10/01/2025

Hoa giấy của cô gái chỉ nặng 10kg

Vượt qua giới hạn của cơ thể chỉ nặng 10kg bị liệt phải nằm một chỗ, chị Hoà tự học chữ, làm thơ, viết truyện ngắn, rồi rủ người khuyết tật cùng làm hoa giấy bán kiếm tiền để không trở thành gánh nặng cho gia đình.

 

Hoa giấy của cô gái chỉ nặng 10kg

 Vượt qua giới hạn của cơ thể chỉ nặng 10kg bị liệt phải nằm một chỗ, chị Hoà tự học chữ, làm thơ, viết truyện ngắn, rồi rủ người khuyết tật cùng làm hoa giấy bán kiếm tiền để không trở thành gánh nặng cho gia đình.

 

 

 

Hoa giấy của cô gái chỉ nặng 10kg
Bàn tay chị Nguyễn Thị Hòa tỉ mỉ cắt những cánh hoa giấy – Ảnh: N.NAM

Gần ba năm nay, những giỏ hoa giấy nhiều màu sắc mang thương hiệu Ngọc Hòa được nhiều người biết đến hơn khi câu chuyện vượt lên số phận của người làm ra nó lan truyền trong cộng đồng.

Làm hoa là làm đẹp 
cho đời

Đó là chị Nguyễn Thị Hòa (37 tuổi, trú ở thôn Tú Đôi, xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thuỵ, TP Hải Phòng).

Bị bại liệt sau một trận ốm nặng, thế giới của chị Hoà chỉ gói gọn trong chiếc giường nhỏ, mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ vào sự giúp đỡ của người thân. Cô gái kém may mắn này tự học làm hoa giấy để bán kiếm tiền trang trải sinh hoạt cá nhân.

 

“Tôi biết đến công việc này khá tình cờ khi một người bạn mang những giỏ hoa giấy tới đặt vấn đề thuê tôi rao bán trên Facebook. Không muốn lấy cái mác người khuyết tật rủ lòng thương hại của cộng đồng nên tôi từ chối và mày mò học cách làm” – Hòa kể.

Bàn tay dị dạng, mềm như bún của chị cầm chiếc kéo nhỏ cắt thuần thục những mảnh giấy màu thành bông hoa năm cánh, rồi xâu vào chiếc giỏ vốn là cái chai nhựa cắt sợi sẵn trước khi đính hạt nhựa và dán keo. Hoà phải mất một tuần đầu tiên chỉ học cách cắt hoa cho đẹp, rồi cách cầm kéo không bị rơi, nhiều lúc ngón tay bị trầy da chảy máu nhưng quyết không bỏ cuộc.

Làm lẵng hoa để bàn, chùm hoa treo tường, rồi làm móc chìa khóa hình quả dâu tây, quả dứa thờ bằng kẹo ngọt, chị cho biết mỗi ngày tập trung có thể làm được hai lẵng hoa, làm xong thường chụp ảnh lại và giới thiệu trên Facebook.

Việc làm hoa giấy giúp chị có thêm thu nhập để tự trang trải cuộc sống và thời gian trôi đi không vô ích. Căn nhà cấp 4 cũ kỹ của gia đình chị như tươi mới hơn khi treo những giỏ hoa giấy rực rỡ sắc màu.

Tiếng lành đồn xa, công việc làm hoa giấy của chị H thuận lợi, làm không xuể khi có nhiều người đặt hàng, có khách ở tận Hà Tĩnh, Ninh Thuận, TP.HCM, thậm chí bên Mỹ, Pháp… đặt mua.

Nằm một chỗ nhưng H điều tiết công việc đâu vào đấy, nhờ người quen mua giấy, túi hạt nhựa, súng dán keo, xin chai nhựa về hướng dẫn em dâu cắt tạo dáng thành lẵng, giỏ hoa, rồi đóng gói hàng ra bưu điện gửi cho khách.

Muốn chia sẻ cơ hội với những người đồng cảnh ngộ như mình, H nhờ cha mẹ đến nhà một số người khuyết tật trong làng rủ đến nhà cùng làm hoa để có tiền, bớt phần gánh nặng cho gia đình.

“Ý tưởng của mình muốn lập ra nhóm khuyết tật làm hoa giấy để không lãng phí thời gian và cho mọi người thấy tàn nhưng không phế” – Hoà nói. Một số người đã đến thử làm nhưng đều bỏ cuộc. Hiện một người bị nhiễm chất độc da cam đang cùng làm với chị.

Giờ không còn ai nói tôi là “quái thai” nữa. Tôi thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn khi đôi tay đã làm ra những giỏ hoa làm đẹp cho đời.

Chị Nguyễn Thị Hoà

“Tự mình vượt qua 
sự ngu dốt”

Cảm phục câu chuyện của chị H, chị Đặng Thị Tuyền, chủ một quán cà phê ở ngõ Đồng Tâm (Lạch Tray, TP Hải Phòng), đã mời chị H đến giao lưu với các bạn trẻ như là cách để truyền cảm hứng, nghị lực sống vươn lên.

“Chị Hòa có một sức sống, trải nghiệm rất kỳ lạ. Cái hay nhất là trước mọi người chị ấy nói rất rõ ràng là: “Tôi là một người rất thông minh”. Chị ấy nói về khuyết tật như một trải nghiệm chứ không phải thứ ám ảnh. Đó là đỉnh cao của ý chí sống” – chị Tuyền chia sẻ.

Trước đây, một vài người từng đến nhà thuyết phục chị đi các lễ hội để xin tiền nhưng đều bị từ chối vì không muốn dùng cơ thể khiếm khuyết của mình để nhận lòng thương hại của người khác. Ít ai biết rằng cô gái như trẻ lên 3 này còn tự học chữ.

“Tôi còn nhớ một bác thương binh trong làng đến cho tôi một quyển vở và nói với tôi rằng phải tự mình vượt qua sự ngu dốt. Tôi đã tự mày mò học viết chữ, sau rất nhiều lần “vẽ” chữ to, chữ bé cuối cùng cũng thành công” – H kể và cho biết mỗi lần viết chữ phải kê cằm lên một hộp giấy làm điểm tựa.

Từ khi biết chữ chị làm thơ, viết truyện ngắn trên những trang giấy ô li lấy lại từ quyển vở thừa của đứa cháu.

Nguyễn Công Long (sinh viên khoa kinh tế ĐH Hàng hải VN) khâm phục tinh thần của chị H: “Chị H có một sức sống phi thường. Chị có nghị lực và rất thông minh. Sản phẩm của chị làm rất đẹp. Mình cũng đã giới thiệu và bán hoa cho chị ấy”.

Thêm nhiều bạn mới

Ông Nguyễn Đình Nghĩa (63 tuổi, cha của chị Hoà) cho biết thấy con gái tuy tàn tật nhưng ham học hỏi, vượt lên chính mình nên gia đình rất ủng hộ, mượn Truyện Kiều, sách giáo khoa tiếng Việt rồi làm cả tủ đựng sách để cho con gái học.

Những tháng ngày buồn lặng lẽ trôi đi trong ký ức, chị không còn phải chơi với người bạn duy nhất là… con mèo mướp nữa khi có nhiều người bạn kết bạn, trò chuyện cùng chị qua Facebook.

Nhiều người đến nhà đưa chị đi ngắm biển, chơi công viên, thăm phố xá, có bác sĩ ở TP.HCM cũng hỗ trợ toàn bộ chi phí cho chị vào TP.HCM khám bệnh, rồi có Việt kiều quen qua Facebook sống ở London (Anh) về thăm quê cũng ghé thăm chị.

NHÃ NAM