Kiểm tra xử lý việc khai thác vỏ trai
Huyện đảo Phú Quý đề nghị lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển đưa tàu ra các khu vực đảo chìm ở quần đảo Trường Sa để tuần tra, phát hiện và xử lý thật nghiêm các hành vi khai thác, thu mua vỏ trai tai tượng.
Kiểm tra xử lý việc khai thác vỏ trai
Huyện đảo Phú Quý đề nghị lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển đưa tàu ra các khu vực đảo chìm ở quần đảo Trường Sa để tuần tra, phát hiện và xử lý thật nghiêm các hành vi khai thác, thu mua vỏ trai tai tượng.
Ông Ngô Văn Thính (ở xã Long Hải, H.Phú Quý, Bình Thuận), thuyền trưởng tàu BTh-97351.TS khai thác hải sản ở Trường Sa, cho biết từ đầu năm 2016, nhiều tàu của ngư dân trong xã bỏ nghề cá để ra các bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa khai thác vỏ trai tai tượng hoá thạch, mang về bán cho các thương lái ở TP.Phan Thiết. Ban đầu, khai thác kiểu thủ công bằng xẻng, xà beng nhưng sau ngư dân dùng máy để khai thác nhanh hơn.
Xẻng, xà beng và máy thổi
Thuyền trưởng tàu BTh-96689.TS Trần Quang Phố (cũng ở Long Hải, Phú Quý) lắc đầu: “Vỏ trai tai tượng hóa thạch nằm ở tầng đáy biển, là phần cốt nền cho san hô sinh sống phía trên và cũng là nơi trú ngụ của rất nhiều loài cá, tôm, cua, ốc, hải sâm… Để lấy được vỏ trai, phải phá bỏ lớp san hô và xáo trộn lớp cát bề mặt đáy. Máy thổi cát làm cả khu vực khai thác đục ngầu, cá tôm hoặc bỏ đi xa, hoặc sặc cát mà chết. Tàu đánh bắt hải sản ở gần tàu khai thác vỏ trai tai tượng trong khoảng cách 7 – 10 hải lý là không thể tìm thấy sinh vật nào”.
“Hiện ở H.Phú Quý có khoảng 20 tàu thuyền (chủ yếu trên địa bàn xã Long Hải) đang khai thác vỏ sò tai tượng ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa”, thượng tá Nguyễn Trung Kiên, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý, thông tin với chúng tôi ngày 13.7. Cũng theo thượng tá Kiên, cuối năm 2016, các tàu thuyền này chở nguyên mảnh vỏ hoá thạch (có khi nặng đến vài tạ) về bán tại cảng cá TP.Phan Thiết rất công khai. Sau khi Báo Thanh Niên có bài viết phản ánh, họ chuyển sang phương thức hoạt động lén lút, chuyên chở về bờ, hoặc qua tàu thu mua hải sản trên biển hoặc giấu dưới khoang, phía trên phủ cá và đá bảo quản. “Cuối chuyến biển, chỉ một số ít tàu thuyền khai thác trực tiếp vận chuyển vỏ trai tai tượng (chủ yếu là màu trắng đã hoá thạch) vào đất liền bán cho thương lái. Trong quá trình vận chuyển về bờ, họ hiếm khi ghé vào đảo Phú Quý, nếu có ghé cũng chỉ trong thời gian rất ngắn vào ban đêm nên việc kiểm tra phát hiện, xử lý là vô cùng khó khăn”, thượng tá Kiên nói.
Cuối năm 2016, Bộ NN-PTNT đã có văn bản yêu cầu tỉnh Bình Thuận kiểm tra báo cáo và chấn chỉnh tình trạng này. Để đối phó lực lượng chức năng, ngư dân khai thác mang máy cưa theo tàu, khi vớt vỏ trai chỉ chọn những mảnh vỏ có phần màu đỏ, cưa ngay trên tàu và vứt lại phần màu trắng xuống biển. Phần màu đỏ có giá sẽ giấu trên tàu để mang lên bờ bán. Thời điểm loại vỏ trai này giá cao (1,6 – 2 triệu đồng/kg), một số tàu hậu cần mang biển số Bình Thuận còn ra tận Trường Sa thu mua trực tiếp. Giữa tháng 7.2017, giá mua phần màu đỏ trong vỏ trai tai tượng dao động từ 900.000 – 1 triệu đồng.
Kiểm tra, xử lý nghiêm
Chủ tịch UBND H.Phú Quý Tạ Minh Nhật nói: “Các tàu thuyền của ngư dân Phú Quý tham gia khai thác vỏ trai tai tượng ở quần đảo Trường Sa đã được chúng tôi tuyên truyền, bắt ký cam kết và họ thừa biết hành vi khai thác vỏ trai tai tượng sẽ phá hủy rạn san hô, rạn đá ngầm, ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái… Nhưng vì lợi nhuận cao, họ vẫn phớt lờ”.
Trước tình trạng trên, UBND H.Phú Quý chỉ đạo tăng cường tuần tra nhằm phát hiện, xử lý các tàu thuyền tham gia khai thác vỏ trai tai tượng. “Để ngăn chặn có hiệu quả và chấm dứt tình trạng khai thác vỏ trai tai tượng như hiện nay, chúng tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền yêu cầu các lực lượng đóng quân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi khai thác vỏ trai tai tượng thuộc khu vực mình quản lý. Đề nghị lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển đưa tàu ra khu vực các đảo chìm ở quần đảo Trường Sa tuần tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm khắc các hành vi khai thác, thu mua vỏ trai tai tượng”, ông Nhật nói.
Trong khi đó, thượng tá Nguyễn Trung Kiên kiến nghị có chế tài cụ thể về hành vi vi phạm để biên phòng xử phạt thật nặng. “Thậm chí thu ghe thuyền, truy tố đối tượng vi phạm chứ không chỉ dừng ở mức phạt hành chính, khiến ngư dân “lờn thuốc” và tiếp tục vi phạm”, thượng tá Kiên dứt khoát.
Một số vụ vi phạm điển hình
Ngày 20.5.2017, trên vùng biển Long Hải (Phú Quý), các cán bộ Trạm quản lý – bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý đã kiểm tra phát hiện tàu cá BTh-97688.TS do ông Lê Nhi làm thuyền trưởng chở khoảng 10 tấn vỏ trai tai tượng đã hóa thạch. Trung uý Lê Cảnh Việt, người trực tiếp xử lý vụ việc, cho biết thuyền trưởng khai việc khai thác vỏ trai tai tượng trái phép ở rạn đá ngầm Trường Sa và hoạt động sai nội dung ghi trong giấy phép khai thác thủy sản.
Cùng ngày 20.5, Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Phú Quý đã lập biên bản ông Đỗ Thanh Sung (ở Tân Hải, Long Hải, Phú Quý), thuyền trưởng tàu BTh-98684.TS về hành vi khai thác, huỷ hoại trái phép rạn đá ngầm, rạn san hô, bãi thực vật ngầm và thu giữ 2 tấn vỏ trai tai tượng đã hoá thạch.
Đêm 1.7, tại khu vực cảng cá Phan Thiết (P.Đức Thắng, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), lực lượng chức năng phát hiện tàu cá mang số hiệu BTh-97688.TS cũng của ông Lê Nhi (27 tuổi, thường trú H.Phú Quý) làm thuyền trưởng đang bốc dỡ khoảng 50 tấn vỏ trai tai tượng lên xe để đưa đi tiêu thụ. Theo lời khai ban đầu, số vỏ trai tai tượng này được khai thác ở khu vực đảo Trường Sa của VN, đưa vào bờ để bán cho thương lái Trung Quốc.
|
Mai Thanh Hải – Độc Lập