10/01/2025

Xin đổ thêm 2,4 triệu m3 bùn thải xuống biển Bình Thuận

Tổng công ty phát điện 3 cho biết đang xúc tiến xin giấy phép đổ xuống biển xã Vĩnh Tân 2,4 triệu m3 bùn cát thải sau nạo vét.

 

Xin đổ thêm 2,4 triệu m3 bùn thải xuống biển Bình Thuận

Tổng công ty phát điện 3 cho biết đang xúc tiến xin giấy phép đổ xuống biển xã Vĩnh Tân 2,4 triệu m3 bùn cát thải sau nạo vét.



Bến chuyên dùng sắp được nạo vét /// Ảnh: Quế Hà

Bến chuyên dùng sắp được nạo vétẢNH: QUẾ HÀ

Trong khi câu chuyện đổ cả triệu mét khối bùn thải xuống biển của Vĩnh Tân 1 đang khiến dư luận bức xúc thì Tổng công ty phát điện 3 (EVNGENCO 3) thuộc Tập đoàn điện lực VN (EVN) cho biết đang xúc tiến xin giấy phép đổ xuống biển xã Vĩnh Tân 2,4 triệu m3 bùn cát thải sau nạo vét (cách Hòn Cau khoảng 10 km).
Ông Trần Lê Trung Hiếu, Chánh văn phòng EVNGENCO 3, nói với báo chí: Thủ tục của dự án đã trình Bộ TN-MT, dự kiến sẽ tiến hành trong năm nay. Vị trí xin đổ bùn cát thải cách điểm mà Vĩnh Tân 1 đổ khoảng 5 km về hướng bắc và cách Khu bảo tồn biển (BTB) Hòn Cau 10 km. Đây là bùn cát thải trong quá trình nạo vét luồng cho tàu trọng tải 100.000 tấn ra vào để vận chuyển than nhập khẩu từ Úc và Indonesia.
 

Ở góc độ khoa học, nhiều chuyên gia cho rằng chưa cần tính đến độc tính của nguồn thải, việc tầng đáy bị che phủ sẽ tiêu diệt hầu hết sinh vật đáy do bị chôn vùi. Đặc biệt, khi xả thải trực tiếp như vậy, trầm tích vô cơ sẽ che lấp san hô; trầm tích hữu cơ vì nhẹ và ở trong môi trường động lực học mạnh nên sẽ ở trạng lơ lửng và tái lơ lửng, hệ quả là làm đục nước. Nước bị đục làm giảm cường độ ánh sáng đi qua, từ đó ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của tảo cộng sinh với san hô. San hô sẽ chết dần, đầu tiên là cả chục ngàn tập đoàn san hô mới được di dời ra khu vực Hòn Cau.
Một nghiên cứu thực nghiệm do ĐH Rutgers (Mỹ) thực hiện năm 1989 cho biết thời điểm đó, người Mỹ đổ bùn thải xuống vùng biển ngoài khơi New York, giới chuyên môn ghi nhận các hạt nặng cần 69 giờ đến 100 ngày để chìm xuống đáy, các hạt nhỏ hơn có thể lơ lửng cần từ 100 – 10.000 ngày để chìm xuống đáy. Chỉ có khoảng 20% vật chất lắng trực tiếp xuống khu vực xả thải, phần còn lại bị phân tán đi các nơi khác. “Khi làm bẩn biển, tác động mà nó gây ra trong phạm vi 170 hải lý. Khoảng cách từ nơi xả thải với Hòn Cau chỉ có mấy ki lô mét thì không có ý nghĩa gì”, TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, nói.
Khu bảo tồn bị thu hẹp
Tại một hội thảo diễn ra ở TP.HCM vào giữa tháng 2, TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho biết viện này vừa hoàn thành việc di dời 10.000 tập đoàn (cụm, khối) san hô ở khu vực ven bờ về khu BTB Hòn Cau, để nhường chỗ cho việc nạo vét luồng lạch phục vụ xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. San hô sau khi di dời đến nơi mới phần lớn đã thích nghi và đang sinh trưởng khá tốt. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng đó là việc chẳng đặng đừng vì nó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường, hạn chế sự phát triển của san hô cũng như ảnh hưởng đến môi trường sống, sinh sản của nhiều loại hải sản tự nhiên ven bờ.
Đây là bước lùi thứ nhất của tự nhiên để nhường chỗ cho sự phát triển. Không chỉ thế, tỉnh Bình Thuận cũng từng gửi đơn xin Bộ NN-PTNT cho cắt giảm hơn 1.000 ha trên tổng số 12.500 ha diện tích khu BTB Hòn Cau để phục vụ nhiệt điện. Đây là bước lùi thứ 2. Thế nhưng người ta vẫn chưa muốn dừng lại ở đó. Với việc cấp phép xả thải trực tiếp xuống biển của Bộ TN-MT, nhiều chuyên gia biển hàng đầu VN khẳng định chắc chắn sẽ tác động và ảnh hưởng tiêu cực đến khu BTB Hòn Cau và cả vùng biển Nam Trung bộ. San hô sẽ bị tuyệt diệt, khu BTB Hòn Cau cũng bị “xoá sổ” trong tương lai không xa. Đây chính là bước lùi thứ 3 và cũng là giới hạn cuối cùng của tự nhiên.
Theo PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội – Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển VN, VN có chủ trương mở rộng các khu BTB theo 2 hướng là tăng số khu bảo tồn và mở rộng diện tích những khu sẵn có. Các khu BTB được lập nên theo quyết định của Chính phủ, việc gây tác động tiêu cực lên các khu BTB chính là vi phạm quy định của luật pháp. Ông nhắc lại: Bất kỳ loại chất thải nào đổ ra biển cũng làm phủ trùm vĩnh viễn toàn bộ nền đáy, ảnh hưởng đến hệ sinh thái nền đáy. Tác động đó không thấy nói đến mà ĐTM chỉ chứng minh là chất thải không ô nhiễm. Như vậy rõ ràng là không đúng bản chất. Ô nhiễm chỉ là một khía cạnh của môi trường, nếu chỉ bị đe doạ thì còn có thể phục hồi, nhưng đây là sự huỷ hoại vĩnh viễn.
Tạo tiền lệ xấu
Điều mà nhiều người lo lắng nhất chính là việc cấp phép xả thải trực tiếp xuống biển như vậy sẽ trở thành một tiền lệ xấu. PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), đã có nhiều nghiên cứu về nhiệt điện và cũng đi thực tế ở Hòn Cau khi câu chuyện xả thải còn đang chờ giấy phép. Ông cho rằng xả thải mà nói là “nhận chìm” thì đang đánh tráo khái niệm bởi hai cái này rất khác nhau về mặt kỹ thuật. Trong quá trình giám sát, chỉ lấy mẫu nước biển là chưa đủ căn cứ khoa học. Luật Biển thế giới rất hạn chế việc này và không phải đổ chỗ nào cũng được mà phải có nghiên cứu nghiêm túc. Đặc biệt đây là vùng biển nhiệt đới rất giàu tài nguyên nên rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương.
“Tôi nghĩ ngay bây giờ Bộ nên dừng lại việc này (quyết định nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Bình Thuận – NV) vẫn còn kịp. Ở vùng ĐBSCL hiện nay các nhà máy nhiệt điện than, chưa nhà máy nào có luồng cho tàu trọng tải lớn ra vào vận chuyển than. Với xu hướng này, họ sẽ làm tan nát vùng cửa sông, ven biển ĐBSCL – khu vực cực kỳ nhạy cảm và vô cùng quan trọng về tự nhiên”, TS Tuấn lo lắng.
Hơn thế nữa, “tan hoang vùng biển Nam Trung bộ” là lời cảm thán của nhiều tổ chức bảo vệ môi trường trước thông tin có thêm doanh nghiệp xin xả 2,4 triệu m3 bùn thải xuống biển.
Khu bảo tồn biển Hòn Cau
Khu BTB Hòn Cau là nơi có tính đa dạng sinh học cao. Quy hoạch khu BTB Hòn Cau nhằm duy trì và bảo vệ hiệu quả đa dạng sinh học biển, bảo vệ môi trường sinh thái.
Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) tính toán cứ mỗi ki lô mét vuông rạn san hô mang lại lợi ích kinh tế 600.000 USD/ năm. Nếu đánh mất thì chi phí khôi phục cao hơn rất nhiều lần. Cụ thể như trường hợp của Maldives, trước đây họ phá huỷ rạn san hô để phục vụ phát triển; bây giờ để khôi phục rạn san hô dọc bờ biển phải tốn đến 10 triệu USD/km.
PGS-TS Võ Sĩ Tuấn, Viện Hải dương học Nha Trang

 

Chí Nhân