Dãy Ngân Hà tràn ngập những ngôi sao ‘dậy thì thất bại’
Các nhà thiên văn học đang săn lùng các ngôi sao lùn nâu trong khắp dãy Ngân Hà, và kết quả là thiên hà của chúng ta có thể chứa tới 100 tỉ ngôi sao “dậy thì thất bại” này.
Dãy Ngân Hà tràn ngập những ngôi sao ‘dậy thì thất bại’
Hình mô phỏng dãy Ngân Hà của chúng ta
Sau khi nghiên cứu các cụm sao gần mặt trời, các nhà khoa học đã chuyển sự chú ý của họ tới cụm sao RCW 38 ở khá xa chúng ta. RCW 38 chỉ cách chúng ta “có” 1,7 kiloparsecs hay 5.544,66 năm ánh sáng mà thôi.
Khi tập trung sự chú ý đến RCW 38, các nhà thiên văn học phát hiện ra rằng số lượng sao lùn nâu trong một cụm sao có thể nhiều hơn chúng ta tưởng trước đây rất nhiều.
Khi mà các ngôi sao trong các cụm sao gần chúng ta có tỉ lệ là cứ 7 ngôi sao mới có 1 sao lùn nâu thì tại RCW 38 tỉ lệ này là 1:2.
“Chúng tôi đã phát hiện ra rất nhiều sao lùn nâu trong cụm sao này. Sao nâu hình thành kế bên các sao thường trong cụm sao, vì vậy công trình của chúng tôi cho thấy số lượng sao nâu khổng lồ ở đó”, Tiến sĩ Aleks Scholz một thành viên của nhóm nghiên cứu từ trường Đại học St. Andrews giải thích.
Với việc phát hiện ra tỉ lệ sao lùn nâu trong thiên hà của chúng ta cao hơn chúng ta nghĩ trước đây, các nhà khoa học tin rằng Ngân Hà có thể là nhà của hơn 100 tỉ ngôi sao “dậy thì thất bại” kiểu này.
“Dường như việc hình thành các sao lùn nâu khiến một loạt các cụm sao phong phú hơn… Chúng là những ngôi sao tràn ngập khắp thiên hà Milky Way”, chuyên gia Ray Jayawardhana từ Đại học York bày tỏ .
Khám phá này còn cho thấy nhận định của chúng ta trước đây về điều kiện môi trường tác động đến việc hình thành các ngôi sao lùn nâu là sai lầm.
Sao lùn nâu là gì?
Sao lùn nâu còn được các nhà thiên văn biết đến như là một ngôi sao “dậy thì thất bại” do nó không có khả năng duy trì phản ứng nhiệt hạch như Mặt Trời của chúng ta.
Một ngôi sao lùn nâu tuy có khối lượng lớn hơn một hành tinh nhưng lại quá “thấp bé nhẹ cân” so với các ngôi sao điển hình như Mặt Trời. Cụ thể, chúng có khối lượng trung bình lớn hơn sao Mộc 90 lần và chỉ có độ sáng bằng 10% Mặt Trời mà thôi.
Vì sao lùn nâu không thể tự duy trì phản ứng nhiệt hạch để biến chúng thành một ngôi sao sáng nên các nhà khoa học rất khó quan sát chúng. Kể cả với loại kính viễn vọng tốt nhất của chúng ta thì những ngôi sao này vẫn thường xuất hiện mờ nhạt như thể đèn pin sắp hết pin vậy.
Và chính vì các ngôi sao lùn nâu thường có vị trí khá gần các ngôi sao thường, khiến việc thống kê chúng khó khăn hơn.
Hình ảnh này cho thấy sự khó nhận biết của một ngôi sao lùn nâu so với một ngôi sao bình thường vốn phát ánh sáng màu cam, đỏ hoặc trắng.
Thiên Hà