29/11/2024

Formosa đứng đầu các vụ gây ô nhiễm năm 2016

Tại danh mục các vụ gây ô nhiễm môi trường nổi cộm, sự cố môi trường biển miền Trung do nước thải công nghiệp của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra được xếp đứng đầu.

 

Formosa đứng đầu các vụ gây ô nhiễm năm 2016

Tại danh mục các vụ gây ô nhiễm môi trường nổi cộm, sự cố môi trường biển miền Trung do nước thải công nghiệp của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra được xếp đứng đầu.

 

 

 

Formosa đứng đầu các vụ gây ô nhiễm năm 2016
Ông Nguyễn Hữu Thành (60 tuổi, xã Lộc Thuỷ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) với cá biển chết dạt vào bờ – Ảnh: Nhật Linh – Đồ hoạ: Vĩ Cường

Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết Bộ Tài nguyên – môi trường (TN-MT) đã hoàn tất báo cáo môi trường quốc gia 2016, theo đó tại danh mục các vụ gây ô nhiễm môi trường nổi cộm, sự cố môi trường biển miền Trung do nước thải công nghiệp của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (công ty Formosa) gây ra được xếp đứng đầu.

Thứ nhất, vụ gây ô nhiễm môi trường biển do công ty Formosa “lộ ra” từ hiện tượng các chết ngày 6-4-2016 trên vùng biển cảng Vũng Áng thuộc địa phận thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Hiện tượng thuỷ sản chết lan trên diện rộng, bắt đầu từ vùng ven biển Hà Tĩnh, lan tiếp dọc ven biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.

Sự cố này đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội và môi trưởng, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nhất là ngành thuỷ sản, tiếp đến là hoạt động kinh doanh, dịch vụ, du lịch và đời sống sinh hoạt của ngư dân.

Nguyên nhân gây ra sự cố môi trường làm hải sản chết hàng loạt tại ven biển bốn tỉnh miền Trung được xác định do công ty Formosa gây ra trong quá trình vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy, đã có những vi phạm và để xảy ra sự cố, dẫn tới nước thải có chứa độc tố phenol, xyanua chưa được xử lý đạt chuẩn xả ra môi trường.

Công ty Formosa đã nhận trách nhiệm, xin lỗi Chính phủ, nhân dân và bồi thường 500 triệu USD.

Thứ hai, vụ gây ô nhiễm môi trường trên sông Bưởi (Thanh Hoá) xảy ra từ tháng 3 và 4-2016 do nhà máy mía đường Hòa Bình (Hoà Bình) ở thượng nguồn sông Bưởi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm hạ lưu sông Bưởi, làm cá sông và cá nuôi lồng bè chết hàng loạt ở huyện Thạch Thành (Thanh Hoá).

Nước thải của nhà máy đã làm nước sông Bưởi ô nhiễm, đổi màu đục, nổi bọt và bốc mùi hôi thối. Nguồn nước sông ô nhiễm đã đe doạ đến nguồn nước sinh hoạt của người dân 15 xã huyện Thạch Thành (Thanh Hoá).

Nhà máy mía đường Hoà Bình cũng đã nhận trách nhiệm và bồi thường 1,4 tỉ đồng cho người dân khu vực chịu thiệt hại.

Thứ ba, vụ gây ô nhiễm bước sông Cẩm Đàn, Sơn Động (Bắc Giang) được xác định do nước thải trong quá trình tuyển luyện khoáng sản có chứa bùn thải và nhiều chất độc của Công ty cổ phần tập đoàn khoáng sản Á Cường chưa được xử lý, xả trực tiếp ra sông.

Tháng 7-2016 Bộ TN-MT đã thanh tra toàn diện và yêu cầu UBND tỉnh Bắc Giang xử lý các vi phạm của công ty Á Cường, áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép xả nước thải, buộc công ty thực hiện đầy đủ các yêu cầu, quy định về bảo vệ môi trường.

Thứ tư, vụ cá chết diện rộng tại hồ Tây, Hà Nội xảy ra từ cuối tháng 9, đầu tháng 10-2016, trong đó kết quả điều tra, xác minh cho thấy nguyên nhân làm cá chết là do nước hồ Tây bị ô nhiễm nặng chất hữu cơ.

Quá trình ô xy hoá mạnh diễn ra trong nước hồ đã dẫn tới thiếu hụt oxy, đồng thời sinh ra khí độc HN3 là những yếu tố gây ra hiện tượng chết cá.

Thứ năm, vụ ô nhiễm môi trường từ sự cố vỡ cống thoát nước thải ngầm dưới dáy hồ chứa bùn thải từ nhà máy tuyển nổi chì kẽm của Công ty TNHH CKC tại Lạng Cá, thị trấn Pác Miêu, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) vào tháng 1-2016 làm khoáng 2.000m3 bùn thải thoát ra môi trường, chảy vào khu vực canh tác và chảy ra sông Gâm qua suối Bản Khun.

Sự cố gây ô nhiễm môi trường đất của người khu vực sản xuất nông nghiệp lân cận và nước sông Gâm cũng đã bị ô nhiễm nặng, không sử dụng được cho sinh hoạt và sản xuất, làm chết một số lượng lớn cá tự nhiên, cá lồng nuôi.

Thứ sáu, vụ gây ô nhiễm môi trường khu công nghiệp Tằng Loỏng (Lào Cai) được xác định kéo dài từ năm 2011 đến 2016 gây bức xúc với người dân.

Theo Bộ TN-MT, các khu vực quanh khu công nghiệp đã chịu nhiều thiệt hại do chất thải của nhà máy trong khu công nghiệp thải ra, làm cây trồng, hoa màu của các hộ gia đình bị héo táp, cháy lá trên diện tích rộng. Cá nuôi trong ao của các hộ gia đình trong thôn Khe Khoang cũng bị chết hàng loạt.

Thứ bảy, vụ ô nhiễm môi trường do vỡ hồ chứa nước và bùn thải từ khai thác titan của công ty Tân Quang Cường, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) xảy ra tháng 6-2016 đã làm tràn một lượng bùn thải lớn ra môi trường, chảy tràn qua đường nhựa ven biển khoảng 2km dọc bờ biển xã Thuận Quý tạo thành dòng nước đỏ ven bờ.

Nguyên nhân được xác định là do hồ chứa nước khai thác titan có sức chứa khoảng 180.000m3 nhưng bờ hồ chỉ đắp bằng đất cát, không kiên cố nên đã xảy ra sự cố bị vỡ hồ chứa.

Nhiều địa phương quá coi trọng thu hút đầu tư

Bộ TN-MT cho biết, từ những vụ gây ô nhiễm môi trường nổi cộm 2016, có những vụ việc là hành vi cố tình xả thải các chất độc hại của cac chủ doanh nghiệp.

Theo Bộ TN-MT, không chỉ thiệt hại về mặt kinh tế, những vụ việc, sự cố nêu trên còn gây tác động tiêu cực đến sức khoẻ, đời sống sinh hoạt, các hoạt động phát triển du lịch, kinh tế của cộng đồng dân cư khu vực lân cận, gây tâm lý bất ổn cho người dân.

Bộ TN-MT cũng chỉ rõ, môi trường phải thực sự được xác định là một trong ba trụ cột của phát triển kinh tế bền vững bên cạnh kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, trong những năm qua, nhiều địa phương đã quá coi trọng thu hút đầu tư, chưa quan tâm đúng mức tới bảo vệ môi trường.

Do đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho hoạt động bảo vệ môi trường, theo Bộ TN-MT, cần phải được quan tâm và đầu tư ngay từ đầu với tỉ lệ tương xứng.

Đồng thời, thực hiện giám sát chặt chẽ việc hoạt động của các khu công nghiệp, khu kinh tế và những dự án lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

XUÂN LONG