thoát bần dân kêu khổ và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương, chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo. Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ, giải thoát cho khỏi áp bức bạo tàn, từng giọt máu họ, Người đều coi là quý. Tv 72,12-14
Không hệ quả nào xảy ra trong thiên nhiên, mà không có một cơ sở hợp lý. Hãy khám phá những cơ sở hợp lý đó, và bạn không cần phải thử nghiệm nữa. Leonardo da Vinci (1452-1519), hoạ sĩ, kiến trúc sư và nhà khoa học tự nhiên người Ý
Nếu người ta nhìn toàn cầu hoá từ quan điểm Tất định, người ta sẽ đánh mất tiêu chuẩn để đánh giá và định hướng nó. Vì là một thực tại của con người, toàn cầu hoá là sản phẩm của những khuynh hướng văn hoá đa dạng mà chính những khuynh hướng này cũng cần phải trải qua một quá trình nhận định sáng suốt. Giáo hoàng Bênêđictô XVI, CiV 42
Toàn cầu hoá không phải là một hiện tượng tự nhiên. Nó được dự định và thực hiện bởi con người. Do đó con người cũng có thể thay đổi và định hình nó, hướng dẫn nó đi theo những con đường đúng đắn. Johannes Rau (1931-2006), Tổng thống Cộng hoà Liên bang Đức
Giáo Hội có thể tác động đến cách suy nghĩ của con người và chúng ta cố gắng để làm điều đó. Trong một số diễn đàn trên toàn thế giới, chúng ta cố gắng khởi xướng một sự chuyển đổi. Chúng ta không thể du hành đến Liên Hiệp Quốc tại New York và nói: “Điều này phải xảy ra”. Chúng ta cũng không thể làm luật hoặc kiểm soát luật. Nhưng chúng ta hy vọng sẽ giúp những người làm luật có một tầm nhìn bao quát hơn, và cố gắng tác động đến pháp luật theo các quan điểm của mình. Hồng y Peter Turkson (sinh 1948) |
232 Chúng ta có là một phần trên lộ trình thay đổi của thế giới không? Trong một thế giới toàn cầu hoá, mọi người và mọi thứ đều nối kết với nhau, nên ngay cả các hành vi hằng ngày của ta cũng có thể có hậu quả sâu rộng. Ví dụ, khi mua bất cứ món hàng nào, ta gián tiếp tiếp xúc với những người đã làm ra sản phẩm này ở đâu đó trên thế giới hay đóng gói nó để vận chuyển. Khi trả tiền mua sản phẩm, ta cũng giúp chi trả cho công việc của tất cả những người đó. Do đó, nhóm người mà ta chia sẻ trách nhiệm đã mở rộng vượt ra ngoài vòng những người quen, bạn bè và gia đình của ta. Nhờ truyền thông tốt hơn, ta biết nhiều hơn về nhau. Ta có thể chủ động và biết được thông tin về các chủ đề và ý kiến trên toàn thế giới. Các vấn đề môi trường gây ra tại một nơi nào đó thường có ảnh hưởng trên toàn thế giới. Điều này nhiều lần xảy ra khiến ta ý thức rõ thế giới của ta không chỉ vận hành ở bên trong biên giới của đất nước, nhưng ta chung sống với nhau trong một thế giới có nhiều nền văn hoá và tôn giáo khác nhau.
Y 446, 447
|
|
Một dân tộc coi trọng các đặc quyền của mình hơn các nguyên tắc của dân tộc sẽ sớm mất cả hai. Dwight David Eisenhower (1890-1969), Tổng thống Hoa Kỳ
Trong bản chất của con người, ta tìm thấy ba nguyên nhân chính gây tranh cãi. Thứ nhất, cạnh tranh; thứ hai, thiếu tự tin; thứ ba, hám danh. Thomas Hobbes (1588-1679), triết gia Anh
Chiếc bánh anh em không dùng là của những người nghèo đói; quần áo treo trong tủ anh em là của những người trần trụi; đôi giày anh em không mang là của những người phải đi chân trần. Những hành động bác ái mà anh em không chịu làm là vô số những bất công mà anh em phạm phải. Thánh Basiliô Cả (330-379) |
233 Giáo Hội có quan tâm đến những vấn đề này không? Có. Giáo Hội có “nhiệm vụ tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích những dấu chỉ ấy dưới ánh sáng Tin Mừng. Như vậy Giáo Hội mới có thể đưa ra câu giải đáp thích hợp với từng thế hệ cho những thắc mắc muôn thuở của con người về ý nghĩa cuộc sống hiện tại và mai sau, cũng như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy. Do đó, cần phải nhận biết và thấu hiểu thế giới chúng ta đang sống, cũng như những mong chờ, những khát vọng và cả tính chất thường là bi thảm của nó” (GS 4). Vì vậy, Giáo Hội cố gắng liên tục tìm hiểu tình hình hiện nay của thế giới và đưa ra những lời khuyên thiết thực theo sứ điệp của Chúa Giêsu về tình yêu huynh đệ đối với tất cả mọi người. Khi làm như vậy, Giáo Hội đặc biệt quan tâm đến những người nghèo, những người yếu đuối và những người bị bóc lột. Giáo Hội luôn luôn nhắc nhở các chính trị gia của từng quốc gia là họ phải chịu trách nhiệm không chỉ với các quốc gia riêng của họ, mà với toàn thể nhân loại. Giáo Hội ủng hộ các chính sách nhắm đến mục tiêu hoà bình và phát triển. Việc thực hiện những chính sách đó đòi hỏi sự hợp tác của các quốc gia khác nhau. Đây là lý do tại sao Giáo Hội hỗ trợ các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, nơi có thể phát triển sự hợp tác quốc tế đáng tin cậy.
TL 433-455 GL 1927 |
|
Đức Chúa phán: “Đây, tất cả chúng nó họp thành một dân, nói một thứ tiếng. Chúng mới khởi công mà đã như thế thì từ nay, chẳng có gì chúng định làm mà không làm được. Nào! Ta xuống và làm cho tiếng nói của chúng phải xáo trộn, khiến chúng không ai hiểu ai nữa”. Thế là Đức Chúa phân tán họ từ chỗ đó ra khắp nơi trên mặt đất, và họ phải thôi không xây thành phố nữa. Bởi vậy, người ta đặt tên cho thành ấy là Babel, vì tại đó, Đức Chúa đã làm xáo trộn tiếng nói của mọi người trên mặt đất, và cũng từ chỗ đó, Đức Chúa đã phân tán họ ra khắp nơi trên mặt đất. St 11,6-9 |
234 Sự hỗ trợ toàn cầu nên bắt đầu từ đâu? Có nhiều vấn đề mà chúng ta chỉ có thể giải quyết được với điều kiện nếu ta làm việc cùng nhau. Để đạt được mục đích này cần phải gia tăng tình liên đới và trách nhiệm với nhau trên trái đất. Giáo huấn xã hội Công giáo đặt trách nhiệm đối với nhau này trên cơ sở ý tưởng về sự “hợp nhất của gia đình nhân loại”. Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá của từng con người riêng lẻ; do đó, Ngài là cha của tất cả nhân loại. Con người chúng ta có thể coi nhau như anh chị em bởi được kết nối với nhau thành một gia đình. Trong gia đình, các thành viên tin tưởng lẫn nhau, hiện diện bên nhau, và giúp đỡ cho nhau. Cũng vậy, mọi người trên toàn thế giới cần cảm thấy được nối kết nên một với nhau theo cùng một cách thức như vậy.
TL 1947-1948 |
|
Nếu có ai đó mang thêm một chút tình yêu và lòng tốt vào thế giới, một chút ánh sáng và sự thật, thì cuộc sống của người đó đã có ý nghĩa rồi. Alfred Delp, SJ. (1907-1945), một kháng chiến quân bị Đức Quốc xã hành quyết
Danh xưng Babel theo nguồn gốc của từ ngữ, có nghĩa là “sự hỗn độn” – có lẽ muốn nói về các mối quan hệ hỗn loạn của các dân tộc trên thế giới.
|
235 Kinh Thánh đưa ra những lập luận nào chứng tỏ sự hợp nhất của nhân loại? Sách Sáng Thế cho thấy Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá, Người đã đưa cả thế giới và nhân loại từ hư không đến hiện hữu. Con người không chỉ xuất hiện như một cá nhân đơn lẻ; đúng hơn, con người đứng trong quan hệ với đồng loại và các sinh vật khác, và có thể hành động một cách có trách nhiệm. Thiên Chúa ban cho con người những gì họ cần để sống một cuộc sống xứng đáng. Trong giao ước của Thiên Chúa với Nôê (x. St 9,1-17), chúng ta thấy rõ là mặc cho bao tội lỗi, bạo lực và bất công, Thiên Chúa vẫn hiện diện vì con người. Ý tưởng về gia đình nhân loại cũng được nhìn thấy trong giao ước với Abraham. Abraham được xem là cha của nhiều dân tộc (St 17). Và, vì Chúa Kitô, “con của Abraham”, cũng là “Ađam mới”, nên tất cả mọi người đều là con cháu của Abraham; vì thế, Thiên Chúa cũng đã thực hiện giao ước này với ta nữa. Sự đông đảo và đa dạng của các dân tộc được nói đến trong sách Sáng Thế như kết quả từ hành động sáng tạo của Thiên Chúa. Tuy nhiên, câu chuyện Tháp → Babel (x. St 11,1-9) cho thấy con người đã không thích ứng thoả đáng với sự đa dạng này.
TL 428-430 |
|
Những mối quan hệ giữa các Nhà nước phải được điều chỉnh thêm bằng công lý. Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII (1881-1963), PT 91 Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Mt 6,33
Một đàng, ta thấy có những người nhất quyết duy trì huyền thoại của sự tiến bộ và cho rằng vấn đề sinh thái sẽ tự giải quyết cách đơn giản bằng việc áp dụng công nghệ mới và không cần phải có những suy xét mang tính đạo đức hay sự thay đổi sâu sắc nào. Đàng khác, có người lại cho rằng những người nam nữ và tất cả mọi sự can thiệp của họ không gì khác hơn là một mối đe doạ, đang gây nguy hại cho hệ sinh thái toàn cầu, kết quả là phải giảm sự hiện diện của con người trên hành tinh này và cấm tất cả mọi hình thức can thiệp. Các viễn cảnh khả thi tương lai sẽ phải được tạo ra giữa hai thái cực này, bởi lẽ không chỉ có một con đường đi đến giải pháp. Giáo hoàng Phanxicô, LS 60 |
236 Con người nên đối xử với nhau như thế nào? Con người trên thế giới nên xem mình như một cộng đồng và chấp nhận một số khác biệt nhất định giữa các cá nhân và các dân tộc, vì sự đa dạng này được xem là sự phong phú. Điều này trở nên ngày càng quan trọng trong thời kỳ toàn cầu hoá. Ta đang liên kết với nhau như “các thành viên cùng một gia đình”, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã viết như thế (MM 157). Các giá trị như sự thật, liên đới và tự do, là không thể thiếu trong các mối quan hệ hằng ngày của ta, chúng lại càng trở nên quan trọng hơn trên phạm vi toàn cầu, với sự ràng buộc ngày càng chặt chẽ hơn trong các mối liên hệ và phụ thuộc. Chỉ khi nào vắng bóng bạo lực, chiến tranh, nạn phân biệt đối xử, sự đe doạ, hoặc lừa dối thì nhân loại mới có thể sống hoà hợp với nhau. Do đó, Giáo Hội đòi hỏi việc toàn cầu hoá về kinh tế và xã hội phải đồng hành với việc toàn cầu hoá về công lý. Chúa Giêsu Kitô đã đem nền công lý cơ bản đến trái đất, và chúng ta, những người đi theo Người, có một nghĩa vụ đặc biệt là đẩy mạnh sự nghiệp này bằng những hành động của mình.
TL 431, 433 GL 1912
|
|
Sự thoả mãn, giống như bất kỳ trạng thái sống nào, luôn luôn có một mức độ trơ trẽn nào đó, và sự trơ trẽn đó thể hiện trước tiên và trên hết khi những người được thoả mãn dạy khôn cho những kẻ đói khát. Anton Chekhov (1860-1904), kịch tác gia người Nga |
237 Chúng ta phải sử dụng các nguồn tài nguyên của thế giới như thế nào? Rất nhiều lần giáo huấn xã hội Công giáo nêu vấn đề “sự thống nhất trong gia đình nhân loại” và vấn đề có liên quan là “mục đích phổ quát của của cải”. Điều này nghĩa là Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo thế giới, đã định rằng các tài nguyên trái đất là để cung cấp cho sinh kế và nhu cầu của tất cả mọi người. Trái lại, sự bất bình đẳng quá mức trong việc phân phối các tài nguyên thế giới là một điều đáng xấu hổ. Đối với người Kitô hữu, không thể chấp nhận đói nghèo là số phận đương nhiên của hàng triệu người, trong khi những người khác sống dư thừa và lãng phí. Ví dụ các nguồn thực phẩm của thế giới hiển nhiên không phải là tài sản của những ai có thể trả tiền nhiều nhất cho những thực phẩm đó. Đúng ra, chúng là nguồn sống cơ bản cho mọi người.
TL 447, 448 GL 2407, 2415 Y 436 |
|
10 ĐIỀU RĂN CHO MỘT TƯƠNG LAI KHÔNG CÒN ĐÓI KÉM 1. Bạn sẽ cộng tác để mọi người trên trái đất đều được đủ ăn. 2. Bạn sẽ không đánh mất tất cả cơm bánh của người lân cận bằng việc đầu cơ của mình. 3. Bạn sẽ không tích trữ những gì mà người đói cần để ăn. 4. Bạn sẽ tôn trọng trái đất để bạn, con bạn và tất cả mọi người trên trái đất có thể sống trong thịnh vượng. 5. Bạn sẽ sống thế nào để lối sống của bạn không làm tổn hại đến người khác. 6. Bạn sẽ không thèm muốn đất đai và tài sản của người lân cận. 7. Bạn sẽ giảm nạn đói bằng các chính sách nông nghiệp của bạn chứ không làm gia tăng nạn đói. 8. Bạn sẽ hành động chống các chế độ tham nhũng và các tay sai của chúng. 9. Bạn sẽ giúp ngăn chặn các cuộc xung đột vũ trang và chiến tranh. 10. Bạn sẽ chiến đấu chống lại nạn đói một cách hiệu quả bằng viện trợ phát triển. Caritas Áo
ĐỀ TÀI MỞ RỘNG NGHÈO ĐÓI LÀ GÌ? Nguyên Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert McNamara có lần định nghĩa “nghèo tuyệt đối”, nói rộng ra, là “thiếu các điều kiện sống cơ bản cho xứng đáng với con người dưới mức bất kỳ định nghĩa hợp lý nào”. Theo các số liệu thông dụng nhất, bất cứ ai có thu nhập hằng ngày dưới một số tiền nhất định bằng đô la Mỹ (hiện nay là 1,25 USD mỗi ngày, theo Ngân hàng Thế giới) là sống trong sự nghèo đói tuyệt đối. Theo tiêu chuẩn này, 14,5 phần trăm dân số thế giới (hay 1,29 tỷ người) sống trong những điều kiện bất xứng với con người như vậy trong năm 2011. Những cách đánh giá khác (chẳng hạn như của Hiệp hội Phát triển Quốc tế) đưa vào không chỉ xét đến thu nhập bình quân đầu người mà còn tính đến lượng calo thu nhận, tuổi thọ trung bình, tỷ lệ tử vong trẻ em, cũng như tỷ lệ sinh của một quốc gia.
Ngược lại cũng có khái niệm nghèo tương đối. Khái niệm này đánh giá tình hình sinh sống của một con người, hoặc thực tế là người đó được hưởng các nguồn lực vật chất và phi vật chất ít hơn, so với mức phúc lợi của xã hội ở nơi họ sống. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, người ta đang phải chịu cái nghèo tương đối nếu mỗi tháng họ có ít hơn 60 phần trăm thu nhập trung bình tại quê hương của họ. |
||
Khi con tôi đòi ăn, tôi nói với nó rằng cơm đang nấu – cho đến khi nó ngủ thiếp đi vì đói, bởi vì nhà không còn chút gạo nào. Young Woman Đông Nam Á “Tiếng nói của người nghèo”
Đừng cố gắng trở nên người thành đạt, mà hãy nỗ lực trở thành người có giá trị. Albert Einstein (1879-1955) nhà vật lý lý thuyết
Hãy đối xử với người khác như bạn muốn họ đối xử với mình. Quy tắc Vàng
|
238 Tại sao người nghèo đáng được quan tâm đặc biệt? Đức Kitô đặc biệt quan tâm đến những người đã ở bên lề xã hội. Đó là lý do tại sao Giáo Hội cũng chủ trương “ưu tiên chọn lựa người nghèo”. Người nghèo thường là những người ít có những cơ hội nhất để ảnh hưởng đến sự hình thành của xã hội và điều kiện sống của chính mình. Giáo Hội bênh đỡ họ và quan tâm đến việc chấm dứt tình trạng bất công, phân biệt đối xử, và áp bức. Công lý, theo nghĩa của giáo huấn xã hội Công giáo, đòi hỏi sự tham gia của tất cả mọi người vào các hoạt động trọng tâm về xã hội, chính trị, văn hoá và kinh tế trong cuộc sống. Chương trình cho người nghèo không nên được thiết kế từ những cấp cao ở bên trên, bởi vì những người trong cuộc thường biết rõ nhất những gì họ cần. Với các mối quan hệ phức tạp của sự phụ thuộc và sự liên kết ngày càng tăng của nền kinh tế thế giới, không dễ dàng tìm ra các giải pháp cụ thể để loại bỏ vĩnh viễn các nguyên nhân của nghèo đói.
TL 449 GL 2443-2446 Y 449
|
|
Nếu bạn muốn tìm sự thật, bạn không cần phải đi ra ngoài, nhưng đúng hơn hãy đi vào chính mình, vì sự thật ở trong bạn. Thiên Chúa thân cận với bạn hơn chính bạn gần gũi với mình. Thánh Augustinô (354-430)
Công lý trả lại cho mỗi người những gì thuộc về người đó và không đòi cho mình tài sản của người khác. Công lý không quan tâm đến mối lợi riêng của mình để bảo toàn sự công bằng cho mọi người. Thánh Ambrôsiô Thành Milan (339-397), Tiến sĩ Hội Thánh
Đơn giản tôi quyết định rằng tôi đã có đủ tiền. Charles Fenney (sinh 1931), đồng sáng lập chuỗi Cửa hàng Miễn Thuế, khi được hỏi tại sao ông tặng 600.000.000 USD cho các tổ chức từ thiện. |
239 Làm thế nào để tình liên đới toàn cầu kết nối mọi người? Đối với Kitô hữu, là người tin Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo thế giới, họ nên ý thức rằng tình liên đới và tính công bằng hiển nhiên không thể chỉ áp dụng cho “gia đình ta”, “đất nước ta”, “văn hoá ta”, hoặc “tôn giáo ta”. Nếu ta muốn biện minh cho thái độ Kitô hữu này đối với các nền văn hoá và các tôn giáo khác, mà không viện tới những lý lẽ dựa trên đức tin của mình, ta có thể giải thích cách tốt nhất để mọi người phải sống công bằng và liên đới là bằng cách nhắc nhở người ta về yêu cầu tự do của họ: tôi được tự do khi bản thân tôi có thể quyết định những gì tôi làm và tôi sống như thế nào. Bây giờ nếu chính tôi muốn được tự do, thì tôi cũng cần trao quyền tự do này cho anh chị em đồng loại, đứng từ quan điểm tất cả mọi người đều bình đẳng và được hưởng công lý. Cũng như tôi không muốn ai trên thế giới quyết định về số phận của tôi, thì tôi cũng phải nhận thức rằng chẳng ai muốn tôi quyết định số phận của họ. Trong bối cảnh này người ta nói đến một quyền tổng quát là được giải thích hợp lý. Mọi người đều có quyền được giải thích một cách hợp lý và dễ hiểu về những luật lệ buộc họ phải theo.
TL 437 GL 1939-1942 Y 332
|
|
Chế độ chuyên quyền là một loại thống trị độc đoán về chính trị hoặc xã hội thiếu vắng cơ sở biện minh hợp lý. Khi nói đến hoàn cảnh bất công về xã hội và chính trị, ta có ý nhắc tới những trường hợp trong đó các cá nhân hoặc các tập thể cai trị những người khác, hoặc có lợi thế hơn họ mà không tìm được lý do chính đáng để biện minh cho việc họ có quyền trên những người đang bị trị hoặc gặp hoàn cảnh bất lợi. Rainer Forst (sinh 1964), triết gia Đức
Nghiêm túc mà nói, không thể có cái gì để gọi là tự chịu trách nhiệm bởi vì trong trường hợp đó người ta luôn luôn châm chước cho mình. Robert Spaemann (sinh 1927)
Hãy sống làm sao cho âm hưởng từ những hành động của bạn vang vọng theo suốt chiều dài của đời người trên trái đất. Hans Jonas (1903-1993), triết gia Đức |
240 Điều gì đặc biệt theo sau yêu sách đòi tự do này? Nếu tôi thừa nhận rằng những người khác có các quyền, thì theo đó tôi cũng có các bổn phận. Một mặt, có những bổn phận tiêu cực, nói cách khác, các bổn phận không cho phép tôi thực hiện một số hành động nào đó, ví dụ như không được bắt ai làm nô lệ hay bóc lột họ. Mặt khác, cũng có bổn phận tích cực: trong một số trường hợp cụ thể, tôi không được né tránh một hành vi nào đó, mà còn phải làm một điều gì đó, ví dụ như giúp đỡ người lân cận trong hoàn cảnh ngặt nghèo. Trong những tình huống khác, có lẽ tôi không biết ngay tôi có thể giúp đỡ thế nào, ví dụ, một đứa trẻ đang chết đói ở châu Phi. Tất nhiên, đối với các nhu cầu xa hơn như thế, tôi cũng có bổn phận luân lý phải giúp đỡ. Nhưng tôi nên làm điều đó như thế nào? Và tôi có phải làm nhiệm vụ này đối với tất cả những người cần được giúp đỡ? Điều đòi hỏi đó rõ ràng là vượt quá khả năng của tôi. Thường thì tôi không thể giúp đỡ trực tiếp. Nhưng tôi thật sự có thể, ví dụ, ủng hộ các tổ chức và các cơ quan đảm nhận nhiệm vụ này. Bằng cách trợ giúp các tổ chức cứu trợ thông qua các công việc tình nguyện hoặc đóng góp tài chính, người ta có thể góp phần đáng kể để giúp cải thiện các điều kiện sống của con người nói chung. Nếu càng có nhiều người nghĩ theo cách này, thì có thể thực hiện được nhiều việc trong cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới.
GL 1934-1935 Y 330 |
|
Hãy nhớ rằng: phản nghĩa của yêu thương không phải là thù ghét mà là dửng dưng. Ngược lại với đức tin không phải là kiêu ngạo nhưng là dửng dưng. Ngược lại với hy vọng không phải là tuyệt vọng nhưng là dửng dưng. Sự dửng dưng không phải là khởi đầu của một quá trình, nó là kết thúc của một quá trình. Elie Wiesel (sinh 1928), người Mỹ đoạt Giải Nobel Hoà bình
Khi anh em thấy lừa hay bò của người anh em mình ngã trên đường, thì đừng bỏ mặc làm ngơ, nhưng phải giúp người anh em đỡ chúng dậy. Đnl 22,4
Thời Trung Cổ dân chúng than phiền khi phải đóng thuế thập phân, nghĩa là cống nạp một phần mười thu nhập hoặc sản lượng của họ cho các chủ đất. Ngày nay, hơn một phần ba giá hàng hoá và dịch vụ đổ vào việc phục vụ vốn cho các chủ sở hữu vốn tài chính và vốn thực tế. Sự thật là hầu hết chúng ta, ở bất cứ tầng lớp nào tại nước Đức này, chẳng mấy khá giả hơn về kinh tế so với thời Trung Cổ. Đó là do hậu quả của cuộc cách mạng công nghiệp, tự động hoá ngày càng cao của nền kinh tế, một sự cướp bóc khổng lồ nguồn nguyên liệu khả dụng và sự bóc lột thế giới thứ ba. Margrit Kennedy (1939-2013), nhà sinh thái học và kiến trúc sư người Đức |
241 Làm thế nào để có thể huy động tính tư lợi của con người? Trong những tình huống mà người ta không ý thức được tình liên đới toàn cầu, ta có thể kêu gọi dân chúng hoặc các dân tộc hướng tới tư lợi của họ, nói cách khác, tới sự hiểu biết về ích lợi mà họ sẽ đạt được từ một điều gì đó. Ở đây là chúng ta nói về tư lợi “được hiểu một cách đúng đắn”. Đây thường là trường hợp mà sự hợp tác quốc tế về cơ bản đáng giá cho tất cả mọi người. Ta hãy lấy ví dụ về tài nguyên thiên nhiên. Chỉ một quốc gia thì không thể làm dừng lại tình trạng xói mòn đất đai hay cạn kiệt nguồn nước trên toàn cầu. Giải pháp không thể là tập trung vào sự bảo tồn trong nước của mình và nói rằng: “Chúng ta chẳng cần biết các nước khác làm gì”. Môi trường là công ích toàn cầu (nghĩa là “tài sản chung của tất cả các nước”); vì thế bảo vệ môi trường cần đến sự hợp tác toàn cầu. Việc hợp tác quốc tế như vậy để bảo vệ môi trường chính là vì tư lợi, hiểu một cách đúng đắn, là của tất cả các nước. Vì chỉ khi nào tất cả các nước cùng tham gia bảo tồn, ví dụ thông qua nông nghiệp bền vững, thì sự nghiệp chung mới được tiến triển, dẫn đến các điều kiện sống tốt hơn trong mỗi quốc gia. Tương tự, cuộc chiến chống nghèo đói cũng là vì lợi ích của tất cả, vì chỉ bằng cách đó nạn di cư mới giảm, các cuộc xung đột bạo lực được kiềm chế, và nền kinh tế có thể tăng trưởng.
TL 481-484 GL 1911, 1913-1914
|
|
ĐỀ TÀI MỞ RỘNG CỦA CẢI THUỘC VỀ CỘNG ĐỒNG THẾ GIỚI Đây là những của cải mà việc sử dụng chúng mang lại lợi ích cho tất cả mọi người trên toàn thế giới; không ai có đặc quyền trên chúng hoặc đòi cho mình quyền sở hữu riêng chúng, bởi vì người ta không thể hay không nên ngăn cản bất cứ ai sử dụng chúng (tính cách không loại trừ ai). Những đặc điểm này làm cho việc phân bổ các của cải đó trở nên khó khăn.
Nhưng tài sản chung toàn cầu cụ thể là gì lại được người ta hiểu rất khác nhau: có người hiểu đó chỉ là những của cải trong phạm vi môi trường thiên nhiên. Người khác hiểu rộng hơn theo thuật ngữ và xem nhân quyền hoặc các di sản văn hoá thế giới như là một phần những của cải toàn cầu. Liên Hiệp Quốc đã triển khai cách hiểu biết chung về của cải toàn cầu, nói cách khác, về tất cả những gì mà mọi người cùng chịu trách nhiệm: đó là hoà bình và an ninh quốc tế, việc bảo vệ nhân quyền, công lý quốc tế, sức khoẻ, kiến thức và thông tin cũng như việc bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, các khu rừng và đại dương như một sự đồng thuận tối thiểu. Người ta có thể thêm vào những thứ đó: là sự ổn định kinh tế, sự an toàn thực phẩm và phúc lợi cho mọi người, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân, cũng như cuộc chiến chống khủng bố.
|
||
Để điều hành nền kinh tế toàn cầu; để phục hồi các nền kinh tế bị lao đao do cuộc khủng hoảng; để tránh bất kỳ suy thoái nào của cuộc khủng hoảng hiện nay cùng với những chênh lệch to lớn hơn từ đó mà ra; để thực hiện việc giải giới toàn diện và kịp thời, tình trạng an toàn về thực phẩm và hoà bình; để bảo đảm việc bảo vệ môi trường và điều chỉnh việc di dân: đối với tất cả những việc làm này, cần phải có một thẩm quyền chính trị thế giới đích thực, như vị tiền nhiệm của tôi là Chân phước Gioan XXIII đã đề cập đến ít năm trước đây. Một thẩm quyền như vậy cần phải được quy định bởi luật lệ, nhất quán tuân giữ các nguyên tắc bổ trợ và liên đới, tìm cách thiết lập công ích. Giáo hoàng Bênêđictô XVI, CiV 67
Nhu cầu cần cấp thiết thực hiện, nhờ vào sự hợp tác toàn diện và đắc lực của mọi quốc gia, nhất là những nước giàu, là phải nghiên cứu những cách thức làm sao để có thể cung cấp và chia sẻ cho toàn thể cộng đồng nhân loại những lương thực cần thiết cho sự sống và cho việc giáo dục xứng hợp của con người. Công đồng Vaticanô II, GS 87 |
242 Làm thế nào để việc hợp tác toàn thế giới có thể trở thành hiện thực? Đối với các vấn đề toàn cầu, những nước riêng rẽ không thể một mình giải quyết được. Điều cần thiết là các tổ chức và các định chế hợp tác hỗ trợ quản lý tài sản chung, đề xuất các quy tắc cho tất cả các nước, giám sát việc chấp hành, và báo cáo sự không tuân thủ hoặc các vi phạm. Nhiều lần Giáo Hội ủng hộ việc xây dựng một cộng đồng quốc tế, vì chỉ bằng cách này ý tưởng về sự thống nhất của gia đình nhân loại mới có thể chuyển thành hành động chính trị. Trong mọi trường hợp, cộng đồng này phải để cho tất cả các nước tham gia tự nguyện dấn thân chứ không được ép buộc dưới bất cứ tình huống nào. Đó phải là một cộng đồng có thẩm quyền, trong đó, một mặt, tôn trọng thực tế là mỗi nhà nước có thẩm quyền riêng của mình, theo nguyên tắc bổ trợ, nhưng, mặt khác, có thể giải quyết các vấn đề lớn của thế giới, bởi vì tổ chức này phải “có thực lực hữu hiệu nhân danh tất cả các nước để bảo đảm an ninh, nghĩa vụ thực thi công lý cũng như tôn trọng nhân quyền” (GS 82). Một bước đầu tiên theo hướng này đã được thực hiện vào năm 1945, khi Tổ chức Liên Hiệp Quốc (LHQ) được thành lập. Kể từ đó Giáo hội Công giáo luôn ủng hộ ý tưởng LHQ, hỗ trợ các chính sách nhân quyền ban đầu của LHQ, và kêu gọi tổ chức này phát triển hơn nữa.
TL 434, 435, 441 GL 1919 Y 325, 326
|
|
“Lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” là thứ bất công tồi tệ nhất. Marie Von Ebner-eschenbach (1830–1916)
Cầu nguyện không thay đổi thế giới. Nhưng cầu nguyện biến đổi con người. Và con người thay đổi thế giới. Albert Schweitzer (1875–1965) |
243 Các tiêu chuẩn đạo đức tối thiểu cho sự hợp tác quốc tế là gì? Nếu các quốc gia riêng rẽ muốn sống trong một cộng đồng có sự ràng buộc trách nhiệm toàn cầu, điều quan trọng nhất là sự tin cậy lẫn nhau, sau đó cần có tối thiểu những giá trị và chuẩn mực chung. Bao gồm trong đó là các quyền của con người, cũng như những giá trị công lý, liên đới và tự do. Cộng đồng quốc tế cần làm sao cho các quyết định phối hợp của mình phải bảo đảm cho tất cả mọi người có cơ hội để chia sẻ cách công bằng lợi ích của sự phát triển trên toàn thế giới. Tất cả những giá trị cơ bản này bắt buộc mọi người phải tuân theo, chứ không chỉ các Kitô hữu. Chúng áp dụng cho tất cả.
TL 433, 439, 448 GL 1924, 1925 |
|
Sức mạnh của một điều luật dựa vào mức độ giá trị pháp lý của nó. Hiện nay trong các vấn đề của con người, một thứ được gọi là hợp pháp, từ việc nó được coi là đúng đắn dựa trên lẽ phải. Thế nhưng lẽ phải hàng đầu chính là luật tự nhiên. Vì thế, mỗi luật của con người đặt ra đều có tính chất hợp pháp như thể nó được rút ra từ luật tự nhiên. Nhưng nếu tại một điểm nào đó mà luật con người đi lệch ra khỏi luật tự nhiên, thì nó không còn là một điều luật nữa, mà lại trở thành một sự xuyên tạc pháp luật. Thánh Tôma Aquinô, Tổng luận Thần học I-II, câu 95, mục 2 |
244 Làm thế nào những giá trị này được chấp nhận rộng rãi trong cộng đồng quốc tế? Các giá trị cơ bản và các quyền con người được thừa nhận rộng rãi phải là nền tảng cho cả những quyết định và các mối liên lạc của cộng đồng quốc tế. Xây dựng trên các giá trị và các quyền này, các thành viên phải đặt ra các luật lệ mà họ có thể dựa vào để kinh doanh và đàm phán. Luật lệ cần thiết khi người ta muốn thương lượng điều gì đó và đưa ra quyết định với nhau. Hơn bao giờ hết, quy tắc “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” phải được thay thế ở cấp quốc tế bằng việc tôn trọng luật pháp.
TL 436, 438 GL 1929-1930, 1954 Y 333
|
|
Không thể hiểu làm sao các quốc gia giàu có lại cố gắng biện minh cho những nỗ lực của họ để thâu tóm nhiều hơn các tài nguyên của trái đất, khi hậu quả là các quốc gia khác không bao giờ thoát ra khỏi hoàn cảnh khốn khổ của họ hoặc các cơ sở vật chất của sự sống trên trái đất có nguy cơ bị phá huỷ. Tài liệu Iustitia in mundo (IM) 64, của Thượng Hội đồng Giám mục, “Công bằng trên thế giới” (1971)
|
245 Những ai cần đến cộng đồng quốc tế này? Tất cả mọi người. Tuy nhiên, các nước phụ thuộc vào một cộng đồng quốc tế với mức độ khác nhau. Các nước phát triển cao cần nó hơn để có thể đưa ra các thoả thuận kinh tế an toàn hơn hoặc để đạt được quyền tiếp cận các nguyên vật liệu thô và ít cần đến cộng đồng này hơn trong việc làm cho người dân của mình được hưởng một đời sống tươm tất. Nhưng đó chính là lý do tại sao các nước đang phát triển cần cộng đồng quốc tế. Xét cho cùng, tất cả mọi người đều có chung quyền phát triển và tiếp cận với hàng hoá cần thiết cho đời sống (thực phẩm, quần áo, giáo dục, v.v.). Tất cả mọi người cũng có quyền được sống trong hoà bình và tự do. Vì vậy, việc hỗ trợ lẫn nhau là cần thiết. Sự cần thiết của một cộng đồng quốc tế không được trở thành một cái cớ cho việc tạo ra các kiểu phụ thuộc mới và cơ chế bóc lột tinh vi hơn giữa các nước giàu và nghèo.
TL 446, 447 |
|
Quản Trị Toàn Cầu đề cập đến các quy trình chính trị ở cấp quốc tế để giải quyết các vấn đề có ảnh hưởng đến toàn thế giới, một số trong đó gần đây là do toàn cầu hoá. Đối với mục đích này những nỗ lực hợp tác phải được thực hiện để tạo thành các cơ cấu và các tổ chức có trách nhiệm giải quyết các vấn đề. Tuy nhiên, khái niệm quản trị toàn cầu không hàm ý một chính quyền toàn cầu. Các nước riêng rẽ vẫn còn là các nước có quyền tự trị.
|
246 Giáo Hội phối hợp tốt với các tổ chức nào? Kể từ thập niên 1940, thế giới đã quyết định xây dựng một cộng đồng quốc tế. Năm 1945, Liên Hiệp Quốc được thành lập, và một vài năm sau đó Liên Hiệp Quốc ban hành Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Sau đó, vào đầu những năm 1990, Tổ chức Thương mại Thế giới được thành lập. Nhiều tổ chức khác, ít nhiều liên hệ mật thiết với hệ thống Liên Hiệp Quốc, cố gắng giải quyết các vấn đề toàn cầu (→ Quản Trị Toàn Cầu).
|
|
Những tổ chức này tựa như những cố gắng đầu tiên nhằm đặt nền móng quốc tế cho cả cộng đồng nhân loại, để giải quyết những vấn đề nghiêm trọng của thời đại chúng ta, cổ vũ sự tiến bộ khắp nơi và ngăn ngừa mọi hình thức chiến tranh. Công đồng Vaticanô II, GS 84, về các tổ chức quốc tế |
247 Vai trò của Vatican trong chính trị quốc tế là gì? Là một Giáo Hội toàn thế giới, Giáo hội Công giáo có một cơ cấu toàn cầu và nhiều thế kỷ có kinh nghiệm quốc tế. Là một nhà nước, Toà Thánh có thể tham gia vào nền chính trị quốc tế. Do đó, Toà Thánh có thể gửi các đại sứ (sứ thần Toà Thánh), ký kết hiệp ước với các nước khác, tham gia tổ chức siêu chính phủ (ví dụ, Liên Hiệp Quốc và các tổ chức trực thuộc), và làm trung gian trong các cuộc xung đột quốc tế. Mục tiêu của tất cả các hoạt động này là để thúc đẩy sự hợp tác của cộng đồng quốc tế, để hỗ trợ cộng đồng này trên con đường hướng tới lợi ích chung lớn hơn trong gia đình nhân loại, để đòi hỏi nhân quyền và nhân phẩm cho tất cả mọi người, cũng như để hỗ trợ và đi cùng với toàn thể nhân loại trên con đường đi đến công lý và hoà bình.
TL 444, 445 |
|
Mỗi ngày, sự phụ thuộc lẫn nhau của con người càng thêm chặt chẽ và dần dần lan rộng trên toàn thế giới. Vì thế, công ích ngày nay càng lúc càng mang tính toàn cầu và do đó bao hàm những quyền lợi và nghĩa vụ đối với toàn thể nhân loại. Bất cứ tập thể xã hội nào cũng phải tôn trọng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của các tập thể khác, và ngay cả công ích của toàn thể gia đình nhân loại. Công đồng Vaticanô II, GS 26
Giờ quan trọng nhất luôn luôn là hiện tại; người quan trọng nhất là người đối diện với bạn bây giờ; hành vi quan trọng nhất là tình yêu. Meister Eckhart (1260-1328), nhà thần học và thần bí Đức
|
248 Tại sao di cư là một vấn đề gây tranh cãi? Người ta có thể có nhiều lý do để rời khỏi quê hương: sự nghèo khó và đau khổ của người dân, thiếu tự do và dân chủ, đàn áp chính trị cũng như các cuộc xung đột và chiến tranh ở quê hương, hoặc chỉ đơn giản là mong muốn được sống trong một nền văn hoá khác hay một nơi khác. Bên cạnh những người di cư sống hợp pháp tại quốc gia mà họ nhập cư, cũng có nhiều “người ngoại kiều bất hợp pháp”, những người thường sống trốn tránh trong xã hội bởi vì họ không có giấy phép cư trú. Cuộc sống của những người này thường được đánh dấu bằng một nỗi sợ hãi liên tục là sẽ bị phát hiện, bắt giữ, và bị trục xuất. Kết quả là, đôi khi họ bị tước đoạt các quyền cơ bản. Những người không có giấy phép cư trú thường không dám mạo hiểm tìm kiếm sự chăm sóc y tế, chống lại các thoả thuận làm việc bóc lột, hoặc gửi con đến trường học: họ rất sợ bị phát hiện và bị trục xuất. Nhưng Giáo Hội nói rất rõ: ngay cả những người không có giấy phép cư trú vẫn có các quyền căn bản của con người, mà kẻ khác không được chối bỏ các quyền này của họ.
|
|
“Em ngươi ở đâu?” Hôm nay chẳng ai trong thế giới của chúng ta cảm thấy mình có trách nhiệm về điều đó; chúng ta đã đánh mất ý thức về trách nhiệm đối với anh chị em mình. Chúng ta đã rơi vào thói đạo đức giả của vị tư tế và của thầy Lêvi phục vụ bàn thờ mà Đức Giêsu đã nói trong dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu. Chúng ta nhìn người anh em dở sống dở chết bên vệ đường, và có lẽ chúng ta nhủ thầm với mình rằng: “Tội nghiệp thay”, và rồi chúng ta tiếp tục con đường của mình. “Đó không phải là trách nhiệm của chúng ta”; và với ý nghĩ đó ta cảm thấy yên lòng, khuây khoả. Giáo hoàng Phanxicô, ở Lampedusa, 8 tháng 7, 2013
Hãy đón tiếp tất cả mọi người khách như đón Chúa Kitô, vì Ngài sẽ nói, “Ta là khách lạ, các con đã đón tiếp Ta” (Mt 25,35). Và ta hãy thể hiện vinh dự được đón tiếp mọi người, nhất là đối với các người trong cùng một gia đình đức tin và các khách hành hương. Thánh Bênêđictô Thành Nurcia (480-547), Quy luật Dòng
Tất cả chúng ta đều là người nước ngoài, hầu như ở khắp mọi nơi. Miếng dán xe hơi châu Âu
|
249 Cần đối xử với người di cư như thế nào cho phù hợp với sự hợp nhất của gia đình nhân loại? Thông thường những người di cư bị các nước từ chối, dù rằng việc đó có nghĩa là vi phạm nhân quyền. Vì vậy, nhiều người bị chết đuối khi đi từ châu Phi tới châu Âu hoặc, sau khi đến, họ được gửi tới các trại tị nạn với các điều kiện sống tồi tệ hoặc bị gửi trả về mà không cần xem xét đầy đủ các yêu cầu pháp lý của họ. Tuy nhiên, các Kitô hữu nhìn thấy, những người này không chỉ là công dân của một quốc gia mà là thành viên của gia đình nhân loại nữa. Đó là lý do tại sao bổn phận luân lý là cung cấp nơi trú ngụ cho những người phải chịu bách hại hoặc túng quẫn ở quê hương. Người ta không rời bỏ quê hương mà không có lý do. Bao lâu chưa có sự cộng tác quốc tế thật sự nhằm phát triển đúng nghĩa mọi dân tộc, người ta sẽ tìm cách di cư sang các nước khác để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.
TL 297, 298 GL 1911
|
|
Những người di cư và người tị nạn không phải là những con tốt trên bàn cờ của nhân loại. Họ là trẻ em, phụ nữ và những người đàn ông đã rời bỏ hoặc những người đang bị buộc phải lìa xa quê nhà vì những lý do khác nhau, có chung một mong muốn chính đáng để hiểu biết và sở hữu, nhưng trên hết là để tồn tại trong một cuộc sống phong phú hơn. Số lượng khổng lồ những người di cư từ lục địa này sang lục địa khác, hay di chuyển từ nơi này sang nơi khác trong phạm vi quốc gia của họ hoặc thay đổi chỗ ở giữa các khu vực địa lý, thật là ấn tượng. Thực tế của nạn di cư… cần được tiếp cận và quản lý theo một cách mới, công bằng, hiệu quả. Hơn bất cứ điều gì khác, vấn đề này kêu gọi sự hợp tác quốc tế, tinh thần liên đới và lòng cảm thông sâu sắc. Giáo hoàng Phanxicô, Thông điệp Ngày Thế giới Di dân, ngày 5 tháng 8, 2013
Tình trạng pháp lý không hợp cách không thể khiến người nhập cư mất đi phẩm giá của mình, vì người đó được ban cho các quyền bất khả xâm phạm, các quyền này không thể bị vi phạm hay bị bỏ qua. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005), Thông điệp Ngày Thế giới Di dân, năm 1996, đoạn 2
Khi có ngoại kiều cư ngụ với các ngươi trong xứ các ngươi, các ngươi đừng bức hiếp nó. Các ngươi phải đối xử với người ngoại kiều cư ngụ với các ngươi như với một người bản xứ, một người trong các ngươi; các ngươi phải yêu nó như chính mình, vì các ngươi đã từng là ngoại kiều tại đất Ai Cập: Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi. Lv 19,33
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con ẩn náu bên Ngài. Xin cứu vớt và giải thoát con khỏi tay mọi người đang đuổi bắt. Tv 7,2
|
250 Giáo Hội Công giáo tham gia lĩnh vực này như thế nào? Trong nhiều năm, trên toàn thế giới, Giáo hội Công giáo đã bênh vực những người di cư, bao gồm cả các nhóm “không có giấy tờ” hoặc “bất hợp pháp”. Khi làm như vậy, Giáo Hội trích dẫn nguyên tắc ưu tiên chọn lựa người nghèo và việc Chúa Giêsu đồng hoá với những người bị gạt ra bên lề và những người bị quên lãng. Giáo huấn Công giáo có thể tóm tắt trong một số điểm chính. Thứ nhất, người ta có quyền di cư để nâng đỡ bản thân và gia đình của họ. Thứ hai, các quốc gia có quyền điều tiết các biên giới của họ. Thứ ba, những người di cư và những người tị nạn phải được bảo vệ. Thứ tư, nhân quyền và nhân phẩm của người nhập cư không giấy tờ phải được tôn trọng. Về điểm cuối cùng này, như các giám mục Hoa Kỳ và Mexico đã tuyên bố: “Bất kể tình trạng pháp lý của họ, người di cư, giống như tất cả mọi người, có nhân phẩm gắn liền với bản tính nên phải được tôn trọng. Thường thì họ phải chịu pháp luật trừng phạt và sự hành xử khắc nghiệt của những viên chức thực thi pháp luật của cả nước tiếp nhận lẫn nước quá cảnh. Điều cần thiết là các chính sách của chính phủ phải tôn trọng các quyền cơ bản của những người không có giấy tờ” (Không còn là Khách Lạ: Cùng Lữ hành trên Đường Hy vọng, Thư Mục vụ về Di cư của các Giám mục Công giáo Mexico và Hoa Kỳ [2003], số 38; x. các số 35-37). Chỉ giúp đỡ các trường hợp cá nhân riêng lẻ thì không đủ; nhiệm vụ của Giáo Hội là nhắc nhở các nhà lập pháp hãy thông qua các đạo luật nhân đạo hơn.
|
|
Một lý thuyết về sự công bằng trong thương mại quốc tế nên trả lời ít nhất ba câu hỏi. Chúng ta phải xác định, ở mức cơ bản, điều gì được đánh giá là công bằng hay bất công trong bối cảnh kinh doanh? Việc đánh giá cơ bản này nêu lên vấn đề công bằng thuộc loại nào? Và, nếu một giao dịch thương mại được xem là công bằng theo nghĩa xác đáng, thì phải thoả mãn những nguyên tắc luân lý nào? Aaron Adams, giáo sư triết học chính trị người Mỹ
|
251 Các vấn đề nào phát sinh liên quan đến thương mại toàn thế giới? Theo sau việc toàn cầu hoá, các quan hệ thương mại giữa các quốc gia trên khắp thế giới cũng đã trở nên gần gũi hơn. Điều này đã giúp một số nước; tuy nhiên, tại nhiều nước khác, nó đã làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội và sinh thái. Tất nhiên, trong việc lựa chọn mua hàng của tôi với tính cách là một người tiêu dùng cá nhân, tôi có rất ít cơ hội tác động lên cách thức mà việc kinh doanh được tiến hành. Do đó, điều quan trọng là chính phủ các quốc gia phải giải quyết vấn đề này hoặc lập ra các tổ chức hỗ trợ cho các cơ cấu thương mại trở nên công bằng hơn.
TL 362-364
|
|
Số dư còn lại sau khi trừ ra chi phí kinh doanh đã bị chuyển từ khoản nghiên cứu sản phẩm sang khoản nghiên cứu thị trường. Điều này có nghĩa là hướng doanh nghiệp xa khỏi mục tiêu sản xuất sản phẩm có giá trị sang mục tiêu làm cho người tiêu dùng cảm thấy mình có giá trị. Việc kinh doanh của doanh nghiệp trở thành một thứ liệu pháp giả tạo. Còn người tiêu dùng, bệnh nhân của thứ liệu pháp giả tạo ấy lại được trấn an bởi các vở kịch tâm lý (các mẫu quảng cáo hấp dẫn trên các kênh truyền thông). Neil Postman (1931-2003), nhà lý thuyết người Mỹ về phương tiện truyền thông
Bạn muốn cho thế giới này thay đổi thì bạn hãy là sự thay đổi đó. Được cho là của Mahatma Gandhi
|
252 Thương mại công bằng là gì? Thương mại công bằng liên quan đến việc mua bán được thực hiện theo các nguyên tắc rõ ràng về công lý (công bằng). Các tổ chức thương mại công bằng xác định những nguyên tắc này và điều phối các quan hệ thương mại. Họ thúc đẩy sự công bằng rộng lớn hơn trong thương mại quốc tế bởi vì họ củng cố các quyền của những nhà sản xuất (như các chủ nông trại nhỏ và các chủ đồn điền) và góp phần vào sự phát triển bền vững ở các nước liên quan. Để đạt được điều này, họ dấn thân vào một cuộc đối thoại giữa các đối tác thương mại, gia tăng tính minh bạch trong các quan hệ sản xuất và thương mại, và cũng tôn trọng tất cả các bên có liên quan.
|
|
Sự khôn ngoan của một người có thể đo bằng sự quan tâm của người đó khi suy nghĩ về tương lai hoặc cân nhắc về sự kết thúc. Georg Christoph Lichtenberg (1742-1799), nhà khoa học Đức
Các phát minh từ lâu đã đạt đến giới hạn của chúng, và tôi thấy không có hy vọng phát triển hơn nữa. Julius Sextus Frontinus, kỹ sư La Mã vào năm 10 TCN
|
253 Những biện pháp nào được đưa ra nhằm thúc đẩy thương mại công bằng? Đầu tiên, cần tạo ra các cơ hội cho các nhà sản xuất gặp bất lợi về kinh tế được tham gia tích cực ở vị trí hàng đầu trong hệ thống thương mại và để họ trở nên độc lập hơn. Cũng cần khuyến khích các phương pháp sản xuất mang tính công bằng xã hội, các điều kiện làm việc thoả đáng (lương, giờ giấc làm việc, cấm lao động trẻ em, v.v.), và các quyền bình đẳng cho phụ nữ. Đồng thời, cần phát triển các tiêu chuẩn về môi trường. Sau cùng, cũng cần thiết lập các quan hệ “đối tác” dài hạn giữa các quốc gia.
|
|
Khi cây bắt đầu sống, nó không cao ngay được. Khi cây đã cao rồi, nó không trổ hoa liền. Khi cây đã nở hoa, nó không kết ngay trái. Khi đã ra được trái, chúng không chịu chín liền. Khi quả đã chín rồi, ta không ăn ngay được. Chân phước Egidio thành Assisi (chết 1262), bạn đồng hành của Thánh Phanxicô |
254 Thương mại công bằng hoạt động như thế nào? Thương mại công bằng giúp chống lại nạn nghèo đói trên một số lục địa, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Các điều kiện sống của các nhà sản xuất và người lao động ở nhiều nước đang phát triển nhờ đó được cải thiện và trở nên xứng đáng hơn. Ngoài ra, thương mại công bằng có thể góp phần thay đổi các mối quan hệ mà cán cân quyền lực bị nghiêng hẳn về một bên và do đó làm giảm bớt con số các nước bị lệ thuộc.
|
|
Ai thật lòng giúp đỡ, mới được quyền phê bình. Abraham Lincoln (1809-1865)
Nhìn đến bất cứ nơi nào trên trái đất này, ta thấy các cơ hội đều hình thành ngay trong chính các vấn đề. Nelson A. Rockefeller (1908-1979), Phó Tổng thống Hoa Kỳ
Sở dĩ có người được ngồi trong bóng mát hôm nay, là do ai đó đã trồng cây từ rất lâu rồi. Warren Buffett (sinh 1930)
Để nhìn rõ, thường thì chỉ cần thay đổi hướng nhìn là đủ. Antoine de Saint Exupéry (1900-1944)
|
255 Thương mại công bằng có đủ để giải quyết các vấn đề đói nghèo? Không, cho đến nay vẫn chưa thể giải quyết. Thương mại công bằng phải được phát triển hơn nữa để phát huy những hiệu quả tích cực của nó. Sẽ không đủ nếu chỉ có các tổ chức cá nhân và các công ty riêng lẻ cam kết tuân thủ các nguyên tắc đúng đắn. Về lâu về dài, tất cả các mối quan hệ thương mại trên toàn thế giới phải được hướng dẫn bởi các tiêu chí của thương mại công bằng. Để điều đó có thể xảy ra, điều cần thiết là các thành viên của cộng đồng quốc tế cũng phải hoạt động cho sự nghiệp này về mặt chính trị và hỗ trợ thương mại công bằng mạnh mẽ hơn hoặc chính họ cam kết thúc đẩy quan hệ thương mại nhân đạo và có trách nhiệm trong sự liên đới với tất cả các dân tộc. Họ đã thể hiện bước khởi đầu khá tốt. Điều quan trọng trong vài năm tới là làm sao cho càng nhiều người hơn tạo áp lực lên các thế lực chính trị và kinh tế bằng cách đòi hỏi, chỉ mua và chỉ sử dụng các sản phẩm đến từ thương mại công bằng.
“Adam, ngươi ở đâu?”, “Em ngươi đâu rồi?” Đây là hai câu hỏi mà Thiên Chúa nêu lên vào thuở bình minh của lịch sử nhân loại, và Ngài cũng gửi tới từng người trong thời đại chúng ta, Ngài hỏi cả chúng ta nữa. Nhưng tôi muốn chúng ta đặt câu hỏi thứ ba: “Ai trong chúng ta đã khóc vì tình trạng này và những thảm trạng khác giống như thế?”. Ai trong chúng ta đau buồn vì cái chết của những người anh chị em này? Ai trong chúng ta đã khóc vì những con người khốn khổ lênh đênh trên thuyền? Vì những bà mẹ trẻ mang theo con nhỏ của họ? Vì những người đàn ông muốn tìm kiếm phương tiện để nuôi sống gia đình? Chúng ta là một xã hội đã không còn biết khóc, đã quên kinh nghiệm cảm thông – “đồng cam cộng khổ với” người khác: thật là một thứ toàn cầu hoá của thái độ dửng dưng! Giáo hoàng Phanxicô tại Lampedusa, ngày 8 tháng 7, 2013
|
|
Trích dẫn các văn kiện quan trọng của Giáo Hội
9
CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ
Pacem in Terris Quyền di cư và nhập cư
Mỗi người có quyền tự do di chuyển và cư trú trong phạm vi lãnh thổ quốc gia của mình. Khi có những lý do hợp lý, người đó phải được phép di cư đến nước khác và định cư ở đó (x. Giáo hoàng Piô XII, Thông điệp Lễ Giáng Sinh 1952). Việc một người là cư dân của một nước không thể lấy đi khỏi người ấy quyền là thành viên của gia đình nhân loại, hay quyền công dân trong xã hội hoàn vũ, trong mối liên hệ chung với đồng loại toàn cầu.
Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris (1963), 12
Pacem in Terris Quyền của người tị nạn
Vì vậy, thế giới cần lưu tâm đến sự thật rằng những người tị nạn [chính trị] này là con người và tất cả nhân quyền của họ phải được công nhận. Dân tị nạn không thể mất những quyền này chỉ vì họ bị tước đoạt quyền công dân nơi bản xứ của họ. Và trong số những quyền cá nhân của một người, chúng ta phải gồm cả quyền được vào một nước mà tại đó người ấy hy vọng có thể chu cấp cho bản thân và gia đình một cách thích đáng. Do đó, nghĩa vụ của các viên chức Chính phủ là chấp nhận những người nhập cư này và – trong chừng mực mà lợi ích chung, hiểu một cách đúng đắn, của cộng đồng nước đón nhận cho phép – họ nên giúp xúc tiến những mục tiêu của những người ao ước trở thành những thành viên của xã hội mới.
Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris (1963), 57
Centesimus Annus Phát triển tất cả trong tình liên đới
Cuối cùng, chúng ta không được hiểu sự phát triển chỉ theo nghĩa kinh tế, nhưng trong tính toàn vẹn của con người. Đấy không chỉ là vấn đề nâng tất cả các dân tộc lên tầm mức của các nước giàu nhất, mà hơn thế, là xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn bằng lao động liên kết với nhau, là thăng hoa cách cụ thể phẩm giá và năng lực sáng tạo của mỗi người, cũng như khả năng đáp trả thiên hướng cá nhân và cũng là ơn gọi của Thiên Chúa. Chóp đỉnh của sự phát triển là thực hiện quyền và bổn phận tìm kiếm Thiên Chúa, hiểu biết về Ngài, và sống đúng theo mức độ hiểu biết đó.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus (1991), 29
Centesimus Annus Bình đẳng trong việc tiếp cận thị trường
Ngay cả trong những năm gần đây, người ta vẫn còn cho rằng những nước nghèo nhất sẽ phát triển bằng cách tự cô lập với thị trường thế giới và chỉ dựa vào các nguồn lực của riêng mình. Kinh nghiệm gần đây cho thấy những nước nào làm như thế đã phải chịu tình trạng trì trệ và suy thoái, trong khi đó những nước có tiến bộ lại là những nước thành công trong việc tham gia vào các hoạt động kinh tế tương tác với nhau ở cấp quốc tế. Do đó, dường như vấn đề chủ yếu là giành được sự bình đẳng trong việc tiếp cận thị trường quốc tế, không dựa trên kiểu đơn phương khai thác tài nguyên thiên nhiên tại những nước này, nhưng trên nguyên tắc sử dụng đúng đắn nguồn nhân lực.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus (1991), 33
Centesimus Annus Cơ hội kinh tế
Tình yêu thương đối với tha nhân, trước hết với người nghèo, mà ở nơi họ, Giáo Hội nhìn thấy chính Đức Kitô, được cụ thể hoá trong việc đẩy mạnh công lý. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ đạt đến công lý trọn vẹn trừ khi người ta biết nhìn người nghèo – đang xin giúp đỡ để sống sót – không như gánh nặng hay điều phiền toái, mà như một dịp may thể hiện lòng tốt và cơ hội làm phong phú thêm đời sống. Chỉ sự nhận thức như thế mới có thể mang lại lòng can đảm để đối diện với mọi nguy cơ và đổi thay gắn liền với mỗi nỗ lực đích thực trợ giúp kẻ khác. Đấy không chỉ là chuyện “cho đi từ của cải dư thừa”, nhưng là việc hỗ trợ cả dân tộc hiện đang bị loại trừ và cách ly khỏi phạm vi phát triển kinh tế và con người. Để làm được điều đó, dựa vào nguồn hàng hoá thặng dư thế giới đã sản xuất thừa trên thực tế, là không đủ; mà trên hết, là cần thay đổi các lối sống, các mô hình sản xuất và tiêu thụ, cũng như các cơ cấu quyền lực đã được lập ra đang chi phối các xã hội hiện nay.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus (1991), 58
Caritas in Veritate Sự thật và phát triển
Phát triển, phúc lợi xã hội, việc đi tìm một giải pháp thoả đáng cho những vấn đề kinh tế-xã hội nghiêm trọng đang bủa vây nhân loại, tất cả những điều đó đều cần sự thật. Điều cần hơn thế nữa, đó là sự thật này phải được yêu mến và biểu lộ ra. Không có sự thật, không có niềm tin tưởng và lòng yêu mến những gì là chân thật, thì sẽ chẳng có lương tâm và trách nhiệm xã hội, và hoạt động xã hội chỉ dừng lại ở chỗ phục vụ cho lợi ích riêng tư và cho lý lẽ của quyền lực, đưa tới sự phân hoá xã hội, đặc biệt trong một xã hội được toàn cầu hoá tại những thời điểm khó khăn như hiện nay.
Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (2009), 5
Caritas in Veritate Một xã hội ngày càng toàn cầu hoá
Trong một xã hội mà hiện tượng toàn cầu hoá ngày một gia tăng, công ích và nỗ lực để đạt đến ích chung không thể không mang lấy những chiều kích của toàn thể gia đình nhân loại, nghĩa là cộng đồng các dân tộc và quốc gia, theo cách mà có thể định hình thành đô trần thế trong sự hợp nhất và hoà bình, khiến cho thành đô này, trong mức độ nào đó, trở thành điềm tiên báo và dấu chỉ cho thành đô không bị chia cắt của Thiên Chúa.
Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (2009), 7