11/01/2025

Việt Nam sẽ lập kỷ lục xả thải xuống biển?

Đó là lo ngại của các chuyên gia khi Bộ Tài nguyên – Môi trường cấp phép xả 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Vĩnh Tân.

 

Việt Nam sẽ lập kỷ lục xả thải xuống biển?

 

Đó là lo ngại của các chuyên gia khi Bộ Tài nguyên – Môi trường cấp phép xả 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Vĩnh Tân.



Khu bảo tồn Hòn Cau bị đe dọa nghiêm trọng /// Ảnh: Quế Hà

 

 

Khu bảo tồn Hòn Cau bị đe doạ nghiêm trọngẢNH: QUẾ HÀ

 

 

Vĩnh Tân 1 xả thải bằng cả thế giới cộng lại
Theo Giấy phép số 1517/GP-BTNMT cấp ngày 23.6.2017, Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 được phép nhận chìm 918.533 m3chất nạo vét khu nước trước bến và vũng quay tàu xuống khu vực biển đã được chọn ở vùng biển Bình Thuận trên diện tích 30 ha. Với khối lượng và diện tích này, lượng xả thải của Vĩnh Tân 1 bằng của cả thế giới hiện nay.
Việt Nam sẽ lập kỷ lục xả thải xuống biển? - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Đi ngược xu hướng

Không nằm ngoài dự đoán, việc cấp phép đổ gần 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Vĩnh Tân (Bình Thuận) của Bộ Tài nguyên – Môi trường đã chính thức ‘mở cửa’ cho các doanh nghiệp khác xin đổ thải xuống biển.
 

Cụ thể, theo tổng hợp của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), 80% nguồn ô nhiễm biển đến từ đất liền, trong đó việc nhận chìm chất thải đóng góp 10% các chất ô nhiễm. Chính vì vậy, Công ước và Nghị định thư London về phòng ngừa ô nhiễm biển do xả chất thải và các chất khác đã có hiệu quả khi giảm thiểu lượng thải xuống biển. Cụ thể, số liệu của tổ chức này tổng hợp, lượng bùn thải đã giảm từ 21 triệu tấn năm 1975 xuống còn 1 triệu tấn vào năm 2009. Nghĩa là lượng thải của cả thế giới hằng năm hiện nay cũng chỉ tương đương với lượng bùn thải xuống biển được Bộ TN-MT cho phép Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 thải xuống biển.


Việt Nam sẽ lập kỷ lục xả thải xuống biển? - ảnh 2
Câu chuyện xả thải của Vĩnh Tân 1 đang gây bức xúc và xã hội chưa đồng thuận thì giờ lại thêm một doanh nghiệp khác xin xả thải với khối lượng lớn gần gấp 2,5 lần nữa
Việt Nam sẽ lập kỷ lục xả thải xuống biển? - ảnh 3

TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang

Thực tế từ những năm 1970 thế giới đã nhận thức được rằng: khả năng hấp thụ, pha loãng các chất thải đổ xuống và tự làm sạch của biển cũng có giới hạn chứ không phải là vô tận. Vì vậy nếu không quản lý tốt, việc đổ thải tràn lan sẽ giết chết các đại dương. Chính vì vậy mà Công ước và Nghị định thư London bổ sung, sửa chữa năm 2006 mục đích nhằm hạn chế tới mức thấp nhất ô nhiễm biển do đổ thải gây ra, bên cạnh đó tìm các phương án đổ thải thích hợp nhất. Các nước trên thế giới ngày càng hạn chế tối đa việc xả thải xuống biển. Không có con số cập nhật chính xác nhưng nhiều chuyên gia ước đoán với việc cấp phép xả 1 triệu m3 bùn thải xuống biển, có thể biến Việt Nam thành nước xả thải xuống biển hàng đầu thế giới.

Ở Việt Nam, luật Bảo vệ môi trường năm 2005 nghiêm cấm mọi hình thức đổ chất thải xuống biển. Nhưng luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã cho phép nhận chìm, đổ thải ở biển. Tuy nhiên, Công ước quốc tế và luật Việt Nam quy định phải đảm bảo khu vực nhận chìm không phải là khu vực có tầm quan trọng cao về môi trường, sinh thái và hoạt động nhận chìm ở biển không được gây ra những tác động có hại tới các khu vực biển có tầm quan trọng cao về môi trường sinh thái ở xung quanh khu vực nhận chìm. Tuy nhiên đối chiếu với thực tế tại Vĩnh Tân 1, hoạt động nhận chìm này sẽ gây tác động tới môi trường của các khu vực xung quanh đặc biệt là khu bảo tồn biển Hòn Cau và bãi cạn Breda là những khu vực có các rạn san hô quý hiếm và hệ sinh thái rạn san hô với đa dạng sinh học rất cao. Chính vì vậy không thể nói việc cấp phép là đúng luật.
Một chuyên gia về môi trường so sánh, có thể tưởng tượng 1 triệu m3 bùn cát giống như một tòa cao ốc cao 100 m và 2 chiều còn lại mỗi chiều cũng dài 100 m. Nếu trải nó ra trên toàn bộ diện tích 30 ha thì toàn bộ hệ sinh thái tầng đáy sẽ không thể tồn tại.
Thách thức dư luận
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), nói: Chúng ta cứ lo việc cấp phép xải thải 1 triệu m3 sẽ tạo tiền lệ xấu thế nhưng không ngờ nó lại xảy ra nhanh như vậy. Có vẻ như đã có sự chuẩn bị từ trước. Còn bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Tổ chức CHANGE VN, bức xúc: Bất cứ ai có kiến thức môi trường cơ bản cũng có thể hiểu rằng việc đổ hàng triệu mét khối bùn cát thải xuống sẽ gây tác động không nhỏ tới môi trường biển. Các nhà khoa học cũng đã phân tích vấn đề này nhiều rồi. Khi Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) vừa cấp phép đổ 1 triệu m3 chất thải thì ngay lập tức lộ ra thông tin có doanh nghiệp khác xin đổ 2,4 triệu m3nữa, cứ như muốn thách thức dư luận.
“Tôi rất lo cho khu bảo tồn biển Hòn Cau sẽ không còn tồn tại. Các doanh nghiệp, người dân sống phụ thuộc vào kinh tế biển ở khu vực này sẽ sống bằng gì khi môi trường bị ô nhiễm? Việc Bộ TN-MT vẫn cấp phép cho việc xả thải là ngược lại với sứ mệnh chính của bộ này và xu hướng phát triển của xã hội. Vấn đề là phải tìm hiểu, khi xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, nhà đầu tư và chính quyền đã có tính toán tới việc xử lý chất thải như thế nào chưa?”, bà Hoàng Thị Minh Hồng đặt vấn đề.
Theo TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang: Câu chuyện xả thải của Vĩnh Tân 1 đang gây bức xúc và xã hội chưa đồng thuận thì giờ lại thêm một doanh nghiệp khác xin xả thải với khối lượng lớn gần gấp 2,5 lần nữa. Đây là việc không thể chấp nhận được. PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển Việt Nam cho rằng, cả xã hội bị đặt vào câu chuyện đã rồi, và yêu cầu Bộ TN-MT phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Trong khi đó, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) nêu hàng loạt câu hỏi: Đã có đánh giá ngưỡng chịu tải của môi trường biển khi đổ hàng triệu tấn chất thải xuống đó chưa? Cơ chế đền bù nếu có sự cố xảy ra như thế nào? Việc này có được các bên có khả năng bị ảnh hưởng đồng ý hay không ? Cần công khai Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) phê duyệt khu đổ thải để cộng đồng khoa học và người dân phản biện, giám sát. “Đây cũng là bài học cho thấy giá thực của nhiệt điện quá lớn chính vì vậy khẩn thiết đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh tìm phương án thay thế các trung tâm nhiệt điện than”, bà Khanh đề xuất.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng nhận xét: Đã có quá nhiều vụ khủng hoảng về xả thải môi trường trong năm vừa qua, gây bất ổn trong xã hội. Bộ TN-MT cần minh bạch hơn trong các quyết định của mình. Ở Việt Nam, dù có quy định nhưng mọi thứ như ĐTM đều không được công khai. Từ đó các nhà đầu tư cứ chọn phương án rẻ nhất, thuận tiện nhất mà bất chấp những tác động xấu đến môi trường. Nếu như cứ tiếp diễn như vậy thì mọi rủi ro về môi trường, kinh tế, sinh kế cộng đồng sẽ lãnh đủ.
“Tôi có cảm giác hiện nay mình vẫn còn phát triển lấy được trên cái nền tư duy nước mình còn nghèo. Nếu cứ như vậy tự nhiên sẽ tiếp tục bị phá hủy, người dân ngày càng nghèo hơn. Tôi tin rằng người Việt Nam ai cũng trông mong ở Chính phủ một tầm nhìn phát triển bền vững vì quyền lợi cộng đồng hơn”, bà Hồng nói.

 

Chí Nhân