‘Vua rừng’ xứ Quảng
Có trong tay 650ha rừng, ông trở thành vua rừng đất Quảng Ngãi, chuyên trồng keo. Ở tuổi 68, ông vẫn miệt mài đi hết ngọn đồi này qua dãy núi nọ. Ông nói mình nặng nợ với núi rừng.
‘Vua rừng’ xứ Quảng
Có trong tay 650ha rừng, ông trở thành vua rừng đất Quảng Ngãi, chuyên trồng keo. Ở tuổi 68, ông vẫn miệt mài đi hết ngọn đồi này qua dãy núi nọ. Ông nói mình nặng nợ với núi rừng.
Ông Trường (giữa, đeo kính) cũng làm việc như bao nhân công dù ông đã 68 tuổi, có cơ ngơi bạc tỉ – Ảnh: Trần Mai |
“Tôi có 4 người con, nhưng tất cả đều có công việc ổn định ở Đà Nẵng, chẳng ai theo nghiệp rừng của tôi. Mong muốn lớn nhất là kiếm một người thật sự có tình cảm với mảnh đất này. Nếu tìm không ra, tôi sẽ giao lại đất cho Nhà nước hoặc chia cho người dân |
Ông Phạm Trung Trường |
“Vua rừng” tên là Phạm Trung Trường. Để canh tác được 650ha rừng này, bình quân ông có khoảng 550 nhân công làm việc mỗi ngày.
Con đường tình nghĩa của ông Trường
Dù có cơ ngơi bạc tỉ nhưng ông Trường vẫn giữ thói quen làm việc cùng công nhân của mình. Ngồi bên đống cây keo đã bóc vỏ chuẩn bị chuyển lên xe, ông Trường kéo vạt áo lau dòng mồ hôi ướt đẫm.
Ông tóm tắt cuộc đời mình: sinh ra trong gia đình cách mạng, 15 tuổi, ông tham gia đội du kích địa phương rồi vào bộ đội chiến đấu.
Sau ngày miền Nam giải phóng, ông lao vào cuộc chiến với giặc đói rồi lang bạt khắp nơi, bạ đâu làm đó, chủ yếu kiếm miếng ăn.
Rong ruổi mãi rồi cũng nhớ quê. Năm 1992, ông trở về lại quê nhà ở thôn Thọ An, xã Bình An, huyện Bình Sơn.
Việc đầu tiên ông làm là đi thăm lại vùng đất Thọ An chiến khu cách mạng, một thời ông cùng đồng đội sống chết với giặc dưới sự che chở của đồng bào Cor ở xứ này. 26 năm ngày ông về lại, vùng đất này chẳng khác gì ngày xưa.
Lối đi chỉ là con đường mòn. Nhiều nơi phải lội qua sình lầy hoặc men theo sườn núi. Nhà dân chỉ là những túp lều nhỏ. Thiếu ăn thiếu mặc.
Thôn Thọ An gần như tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Lúc đó, ông Trường nghĩ do không có đường nên người dân mới cực khổ như vậy.
Bao nhiêu năm xa xứ làm ăn cũng có tí vốn, ông quyết định làm đường cho người dân. Ông thuê người bạt núi làm 2,5km đường đèo nối trung tâm xã Bình An vào thôn Thọ An. Hết 80 triệu đồng.
“Ngày làm xong đường bà con mừng ghê lắm. Lãnh đạo huyện Bình Sơn lên chung vui rồi cho tôi 20 triệu đồng” – ông Trường nhớ lại.
Sau khi làm xong con đường này, sẵn có số tiền UBND huyện cho, ông bỏ ra làm thêm 5km vào các bản làng nằm sâu trong thung lũng. Thế là làng nào cũng có đường ôtô vào tận nhà.
Đó là vào năm 1992. Bây giờ những con đường ấy đã được thảm nhựa.
Ông Trường với con đường ngày xưa ông bỏ tiền ra làm để cuộc sống của người dân bớt khó khăn – Ảnh: Trần Mai |
Gắn đời với rừng
Bà con thương ông, chẳng biết cảm ơn ông thế nào. Thế là họ dắt ông ra rừng, đất đai của làng canh tác, chỉ: cho ông hết đó! Đó là hơn 200ha rừng.
Bây giờ ngồi giữa cơ ngơi tiền tỉ, ông Trường nói: “Lúc đó đất rừng chỉ là đất, tôi chẳng biết nhận để làm gì nữa. Nhưng bà con đồng bào Cor đã có lòng cho mà mình không nhận thì họ buồn, nên tôi nhận đại”. Sau đó ông được Nhà nước giao luôn phần đất này.
Đời rừng của ông bắt đầu từ năm 1993. Hưởng ứng phong trào phủ xanh đồi trọc của Nhà nước, ông trở lại Thọ An trồng cây trên 200ha đất tình nghĩa của bà con. Năm 1999, UBND huyện Bình Sơn thấy đất giao cho ông được phủ xanh, nên giao tiếp cho ông thêm 450ha.
Ông viết đơn xin vay vốn ngân hàng, trước sau gần 20 tỉ đồng. Có vốn trong tay, ông tiếp tục sự nghiệp trồng rừng của mình. 650ha rừng được phủ xanh mà chính quyền xã Bình An cứ nghĩ không phải là chuyện thật.
Đời ông như một cuộc phiêu lưu. Năm 2009, keo sốt giá, ông Trường nhẩm tính bán hết số keo này ông sẽ thu về 47 tỉ đồng, có thể trả nợ ngân hàng.
Vậy mà ngày 29-9-2009, cơn bão số 9 đổ bộ vào đất liền, 600ha rừng hư hại toàn bộ. Đứng trên chòi canh lửa nhìn công sức đổ sông đổ bể, ông ngã quỵ.
Cú ngã đau. Một thời gian dài ông vắng bóng, người ta nghĩ “ông Trường đã bỏ cuộc”. Bẵng sau hơn 1 năm, bất ngờ ông trở lại. Nhưng ông còn nợ ngân hàng gần 13 tỉ đồng nên chẳng được cho vay.
Không bỏ cuộc, ông Trường thực hiện lấy ngắn nuôi dài: bán 50ha keo còn đứng, dùng tiền đầu tư trang trại. Vét hết vốn liếng, ông làm chuồng trại nuôi heo, gà, ba ba, bò…, cả trăm nghìn con.
Ông thuê bà con địa phương làm công, khi trả tiền ai cũng rụt rè không dám nhận vì “sợ chú không có tiền”, anh Hồ Văn Trên, ở thôn Thọ An, kể.
Nhanh chóng khôi phục sản xuất, có bao nhiêu lợi nhuận từ trang trại, ông Trường lại đổ hết vào rừng. Bảy năm trôi qua, giờ một phần diện tích rừng đã đến tuổi thu hoạch.
Nợ ngân hàng cũng đã trả hết. Ở tuổi 68, ông vẫn cùng những người làm của mình phát rẫy, dọn chồi, bới đất, trồng cây, khai thác keo…
Chiều tối mịt, khi những xe keo chất đầy, ông cùng đội khai thác keo xuống núi. Ông cũng giống như bao người khác quần áo dính đầy mủ keo. Khác biệt duy nhất có thể nhận ra ông là đôi kính và khuôn mặt thời gian bào mòn.
Xin thầy giáo, xin thầy thuốc
Thôn Thọ An giờ khác 20 năm trước rất nhiều, nhà mái ngói khang trang. Năm 1993 lên trồng rừng ông mua 57 con bò mang lên tặng cho bà con. Đàn bò ngày đó giờ đã lên cả nghìn con. Từ con bò của ông Trường, giờ gia đình anh Trụ Văn Sơn có đàn bò hơn 40 con.
“Với giá trung bình 25 triệu đồng mỗi con, nếu bán hết đàn bò tôi sẽ có 1 tỉ đồng” – anh Sơn nhẩm tính.
Thôn Thọ An tách biệt lại là nơi sinh sống của dân tộc thiểu số, con nít lớn lên thường nghỉ học, thậm chí giấy khai sinh còn không có. Ông Trường phải đứng ra làm giấy khai sinh, mua sách vở và vận động cha mẹ đưa bọn trẻ đến trường.
Ở thôn giờ có trạm y tế, trường mầm non hẳn hoi. Bọn trẻ không còn cuốc bộ cả giờ mới tới trường, đau ốm là đến ngay trạm y tế thay vì nhờ thầy cúng như trước đây. Tất cả từ đôi tay của “vua rừng” bỏ tiền túi xây nên.
Nhớ lại hơn 10 năm về trước khi đích thân phải đi “xin” giáo viên, y tá, ông Trường tâm sự: “Làm cơ sở vật chất đã khó, kiếm người càng khó hơn. Trước tiên tôi phải vận động giáo viên, y tá khi họ chấp nhận rồi mới lên huyện xin người. Mấy tháng trời mới được đấy”.
Ông Trường tâm sự: “Tôi có 4 người con, nhưng tất cả đều có công việc ổn định ở Đà Nẵng, chẳng ai theo nghiệp rừng của tôi. Mong muốn lớn nhất là kiếm một người thật sự có tình cảm với mảnh đất này. Nếu tìm không ra, tôi sẽ giao lại đất cho Nhà nước hoặc chia cho người dân”.
Có hơn 550 nhân công, mỗi người 250.000 đồng/ngày Vua rừng Phạm Trung Trường giờ có trong tay hơn 250 nhân công và hơn 300 lao động thời vụ, tất cả là người đồng bào thiểu số. Ông xây nhiều dãy phòng để nhân công ở. Mỗi ngày ông trả công cho người làm 250.000 đồng/người. Làm 8 giờ nghe tiếng kẻng là nghỉ. Ai làm ngoài giờ sẽ được tính tiền thêm. Nhiều gia đình có đến 4-5 người làm. Như nhà ông Hồ Văn Huynh ở xã Trà Bình, huyện Trà Bồng, hai vợ chồng ông cùng đứa con trai lớn làm cùng ông Trường hơn chục năm nay. “Mỗi ngày gia đình tôi thu nhập 750.000 đồng, với số tiền này mấy đứa nhỏ ở nhà ăn học đến nơi đến chốn. Thằng con lớn được chú Trường cho đi học lái xe, giờ làm tài xế lái xe máy đào trong trang trại” – ông Huynh nói. |
Rủ dân cùng làm giàu Bên cạnh diện tích rừng của ông Trường là hàng trăm hecta rừng của người dân. Núi rừng giờ không còn trọc và chi chít hố bom nữa mà được phủ xanh bởi keo, mì. Năm 1999, ông Trường đi vận động người dân, ai trồng rừng sẽ được ông Trường cho cây giống, bao tiêu đầu ra. Rồi làm đường vào tận rẫy keo của bà con để họ dễ khai thác. Bí thư Đảng ủy xã Bình An Nguyễn Văn Vinh nói: “Trong lúc kinh tế khó khăn mà những năm qua ông vẫn mở hơn 50km đường trong rừng để người dân đi lại và thu hoạch keo thuận lợi hơn. Xã Bình An giờ khấm khá phải cảm ơn ông Trường rất nhiều”. |