11/01/2025

Dân cồn Dơi tuyên chiến với ‘cát tặc’

Đang ngồi uống trà với người bạn, nghe tiếng chó sủa bên mé sông, ông Nguyễn Văn Lai tay xách ná thun lật đật chạy ra đứng trên bờ bao cồn Dơi ngó ra sông Tiền. Ông đang làm nhiệm vụ canh “cát tặc”.

 

Dân cồn Dơi tuyên chiến với ‘cát tặc’

 Đang ngồi uống trà với người bạn, nghe tiếng chó sủa bên mé sông, ông Nguyễn Văn Lai tay xách ná thun lật đật chạy ra đứng trên bờ bao cồn Dơi ngó ra sông Tiền. Ông đang làm nhiệm vụ canh “cát tặc”.

 

 

 

Dân cồn Dơi tuyên chiến với 'cát tặc'
Tổ phòng chống “cát tặc” cồn Dơi xua đuổi ghe hút trộm cát trên sông Tiền – Ảnh: Mậu Trường

“Khi họ khiến mảnh đất của tổ tiên chúng tôi lở, nhà chúng tôi trôi sông thì còn gì đáng sợ hơn?

Bà Hồ Thị Bé

Không chỉ ông Lai mà toàn bộ người dân cồn Dơi (xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) giờ đây đều nhận công việc canh những kẻ hút trộm cát.

Bởi cát còn bị hút là còn lo lở đất cồn, lo nhà cửa vườn tược nhảy sông. Cả nỗi lo bị “cát tặc” hăm doạ trả thù.

Nhưng từ khi bà con hợp sức lại, đặc biệt mới đây UBND xã Tân Phú ra quyết định thành lập tổ phòng chống “cát tặc”, tình hình đã thay đổi.

Cuộc chiến dằng dai

Năm trước, có lần nghe tiếng ghe hút cát ì ầm ngoài mé sông, ông Lai đứng trên bờ hò hét đuổi đi nhưng không ăn thua. Sốt ruột quá nên ông cùng một người dân chèo ghe ra tận nơi…

Tưởng những người hút cát trộm sẽ sợ mà bỏ đi, ai dè họ còn thách thức. Ông Lai và “đồng đội” nhảy lên ghe cát thì bất ngờ đám “cát tặc” dùng vòi rồng xịt cả hai văng xuống sông. “Cũng may dân sông nước nên biết bơi chứ không là toi mạng rồi” – ông Lai nhớ lại.

Sau lần chạm mặt đó, ông Lai và người dân xóm cồn Dơi hiểu ra rằng không thể nói chuyện phải quấy với đám “cát tặc”, mà phải dùng biện pháp mạnh hơn.

Cầm trên tay chiếc ná thun, bà Hồ Thị Bé (67 tuổi) kể cách đây vài tháng, trong một lần đi tuần ban đêm, phát hiện ghe hút trộm cát chong đèn, bà đã dùng ná thun bắn bể đèn khiến ghe cát phải tháo chạy.

Là phụ nữ, lại lớn tuổi nhất trong đội nhưng cuộc tuần tra đêm nào cũng có mặt bà Bé. “Hồi trước, mấy ổng xuống ghe để ra sông xua đuổi ghe trộm cát thì tụi tôi đứng trên bờ hò hét phụ hoạ thêm để gây áp lực. Nhưng rồi thấy bọn “cát tặc” cứng đầu, manh động lại vừa lo cho anh em nên mấy lần sau cũng theo ghe ra sông luôn” – bà Bé nói.

Nhưng mọi chuyện đâu có suôn sẻ vậy. Trước đây muốn chống “cát tặc”, dân trong xóm mượn ghe ra đẩy đuổi.

Nhưng rồi các chủ ghe bị hăm doạ trả thù nên họ sợ, không ai dám cho mượn ghe. Không chỉ hăm doạ, chống trả trên sông, kẻ xấu còn chặn đường doạ đánh, nhắn tin hăm doạ….

Nhưng quyết tâm chống “cát tặc” của người dân cồn Dơi không cho phép họ chùn bước. “Mỗi một ghe cát bị hút trộm thì đất của cồn Dơi lại sạt xuống sông một ghe.

Có khi đó là cả gia tài của một đời người, của ông cha để lại nên tụi tôi quyết tâm chống “cát tặc” đến cùng.

Thế là mỗi người góp ít tiền mua chiếc ghe loại 2 tấn trị giá 16 triệu đồng đề đi tuần tra” – ông Lai, tổ trưởng tổ phòng chống “cát tặc”, cho biết.

Dân cồn Dơi tuyên chiến với 'cát tặc'
Đi tuần tra trên sông Tiền – Ảnh: Mậu Trường

Đất lở, nhà trôi sông thì còn gì đáng sợ hơn?

Ngồi trong căn nhà mới cất nằm cách bờ bao cồn Dơi khoảng 50m, bà Đào Thị Hồng Thu (53 tuổi) thẫn thờ nhìn ra phía sông Tiền nói: “Đoạn sông này trước là đất cha ông chúng tôi lập nghiệp. Chỉ khoảng sau vài năm bị hút cát rầm rộ, 2 công đất đã trôi xuống sông. Căn nhà tường được xây dựng kiên cố cũng phải đập bỏ để xây lùi vào phía sau”.

Cạnh nhà bà Thu, nhà của anh Nguyễn Văn Phong nằm cheo leo bên bờ sông Tiền.

Trước đây, khi lập gia đình anh ra ở riêng cạnh mé sông nhưng không ngờ đất cồn lở nhanh đến vậy: chỉ sau 2 năm, toàn bộ gian nhà trước đã nằm gọn dưới lòng sông, vợ chồng anh cùng các con lại phải lùi vào phía trong ở chung với cha mẹ.

Theo ông Nguyễn Văn Lai, hầu hết người dân trên cồn Dơi nằm cặp mé sông đều bị mất từ 1-3 công đất trong khoảng 5 năm trở lại đây.

“Ngay như nhà tôi, nhà có 7 công đất nhưng hiện giờ còn lại khoảng 4 công, số còn lại đã bị lọt sông hết” – ông Lai nói.

Dù tình trạng hút cát hiện nay đã giảm nhưng hậu quả để lại rất nặng nề. Có đi dọc theo cồn Dơi mới cảm nhận được hết sự mất mát của người dân nơi đây.

Đứng trên phần đất nhà mình, ông Lai cho biết do tình trạng hút cát trộm sát bờ nên độ sâu của sông ngay chân cồn dường như thẳng đứng và có thể sạt lở bất cứ lúc nào.

“Người dân ven cồn tự bỏ tiền ra mỗi người 50 triệu đồng mua đá về để kè bờ nhưng không ngăn nổi tình trạng sạt lở” – ông Lai nói.

Do nhà nào cũng bị mất đất nên khi thành lập tổ phòng chống “cát tặc”, tất cả bà con trên cồn đều đồng ý. Những người nằm gần mé sông thì trực tiếp đi tuần tra cả ngày lẫn đêm, còn những người phía trong thì ủng hộ tinh thần, nếu phát hiện “cát tặc” cũng sẽ báo về tổ phòng chống “cát tặc”.

Khi được hỏi có sợ “cát tặc” trả thù, tất cả người dân ở đây đều cho biết đã qua rồi cái thời người dân sợ “cát tặc” trả thù. “Trái lại giờ “cát tặc” phải xem chúng tôi là nỗi kinh hoàng của họ” – bà Bé nói.

Bắt 3 vụ, đẩy đuổi hàng chục vụ khác

Ông Trần Hoàng Liêm, chủ tịch UBND xã Tân Phú, cho biết do điều kiện lực lượng công an ở xa những điểm nóng về “cát tặc” nên khi nhận tin báo và đến nơi thì các ghe hút trộm cát có đủ thời gian bỏ chạy, gây khó khăn cho việc xử lý.

Nhu cầu về một lực lượng phản ứng nhanh tại chỗ rất cần thiết. Do đó, chính quyền xã đã thành lập tổ phòng chống “cát tặc” tại cồn Dơi vào tháng 6-2017.

“Tổ phòng chống “cát tặc” là điển hình trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, đã đẩy lùi tình trạng khai thác cát trái phép trên sông” – ông Liêm nói.

MẬU TRƯỜNG