Chúa nhật XIV TN A – 2017: Mầu nhiệm Nước Trời
Trong Năm Gia đình này, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy học cùng Chúa Giêsu bài học yêu thương thì mới có thể khám phá ra mầu nhiệm Nước Trời. Từ đó chúng ta mới làm cho gia đình riêng tư của mình cũng như gia đình nhân loại được bình an và hạnh phúc.
Chúa nhật XIV TN A – 2017
Mầu nhiệm Nước Trời
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Trong Năm Gia đình này, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy học cùng Chúa Giêsu bài học yêu thương thì mới có thể khám phá ra mầu nhiệm Nước Trời. Từ đó chúng ta mới làm cho gia đình riêng tư của mình cũng như gia đình nhân loại được bình an và hạnh phúc.
1. Những bài học của con người
Trong lịch sử văn hoá và văn minh của gia đình nhân loại, loài người chúng ta tiến triển từ cuộc sống ăn lông ở lỗ cho đến đời sống sung túc, đầy đủ phương tiện đều nhờ vào khả năng học hỏi và hiểu biết của con người. Con người đã tiến một bước rất xa: từ nền văn hoá bái vật, bái thờ các sức mạnh thiên nhiên làm thần linh, đến nền văn hoá nhân bản, lấy con người làm gốc như hiện nay. Nhở khoa học, con người khám phá ra những cấu trúc của vật chất gồm các nguyên tử, phân tử, điện tử, quang tử, biết dùng những năng lượng như gió, nước, điện, khí, ánh sáng mặt trời để phục vụ đời sống.
Về phương tiện giao thông, con người biết dùng đôi chân để đi bộ, dùng xe ngựa, xe đạp, xe hơi, máy bay, tàu vũ trụ… để di chuyển một cách nhanh chóng đến tận các hành tinh xa xôi. Trong lĩnh vực thông tin, để truyền đạt cho nhau tư tưởng, tình cảm, con người dùng tiếng nói, rồi đến chữ viết, kỹ thật in ấn sách báo và những phương tiện truyền thông xã hội như: truyền thanh, truyền hình, internet. Trong một vài giây người ta có thể nghe được tiếng nói và nhìn được hình ảnh của nhau, dù ở xa hàng vạn cây số, nhở chiếc điện thoại thông minh. Khi xem những trận bóng đá World cup, chúng ta hầu như hoà nhịp với cộng đồng nhân loại: cùng chung những cảm xúc buồn vui theo trái bóng, dù hàng trăm triệu người không có mặt ở nước tổ chức. Nhờ khoa học kỹ thuật phát triển, nhân loại đang sống cách sung túc và dồi dào hơn.
2. Những cảm nghiệm thực tế về đời sống
Tuy nhiên, dù với tất cả những phương tiện vật chất tốt đẹp như thế, con người vẫn cảm thấy xa lạ với nhau và với chính mình. Nhiều người dù sống chung dưới một mái nhà hay trong một giáo xứ, nhưng vẫn cảm thấy mình lẻ loi cô độc vì không được quan tâm và tôn trọng. Có những gia đình người chồng phải gọi điện thoại cho vợ, dù cả hai người chỉ cách nhau một bức tường vì không muốn nhìn mặt nhau. Có những bạn bè cùng ngồi họp trong một công ty, nhưng lại không lắng nghe nhau mà dùng điện thoại nhắn tin cho người khác!
Dù được các phương tiện bảo vệ, nhiều người vẫn luôn cảm thấy sợ hãi: sợ bệnh tật, tai nạn, ăn nhằm những chất độc và nỗi lo về cái chết luôn ám ảnh con người vì người ta không biết đến sự sống vĩnh hằng. Dù sở hữu nhiều tiền bạc, đất đai, nhà cửa và những phương tiện vật chất nhưng người ta vẫn không bao giờ thoả mãn ước mơ, lúc nào cũng muốn giàu hơn, sở hữu nhiều hơn vì người ta không biết đến sự phong phú, giàu sang tột đỉnh của Thiên Chúa.
Dù con người hiện nay có nhiều điều kiện giúp họ vượt qua những giới hạn của vật chất, không gian, thời gian nhưng con người vẫn cảm thấy mình bị đóng khung vào một cái gì đó, muốn thoát ra ngoài mà không được. Họ trở thành nô lệ cho vật chất, tham vọng, dục vọng, thậm chí cho chính những hiểu biết của mình. Nhiều người cảm thấy mình không thể làm được việc gì nếu nhà họ đột ngột bị cúp điện, bị hỏng máy vi tính hay mất chiếc điện thoại thông minh!
Tất cả những nỗi cô đơn, lo sợ, bất an, bất hạnh đó bắt nguồn từ một nguyên nhân căn bản đó là họ không tìm ra được nguồn của sự sống, hạnh phúc, tình yêu và chân thiện mỹ là chính Thiên Chúa. Vì thế, Đức Giêsu đã nói: “Lạy Cha là Chúa T ể trời đất, Con xin ngợi khen Cha vì Cha đã giấu không cho những người khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25).
3. Vậy mầu nhiệm Nước Trời là gì?
Đó là sự hiểu biết về một Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi đã ban Con Một của Ngài để Người Con đó chết thay cho chúng ta và sống lại vì chúng ta để chia sẻ cho chúng ta sự sống vĩnh hằng, vô cùng phong phú của chính Thiên Chúa. Mầu nhiệm đó là nhận biết Thiên Chúa chính là nguồn của chân thiện mỹ và tìm được Người thì chúng ta sẽ thoả mãn tất cả những mơ ước của mình. Ngài cũng là vị Thiên Chúa vô cùng giàu sang, có tất cả những ân sủng và phương tiện để biến con người nghèo hèn chúng ta thành giàu có vô song và tràn đầy ân sủng.
Những người thông thái, khôn ngoan khó hiểu được mầu nhiệm Nước Trời nếu họ chỉ dựa vào những kiến thức, hiểu biết và suy luận của con người. Càng tự mãn, tự kiêu về những hiểu biết, bằng cấp, học vị và phương tiện vật chất của mình, con người càng xa rời Thiên Chúa và không thể hiểu được mầu nhiệm Nước Trời.
Nói một cách cụ thể thì mầu nhiệm Nước Trời chính là Chúa Giêsu Kitô. Người chính là Thiên Chúa trở thành người để con người có thể cảm nghiệm được một Thiên Chúa yêu thương như thế nào, giàu có ra sao và quyền năng cao cả đến đâu. Các tông đồ và các môn đệ thời trước đã tận mắt thấy Chúa Giêsu làm các phép lạ chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, tha thứ tội lỗi, cho kẻ chết sống lại nên họ đã gắn bó với Chúa Giêsu để được chia sẻ tình yêu, quyền năng và những ân phúc ấy. Phêrô đã chia sẻ cho chúng ta cảm nghiệm về mầu nhiệm Nước Trời của mình khi nói với người bất toại ăn xin ở Cửa Đẹp đền thờ Giêrusalem: “Vàng bạc thì tôi không có, nhưng cái tôi có tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nazareth, anh hãy đứng dậy mà đi!” và người bệnh tật đã được chữa lành. (Cv 3,6). Thử hỏi có ai quyền năng và giàu có như thế không? Nhưng để hiểu được mầu nhiệm đó, chúng ta phải làm gì?
4. Hãy học với Chúa Giêsu
Trước hết, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến học với Người vì Người sẽ dạy ta về mầu nhiệm Nước Trời: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29). Dù Người là Con Một Thiên Chúa, “Đấng chính trực, Đấng toàn thắng, thống trị từ biển này qua biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất” (Dc 9,9-10) Người vẫn khiêm tốn mời gọi chúng ta đến dự lớp học tình thương để trở thành môn đệ của Người, như các tông đồ xưa. Dù chỉ là những người chài lưới tầm thường, họ đã trở thành những người có tầm hiểu biết siêu việt, quyền năng vô tận bởi vì họ đã gắn bó với Chúa Giêsu.
Điều kiện thứ hai mà Chúa Giêsu yêu cầu là hãy mang lấy ách của Người, và Người đã giải thích: “Vì ách tôi êm ái và gánh tôi nhẹ nhàng”. Ách và gánh nặng đó chính là giới luật yêu thương mà chúng ta phải thực hiện hằng ngày giống như bài học, bài làm của mỗi học sinh trong lớp. Có những lúc mệt mỏi, lười biếng, người học trò cảm thấy bài vở như một gánh nặng phải mang.
Tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu được Thiên Chúa là tình yêu và Đức Giêsu là tình yêu cụ thể của Thiên Chúa thì chúng ta sẽ thấy rằng khi đi vào bài học yêu thương của Người, yêu cho đến cùng để có thể tha thứ tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả, tin tưởng tất cả, chúng ta sẽ cảm nghiệm được niềm vui và bình an vô tận. Chúng ta sẽ phát huy những quyền năng của Chúa trong con người yếu đuối của ta và Chúa sẽ soi sáng cho ta hiểu được rất nhiều về mầu nhiệm Nước Trời để có thể chia sẻ cho người khác.
Xin cho phép tôi kể một kinh nghiệm cụ thể. Sáng nay, ngày 9/7/2017, chúng tôi có khoảng 40 bệnh nhân đến khám bệnh và cầu nguyện xin Chúa chữa lành. Chúng tôi đã giúp đỡ cho nhiều anh chị em cảm nghiệm được mầu nhiệm Nước Trời khi nhận được ơn chữa lành của Đức Giêsu vì Người đang hiện diện giữa chúng ta.
Lời kết
Hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy học với Người về mầu nhiệm Nước Trời, hãy mang lấy ách yêu thương của Người để chúng ta trở thành những Tin Mừng sống động mang lại niềm vui, bình an và ơn cứu độ cho chính gia đình của mình cũng như cho gia đình nhân loại.