12/01/2025

Phát hiện ngôi sao nhỏ kỷ lục

Các nhà khoa học vừa xác định ngôi sao nhỏ nhất từng được phát hiện từ trước đến nay, với kích thước chỉ nhỉnh hơn sao Thổ và ở cách trái đất khoảng 600 năm ánh sáng.

 

 

Phát hiện ngôi sao nhỏ kỷ lục

Các nhà khoa học vừa xác định ngôi sao nhỏ nhất từng được phát hiện từ trước đến nay, với kích thước chỉ nhỉnh hơn sao Thổ và ở cách trái đất khoảng 600 năm ánh sáng.


 

So sánh kích thước của sao Mộc, sao Thổ, sao EBLM J0555-57Ab, sao TRAPPIST-1 (từ trái sang phải) /// Ảnh: Astronomy & Astrophysics

So sánh kích thước của sao Mộc, sao Thổ, sao EBLM J0555-57Ab, sao TRAPPIST-1 (từ trái sang phải)ẢNH: ASTRONOMY & ASTROPHYSICS

Ngôi sao tí hon, được đặt tên là EBLM J0555-57Ab, là một phần tử của hệ sao đôi, xoay quanh người anh em lớn xác hơn. Kích thước khiêm tốn của ngôi sao này thực sự đã mở mang kiến thức mới cho giới khoa học gia trên trái đất, cho thấy một vì sao có thể bé đến mức nào, theo báo cáo đăng trên chuyên san Astronomy & Astrophysics. “Phát hiện của chúng tôi cho thấy giới hạn có thể về kích thước của một ngôi sao”, theo một thành viên của nhóm nghiên cứu là nhà thiên văn học Alexander Boetticher của Đại học Cambridge (Anh).

Chỉ cần trọng lượng của nó thấp hơn mức hiện tại, ngôi sao sẽ không thể nào duy trì phản ứng nhiệt hạch của hydrogen ở lõi và biến thành sao lùn nâu. Đó là lý do tại sao các sao lùn nâu thường bị gọi là sao xịt. Thế nhưng bất chấp tỷ lệ bé xíu, EBLM J0555-57Ab vẫn xoay xở duy trì được phản ứng chuyển hóa từ hydrogen thành helium ở trung tâm thiên thể. Và cũng vì thế dù chật vật giữ được hạng sao, EBLM J0555-57Ab tỏa ánh sáng đặc biệt mờ nhạt, yếu hơn gấp từ 2.000 – 3.000 lần so với mặt trời của chúng ta.
Kết hợp với vị trí của nó quá sát thành viên lớn hơn là EBLM J0555-57A, thật sự quả là một kỳ tích khi ngôi sao tí hon lọt vào tầm quan sát của các chuyên gia trái đất. “Cũng giống như cố gắng tìm ra một ánh nến leo lét bên cạnh ngọn hải đăng chói lòa”, theo Đài CBS News dẫn lời một thành viên khác là tiến sĩ Amaury Triaud của Đại học Cambridge.
Trên thực tế, trước khi đội ngũ chuyên gia xác định được tình trạng của EBLM J0555-57Ab, chẳng ai nghĩ ra rằng họ đang quan sát một ngôi sao thực thụ khi nó di chuyển trước mặt ngôi sao lớn hơn.
“Nó trông giống như một hành tinh”, theo tiến sĩ Triaud. Kết quả phân tích sau đó cho thấy ngôi sao bé xíu có tỷ số khối tương tự sao TRAPPIST-1 nổi tiếng, vốn được xem là phiên bản thứ hai của hệ mặt trời, nhưng bán kính của EBLM J0555-57Ab nhỏ hơn đến 30%.
Nhỏ bé, mờ nhạt, những ngôi sao này được liệt vào nhóm ứng viên hoàn hảo cho phép sự sống sinh sôi, do toả ra ánh sáng ôn hoà làm tăng khả năng xuất hiện nước trên các bề mặt hành tinh. Dù được xem là dạng sao phổ biến nhất trong vũ trụ, vẫn còn nhiều điều con người chưa hiểu hết về chúng, một phần do ánh sáng toả ra quá yếu ớt.
May mắn là ít nhất các chuyên gia đã tìm được một đại diện của chúng, cho phép họ bắt tay nghiên cứu rõ hơn những hệ mặt trời nhiều khả năng mang lại sự sống.

Hạo Nhiên