Ám ảnh bẫy thú rừng
Vào mùa mưa, Vườn quốc gia Chư Mom Ray (H.Sa Thầy và H.Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) xuất hiện dày đặc bẫy thú.
Ám ảnh bẫy thú rừng
Vào mùa mưa, Vườn quốc gia Chư Mom Ray (H.Sa Thầy và H.Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) xuất hiện dày đặc bẫy thú.
Các kiểm lâm và nhân viên ở đây ngày nào cũng lội rừng đi gỡ bẫy cứu thú rừng, đến nay lên tới cả ngàn chiếc.
Ông Đào Xuân Thuỷ, Phó giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray, chỉ cho chúng tôi xem hàng ngàn cái bẫy thú to nhỏ, cũ mới đủ loại xếp đống ở hạt kiểm lâm trực thuộc. “Mấy ngàn chiếc chứ không ít. Cứ mùa mưa đến là đống bẫy này lại chất cao lên”, ông Thuỷ nói.
Cầm một chiếc bẫy, ông Thủy cho biết đó là bẫy “mặt đất”, để bắt những loài thú lớn như bò rừng, heo rừng… Với những chiếc bẫy đặc biệt này, thú cỡ nào cũng không thoát. Ông Thuỷ còn chỉ cho chúng tôi xem hàng loạt bẫy “trên cao” chuyên bắt khỉ, vượn, chồn, sóc.
TIN LIÊN QUAN
Một thanh niên dùng nỏ săn bắn loạn xạ, khiến 3 người bị thương
Một nam thanh niên ở Nghệ An vô cớ cầm nỏ đã lắp sẵn tên, lao ra đường, truy đuổi bắn trọng thương 3 người, rồi nhanh chóng tẩu thoát khỏi hiện trường.
Nhìn những đống bẫy, chúng tôi rợn người nghĩ không biết sẽ có bao nhiêu thú bị chết trong rừng nếu kiểm lâm và nhân viên quản lý rừng không xuất hiện kịp thời. Ông Thủy kể, mới đây khi đi vào rừng Chư Mom Ray, gặp một bộ xương khỉ dưới đất, anh em trong đoàn ai cũng chạnh lòng, cảm thấy như mình có lỗi.
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Chư Mom Ray), cho biết đơn vị vừa tiếp nhận con heo rừng nặng 11 kg bị dính bẫy ở chân. Anh em kiểm lâm đưa về trung tâm, vừa thả ra nó đã nhảy vào cắn người, đành tiêm thuốc an thần cho nó rồi đưa vào chuồng chăm sóc. Có điều con heo rừng không chịu ăn, uống, vết thương lở loét rồi chết. “Có nhiều trường hợp thú dính bẫy được đưa về mà cứu không được”, ông Tuấn nói.
Các nhân viên kiểm lâm cho biết mùa khô rất ít bẫy, nhưng đến mùa mưa thì xuất hiện khắp nơi, từ mặt đất đến cây cao. Theo ông Thuỷ, cán bộ đơn vị phải vất vả ngày đêm bám rừng và đặc biệt phải có kinh nghiệm, chịu khó mới có thể phát hiện được những cái bẫy được đặt rất tinh vi.
Đến Trạm bảo vệ rừng Ia Bốc, nghe chúng tôi hỏi về bẫy rừng, ông Từ Tấn Khanh, Trạm trưởng, cho biết đơn vị có 4 anh em quản lý hơn 5.000 ha rừng, chia nhau mỗi người quản hơn 1.000 ha. “Mùa này ít lo lâm tặc hơn lo bẫy thú rừng. Anh em phải thường xuyên vào rừng để tìm, gỡ bẫy, cứu thú mắc bẫy”.
TIN LIÊN QUAN
Kỳ lạ con bê có đến 8 chân, có người đòi mua gần trăm triệu
Đây là lần đầu tiên người dân ở đây chứng kiến con bê 4 ngày tuổi có nhiều chân đến như vậy.
Ông Khanh còn cho biết không phải người nào đi đặt bẫy cũng nhớ chỗ, nên có khi gặp thú chết trong bẫy rất thương tâm. Thế nhưng để phát hiện bẫy không phải dễ, vì người đặt bẫy ngụy trang, che phủ cành lá rất kín đáo. “Không cẩn thận, chân đạp phải bẫy thú lớn, một mình gỡ không nổi”, ông Khanh nói. Nhiều năm gỡ bẫy nên các cán bộ có kinh nghiệm, cứ xác định khu vực nào nhiều thú thì chắc chắn nơi đó người dân sẽ đặt nhiều bẫy. Có hôm đi qua rồi không thấy bẫy, hôm sau quay lại thì bẫy đã đặt la liệt. Để tiện đi lại, cứ mỗi lần vào rừng gỡ bẫy, cán bộ nhân viên Trạm Ia Bốc chuẩn bị tăng võng, thức ăn, nước uống vài ba ngày để ăn ngủ luôn trong rừng.
Ông Đào Xuân Thuỷ cho biết Vườn quốc gia Chư Mom Ray rộng trên 56.000 ha, có 1.534 loài thực vật và 718 loài động vật. Việc quản lý, bảo vệ rừng ở đây vô cùng phức tạp. Đã vậy, từ khi phát hiện thú bị dính bẫy mỗi năm một nhiều thì cán bộ, nhân viên, trạm kiểm lâm, bảo vệ rừng ở đây lại gánh thêm nhiệm vụ đi gỡ bẫy. Ông Thủy than: “Mới đầu mùa mưa mà anh em đã đếm được vài trăm cái bẫy rồi. Ngày nào vào rừng về tay cầm lủng lẳng 5 – 7 cái bẫy lại thấy lo lắng đến ám ảnh cho những con thú. Không biết đến bao giờ các loài thú trong rừng mới được bình yên”.
Phạm Anh