29/11/2024

Sứ mệnh đánh dạt tiểu hành tinh của NASA

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ thông qua sứ mệnh thử nghiệm đánh bật những tiểu hành tinh có thể đe doạ sự sống còn của trái đất trong tương lai.

 

Sứ mệnh đánh dạt tiểu hành tinh của NASA

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ thông qua sứ mệnh thử nghiệm đánh bật những tiểu hành tinh có thể đe doạ sự sống còn của trái đất trong tương lai.



Ảnh minh họa ý tưởng dự án DART	 /// Ảnh: NASA

Ảnh minh hoạ ý tưởng dự án DARTẢNH: NASA

Năm 2013, một tiểu hành tinh lao xuống và nổ tung trên bầu trời TP.Chelyabinsk của Nga, tạo ra sóng xung kích khiến hơn 1.200 người bị thương, phá vỡ nhiều cửa sổ và gây hư hại cho các toà nhà cách đó đến 93 km. Sau vụ này, các cơ quan vũ trụ của Mỹ và một số nước trên thế giới bắt đầu nghiêm túc nghiên cứu tìm cách xử lý “sát thủ hành tinh”, chỉ những thiên thể đường kính từ 100 m trở lên, có khả năng gây nên tổn hại đáng kể cho khu vực rơi trúng.
Trong diễn biến mới nhất, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã bật đèn xanh cho sứ mệnh không gian mang tên DART, viết tắt từ Double Asteroid Redirection Test (tạm dịch: Thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh đôi) nhằm tìm biện pháp xử lý các tiểu hành tinh cỡ trung. Theo đó, một tàu du hành hoặc một vệ tinh sẽ đâm vào một tiểu hành tinh với vận tốc cực nhanh để đổi hướng thiên thể có thể gây nguy hiểm cho sự sống trên địa cầu. Bản thân từ “dart” cũng có nghĩa là phi tiêu, thể hiện bản chất của cuộc thử nghiệm sắp tới.

Tờ Daily Mail dẫn thông báo của NASA cho hay hầu như mỗi ngày đều có tiểu hành tinh va vào trái đất, nhưng chúng khá nhỏ và luôn bị tầng khí quyển thiêu rụi trước khi chạm đất. Tuy nhiên, dự án DART, nỗ lực chung giữa NASA và Phòng Thí nghiệm vật lý ứng dụng John Hopkins ở bang Maryland, nhằm vào các tiểu hành tinh có kích thước vượt khả năng xử lý của “lá chắn” xung quanh địa cầu và vì thế có thể tạo ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. “DART là sứ mệnh đầu tiên của NASA nhằm chứng minh hiệu quả của kỹ thuật va đập động học, tấn công một tiểu hành tinh để đẩy bật nó khỏi quỹ đạo lao vào trái đất trong tương lai”, chuyên gia Lindley Johnson của NASA nói với CNN.

 

Theo ông, đối tượng được lựa chọn để thử nghiệm là một hệ tiểu hành tinh đôi gọi là Didymos, bao gồm tiểu hành tinh Didymos A và Didymos B nhỏ hơn ở sát bên. Nếu Didymos A có đường kính cỡ 780 m, kích thước của Didymos B chỉ vào khoảng 160 m và DART được thiết kế để tông vào tiểu hành tinh nhỏ hơn. “Hệ thiên thể đôi là đối tượng tự nhiên hoàn hảo cho những thí nghiệm kiểu này”, nhà khoa học lập trình Tom Statler, một trong những người tham gia dự án DART, nhận định. “Việc Didymos B xoay quanh Didymos A tạo điều kiện dễ dàng hơn để chúng tôi quan sát được kết quả của vụ va chạm”, ông cho hay.

Một tiểu hành tinh cỡ chiếc ô tô suýt nữa tông trúng địa cầu vào ngày 30.1.

Dự kiến, Didymos sẽ tiếp cận trái đất ở khoảng cách gần nhất vào tháng 10.2022, thời điểm NASA sẽ phóng DART dưới dạng phi thuyền hoặc vệ tinh có kích cỡ tương tự một chiếc tủ lạnh về hướng mục tiêu. Các chuyên gia sẽ thiết kế cho phép phi thuyền lao vào Didymos B với vận tốc 6 km/giây. Kế đến, các đài quan sát mặt đất sẽ theo dõi diễn biến vụ va chạm và những tác động có thể đối với quỹ đạo của Didymos B xung quanh Didymos A. Điều này sẽ cho phép giới khoa học gia nhận định chính xác hơn năng lực của kỹ thuật va đập động học để phục vụ cho chiến lược đổi hướng các tiểu hành tinh nguy hiểm.

“DART là bước đi then chốt trong việc chứng minh chúng ta có thể bảo vệ địa cầu trước các vụ va chạm trong tương lai”, theo ông Andy Cheng, đồng trưởng nhóm chương trình điều tra DART. Ông giải thích do con người không hiểu biết rõ về cấu trúc nội tại hoặc kết cấu của các tiểu hành tinh, NASA cần phải thử nghiệm trên một tiểu hành tinh thật thay vì mô phỏng trên máy tính. Với DART, chuyên gia Cheng cho rằng Mỹ có thể chứng tỏ phương pháp hiệu quả trong nỗ lực bảo vệ ngôi nhà chung của nhân loại.

 

Thụy Miên