12/01/2025

Thế giới sắp đại tuyệt chủng lần 6?

Nhiều nhà khoa học tin rằng Trái đất đang bước vào thời kỳ tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 trong lịch sử, và điều này đồng nghĩa 75% chủng loài sẽ biến mất vĩnh viễn.

 

Thế giới sắp đại tuyệt chủng lần 6?

 Nhiều nhà khoa học tin rằng Trái đất đang bước vào thời kỳ tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 trong lịch sử, và điều này đồng nghĩa 75% chủng loài sẽ biến mất vĩnh viễn.

 

 

 

Thế giới sắp đại tuyệt chủng lần 6?
Tổ chức bảo tồn Wildlife Conservation phát hiện ổ 19 trứng cá sấu xiêm tưởng đã tuyệt chủng ở gần Koh Kong, Campuchia – Ảnh: AFP

Đó là một viễn cảnh đáng sợ, đặc biệt là khi con người “đóng góp” một phần không nhỏ cho sự kiện tuyệt chủng lần này. Đây là kết quả của một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học PNAS của Mỹ.

20 năm nữa voi châu Phi sẽ biến mất

Dẫn đầu công trình nghiên cứu, giáo sư sinh thái học Gerardo Ceballos (Đại học Universidad Nacional Autónoma de México) và các cộng sự đưa ra những con số gây sốc cho thấy nhiều chủng loài con người tưởng là rất phổ biến nhưng thật ra lại đang chết dần chết mòn theo những cách không thể hình dung.

Cụ thể, gần 1/3 trên tổng số 27.600 loài động vật có vú, chim, lưỡng cư và bò sát đang bị suy giảm số lượng và phạm vi sinh sống một cách nghiêm trọng.

 

Nghiên cứu sâu hơn 177 loài có vú, các nhà khoa học phát hiện ra tất cả chúng đã mất đi ít nhất 30% lãnh thổ sinh sống trong giai đoạn năm 1900-2015; riêng 40% trong đó thuộc diện “rất nghiêm trọng”, có nghĩa nhóm này mất ít nhất 80% phạm vi địa lý trong cùng giai đoạn.

Lấy ví dụ loài voi châu Phi, với số lượng hiện tại khoảng 400.000 cá thể thì loài này chưa thuộc diện có nguy cơ tuyệt chủng cao. Tuy nhiên nếu nhìn lại thì con số này đã giảm hơn một nửa so với hồi đầu thế kỷ 20, vốn còn hơn 1 triệu con.

“Nếu nhìn lại những gì đã xảy ra trong một thập niên qua, chúng ta tiêu diệt loài này nhanh đến mức với nhịp độ này, sẽ không còn con voi hoang dã nào ở châu Phi trong 20 năm tới” – chuyên gia Anthony Barnosky, Đại học Stanford (Mỹ), cảnh báo.

Loài én Hirundo rustica, giống chim én phổ biến nhất thế giới, và báo đốm châu Mỹ là hai ví dụ khác. Theo giáo sư Ceballos, cả hai loài này còn phổ biến do số lượng tương đối nhưng mức độ suy giảm của chúng ở một số nơi đang ở mức báo động và cái kết “biến mất vĩnh viễn” hoàn toàn có thể xảy ra.

“Cái đang bị đe dọa chính là số phận của nhân loại” (Gerardo Ceballos - giáo sư sinh thái học)

Con người là 
thủ phạm chính

Hiện vẫn còn một số tranh luận trong giới nghiên cứu rằng liệu thời kỳ tuyệt chủng lần 6 đã bắt đầu hay sắp xảy ra. Nhưng có một sự thật ít ai nghi ngờ: chính con người đang gây ra một cuộc khủng hoảng sinh thái chưa từng có.

Nguyên nhân là gì thì đã rõ: hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch của con người đã góp phần gây nên biến đổi khí hậu trong một thời gian dài, cộng thêm việc san bằng các khu rừng và môi trường hoang dã để canh tác nông nghiệp (37% diện tích lục địa Trái đất ngày nay là nông trại hoặc đồng cỏ nuôi gia súc, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới).

Ngoài ra, dân số tăng dẫn đến nhu cầu sử dụng đất đai, tiêu thụ lương thực tăng. Và cuối cùng, hoạt động săn bắn trộm động vật hoang dã góp phần không nhỏ đẩy các loài đến bờ vực tuyệt chủng.

“Khi anh nhận ra chúng ta đã tiêu diệt 50% sinh vật hoang dã trên Trái đất trong 40 năm qua thì làm một con tính không quá phức tạp: với đà này thì Trái đất sẽ sớm không còn lại gì” – ông Anthony Barnosky tỏ ra bi quan.

Nghiên cứu của giáo sư Ceballos và các cộng sự nhấn mạnh tính nguy cấp của cuộc khủng hoảng sinh thái, qua đó kêu gọi sự thay đổi. “Tin tốt là chúng ta còn thời gian. Các kết quả này nói lên rằng đã đến lúc phải hành động. Cánh cửa cơ hội tuy nhỏ, nhưng chúng ta vẫn có thể làm gì đó để cứu lấy muôn loài” – ông Ceballos kêu gọi.

Nhìn chung, các nhà khoa học ước tính tốc độ tuyệt chủng của các loài đang nhanh gấp 100 lần, và thậm chí là hơn, so với tiêu chuẩn được xem là bình thường. “Sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 của Trái đất nghiêm trọng hơn những gì chúng ta tưởng, và nó đang diễn ra” – nghiên cứu mới nhất kết luận.

5 kỳ đại tuyệt chủng

Trong suốt 4 tỉ năm lịch sử, Trái đất đã trải qua không biết bao nhiêu lần biến động mà các nhà khoa học đúc kết lại thành 5 lần đại tuyệt chủng suýt huỷ diệt hành tinh chúng ta.

1. Tuyệt chủng Ordovic – Silur xảy ra cách đây 440-450 triệu năm;

2. Tuyệt chủng Devon bắt đầu cách đây khoảng 360 triệu năm và có bằng chứng khảo cổ cho thấy đây là cuộc tuyệt chủng liên hoàn kéo dài đến 20 triệu năm;

3. Tuyệt chủng Permi – Trias là sự kiện tuyệt chủng khủng khiếp nhất trong lịch sử khi đã tuyệt diệt phần lớn sinh vật trên Trái đất, thiết lập lại gần như toàn bộ hệ thống sinh giới;

4. Tuyệt chủng Trias – Jura là cuộc tuyệt chủng đánh dấu ranh giới giữa kỷ Trias và kỷ Jura, xảy ra cách đây 199,6 triệu năm;

5. Tuyệt chủng Creta – Paleogen xảy ra vào cuối kỷ Creta cách đây khoảng 66,5 triệu năm, đánh dấu sự kết thúc của Đại Trung sinh và bắt đầu Đại Tân sinh bằng kỷ Paleogen.

MINH TRUNG