11/01/2025

Hậu quả khôn lường từ thuỷ điện sông Mê Kông

Trong bài viết riêng cho Thanh Niên, Giám đốc chiến lược nước của Tổ chức Bảo tồn WWF Marc Goichot cảnh báo tác hại của thuỷ điện sông Mê Kông.

 

Hậu quả khôn lường từ thuỷ điện sông Mê Kông

Trong bài viết riêng cho Thanh Niên, Giám đốc chiến lược nước của Tổ chức Bảo tồn WWF Marc Goichot cảnh báo tác hại của thuỷ điện sông Mê Kông.




Ngư dân đánh bắt gần một dự án đập thủy điện trên sông Mê Kông đoạn chảy qua Lào /// Ảnh: International Rivers

Ngư dân đánh bắt gần một dự án đập thuỷ điện trên sông Mê Kông đoạn chảy qua LàoẢNH: INTERNATIONAL RIVERS
Không chỉ có các khu vực hạ nguồn sông Mê Kông, đặc biệt là ĐBSCL của VN, mà cả những nước thượng nguồn như Lào, Campuchia và Thái Lan cũng hứng chịu tác hại từ các dự án trên con sông này, nhất là đập thuỷ điện. Hệ sinh thái lưu vực sông tại các quốc gia thượng nguồn đang xuống cấp trầm trọng, đe doạ kinh tế và đời sống của hàng triệu người. Chất lượng nước ngày càng xấu, lũ lụt và hạn hán xảy ra thường xuyên hơn với cường độ tăng dần trong khi thuỷ sản cạn kiệt, sạt lở ven sông ở mức báo động và biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm các tác hại.
Hậu quả chung
Có nhiều yếu tố gây tác hại như chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phát triển công – nông nghiệp, đánh bắt tràn lan và khai thác cát. Thế nhưng, đập thuỷ điện chính là thủ phạm số một, với 2 hướng tác động nặng nề đến môi trường. Thứ nhất, thủy điện điều tiết nước và ảnh hưởng dòng chảy tự nhiên, khiến lưu lượng trở nên bất thường. Thứ hai, các đập và hồ chứa ngăn dòng, cản trở sự di chuyển của các loài thuỷ sản, trứng và ấu trùng. Do đó, sản lượng cá sụt giảm và nhiều loài bị tuyệt chủng. Thuỷ điện cũng làm giảm lưu lượng các chất hữu cơ từ thượng nguồn, vốn là yếu tố then chốt trong chuỗi thức ăn nên toàn bộ hệ sinh thái đều bị tác động.
Việc chia cắt dòng sông cũng khiến trầm tích như phù sa, cát, sỏi, bùn… bị chặn lại. Trong khi một số trầm tích lơ lửng có thể vượt qua các con đập thì những loại khác chắc chắn không di chuyển để có thể duy trì hệ sinh thái ở hạ lưu. Trầm tích cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định đáy sông. Không có chúng, đáy sông sẽ sâu hơn, mực nước sẽ sụt giảm, hạn hán gia tăng và khả năng tự làm sạch của dòng sông không còn. Bên cạnh đó, đáy sông sâu hơn cũng ảnh hưởng đến hạ tầng và đe doạ nhiều cây cầu trên sông Mê Kông đoạn chảy qua Lào và Campuchia. Sự sụt giảm cát sỏi còn làm gia tăng nguy cơ sạt lở, làm mất đất nông nghiệp, nhà cửa và đường sá.
 

Các tác hại này đã rõ ràng nhưng vai trò tiêu cực của thủy điện vẫn còn bị xem nhẹ. Ở các nhánh sông lớn thì tác động lên đáy sông có thể xảy ra lâu hơn, trong khoảng 30 – 50 năm nhưng giới khoa học đã chứng minh đây là điều khó tránh khỏi. Sông Mê Kông đoạn chảy từ Vientiane đến Pakse rất dễ bị sạt lở, ảnh hưởng Lào phía tả ngạn và Thái Lan phía hữu ngạn. Tại Campuchia, toàn bộ khu vực ven sông phía dưới Kratie, bao gồm cả thủ đô Phnom Penh đang có nguy cơ sạt lở cao.
Trong các cuộc thảo luận về tác động môi trường của đập thuỷ điện, người ta thường đánh giá thấp nguy cơ từ việc chia cắt dòng sông. Những người ủng hộ đập dâng thường biện hộ rằng mô hình này thân thiện với môi trường do ít ảnh hưởng đến điều tiết nước nhưng lại lờ đi tác hại chính là các con đập này “cắt nát” dòng sông.

Lợi không đủ bù hại

Trong nghiên cứu mới đây, các chuyên gia thuộc Đại học Mae Fah Luang (Thái Lan) đã so sánh giữa doanh thu ước tính từ thuỷ điện so với giá trị thiệt hại không mong muốn. Khi tính đủ mọi thiệt hại thì thủy điện không còn tác động tích cực mà là tiêu cực đến nền kinh tế.
Đối với hàng chục triệu người trong khu vực thì mọi lĩnh vực trong cuộc sống, từ nông nghiệp, thủy sản, thực phẩm, đồ uống, du lịch, năng lượng, xây dựng, khai khoáng và sản xuất công nghiệp đều gắn chặt vào sông Mê Kông. Dòng sông cung cấp nước và cát cho xây dựng, thức ăn cho các loài thuỷ sản và giúp khu vực có giá lao động cạnh tranh. Duy trì dòng chảy tự nhiên của nước và trầm tích sẽ bảo vệ hạ tầng giúp phục vụ mọi ngành kinh tế cũng như ngăn chặn lũ lụt và hạn hán. Lâu nay, chính các yếu tố này giúp Lào và Campuchia trở thành những điểm đầu tư thu hút trong nhiều ngành. Khi so sánh mọi lợi ích kinh tế với doanh thu giới hạn từ thủy điện, cái giá phải trả từ phát triển thiếu bền vững đối với tất cả các nước khu vực sông Mê Kông đã quá rõ.
Cần hiểu về phát triển kinh tế theo một cách toàn diện. Tại lưu vực một con sông lớn như sông Mê Kông, mọi thứ đều có mối liên kết. Nếu việc khai thác một ngành kinh tế gây tổn hại cho các ngành khác trong toàn khu vực thì nên xem lại tính bền vững của mô hình phát triển đó. Định nghĩa ngắn gọn và đơn giản cho một dự án bền vững là mọi người đều được hưởng lợi, hoặc tối thiểu là không ai bị thiệt hại. Ngoài ra, còn phải không làm mất đi những tài sản không thay thế được, dù là tài sản văn hoá hay tự nhiên. Như vậy, việc xây đập thuỷ điện phải được cân nhắc hết sức thận trọng. Tương lai của các nước sông Mê Kông đang được đặt trên bàn cân và giải pháp nhằm tránh thiệt hại cho tất cả mọi người đã rõ ràng.
Tìm giải pháp chia sẻ nguồn nước Mê Kông
Ngày 4.7, Trường đại học Cần Thơ phối hợp Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Úc (CSIRO), Viện Nghiên cứu môi trường Stockholm (Thuỵ Điển) tổ chức hội thảo “Hạn hán và khan hiếm nước ở lưu vực sông Mê Kông, những yếu tố bất định, tác động và cơ hội”. Mục đích hội thảo là để chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm về các vấn đề khan hiếm nước dọc theo sông Mê Kông; những ảnh hưởng, thực trạng và tác động đến sản xuất ở mỗi quốc gia trong lưu vực. Bên cạnh đó, thảo luận tìm các giải pháp thích ứng, mở rộng mạng lưới nghiên cứu hợp tác quản lý tài nguyên nước giữa các quốc gia ở lưu vực sông Mê Kông. Hiện nay, hơn 70% người dân ở lưu vực sông sống nhờ nông nghiệp. Tuy nhiên, mâu thuẫn đang gia tăng khi hầu hết các nước thượng nguồn ồ ạt chuyển dòng để mở rộng diện tích tưới tiêu; ngăn dòng xây đập thủy điện. Trong khi đó, tình trạng khan hiếm nước, nhiễm phèn, xâm nhập mặn lại ngày một gia tăng tại ĐBSCL.
Đình Tuyển

 


Marc Goichot 
(Khánh An chuyển ngữ)