12/01/2025

Dân thức trắng đêm chống “cát tặc”

Bức xúc trước việc đất đai, nhà cửa… thường xuyên bị nước cuốn trôi do tình trạng “cát tặc”, người dân ở ấp Tân Bắc, xã Tân Phú, H.Châu Thành (Bến Tre) hùn nhau mua ghe, thành lập tổ tuần tra chống “cát tặc”.

 

Dân thức trắng đêm chống “cát tặc”

Bức xúc trước việc đất đai, nhà cửa… thường xuyên bị nước cuốn trôi do tình trạng “cát tặc”, người dân ở ấp Tân Bắc, xã Tân Phú, H.Châu Thành (Bến Tre) hùn nhau mua ghe, thành lập tổ tuần tra chống “cát tặc”.




Tổ tuần tra thức trắng đêm chống “cát tặc”ẢNH: PHẠM HỮU

Bất lực nhìn đất bị “hà bá” nuốt
Tổ 8 (ấp Tân Bắc, xã Tân Phú) là vùng đất sum suê cây trái, nhưng cũng là điểm nóng về sạt lở đất trong thời gian qua do nạn khai thác cát bừa bãi. Ông Nguyễn Văn Lai, tổ trưởng tổ 8, cho biết phần đất của ông có mặt tiền dài 200 m nằm dọc sông Tiền, đến nay đã bị sạt lở hàng ngàn mét vuông. Dẫn chúng tôi đi khảo sát, ông Lai chỉ nhiều điểm đất nằm tiếp giáp với sông, bị ngoạm sâu, tạo thành hàm ếch. Nhiều cây trồng cùng các mảng đất sát mép đều nằm lọt thỏm dưới dòng nước.
Ông Nguyễn Văn Đen (57 tuổi, ngụ tổ 8, ấp Tân Bắc) cho rằng tình trạng khai thác cát tràn lan khiến đất nhà ông mất đi đáng kể. Mảnh vườn rộng 5.200 m2 đất trồng chôm chôm của gia đình ông, đến nay chỉ còn lại trên dưới 3.000 m2. Ông Đen đã bỏ hàng chục triệu đồng mua đá tảng đắp kè nhưng cũng không giữ đất nổi bởi nạn hút cát. Ông Dương Văn Sổ (81 tuổi, nhà ở cạnh bên) dù đã 3 lần dời nhà, nhưng hiện nay ngôi nhà của ông chỉ nằm cách bờ sông khoảng 5 m. “Nếu bây giờ đất tiếp tục bị lở nữa thì coi như tôi mất nhà, mất đất luôn”, ông Sổ lo lắng.
Theo ông Nguyễn Văn Lai, hầu hết các hộ dân tổ 8 sống dọc sông Tiền đều bị mất hàng ngàn mét vuông đất vườn mỗi hộ vì sạt lở. Đặc biệt, nhà của anh Nguyễn Văn Phong nửa căn bị sụp xuống sông, nửa còn lại có nguy cơ tiếp tục sập khiến gia đình anh phải bỏ xứ đi nơi khác lập nghiệp.
Dân thức trắng đêm  chống “cát tặc” - ảnh 2

Ông Phạm Văn Đen chỉ về phần đất bị sạt lở của mình

Tuần tra giữ đất
Trước tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng do nạn hút cát trái phép tràn lan, ngày 18.5.2017, các hộ dân trong ấp Tân Bắc đã tình nguyện phối hợp với chính quyền địa phương thành lập tổ tuần tra chống hút trộm cát. Tổ tuần tra gồm 12 thành viên do ông Nguyễn Văn Lai làm tổ trưởng. Các thành viên gom góp tiền bạc cùng sự hỗ trợ từ UBND xã Tân Phú mua một chiếc ghe để tuần tra. Chi phí nhiên liệu cũng do các hộ đóng góp. Tổ cũng trang bị áo phao mượn từ trạm y tế xã cho mỗi thành viên.
Theo ông Lai, các ghe hút cát thường hoạt động tấp nập vào nửa đêm cho đến rạng sáng. Có đêm tiếng ghe đi lại và tiếng máy hút cát gầm rú vang cả một khoảng không. Tuy vậy, từ khi thành lập tổ đến nay, vấn nạn “cát tặc” có phần giảm bớt. “Hồi chưa lập tổ, có lần chúng tôi ra xua đuổi thì bị bọn chúng hăm doạ, đòi đốt nhà. Thậm chí chúng còn xách mã tấu, xịt nước làm tụi tôi te tua”, ông Lai nói.
Mỗi đêm, ông Lai cùng các tổ viên tuần tra đến sáng sớm. Những khi không sử dụng ghe, các thành viên chia nhau canh gác. Hễ có tiếng động lạ, người trực sẽ báo hiệu cho các thành viên khác để chuẩn bị xuất quân.
Đêm 13.7, để bắt quả tang “cát tặc”, ông Lai tổ chức tuần tra bí mật. Đến sát giờ lên đường, ông Lai gọi điện cho ông Tư Dần, Đen, Chính, Bé Năm chuẩn bị. Ông Đen sắp xếp ghe máy, các thành viên khác chuẩn bị áo phao và đèn chiếu sáng. Để không bị “động”, ông Lai không nổ máy, lấy sào đẩy ghe âm thầm ra khỏi rạch nhỏ. Tuy nhiên, thoáng thấy chiếc xuồng nhỏ cảnh giới đang neo gần đó của bọn cát tặc, ông Lai phải thay đổi kế hoạch, cho ghe vượt sông chạy về hướng H.Cai Lậy (Tiền Giang) một đoạn xa rồi neo đậu quan sát.
Đến 1 giờ ngày 14.7, ông Lai nổ máy cho ghe quay về lại ấp Tân Bắc để tuần tra. Khoảng 3 giờ, các thành viên lên bờ nghỉ ngơi. Còn ông Lai quyết ở lại ghe để canh chừng. Vài phút sau, một chiếc ghe hút cát lướt nhanh qua chỗ ông Lai rọi đèn thám thính. Nhưng khi thấy ông Lai, chiếc ghe này lập tức quay đầu ra hiệu cho 2 chiếc ghe đi sau tránh né, bỏ đi. Suốt đêm canh thức như thế, tuy chưa bắt được quả tang nhưng những kẻ hút cát lậu cũng không dám lộng hành.
Dân thức trắng đêm  chống “cát tặc” - ảnh 3

Người dân sử dụng đá để chống sạt lở

Chính quyền và dân cùng làm
Ông Trần Hoàng Liêm, Chủ tịch UBND xã Tân Phú, thừa nhận tình hình khai thác cát trên địa bàn diễn biến phức tạp. Công tác đấu tranh gặp nhiều khó khăn do thiếu phương tiện, lực lượng mỏng trong khi diện tích xã khá lớn, có khi tuần tra phải mượn phương tiện ở nơi khác. Năm 2016, xã có phối hợp với lực lượng của huyện bắt, xử phạt 9 trường hợp khai thác cát trái phép. “Do nhiều hộ dân bức xúc với tình trạng sạt lở đất nên chúng tôi cùng người dân nghĩ ra ý tưởng thành lập đội “giữ đất” tại chỗ. Theo đó, xã vận động bằng hình thức xã hội hóa để mua chiếc ghe làm phương tiện tuần tra”, ông Liêm nói.
Theo ông Liêm, từ khi thành lập tổ đến nay, chỉ cần 2 cán bộ, chiến sĩ công an là xử lý được, thay vì phải phối hợp nhiều lực lượng như quân sự, công an… rất mất thời gian, nhân lực. Khi người dân phát hiện có người hút cát trộm, chỉ cần gọi điện, công an xã sẽ cử người đến phối hợp với dân để xử lý. Ông Liêm cho biết thêm, sau khi thành lập tổ tuần tra chống cát tặc, tình trạng khai thác cát trái phép đã giảm hẳn.
Tỉnh cấm xuất cát, doanh nghiệp lo lắng
Ngày 17.7, ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Định, cho hay vừa nhận được văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ban hành ngày 14.7 về việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác cát xây dựng của các doanh nghiệp trên địa bàn, không được xuất bán cát ra ngoài tỉnh. Cục Hải quan, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Bình Định và các cảng biển trên địa bàn không được làm thủ tục vận chuyển cát xây dựng ra khỏi địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó tổng giám đốc cảng Quy Nhơn, cũng cho hay  đơn vị này đã dừng làm thủ tục vận chuyển cát ra ngoài tỉnh ngay sau khi nhận được quyết định này.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khai thác, mua bán loại vật liệu này lo lắng. “Vừa rồi, tại các tỉnh phía nam thiếu hụt cát nên tôi có bán cát xây dựng cho một số doanh nghiệp ở TP.HCM. Có một doanh nghiệp ở TP.HCM cách đây một tuần đã tập kết cát ở cảng Quy Nhơn, chờ tàu vào chở đi. Nhưng họ vừa than thở với tôi là sẽ không đưa cát đi ra khỏi tỉnh Bình Định được”, ông Nguyễn Quang Hiếu – Giám đốc Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Hiếu Ngọc, nói.
Theo tìm hiểu của PV, doanh nghiệp ở TP.HCM mà ông Hiếu nhắc đến đã mua của Công ty Hiếu Ngọc tổng cộng 2.340 m3 cát xây dựng. Số cát này được tập kết, đưa vào container tại cảng Quy Nhơn từ ngày 14 – 15.7 và tàu hàng sẽ vận chuyển đi TP.HCM vào ngày 22.7. Hiện đơn vị vận tải chưa biết có được xuất cát đi hay không.
Hoàng Trọng

 

Phạm Hữu