28/11/2024

Philippines: Các nhà lãnh đạo Kitô giáo và Hồi giáo ở Mindanao ủng hộ đàm phán để chấm dứt cuộc khủng hoảng Marawi

“Chúng tôi rất lo lắng. Những kẻ khủng bố đã đề nghị trao đổi tù nhân. Để trả tự do cho Cha Teresito (Chito) Suganob, họ đòi phải thả những người bà con và các thành viên trong gia đình của Abdullah và Omar Maute, hai người cầm đầu nhóm phiến quân. Nhưng chính phủ từ chối, vì lẽ Tổng thống Duterte đã tái khẳng định sẽ không thương lượng với những kẻ khủng bố.

 Philippines: Các nhà lãnh đạo Kitô giáo và Hồi giáo ở Mindanao ủng hộ đàm phán để chấm dứt cuộc khủng hoảng Marawi

 

 
WHĐ (2.7.2017) – “Chúng tôi rất lo lắng. Những kẻ khủng bố đã đề nghị trao đổi tù nhân. Để trả tự do cho Cha Teresito (Chito) Suganob, họ đòi phải thả những người bà con và các thành viên trong gia đình của Abdullah và Omar Maute, hai người cầm đầu nhóm phiến quân. Nhưng chính phủ từ chối, vì lẽ Tổng thống Duterte đã tái khẳng định sẽ không thương lượng với những kẻ khủng bố. Marawi vẫn bị nhóm Maute chiếm cứ từ ngày 23 tháng 5 đến nay. Bây giờ chúng tôi hy vọng vào một cuộc thương lượng để giải thoát các con tin, với một cách tiếp cận toàn diện, được xã hội dân sự ở Mindanao trợ giúp. Các nhà lãnh đạo dân tộc Maranao – là dân tộc của những kẻ khủng bố – cũng như nhiều nhà lãnh đạo Hồi giáo khác – trong đó có những người đứng đầu Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro – tuyên bố sẵn sàng đóng vai trò trung gian. Sự tham gia này rất hữu ích và có thể tạo ra một bước ngoặt để giải quyết tình hình bế tắc hiện nay.” Đó là lời Đức cha Edwin de la Peña, vị giám chức của giáo hạt tòng thổ Marawi, nói với hãng tin Fides. Cuộc chiến đã kéo dài hơn một tháng nhằm giải cứu thành phố Marawi khỏi tay nhóm khủng bố Maute – gồm những phiến quân có liên hệ với tổ chức tự xưng là Nhà nước Hồi giáo. Nhóm này hiện đang cố thủ trong các hầm trú ẩn của các toà nhà cùng với các con tin, trong đó có 15 Kitô hữu.

“Qua một trong những con tin được thả – có 5 con tin được thả trong một cuộc ngừng bắn ngắn ngủi – chúng tôi được biết cha Suganob vẫn còn sống và khoẻ mạnh. Bây giờ những kẻ khủng bố muốn dùng các con tin để bảo vệ mạng sống mình. Chúng tôi đang ở trong một giai đoạn rất tế nhị và phải tìm ra một giải pháp khả thi”, Đức cha nhận định.

“Trong mấy ngày qua – Đức cha Peña nói với Fides – chúng tôi đã có một cuộc gặp gỡ với Hội đồng các Giám mục và các Ulema (BUC), gồm những nhà lãnh đạo Kitô giáo và Hồi giáo ở Mindanao. Hội đồng đề nghị Chính phủ chọn cách tiếp cận toàn diện để giải quyết cuộc khủng hoảng, có sự tham gia của các nhà lãnh đạo Hồi giáo và để họ đứng đầu trong các cuộc đàm phán”.

Ngày 25 tháng 6 vừa qua, nhân dịp kết thúc tháng chay Ramadan, một số nhà lãnh đạo Hồi giáo, đóng vai trò là sứ giả của quân đội Philippines, đã gặp Abdullah Maute trong một cuộc ngừng bắn kéo dài tám giờ, nhân dịp đại lễ ‘Id al-Fitr của Hồi giáo. Những kẻ cầm đầu nhóm khủng bố đã đưa ra điều kiện để trả tự do cho các con tin, trong đó có việc trao đổi tù nhân và rút quân, thông qua một thỏa thuận được Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro bảo đảm. Về phần mình, chính phủ Philippines vẫn tái khẳng định họ không muốn thương lượng với những kẻ khủng bố.

Trong khi đó, có nhiều sáng kiến ​​liên tôn ở trong nước yêu cầu chấm dứt cuộc khủng hoảng. Tại Cebu, đảo ở phía bắc Mindanao, các cộng đồng Hồi giáo đã mời gọi những người thuộc các tín ngưỡng khác nhau hãy “tôn trọng và yêu thương nhau” để thúc đẩy hòa bình. Một buổi gặp gỡ cầu nguyện liên tôn diễn ra tại trung tâm hành hương của Vương cung thánh đường Chúa Hài Nhi ở Cebu, do Giáo hội và các nhà lãnh đạo Hồi giáo địa phương tổ chức. Người Hồi giáo đã công khai bày tỏ nỗi đau buồn và tình liên đới với các Kitô hữu sau những hành vi tàn bạo mà nhóm Maute đã gây ra ở Marawi.

(Agenzia Fides)

 
 

 

Minh Đức